THAY ĐỔI CÁCH DẠY, CÁCH HỌC CHỨ KHÔNG ĐƯỢC BỎ MÔN SỬ!

Thứ sáu - 11/09/2015 14:14

(NCTG) “Vấn đề của môn lịch sử hiện nay, trước tiên và trên hết là chỉ có một góc nhìn và học sinh buộc phải nhìn theo cái góc đó, nếu nhìn khác thì chắc chắn sẽ bị cho là không đúng”.

Môn sử với cách dạy và học như hiện tại rất nhàm chán - Minh họa: Internet

Môn sử với cách dạy và học như hiện tại rất nhàm chán - Minh họa: Internet

Những năm gần đây, việc học sinh tỏ ra chán học môn lịch sử là điều ai cũng có thể nhận thấy. Đặc biệt gần đây, trong chương trình đổi mới, khi học sinh được quyền tự chọn môn thi tốt nghiệp thì tỉ lệ chọn môn lịch sử là rất thấp, nếu không muốn nói là gần như không có.

Vậy thì tại sao học sinh bỏ chọn môn lịch sử? Câu trả lời rất đơn giản, tại vì cách dạy, cách học môn lịch sử hiện nay quá chán.

- Chán như thế nào? Cô giảng, đọc còn trò thì chép. Nói ví von thì học sinh giờ không khác gì con bò nhai lại, trong khi con người thì không thể và không bao giờ được giống con bò.

- Vậy nên dạy và nên học như thế nào? Có lẽ trước tiên phải định nghĩa lại thế nào là lịch sử? Tại sao lại cần học lịch sử? Cần tiếp cận lịch sử như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng lịch sử là cái đã xảy ra mà chúng ta không thể nào biết hết được về nó. Chúng ta không thể nào biết hết được vì những gì chúng ta được biết ngày hôm nay là do cái nhìn của những người đi trước kể lại, rồi chúng ta lại ghi nhận, giải mã cái nhìn đó theo góc nhìn riêng của mình.

Mà mỗi người một góc nhìn thì sao có thể nắm trọn được cái đã xảy ra đó? Chúng ta không bao giờ có thể có cái nhìn bao quát được hết lịch sử mà chỉ có thể tiệm cận được nó. Càng có nhiều góc nhìn thì bức tranh lịch sử càng hoàn thiện.

- Vậy tại sao cần học lịch sử trong khi tôi không cần biết hôm qua như thế nào thì hôm nay có thể tôi vẫn sống sung sướng? Thật ra lịch sử là một môn học rất bổ ích và không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người.

Biết về lịch sử trước tiên là để tránh khỏi những sai lầm của quá khứ, để có thể nhìn vào và hoàn thiện mình hơn. Nói nôm na như là hồi mông muội ăn thịt sống, có lửa thì biết thịt chín ngon hơn.

Hoặc đơn giản, bị Trung Quốc chơi xỏ mấy nghìn năm, giờ ai cũng biết câu “thâm như Tàu”, nhưng để biết “ông anh” thâm như nào thì phải học lịch sử để rút ra bài học, để đừng bị nó xỏ nữa (nếu bị xỏ tiếp thì chứng tỏ học chưa tới nơi, lại học tiếp).

-Thế thì tiếp cận lịch sử như thế nào? Như đã nói ở trên, càng mở ra nhiều góc nhìn càng tốt. Vấn đề của môn lịch sử hiện nay, trước tiên và trên hết là chỉ có một góc nhìn và học sinh buộc phải nhìn theo cái góc đó, nếu nhìn khác thì chắc chắn sẽ bị cho là không đúng.

Điều này khiến môn lịch sử rất nhạt nhẽo, khô khan, không kích thích tư duy, thậm chí khiến người học có cái nhìn cực đoan, một chiều, rất phản nhân văn.

Vấn đề thứ hai là môn lịch sử chỉ đọc chép gây nhàm chán khủng khiếp. Nhiều khi chính học sinh không hiểu nổi tại sao những điều đó lại xảy ra như vậy? Và như vậy, rốt cục thì ý nghĩa của môn lịch sử là gì?

Môn này dùng để làm gì? Nó có tác dụng gì trong đời sống của mình? Có ai nói lịch sử mà ra tiền, ra thức ăn ngon, ra quần áo đẹp đâu? Và hầu hết học sinh chán học lịch sử đều nghĩ vậy.

Người ta chỉ nhớ nhất khi chính người ta trải qua cái điều đó. Cần tổ chức lớp học để chính người học là người trải qua cái lịch sử đó, cảm nhận về giai đoạn đó, có cái nhìn riêng về giai đoạn đó.

Làm vậy có tác dụng gì? Làm vậy thì người học sẽ phải tự vận động, tự tìm tòi, tự đặt mình vào bối cảnh lịch sử đó, tự có cái nhìn riêng... cái gì cũng tự mình để từ đó hiểu mình, hiểu lịch sử để đừng có đi vào chính vết xe đổ của lịch sử.

Cách dạy như hiện nay là rất chán, rất dở và chỉ tạo ra những chuyên gia đi vào vết xe đổ của lịch sử mà thôi.

Bởi vậy, không thể bỏ môn lịch sử mà chính Bộ Giáo dục phải thay đổi cách dạy, cách học đối với môn học này. Đừng bao giờ đổ tại lịch sử mà phải hỏi lại chính mình tại sao để lịch sử ra như vậy!

Nguyễn Phương Dung, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn