(NCTG) “Mỗi chúng ta là nạn nhân, nhưng có thể mỗi chúng ta cũng chính là kẻ khủng bố”.
Minh họa: Internet
13-11-2015 là một ngày đen tối trong lịch sử nhân loại, ghi dấu tội ác kinh tởm của quân khủng bố tấn công Paris, khiến gần 150 thường dân thiệt mạng trong ngày thứ Sáu đau thương này.
Nước Pháp để quốc tang trong ba ngày, cả thế giới cầu nguyện cho những nạn nhân, mạng Facebook cũng tràn ngập hình ảnh lá cờ tam tài, biểu tượng của ba giá trị nền tảng Tự do - Bình đẳng - Bác ái của nền cộng hòa Pháp.
Trong khi đó, số người chết vì căn bệnh ung thư ở Việt Nam là hơn 200 người mỗi ngày và các nạn nhân ngày càng có xu hướng trẻ hoá.
Ai cầu nguyện cho các nạn nhân đó và ai đang là kẻ khủng bố?
Nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh ưng thư là do vấn đề thực phẩm bị đầu độc và không khí đang ngày càng bị ô nhiễm nặng.
Lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng trong rau quả là vượt quá quy định rất nhiều lần. Thịt thì cũng có các chất tăng trọng bị cấm, trước đây nuôi một con lợn đạt khoảng 60 kg để xuất chuồng phải mất 6 tháng, nay với các chất tăng trọng chỉ mất có 3 tháng.
Người trồng trọt không dám ăn các sản phẩm do mình trồng, nếu có thì là có một khoảng đất riêng để trồng. Người chăn nuôi không dám ăn những con vật mình nuôi bằng chất tăng trọng. Đó là chưa kể những chuyện dùng chất bị cấm để bảo quản thực phẩm.
Những gia đình khá giả một chút thì chung nhau mua một con lợn do một gia đình nào đó trong quê nuôi và tin rằng như thế đảm bảo hơn. “Giàu” hơn thì mua thực phẩm từ nước ngoài.
Đầu năm tôi về thăm nhà, đến chơi với một bạn học, thấy gia đình anh ta có đến bốn (4) cái tủ đá dưới bếp, hỏi là sao nhiều tủ thế?
Vợ anh ta bảo, để chứa thực phẩm ăn dần mà anh.
Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi sao không mua ít một cho tươi, chợ ngay đây mà?
Anh bạn nhìn tôi như nhìn một UFO rồi bảo, toàn thực phẩm mua từ nước ngoài về đấy, mua đồ ở Việt Nam để ung thư mà chết hả?
Ngay Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cũng phải thốt lên trong phiên họp ngày 17-11-2015: “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”.
Một vấn đề nữa là vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Cách đây khoảng ba chục năm tất cả các hồ ao, mương máng nước còn trong veo, cá tôm bơi lội... và trẻ con chúng tôi thường nhảy xuống tắm mỗi khi hè về.
Nhưng bây giờ tất cả hồ ao ở Hà Nội đã chết, không ai dám xuống tắm ở đó vì nước đen ngòm. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện, v.v... tất cả đều không qua lọc rửa, mà đổ thẳng ra môi trường.
Rồi chúng lại ngấm vào nước ngầm và lại được bơm lên, lọc qua và sử dụng.
Thực phẩm, nước uống thì có thể nhập khẩu dành cho những người giàu nhưng còn không khí thì sao? Có thể nhập khẩu từ nước ngoài để dùng được hay không?
Ngày 17-10-2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người.
Theo WHO, ô nhiễm không khí đô thị làm khoảng 800.000 người chết và 4,6 triệu người giảm tuổi thọ trên thế giới mỗi năm.
Hai phần ba số người chết và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí thuộc các nước đang phát triển ở châu Á.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) ngày 16-10-2015 cũng tuyên bố rằng ô nhiễm không khí là một nguyên nhân dẫn đến gây ung thư, cùng với những tác nhân nguy hiểm khác được biết đến như amiăng, thuốc lá và bức xạ tia cực tím.
Còn ở Việt Nam, ngoài các lý do trên, nguyên nhân chính gây ra nạn ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM là do khí thải của các phương tiện giao thông, mà chất lượng xăng dầu thấp là tác nhân chính.
Hiện nay trên thế giới phần lớn các nước đang dùng xăng dầu theo tiêu chuẩn EURO 5 và Châu Âu đang tiến tới dùng EURO 6. Thế nhưng Việt Nam vẫn dùng theo tiêu chuẩn EURO 2 và có khi còn không đạt chuẩn.
Xăng dầu chất lượng càng thấp thì độc tố thải ra môi trường càng lớn và ngược lại. Cùng với nạn chất lượng xăng dầu thấp, chất lượng xe cũng thấp, đặc biệt là xe buýt.
Ở các nước Châu Âu, xe có tuổi thọ trên 10 năm là bị cấm đi vào khu vực trung tâm nếu không có tem kiểm tra chất lượng khí thải nhưng giữa thủ đô Hà Nội xe buýt vài chục năm vẫn điềm nhiên thả khói.
Một vấn nạn đi kèm là nạn tắc đường: xe xấu, chất lượng xăng kém, thải ra khí độc và những người tham gia giao thông bị tắc đường lại hít vào phổi.
Khác với đồ ăn thức uống, không khí không thể “nhập” ngoại và mọi người trong cộng đồng đều phải chịu chung số phận.
Ai từng đến Bắc Kinh hay các thành phố lớn ở Trung Quốc có thể thấy nạn ô nhiễm không khí nặng nề như thế nào. Nếu không có những biện pháp bảo vệ môi trường, trong tương lai gần chúng ta cũng sẽ phải trả giá như Trung Quốc hiện nay.
Quân khủng bố bị cả thế giới lên án, máy bay Pháp đã trút bom xuống “thủ đô” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Thế còn những kẻ đang bắt người dân Việt Nam chết dần mòn bởi ô nhiễm môi trường, thực phẩm thì có bị lên án hay ra tòa hay không?
Cho đến hiện nay là không! Và những nạn nhân của nạn ô nhiễm kia vẫn thờ ơ với mạng sống của chính mình và của những người thân của mình. Mỗi chúng ta là nạn nhân, nhưng có thể mỗi chúng ta cũng chính là kẻ khủng bố.
“Ung thư là sự trả thù của thiên nhiên”, như lời một bác sĩ người Đức.
Hãy cầu nguyện cho Việt Nam!
Hãy bảo vệ môi trường trước khi quá muộn.
(*) Một số tư liệu thống kê và hình ảnh được lấy từ nguồn trên Internet.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...