Rạng sáng 2-9-2015,
hình ảnh thi thể cậu bé Syria đắm mình trên bờ biển, được báo chí Phương Tây dùng cụm từ “washed up” để diễn đạt, ngay lập tức lấy đi nước mắt của hàng triệu người trên toàn thế giới. Gần như ngay sau đó, Liên hiệp Châu Âu có đáp trả tức thì nhằm giảm thiểu tang thương, và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp tục đưa ra quyết định mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng đủ bản lĩnh thực hiện…
Châu Âu đã quá tải người tỵ nạn, Châu Âu không thể nhận tất cả người tỵ nạn… Những đường biên giới Áo, Hung, Đức đã khép và kiểm soát gắt gao chứ không mở cửa tiếp nhận hàng loạt như thời điểm đầu tháng 9, người tỵ nạn không còn đổ xô vào Đức được như trước. Thông điệp về khủng hoảng ty nạn ở châu Âu được truyền đi trên bản tin của các hãng thông tấn từng phút giây.
Nhưng
theo TS. Nguyễn Phương Mai (Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan), thực tế Châu Âu không phải là điểm khủng hoảng tỵ nạn, mà những nơi cấp bách đúng nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, những quốc gia láng giềng của Syria với con số tỵ nạn lên đến hàng triệu; phải là những nơi lán trại dành cho người tỵ nạn được dựng lên từ nhiều năm nay đã thiếu thốn đủ thứ, khi trẻ em nhiều năm không được đến trường, khi phụ nữ thường xuyên bị cưỡng hiếp, phải bán thân, lập gia đình sớm để có tiền hồi môn…
Vấn đề đã xảy ra, quan trọng bây giờ là cách giải quyết, và cả thế giới đang tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Giúp người là theo khả năng và tấm lòng, thế nên, thật trơ trẽn cho một số nhóm người trong thế giới hiện đại, xuất thân từ tỵ nạn và di dân mà giờ đây lại ngăn cản dòng người tỵ nạn để bảo vệ quyền lợi của họ.
Hoa Kỳ là ví dụ điển hình nhất cho một thế giới của di dân và đa sắc tộc. Thực tế chứng minh Mỹ trở thành một cường quốc hàng đầu nhờ vào chính sách đúng đắn và tôn trọng tự do. Cũng trên đất Mỹ, cộng đồng Việt từ những người tỵ nạn đấu tranh với sự sống giờ đây đã bắt đầu có tiếng nói riêng và đóng góp vào sự phát triển của nước Mỹ nói chung.
Cũng nổi tiếng về đa sắc tộc, Úc giờ đây đã trở thành một trong những nơi được xem là đáng sống nhất trên thế giới. Vào cuối 2014, một thanh niên người Hồi giáo cực đoan đã
khống chế con tin trong một quán café ở trung tâm Sydney khiến
hai người thiệt mạng. Khi ấy cộng đồng người Hồi ở Sydney lo lắng vì họ có thể bị “trả đũa”. Nhưng không, phản ứng của người dân Sydney lúc đó khiến cả thế giới khâm phục. Họ lên mạng, họ ra đường truyền bá thông điệp kêu gọi các bạn - những người Hồi khác - hãy bình tĩnh và đừng lo ngại gì cả, chúng tôi sẽ bảo vệ con em các bạn đến trường, chúng tôi sẽ bảo vệ các bạn đi làm.
Đúng là một thế giới đầy tình người mà ai cũng ước ao! Tuy nhiên, ở các thành phố lớn của Úc (Melbourne, Sydney) hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề an ninh, hầu hết liên quan đến người nhập cư, đây là một tín hiệu xấu trước thềm nước Úc chuẩn bị đón 12.000 người tỵ nạn. Người dân Úc thêm lo lắng, nhà chức trách đang ngày càng siết chặt an ninh và tìm cách thực hiện chính sách nhằm tạo điều kiện để người tỵ nạn nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng.
Khi những đấng nam nhi lãnh đạo các quốc gia ở Châu Âu tính toán cò kè bớt một thêm hai về con số người tỵ nạn, Angela Merkel không ngần ngại chấp nhận con số tỵ nạn lên đến 800.000 trong năm 2015, gấp bốn lần năm ngoái, và còn đưa ra viễn cảnh nước Đức sẽ tiếp nhận 500.000 người tỵ nạn trong những năm kế tiếp. Có lẽ khi đề cập đến vấn đề nhập cư lớn như vậy, chính quyền Merkel chưa nhận định đúng tình hình. Nhưng xét cho cùng, bản đồ thế giới, còn ai mạnh mẽ hơn người phụ nữ ấy?
Cần nhấn mạnh, sự việc phức tạp đến mức mâu thuẫn xảy ra ngay cả trong nội bộ những tôn giáo lớn. Lời hiệu triệu của Đức Giáo Hoàng về một thế giới đoàn kết giúp đỡ người tỵ nạn Syria trên thực tế không nhận được sự tán thành của một bộ phận giáo dân.
Thủ tướng Hungary Orbán Viktor không nhìn thấy dù chỉ một lý do để có thể xử sự khác. Ông ta khăng khăng rằng tỵ nạn không phải là vấn đề của Châu Âu, mà là của Đức. Ngoài ra ông còn cho rằng không tồn tại bất cứ quyền nào là “
quyền được có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Orbán không phải là người duy nhất có quan điểm này. Cùng mang quan điểm với ông còn có cả các giám mục Công giáo người Hungary. Kiss-Rigó László, giám mục giáo phận Szegedi-Csanád
cho rằng người tỵ nạn Hồi giáo đang chuẩn bị tiếm quyền và theo ông, Đức Giáo hoàng đã “
không nhận định đúng tình hình” khi
kêu gọi mỗi một giáo xứ Công giáo hãy tiếp nhận một gia đình tỵ nạn.
Cuộc chiến chống khủng hoảng tỵ nạn phải là câu chuyện của toàn cầu, trên thực tế lại là chuyện của các nước giàu ở khối EU, Mỹ, Úc… vì đó là “ngôi nhà mơ ước” của người tỵ nạn. Cuối tháng 10, Liên hiệp Châu Âu sẽ có cuộc họp để bàn việc phân bố lượng người tỵ nạn sao cho hợp lý.
Còn nhớ một sự kiện liên quan đến người tỵ nạn vào tháng 7 vừa rồi, câu trả lời “lạnh nhạt” của Angela Merkel đã bị chỉ trích khi khiến một cô gái người Palestine phải bật khóc bởi bà đã quá cứng rắn đối với dân tỵ nạn trong một cuộc họp mặt dành cho thanh niên. Thật sai lầm khi đánh giá Angela Merkel là người làm việc theo cảm tính vì bà rất cẩn trọng. Nhưng khi cần, bà sẵn sàng đưa ra những quyết định khiến thế giới khâm phục, tất nhiên trừ những người bị ảnh hưởng quyền lợi.
Dù theo ước tính, người tỵ nạn có thể sẽ giúp nước Đức tăng trưởng kinh tế, giúp giảm sức ép về dân số ngày càng già đi, và cũng để lấy lại hình ảnh của Đức trước tội ác của Quốc xã trong quá khứ; nhưng bên cạnh đó người Đức đang ngày càng lo ngại về sự bất ổn an ninh và những rối ren trong xã hội mà người tỵ nạn mang đến. Nhà thơ Thymianka Thảo Nguyên đang sinh sống tại Berlin, cho biết: “
Facebook của Thủ tướng Merkel tràn ngập lời cáo buộc và nguyền rủa, như: “Bà là người kết thúc nước Đức”, hay “Bà Merkel, tôi đã bỏ phiếu cho bà, thế mà...”. Thực tế dân Đức chưa thể mở lòng đón nhận khơi khơi một làn sóng tỵ nạn khủng khiếp như thế”.
Angela Markel đã cư xử như một bà tiên, có điều bà không phải là bà tiên. Mới đầu tháng 10 này, Đức đã tiếp nhận gần đủ 800.000 người tỵ nạn - con số giới hạn trong năm - nhưng trong thực tế thì
cả chính phủ Đức vô cùng lúng túng. Tình hình căng thẳng đến mức vào giữa tháng 9, ông Manfred Schmidt - Giám đốc Cơ quan Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, người có câu nói “lỡ lời” trên mạng Twitter vào cuối tháng 8 khiến người tỵ nạn Syria tràn vào Đức - buộc phải từ chức.
Nhìn nhận một cách công bằng, không một cá nhân hay quốc gia nào trên thế giới có đủ khả năng ổn định cho gần 800.000 người tỵ nạn trong thời gian ngắn như vậy. Đó là chưa kể số lượng người tỵ nạn “tồn đọng” đến Đức từ những năm trước. Hiện chính phủ Đức đã thay đổi chính sách trợ cấp cho người tỵ nạn, chỉ phát hiện vật chứ không phát tiền như trước nữa nhằm “giảm bớt sức hút” đối với người tỵ nạn. Đồng thời, một thông điệp thẳng thắn đã được đưa ra, rằng nước Đức vẫn nhận người tỵ nạn “đích thực” theo đúng tinh thần bản Hiến pháp của nước này, song Berlin sẽ trục xuất mọi cá nhân không đáp ứng được tiêu chuẩn để được coi là tỵ nạn.
Thời gian sẽ trả lời về dòng người tỵ nạn Syria, về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nó đối với nước Đức nói riêng và thế giới nói chung. Tuy vậy cần khẳng định, Angela Merkel và Mệnh lệnh Phượng Hoàng đã “rửa mặt” cho cả khối EU. Như nhận định của người đứng đầu một học viện nghiên cứu chính trị Na Uy bên thềm giải Nobel Hòa bình 2015 mà nhiều người đã hy vọng sẽ về tay Angela Merkel, Thủ tướng Đức “
trên cương vị một thủ lĩnh thực sự đã đặt những quan điểm nhân đạo lên trước lợi ích chính trị”, trong hoàn cảnh nhiều chính khách EU lẩn tránh trách nhiệm.
Chính trị cũng như chiến tranh, không có đúng sai, chỉ có thắng và thua, được và mất. “
Trái đất này là của chúng mình”, khi đưa ra lời tuyên bố chấp nhận dòng người tỵ nạn với số lượng khổng lồ, Angela Merkel đã không màng đến khả năng phải hy sinh cả sự nghiệp chính trị - bà có thể rớt chức bất kỳ lúc nào - để làm điều đầu tiên mà một con người chân chính cần làm…