Man Haron Monis - Ảnh: Dean Lewins (MTI)
Theo các nguồn tin từ AP và Reuters, Monis mặc trên người chiếc gi-lê đen và cảnh sát lo ngại rằng Monis có thể đeo thuốc nổ. Cảnh sát cho hay ngoài kẻ bắt cóc con tin, một người đàn ông 34 tuổi và một phụ nữ 38 tuổi cũng qua đời trong bệnh viện vì những vết thương quá nặng. Hai phụ nữ khác bị thương nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, một phụ nữ bị thương ở vai và một cảnh sát bị thương ở mặt.
Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, cảnh sát New South Wales xác nhận rằng có tổng cộng mười bảy con tin bị giam trong tòa nhà. Sở dĩ lực lượng đặc nhiệm phải can thiệp vì sau khi năm con tin đã chạy được khỏi tiệm cà phê, bên ngoài có thể nghe thấy tiếng súng ở trong và nếu cảnh sát không đột nhập vì con số thương vong còn có thể nhiều hơn.
Chưa rõ hai nạn nhân bị thiệt mạng là bởi vũ khí của kẻ bắt cóc con tin, hay do nhóm đặc nhiệm. Theo đài 2EU (Úc), những nguồn tin của cảnh sát cho biết rằng quyết định đột nhập tiệm cà phê được đưa ra một cách bất ngờ và đột ngột sau khi tay súng Monis nổ súng do bị kích động.
Hơn nửa ngày sau khi
vụ bắt cóc con tin diễn ra, cảnh sát Úc mới tuyên bố nhân thân của thủ phạm, một giáo sĩ Hồi giáo trước kia đã được nhận quy chế tỵ nạn ở Úc năm 1996. Man Haron Monis từng bị buộc tội đồng loãn trong vụ sát hại người vợ cũ, nhưng ông ta được tại ngoại sau khi trả khoản tiền thế chân.
Ngoài ra, gần đây nhất, Monis còn bị cáo buộc tội tấn công tình dục trong hơn hơn bốn mươi vụ. Tay súng này cũng đã từng bị kết án cách đây bảy năm khi ông ta thực hiện một chiến dịch gửi thư với lời lẽ xúc phạm tới gia đình những quân nhân Úc hy sinh ở Afghanistan.
Vào buổi sáng, các chuyên gia đàm phán của cảnh sát đã bắt quan hệ với Monis để tiến hành thương lượng. Cảnh sát không thông báo chính thức rằng có bao nhiêu con tin bị bắt giữ, mà chỉ cho hay con số những người này chưa tới ba mươi.
Một con tin trốn thoát khỏi tòa nhà lao vào vòng tay cảnh sát
Theo các bản tường trình tại hiện trường, những con tin bị đẩy đến cửa sổ của tiệm cà phê phải giăng một lá cờ đen với hàng chữ Ả Rập, nhưng trái với một số nguồn tin ban đầu, đây không phải loại cờ mà tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS sử dụng.
Bên cạnh đó, Hanis cũng cưỡng bức các con tin phải gọi điện thoại đến các kênh truyền hình và tòa soạn báo để nói lên những yêu sách của ông ta, tuy nhiên cảnh sát đề nghị giới truyền thông không tiết lộ những đòi hỏi này. (Dường như Hanis yêu cầu mang tới cho ông ta một lá cờ IS, và có thể nói chuyện với thủ tướng Úc).
Trước mắt, chưa rõ nguyên nhân của vụ bắt cóc con tin ở Sydney, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nó có động cơ chính trị, theo tuyên bố của Thủ tướng Úc Tony Abbot.
Trong số các con tin được giải phóng vào buổi sáng, thoạt tiên là ba người đàn ông, sau đó là hai phụ nữ lao ra ngoài qua cửa hậu của tiệm cà phê. Phóng viên kênh Channel 7 cho hay, sau khi họ thoát được ra ngoài, có thể thấy tay súng Hồi giáo bực tức quát tháo bên trong với những con tin còn ở lại.
Chỉ nhiều giờ sau mới có thêm bảy con tin thoát ra ngoài khi đội đặc nhiệm bắt đầu tấn công tòa nhà.
Vào buổi sáng, từ tòa nhà đối diện tiệm cà phê, phóng viên Channel 7 còn thấy mười lăm con tin bị Hanis bắt đứng áp vào cửa sổ. Về sau, họ bị dồn vào một góc của tiệm cà phê và được nhận đồ ăn. Một con tin còn gửi được tin nhắn (SMS) cho mẹ: “
Mẹ ơi, con không sao cả, nhưng không nói chuyện được”.
Martin Place là quảng trường trung tâm của Sydney, ở đây tọa lạc Ngân hàng Trung ương Úc và nhiều cơ sở tài chính khác, cũng như trụ sở Quốc hội New South Wales. Cả khu vực này đã được phong tỏa sau khi cư dân tại đó được di chuyển đi nơi khác. Lindt Chocolat Cafe nằm trong một tòa nhà văn phòng và các nhân viên ở đó cũng không được rời vị trí, nhưng họ được đưa lên các tầng cao hơn.
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm - Ảnh: Mark Metcalfe (Europress)
Tòa đại sứ Hoa Kỳ tọa lạc gần hiện trường vụ bắt cóc con tin cũng được sơ tán và tương tự như vậy, cảnh sát đã đến Nhà hát Opera và thực h iện công tác giải tỏa khẩn cấp. Bên cạnh đó, nhiều công sở cũng được đóng cửa trong ngày thứ Hai, cảnh sát đề nghị những người làm việc trong khu vực hãy làm việc ở nhà trong thứ Ba.
Cuộc khủng hoảng kéo dài mười bảy giờ đã gây nên hỗn loạn trong giao thông ở khu vực. Một độc giả của mạng tin index.hu sinh sống ở Sydney cho hay: “
Tôi sống và làm việc cách nơi đó có vài góc phố. Từ phút đầu tiên, sự kiện này đã được truyền hình trực tiếp vì tên khủng bố đã chọn địa điểm ngay đối diện trụ sở một kênh truyền hình.
Cần nói thêm là ở khu vực diễn ra vụ bắt cóc con tin 90% người qua lại là dân ngoại quốc, nên trong số các con tin bị bắt giữ cũng có nhiều người nước ngoài. Trong văn phòng nơi tôi làm việc, tại phòng ăn có một màn hình lớn và chúng tôi có thể theo dõi từ đầu đến cuối tấn thảm kịch này. Các đồng nghiệp đi ngang qua đều dừng lại để xem tường thuật.
Có thể thấy là đầu tiên cảnh sát đến, sau đó là lính cứu hỏa và vài phút sau thì là lực lượng đặc nhiệm. Hiện trường vụ bắt cóc nhanh chóng được phong tỏa, sau đó đến cây cầu Harbour, rồi phi trường Sydney, những thông tin cứ nói đuôi nhau liên tục ùa đến.
Điều chắc chắn là vụ bắt cóc con tin đã khiến giao thông bị đình trệ, thời gian để đi lại tăng gấp ba mức bình thường. Tuy nhiên đến chiều thì trật tự được vãn hồi, xe buýt được hướng dẫn đi theo tuyến đường khác và không cảm thấy có gì rối loạn hay hoảng hốt trên đường phố. Tất nhiên cư dân bàn tán về sự kiện này, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn”.
Hãng Uber cung cấp dịch vụ môi giới chuyên chở hành khách khi nghe tin về vụ bắt cóc con tin thoạt tiên đã tăng phí trong khu vực, tạo nên một cơn phẫn nộ khủng khiếp trên mạng. Một “công dân mạng” đã bình luận rằng “
cho dù bất cứ điều gì xảy ra đi nữa, Uber cũng làm tất cả để trở thành doanh nghiệp tệ hại nhất trên thế giới”.
Phản ứng trước sự bất bình đó, Uber khẳng định rằng việc tăng giá là do một thuật toán tự động gây ra khi nhu cầu của hành khách tăng. Sau đó, Uber đã tuyên bố tất cả những chuyến đi trong khu vực đều được miễn phí.