ĐI VÀ TRẢI NGHIỆM

Thứ hai - 22/12/2014 17:08

(NCTG) “Nơi chúng tôi đến con người vẫn rất đáng yêu. Ở nơi đây, người ta có thể sẵn lòng giúp người lạ mà không sợ bị bỏ bùa mê thuốc lú”.



Đã lâu, cả trên mạng lẫn ngoài đời, chúng tôi được dân tình như rót mật vào tai những lời suýt xoa về tháng 10 và những dải hoa trắng hồng ở dải biên cương xa xôi. Những giọt mật ấy khiến già trẻ gái trai từ Nam chí Bắc như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than suốt 365 ngày.

Về phần mình, chúng tôi cũng đã khởi hành chuyến đi cuối tháng 10 vớt vát những vạt hoa tam giác mạch. Bắt đầu từ đây, một loạt trải nghiệm không hề lường trước đã vận vào hành trình của chúng tôi.
 
Trải nghiệm đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là sự rơi rụng về nhân lực. Với bảy chỗ lèn chín nhân sự, chiếc xe khởi hành hứa hẹn một không gian ấm cúng và chặt cứng tình thân ái. Thế nhưng cũng vì cái sự ấm cúng quá tiêu chuẩn mà cơn huyết áp được thể đùng đùng tăng cao. Nó khiến một quý bà quần túi hộp sành điệu phải buộc phải hạ cánh ngồi chơ vơ giữa đồng hóng mát hạ hỏa, chờ xem có lãng tử Hà thành nào vô tình lướt qua để vẫy quá giang.

Cảm giác trải nghiệm này thì chỉ có quý bà mới thấu hiểu, còn chúng tôi đồ rằng không đến nỗi quá tệ, thậm chí có khi còn rất thú vị. Và chúng tôi, những kẻ bị bỏ rơi, qua khá nhiều cung bậc tình cảm với sự vụ này: đầu tiên là chút giận dỗi và hờn mát nhẹ, rồi sang AQ lờ đi cho bõ tức, và cuối cùng là thông cảm khi mục sở thị những cung đường.

Nhân nói tới những cung đường, cần thông luôn cái trải nghiệm này cho liền mạch. Khi đi trên đường đồng bằng và trung du vào lúc nhập nhoạng rồi đen thui, với tầm nhìn hạn chế khoảng vài trăm mét do những khúc ngoặt, thêm vào đó là những anh chàng đột nhiên xuất hiện giữa đường như quân khu họ phải đi và dừng như thế, thi thoảng chúng tôi cũng thót tim và thầm nghĩ “cho mình lái đường nay chắc vài người đo ván”.

Thế nhưng lên đến vùng cao, rồi lượn theo các cung vòng hình chữ M, chữ N của một nàng sơn nữ nằm trong Tứ đại đèo, chúng tôi mới thấy cung đường đồng bằng trung du chẳng là gì. Lúc đầu làm quen với trò lắc bên phải, lắc bên trái, tiếng “ối... ối...” vang lên liên tục. Sau đó, theo sự dẫn dắt của bác lái xe chuyên nghiệp, những tiếng “sướng... sướng...” trở lên hoan hỉ hơn.
 


Và, sau hai ngày trời những cơn sướng trở nên trầm mặc và chìm dần vào giấc ngủ, mặc kệ sức ép từ những người bên cạnh đến đâu. Đó không chỉ nhờ cá tính nhanh thích nghi hoàn cảnh của đám du khách, còn là nhờ tay lái chuyên nghiệp của bác tài có bề dày vài chục năm kinh nghiệm trên những tuyến vùng cao. “Tài” thành phố mà lái được đường đèo này thì phải là người giỏi lắm đấy”, đến “tài” vùng cao khi nghe chuyện cũng phải thốt lên như vậy.

Cũng nhờ cung đường này mà tôi đã hiểu tại sao những chiếc xe khách vùng cao khi về đường miền xuôi cứ phóng, cứ lạng lách. Môi trường tạo nên tích cách. Vì thế, nếu gặp những xe đó, tôi khuyên bạn nên tránh, nên nhường. Trên đường về, đám du khách nhìn cung đường trung du bằng nửa con mắt.

Trên cung đường ấy ngoài trải nghiệm lắc lư, chúng tôi còn có cơ hội trở về tuổi thơ, cái thời mải chơi, bạ đâu ngồi đấy. Nói thế chắc độc giả sẽ nhíu mày khó hiểu. Chậc... chậc... Nhưng trải nghiệm này vô cùng tế nhị và khó nói. Đại loại là sau chuyến đi, tôi nảy ra một dự tính kinh doanh nhà vệ sinh công cộng trên đoạn hàng trăm cây số đường đèo để phục vụ các du khách, các bác lái xe; để đào tạo dân địa phương cách bảo vệ môi trường như các tấm biển cổ động trên khắp tuyến đường.

Tuy nhiên, dự định này đã bị các đồng du khách dập trong trứng nước, vì lý do rất đơn giản nếu mất tiền thì người ta không tội gì dùng, cứ giữa thiên nhiên mà diễn, lại được hưởng khí trời ngát hương cây cỏ. Còn tôi thì lại chưa đủ giàu để làm từ thiện những chiếc nhà di động ấy. Nếu vậy không biết đến bao giờ môi trường rừng núi được bảo vệ như lời kêu gọi?
 
Cũng vì cung đường ngoắt nghoéo như vậy mà tạo điều kiện cho chúng tôi những trải nghiệm về kỹ năng sinh tồn.

Đầu tiên là trải nghiệm ngủ nhà sàn. Vốn dĩ đã được đặt phòng ở khách sạn trung tâm xịn nhất thành phố miền núi, nên đám du khách chúng tôi vô tư buôn, vô tư cười đùa, vô tư ngủ trên xe. Tất cả yên tâm có đến nơi vào nửa đêm vẫn được chăn ấm nệm êm. Ai ngờ, mười giờ tối tới nơi, tất cả trân trối đứng nhìn dàn xe County đỗ tràn lan trước cửa khách sạn. Đến cả nhà nghỉ còi cũng không còn chỗ.

May có anh bạn thổ dân người quen vật nài được ông chủ quán vịt làng cho trú ngụ trên nhà sàn cùng gia đình ông. Nghe nói đám khách đặt khách sạn xịn bị bỏ rơi, ông chủ vô cùng ái ngại vì sợ nhà mình quá hoang sơ. Vùi trong đám chăn màn bình dân vùng núi, người thì ngủ như chết, kẻ trằn trọc không quen. Nhưng sáng ra, bát bún vịt đậm đà đã khiến tất cả tỉnh táo và rối rít cảm ơn ông chủ, vì đã cho tá túc trong lúc hoạn nạn.


 
Trải nghiệm tiếp theo là kiếm đồ ăn ở nơi hoang lạ. Con chiến mã chắc quá mệt mỏi về những cung đường mà giở chứng khục khặc rồi đứng im lìm giữa đường quốc lộ, xung quanh chỉ có một ngôi nhà trên đồi. Ban đầu cả đoàn chỉ dám vén quần ngồi tạm vệ đường ngóng những chuyến xe khách về thành phố. Một tiếng, hai tiếng... chỉ có những chiếc xe tải lướt qua.

Nhờ bác lái xe làm công tác dân vận, cả đoàn liều lĩnh tiến vào nhà tá túc nhờ. Nhà chỉ có em gái trẻ người Mông vừa địu con bé bốn tháng vừa giặt quần áo, hai đứa con gái trứng vịt khác bốn tuổi và hai tuổi quẩn quanh. Hỏi em có đẻ nữa không, em bẽn lẽn cười ngỏ ý sẽ phải có con trai. Ngôi nhà đơn sơ mà ngăn nắp và sạch sẽ chứng tỏ chủ nhân của nó khá chu toàn, chu toàn như cái tên Chỉn Chu của em.

Chuyện trò chán, nhớ ra bữa trưa, người tỏa đi tìm người Kinh để xin ít gạo, kẻ ngắm vườn rau của chủ nhà và thỏ thẻ xin mua. Rồi nhờ nồi niêu, củi lửa của em, mỗi người một tay, bữa cơm thịnh soạn nghi ngút khói cũng được bày ra. Bát rau cải sạch, bát rau muống sạch xanh rờn, bát giò rim gia vị, bát nước chấm tự tạo cũng bằng gia vị, nồi cơm trắng đủ mỗi người một bát...

Đơn sơ mà ngon nhất trong đời là cảm giác mà ai cũng cảm nhận thấy. Trong hoàn cảnh khó khăn, cái sự khái tính của dân miền xuôi cũng phải rút lui, nhường cho sự giao tiếp đầy tình thân ái với người vùng cao. Khi đoàn ra về, em vui vẻ đưa tiễn hẹn các anh chị khi nào quay lại thì vào nhà em chơi.

Lòng người ở đây vẫn nguyên sơ chứ không như các vùng du lịch khác. Nguyên sơ đến nỗi mới gặp lần đầu có bác tốt bụng đã tống cho đoàn một đống chăn mang đi phòng lỡ độ đường. Nguyên sơ đến nỗi có em gái dân tộc Mông sẵn lòng cho đám trai trẻ người Kinh nuôi ong gần đó cắm cơm nhờ mà không cần biết tên, chỉ gọi là anh. Nguyên sơ đến nỗi, vào chợ đồ đạc lủng củng mà chẳng bị móc tý ví nào.

Nguyên sơ đến nỗi khi các gái bán hàng mời khách mua gạo, khách bảo gạo hàng bên cạnh thơm hơn, em mỉm cười nhắn khách mua bên đó cho ngon mà không có ý định đốt vía. Nguyên sơ đến nỗi có bà lão vô tư nằm trên tảng đá bên suối ngủ khò khò, có chị trung niên ngồi chễm chệ trên cột mốc cây số để thêu thùa hoa lá.

 
 
Còn nhiều những hình ảnh nguyên sơ, không thể kể hết ra đây. Tựu trung lại nơi chúng tôi đến con người vẫn rất đáng yêu. Ở nơi đây, người ta có thể sẵn lòng giúp người lạ mà không sợ bị bỏ bùa mê thuốc lú.
 
Tuy nhiên vẫn còn nét buồn chấm phá ở nơi đây. Có lẽ nhiều người thành thị đã làm hỏng dân vùng cao, như nhận xét của bác lái xe chuyên nghiệp. Vì thường xuyên được nhận cứu trợ nên có vẻ nhiều người, cả người lớn lẫn con trẻ, chỉ hàng ngày lượn trên trục đường chính chờ du khách. Vốn hình dung có thể lên vùng cao mua đồ thổ cẩm làm bằng tay, nhưng vào cửa hàng chỉ có đồ Trung Quốc.

Chúng tôi cũng gặp những người dân được học nghề chăm chỉ làm lụng. Nhưng số đó còn rất ít ỏi. Nhiều người sang bên kia đường biên để làm thuê mà không biết tương lai sẽ thế nào. Giá như ngoài việc cá nhân gửi đồ, gửi tiền cứu trợ, có những tổ chức nào đó đứng ra thu thập tấm lòng để định hướng, tạo dựng nghề cho đồng bào dân tộc thì chắc sẽ vui hơn nhiều.

Cần có điều kiện lâu dài để người dân miền núi tự thoát nghèo, chứ không phải chỉ những chương trình cứu trợ ngắn hạn. Đó cũng là tâm sự của một lão bà vốn là cựu quan chức hàng đầu của thành phố này.
 
Buồn vui lẫn lộn. Nhưng cao hơn hết là trải nghiệm về phong cảnh hùng vĩ của đất nước, là thứ mà nếu bạn là dân nghệ thuật sẽ không ngại ngần quay lại đây dăm bảy lần. Vốn là một người ham mê chụp ảnh, lại có con mắt tinh nhanh của dân xế, thi thoảng bác tài lại đột ngột dừng xe lùa chúng tôi xuống để ngắm, để chụp, không kể trời mưa mau hay sương mù.

Nghe có vẻ thời tiết ảm đạm và có ai đó sẽ tiếc nuối cho chuyến đi của chúng tôi kém sắc tươi. Nhưng nắng có vẻ lung linh của nắng, mưa có màu sắc tươi mới của mưa, còn mù có vẻ huyền ảo của mù. Không quản mưa tầm tã, các đám du khách vẫn lao mình như con thiêu thân vào ruộng bậc thang tam giác mạch trắng hồng.
 


Chỉ vài giây trước trời đang quang đãng, mây trắng ở đâu trườn tới bao phủ thung lũng khiến những mỏm núi lấp ló, những căn nhà mái gỗ bụi cây ẩn mình trong bức tranh thuỷ mặc. Những căn nhà cổ có thể đơn sơ vách đất, nhưng nhất định phải được bao bằng những bức tường xếp bằng đá không cần xi măng vẫn vững chắc.

Với phong cảnh vậy bảo sao các ẩn sĩ ngày xưa sẵn sàng bỏ hết mọi phù du chốn thành thị, về căn nhà gỗ miền sơn cước, ngày ngày làm bạn với cút rượu cùng cây cọ. Cảnh thần tiên trên những lớp giấy bản hay trong từng con chữ là ở đây mà ra chứ ở đâu. Chúng tôi thẫn thờ quay vòng để cố thu hết rặng núi nhấp nhô, cao vời vợi vào ống kính mà không thu nổi.

Cho đến giờ phút này, ngồi giữa phố phường đầy ánh đèn màu và ồn ào, viết những dòng này, tôi vẫn thấy nghẹn lòng và vấn vương những hình ảnh đèo nối đèo, núi tiếp núi, ruộng bậc thang nối ruộng bậc thang, những căn nhà vách đất mái gỗ, mái gói loang loáng sau những lùm cây hay thấp thoáng trên đồi.
 
Đẹp lắm vùng núi chúng tôi đã qua! Đẹp lắm những người chúng tôi đã gặp và đã song hành! Một vùng đất hiếm hoi mà chúng tôi muốn quay lại!

Hãy vẹn nguyên những nét đơn sơ và chờ chúng tôi nhé, nàng sơn nữ e ấp và duyên dáng!

Bài và ảnh: Mai Lê, từ Hà Nội - Tháng 11-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn