Chị dâu tôi email cho tôi giọng bức xúc: “Cháu cô hôm nọ khóc hết nước mắt vì bị bắt đi thi đá cầu cô ạ, tham gia Hội khỏe Phù Đổng của thành phố”. Số là, cháu chưa được học đá cầu, chỉ là tưng cầu chơi chơi vào giờ thể dục thôi. Đùng một cái, thày giáo bảo vào đội đá cầu, nó khóc vì sợ mà thày bảo cứ đi. Cháu đi thi mà không biết phát cầu thế nào, đứng vào chỗ nào, thế mà sau hồi đá đi đá lại thì công bố được giải ba. Đúng là cười ra nước mắt.
Hôm vừa rồi đến lượt cô bạn tôi thổ lộ, con trai cô học lớp hai bị cô giáo xé một trang vở do viết thiếu dấu chấm dấu phảy ở bài chính tả, cô xé và bảo mang về khoe mẹ. Bạn tôi rất bức xúc với hành động này và không biết làm thế nào vì sợ nếu có ý kiến sẽ bị cô giáo mất cảm tình và trù úm cháu. Sau một hồi “trưng cầu dân ý”, bạn tôi vẫn đến hỏi cô lý do cô xé vở của cháu, thì được cô giải thích rằng do có đoàn thanh tra đến kiểm tra nên cô phải xé vở vì sợ ảnh hưởng đến lớp.
Những chuyện như thế này ở trường học Việt Nam không hề hiếm, vì mải đua theo thành tích mà phải làm những việc rất phản giáo dục, ảnh hưởng đến chính nhân cách của học sinh mà các thầy cô đang ra công mài giũa. Thử hỏi cháu tôi sẽ nghĩ gì khi nó không biết đá cầu vẫn được giải? Phải chăng nó đã học được sự giả dối trí trá ở đây?
Còn thằng bé con trai của bạn tôi? Nó sẽ cảm thấy tổn thương khi bị xé vở, hành động ấy như của mấy kẻ đi bắt nạt trẻ con vậy. Nó sẽ học được sự tự tin ở đâu khi chính cô giáo là người làm cho nó cảm thấy xấu hổ khi mắc lỗi. Chả phải việc học chính là quá trình mắc lỗi đó hay sao? Một đứa trẻ đang tập viết, mắc lỗi chính tả mà đáng xấu hổ vậy sao?
Thật là không biết bình luận thế nào, cảm giác của chị và bạn tôi đúng là sống chung với lũ.