Chuyên gia về di trú: “CHÚNG TA CẦN MỞ BIÊN GIỚI!”

Thứ tư - 23/09/2015 15:36

(NCTG) Chuyên gia về di trú François Gemenne cho rằng biên giới thông thoáng hay được canh phòng cẩn mật không có ảnh hưởng tới số lượng người tỵ nạn, mà chỉ có ảnh hưởng đến số lượng người thiệt mạng.

Các chuyên gia về di trú và xã hội học Hung cũng cho rằng, không một bức tường hay hàng rào nào có thể ngăn cản người tỵ nạn đi tìm đường sống - Ảnh: Gémes Sándor (szegedma.hu)

Các chuyên gia về di trú và xã hội học Hung cũng cho rằng, không một bức tường hay hàng rào nào có thể ngăn cản người tỵ nạn đi tìm đường sống - Ảnh: Gémes Sándor (szegedma.hu)

Lời Tòa soạn: François Gemenne sinh năm 1980 tại Bỉ, theo học khoa Chính trị tại Science Po, trường đại học danh tiếng của Pháp và hiện ông là một trong các chuyên gia hàng đầu về di trú.

Cuộc trao đổi sau đây với ông được thời báo Thụy Sĩ "Tages Anzeiger" đăng từ tháng 4 năm nay, khi cuộc khủng hoảng tỵ nạn bắt đầu được cả Châu Âu để tâm.

Bản dịch Việt ngữ do Thanh Mai thực hiện từ bản tiếng Czech, có tham khảo và đối chiếu với nguyên bản tiếng Đức. Trân trọng giới thiệu.
 
Chuyên gia về di trú François Gemenne
Chuyên gia về di trú François Gemenne

Francois Gemenne, một trong những chuyên gia về di trú được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian gần đây bảo vệ luận thuyết cho rằng vì những thảm kịch tỵ nạn đang diễn ra trên Địa Trung Hải, Châu Âu cần mở hoàn toàn biên giới của mình và nhận toàn bộ người tỵ nạn.

- Điều đó nghe thật điên rồ.

Ngược lại, đó chính là cách giải quyết vấn đề đơn giản nhất. Một khi chúng ta mở cửa biên giới, những kẻ đưa người lậu sẽ mất đi mô hình kinh doanh của mình. Phần đông mọi người đều nghĩ là mở cửa biên giới thì làn sóng tỵ nạn sẽ tức khắc tràn ngập khắp nơi, bởi vì việc này sẽ thúc đẩy tất cả những gì gọi là “thế giới thứ ba” đến với chúng ta. Trong thực tế thì biên giới đóng hay mở lại chẳng có ảnh hưởng gì, hoặc là ảnh hưởng rất nhỏ.

- Luận thuyết của anh đi ngược lại với tất cả các bản năng, logic và kinh nghiệm.

Về bản chất, tồn tại hai lý do khiến người ta quyết định đi lưu vong: hoặc là để bảo toàn mạng sống, nếu không thì sẽ bị tống vào lao tù, để chạy trốn chế độ độc tài hoặc chiến tranh. Hoặc là để nâng cao mức sống của mình và giúp đỡ những người thân trong gia đình. Cả hai yếu tố này đều chẳng có gì liên quan đến chuyện biên giới đóng hay mở, tường cao hay các chính sách trục xuất nghiêm khắc ở đất nước mà họ hướng đến, đều không làm họ từ bỏ ý định.

Điều này đi ngược với bản năng bình thường nhưng đó là thực tế. Tác dụng của việc đóng cửa biên giới là ở chỗ nó làm cuộc di trú trở nên bất hợp pháp và nguy hiểm hơn. Mở cửa biên giới, các bạn vẫn có ngần đó người tỵ nạn, nhưng tất cả đều sống thoát. Đóng cửa biên giới, một phần trong đó sẽ bị thiệt mạng. Đó là sự khác biệt duy nhất.

- Anh có thể chứng minh điều này?

Khi người Ý cứu được hầu hết tất cả dân tỵ nạn khỏi chết đuối nhờ vào chương trình Mare Nostrum, thì những người ủng hộ cho việc đóng cửa biên giới cho rằng việc cứu hộ này chỉ thúc đẩy người ta di cư, và tiếp tay cho những kẻ dẫn đường. Sau đó, khi chương trình cứu hộ bị hủy bỏ và được thay bằng việc kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, lượng người tỵ nạn còn đông hơn nữa.

Hoặc là các bạn có thể thấy qua việc xây bức tường bảo vệ giữa USA và Mexico. Nó có ảnh hưởng gì đến số lượng người Mễ di cư? Không. Và ngược lại: trong mọi trường hợp, “bức màn sắt” sụp đổ không gây nên bất cứ làn sóng di cư vì kinh tế không kiểm soát nổi nào từ Đông Âu sang Tây Âu, như nhiều người đã từng lo ngại trong những năm 90.

Việc mở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal cũng diễn ra hệt như thế. Lòng quyết tâm và ý muốn ra đi là điều phụ thuộc vào các yếu tố mang tính cốt yếu và vượt ra ngoài mọi chính sách nhập cư.

Nếu như vẫn còn một chính sách thuận lợi cho các đường dây đưa người xuất hiện, thì việc buôn bán với con người sẽ còn tiếp tục.

- Hẳn là anh đã cay đắng thất vọng với các hội nghị về vấn đề tỵ nạn của Liên Âu?

Chắc chắn rồi. Châu Âu đang cố gắng đơn giản hóa vấn đề di cư thành cuộc chiến với các đường dây đưa người bất hợp pháp. Thay vì thi hành một chính sách nhập cư kín kẽ đầy đủ và lâu dài - và để làm việc này, không thể không có một con đường hợp pháp cho phép vào Châu Âu, EU lại dùng các lực lượng cảnh sát. Nếu như một chính sách có lợi cho các đường dây đưa người xuất hiện, vẫn còn có hiệu lực, thì việc buôn bán với con người sẽ còn tiếp tục.

- Châu Âu không thể tiếp nhận tất cả những người nghèo khổ của cả thế giới, mặc dù về mặt nhân đạo đây là việc làm đúng đắn.

Tôi hoàn toàn không phản đối rằng việc nhận tỵ nạn ồ ạt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các các nước tiếp nhận tỵ nạn. Nhưng tôi xin nhắc lại, việc đóng hay mở biên giới không làm thay đổi số người đến. Một sự hiểu lầm rất phổ biến nữa là chỉ có những người nghèo nhất trong những người nghèo nhất mới bỏ đi lưu vong.

Trong thực tế, người có thể trả được món tiền lớn cho các dịch vụ dẫn đường thường có một cuộc sống sung túc ở mức khiêm nhường.

- Đó lại là lý lẽ của những người bảo vệ cho việc khóa chặt biên giới và đuổi hết dân tỵ nạn. Theo câu hỏi: tại sao lại phải tiếp nhận những người mà chẳng nghèo khó tẹo nào?

Như một người nghiên cứu, nhiệm vụ của tôi không phải là đưa ra những phán xét về mặt chính trị hay đạo đức để bắt phải trục xuất ai đó.

Cũng là sai lầm khi cho rằng sự chênh lệch giàu nghèo giữa hai nước là yếu tố làm người ta di cư bất hợp pháp. Ngược lại, sự chênh lệch giàu nghèo càng nhỏ, dòng di cư càng lớn. Ví dụ dòng di cư từ Châu Phi là do các nước tương đối sung túc như Marocco, Tunisia, Bờ Biển Ngà, Senegal, Angola, nhưng các nước như Cộng hòa Trung Phi hay Sierra Leone còn nghèo hơn nhiều. Những người nghèo quả thật không thể có điều kiện di cư.

- Anh có thấy ý kiến của mình khi tranh luận về đề tài chính sách nhập cư là hoàn toàn ngoại cuộc không?

Rất nhiều các nhà khoa học có một thời gian dài nghiên cứu đề tài này đã đi đến cùng một kết luận. Dĩ nhiên là chẳng có nhà nước nào dám thực hiện theo những lời tư vấn của chúng tôi bởi một phần lớn công luận bám vào các nhận định sai lầm và lớn tiếng phản đối việc mở cửa biên giới. Phần lớn các đòi hỏi của chúng tôi bị nhìn nhận như một sự điên rồ thuần túy.

Nhưng chỉ mới đây thôi chúng ta cũng nghĩ hệt như vậy cả trong việc hợp pháp hóa ma túy, bây giờ thì chúng ta nghiêm túc thảo luận về việc này. Liên quan đến người nhập cư, vấn đề cơ bản là hố sâu ngăn cách giữa ghi nhận của công luận về hiện tượng này và trải nghiệm thực tế. Một phần ghi nhận này bị các đảng phái hay hội đoàn bài ngoại cố tình thêu dệt, một phần thì nó cũng ứng với logic tự nhiên. Mà di cư thì không hoạt động trên các nguyên tắc của logic tự nhiên.

- Liệu trong thời gian sắp tới các chính sách sẽ tính đến các phát hiện và luận thuyết của anh?

Không, chắc là không. Các quyết định mang tính chính trị hiện nay đang đi theo chiều hướng ngược lại, các thay đổi có tính khuôn mẫu có lẽ sẽ không xảy ra.

- Các thảo luận liên quan đến người tỵ nạn thường nhiều cảm xúc. Đã bao giờ anh bị đe dọa chưa?

Tôi thường xuyên nhận được thư đe dọa và bị dọa giết. Nhưng tất cả những ai nghiên cứu về dân di cư đều phải tính đến điều này.

Thanh Mai chuyển ngữ, từ Praha


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn