THÁI ĐỘ SAU KHI ĂN CẮP

Thứ tư - 21/10/2015 17:14

(NCTG) “Ăn cắp, thôi thì xí xóa, nhắm mắt nhắm mũi mà bỏ qua! Nhưng thái độ sau khi ăn cắp thì phải xem lại”.

Nghi án đạo thơ làm dậy sóng công luận và văn đàn Việt Nam - Ảnh: Internet

Nghi án đạo thơ làm dậy sóng công luận và văn đàn Việt Nam - Ảnh: Internet

Trong tác phẩm “Người đua diều” (The Kite Runner, 2003) của Khaled Hosseini có một nhân vật mà tôi rất thích, đó là ông Baba, người cha của nhân vật chính Amir. Thích ông, không những vì Baba là người nhân hậu mà còn vì ông có cái nhìn khá thú vị về tội lỗi. Với Baba, trên đời chỉ có một tội lỗi duy nhất, đó là tội ăn cắp.

Dưới cái nhìn của ông, mọi sai trái trên đời đều là những hóa thân của ăn cắp: “Khi bạn giết một người đàn ông, bạn ăn cắp một sự sống. Bạn ăn cắp quyền của vợ anh ấy có được một người chồng, ăn cắp quyền của con cái anh ấy được sống bên cạnh cha. Khi nói dối, bạn ăn cắp quyền của người khác được biết sự thật. Khi lừa gạt, bạn ăn cắp quyền công bằng của mọi người”.

Tôi đọc “Người đua diều” đã lâu, nhưng hôm nay bỗng dưng lại nhớ cái nhìn về “ăn cắp” này của ông Baba, chung quy cũng là vì vụ ăn cắp thơ gần đây của nhà thơ Phan Huyền Thư (PHT). Mặc dù có thể nói một cách nhẹ nhàng là “đạo thơ” như nhiều người vẫn sử dụng, nhưng tôi thật không nghĩ ra lý do gì mà phải dùng cách nói giảm nhẹ như thế.

Ăn cắp con gà, con vịt thì là ăn cắp. Ăn cắp tài nguyên, của công quốc gia - dù có một tên khác là tham nhũng - nhưng cũng vẫn là ăn cắp. Ăn cắp sản phẩm trí tuệ thì cũng vẫn thế, ăn cắp. Phải bắt đền ông Baba vì tôi bị lây nhiễm từ cái nhìn của ông, không nhân nhượng với từ “ăn cắp” mà gọi nó khác đi.

Baba là người rất có nguyên tắc, và có lẽ ông không ngại ngần lên tiếng trước những sai trái và bất công. Không như ông, và chắc còn lâu mới được hoặc không bao giờ được như ông, tôi gần như trở nên vô cảm trước những điều chướng tai gai mắt mình, nhất là sự ăn cắp. Ăn cắp ư? Chuyện thường ngày ở huyện!

Thằng dân thường thấp cổ bé miệng thì có mỗi ăn cắp chó, gà, vịt. Thằng học cao một chút có công ăn việc làm thì ăn cắp giờ làm, tài nguyên của công sở. Giới văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, thiết kế thời trang thì vẫn cứ ăn cắp tác phẩm của nhau và của nước ngoài ầm ầm. Các quan to thì ăn cắp ruộng đất của nhân dân, tài sản của đất nước. Ăn cắp ư? Nhàm!

Chuyện ăn cắp thơ của PHT đối với tôi cũng chỉ là một trong những chuyện nhàm chán như thế, và tôi cũng không định lên tiếng cho đến khi đọc được những lời kêu gọi bao dung cho PHT, đừng dồn chị ta vào đường cùng. Bao dung vì - vẫn là một lý lẽ cũ rích đến nhàm chán - ai mà chẳng phạm lỗi lầm. Hãy cho PHT một cơ hội, hãy bao dung, hãy thứ tha, hãy rộng lượng, hãy… hãy…

Như có một chiếc đũa thần kỳ diệu nào đó, và vụt một cái, PHT bỗng trở nên một kẻ đáng thương hay gần như là một nạn nhân. Tôi không thương và cũng chẳng ghét gì PHT vì tôi chẳng để ý gì đến chị ấy, nhưng tôi chạnh lòng khi nghĩ về nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (PNTĐ). Với tôi, PNTĐ mới thật sự là nạn nhân ở đây.

Những câu từ hay nhất trong bài thơ “Buổi sáng” (sáng tác khoảng năm 1999) của PNTĐ đã được PHT đưa vào bài “Bạch lộ” của mình, xuất bản năm 2014. Sự gian dối bị khui ra, PHT xin lỗi, nhưng chỉ xin lỗi ở mức tối thiểu nhất. Không xin lỗi ở trọng tâm vấn đề, tức là ăn cắp thơ. Và PHT không chỉ dừng ở đó, khi bảo rằng mình không ăn cắp “Buổi sáng” vì năm 1996, PHT đã sáng tác bài “Độc ẩm trước bình minh” - tên cũ của bài “Bạch lộ” hiện tại.

Dù không nói thẳng ra, nhưng ngụ ý của PHT rất rõ: không những PHT không ăn cắp thơ mà chính PNTĐ mới là người ăn cắp thơ PHT. (Cũng phải nói thêm rằng cho đến thời điểm này PHT chưa ra được bất cứ vật chứng hay nhân chứng gì khả tín để chứng minh rằng bài Độc ẩm trước bình minh đã được mình sáng tác năm 1996).

Hãy tự đặt bản thân bạn vào vị trí của PNTĐ. Hãy tự đặt bản thân vào trường hợp mình chính là tác giả của một bài văn/thơ nào đó nhưng bỗng dưng một ngày đẹp trời lại bị vu cho là ăn cắp, trong khi dư luận đồng thanh kêu gọi bao dung với kẻ vừa ăn cắp, vừa vu khống, la làng!

Ăn cắp, thôi thì xí xóa, nhắm mắt nhắm mũi mà bỏ qua! Nhưng thái độ sau khi ăn cắp thì phải xem lại. Ăn cắp xong, làm thinh, thôi kệ! Ăn cắp xong, xin lỗi, thôi thì đánh kẻ chạy đi ai lại đánh kẻ chạy lại! Nhưng ăn cắp xong, còn bảo chính khổ chủ mới là ăn cắp thì đã đến tận cùng của sự chịu đựng. Ở đây ai mới là người dồn ai vào chân tường?

Khổ, tôi lại nhớ đến ông Baba, chẳng biết ông nghĩ gì nếu đối diện với sự kiện này. Mạo muội đi theo cách suy nghĩ của ông thì PHT phải đi từ sự ăn cắp này đến sự ăn cắp khác. Ăn cắp thơ, rồi đến ăn cắp quyền được biết sự thật của độc giả, ăn cắp quyền công bằng với bản thân PNTĐ.

Ông Baba ơi…

(*) Cập nhật:

Ngày 22-10, báo chí trong nước đã đăng một thư của PHT “tìm đường đến với công luận để xin lỗi chị PNTĐ công khai thêm một lần nữa, với sự chân thành nhất có thể”.

Theo thư, đây là lời xin lỗi dành riêng cho nhà thơ PNTĐ vì PHT “hiểu chị vẫn cảm thấy bị tổn thương khi đọc lời xin lỗi đó, tôi thừa nhận “Bạch lộ” là bài thơ ra đời sau bài thơ “Buổi sáng” của chị”.

Hải Lý, từ Canada


 
Tổng số điểm của bài viết là: 34 trong 8 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn