ĐỀU LÀ NHỮNG CON NGƯỜI...

Thứ tư - 16/09/2015 02:47

(NCTG) “Trước khi nói đến xuất thân và tôn giáo, tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Cũng có gia đình, người thân. Cũng biết yêu thương, giận hờn, oán ghét”.

Tác giả Trần Quỳnh Vi

Tác giả Trần Quỳnh Vi

Dạo này hay đọc những bình luận trên các bài về người tỵ nạn và người nhập cư ở Châu Âu, thấy đề cập đến vấn đề “hội nhập” và sự lo lắng của dân “bản xứ” từ những người vốn đang sống trên mảnh đất không phải là nơi họ sinh ra, tôi cứ thấy bản thân hình như không bình thường.

Có lẽ vì tôi ở Mỹ, đất nước được dựng nên và kiến tạo đến ngày nay bởi những người di dân và do những người di dân. Và hàng năm, con số người muốn được định cư ở Mỹ vẫn rất lớn. Vì tôi vốn là một người tỵ nạn, cho nên tôi chưa bao giờ có ác cảm với người di dân hay tỵ nạn khác.

Cũng vì tôi cũng là công dân Mỹ, tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi, cái bi ai và cả căm giận những kẻ khủng bố nhân danh Hồi giáo cực đoan. Bản thân tôi, khi đứng ở đài tưởng niệm các nạn nhân 9-11 cũng đã có một ao ước là những kẻ đã gây ra tội ác này phải bị trừng phạt thích đáng.

Tuy nhiên, tôi không hề nhìn những người Hồi giáo khác xung quanh tôi với ánh mắt e dè nghi kỵ. Tôi có những người bạn nam giới là người Trung Đông và theo đạo Hồi. Trước khi nói đến xuất thân và tôn giáo, tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Cũng có gia đình, người thân. Cũng biết yêu thương, giận hờn, oán ghét.

Từng bị bọn trẻ da trắng vô tâm nói một câu “mày hãy trở về lại cái nơi mà mày đã ra đi từ đó đi!” khi mới học lớp 7, tôi không thể nào không có sự đồng cảm với những người Syria ở rải rác các nơi trên thế giới hiện nay.

Vì như họ, tôi đã từng bị đánh giá, bị khinh miệt bởi những thứ không do tôi tạo ra hay có thể thay đổi được. Hơn ai hết, tôi cứ nghĩ những người như tôi đáng lý nên có cũng một sự thương cảm này đối với người tỵ nạn Syria.

Đừng nói là họ đang chạy trốn IS (đúng thế, cái nơi mà người dân bị mang ra chặt đầu và giết hại thảm khốc), cho dù là họ vì lý do kinh tế đi chăng nữa, thì điều đó có gì sai trái đâu. Cả trăm ngàn con người từ khắp nơi mong muốn được đến Mỹ hàng năm đều chẳng là vì lý do kinh tế đó hay sao?

Nói cho cùng, hơn 20 năm ở Mỹ tôi có thể dễ dàng xóa bỏ quá khứ tỵ nạn của bản thân và gia đình. Có thể dễ dàng quên tiếng Việt. Có thể dễ dàng coi bản thân là “người bản xứ”, nhưng tôi không thể nào dùng tất cả những thứ ấy để kỳ thị và nhìn những người khác bằng ánh mắt nghi ngờ vì những lý do mà họ không thể nào khống chế được.

Bởi vì khi tôi đến bất cứ nơi đâu, khi được hỏi tôi từ đâu đến, tôi vẫn nói, tôi là người Việt Nam... (*).

Ghi chú (của NCTG):

(*) Tác giả là thành viên của Luật sư đoàn California, chủ Văn phòng luật sư Vi K. Tran tại San Jose và là thành viên Ban điều hành Hiệp hội Luật sư Tranh tụng hạt Santa Clara. BTV “Luật khoa Tạp chí”.

Trần Quỳnh Vi, từ California (Hoa Kỳ)


 
 Từ khóa: tỵ nạn, di dân
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn