CẦU NGUYỆN CHO PARIS - CẦU NGUYỆN CHO LÒNG BAO DUNG
Thứ tư - 18/11/2015 04:19
(NCTG) “Người Paris mở cửa cho du khách trú chân, họ làm ngay, thậm chí chấp nhận rủi ro có thể có kẻ khủng bố đang ở ngoài. Không hiểu có ai cũng đang cười họ thiếu lý trí không?”.
Biểu tượng của Paris vẫn mở cửa sau những giờ khắc kinh hoàng - Ảnh: Jacky Naegelen (Reuters)
Cả thế giới quay cuồng vì cuộc tấn công vừa xảy ra tại Paris. Nhưng có một cuộc chiến còn khiến ta buồn lòng hơn cả, đó là cuộc chiến mà cư dân mạng cũng đang quay cuồng: treo hay không treo cờ Pháp?
Sau khi thảm họa tàn khốc nhất ở nước Pháp xảy ra, Facebook đã đưa ra tính năng chuyển tạm thời hình đại diện (avatar) trên tài khoản Facebook thành quốc kỳ Pháp. Tính năng này đã gây ra một cuộc tranh cãi “không hề nhỏ” trong cộng đồng mạng.
Cuộc tranh luận “treo hay không treo” thậm chí còn nóng sốt hơn cả việc truy tìm hung thủ của các vụ tấn công.
Nhiều ý kiến lên án gay gắt phe “treo cờ”, viện dẫn nhiều lý do.
Chẳng hạn, treo cờ Pháp là a dua, vì hằng ngày, vẫn có hàng ngàn người Syria, Lybia... chết vì nội chiến (nguyên nhân của cuộc nội chiến này có liên quan đến một phần đến các nước Phương Tây hay không thì sẽ bàn sau). Cách đây chỉ vài ngày, Lebanon cũng vừa chịu một cuộc đánh bom làm 43 người chết nhưng không ai cảm thông. Như vậy có phải là bất công với người Lebanon, Syria không?
Hoặc giả, tại sao cuộc sống quanh mình còn nhiều bất công, bạn không lên tiếng, lại bất công và khóc thương cho những việc cách xa hàng ngàn cây số?...
Có vẻ như chúng ta đang dành nhiều thời gian và công sức để lên án và phán xét. Cư xử khác mình, lên án, ủng hộ cái này (mà chưa chắc là phản đối cái kia) cũng lên án. Quyết tâm phán xét tỏa ra từ những câu từ khiến người đọc là tôi cũng thấy mệt, dù không treo cờ.
Tôi tự hỏi, điều gì, cảm xúc nào khiến những người phản đối thỏa mãn, khi họ chứng tỏ được nhóm treo cờ kia là giả dối, đạo đức giả, a dua, anh hùng bàn phím (nếu thật sự là thế)? Sự hãnh diện của người thắng cuộc? Hay sự tự hào của người trí tuệ hơn đám đông?
Rốt cuộc, sau những tranh cãi này, chúng ta làm được gì cho những người đã thiệt mạng, dù trong bất kỳ cuộc chiến nào? Sao ta không thể bao dung hơn với một sự chia sẻ, dù là tạm thời, dù là tương đối dễ dàng?
Trong cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”, tác giả Đặng Hoàng Giang viết, bức xúc ban đầu là một trạng thái tích cực, vì nó dường như ngược lại với sự thờ ơ hay vô cảm mà người ta hay lên án.
Tuy nhiên, khi đã trở nên thời thượng, nó được dùng với các mục đích khác nhau. Khi “bức xúc”, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn.
Tôi không chắc những người lên án có cảm thấy họ cao hơn người khác không. Ngoài việc đó, họ còn cảm thấy gì? Tôi chưa dám hỏi.
Tôi đoán, thế nào tôi cũng bị họ phán xét, rằng cảm tính, không lý trí... Nhưng nếu có trong cuộc tranh luận này, tôi xin nhận phần thua. Vì tôi cảm thấy cần bao dung hơn là lý trí.
Người Paris mở cửa cho du khách trú chân, họ làm ngay, thậm chí chấp nhận rủi ro có thể có kẻ khủng bố đang ở ngoài. Không hiểu có ai cũng đang cười họ thiếu lý trí không?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...