NHỚ THU XƯA

Chủ nhật - 02/11/2014 08:45

(NCTG) “Hà Nội của nó giờ đang thu. Nơi nó ở lại thật xa xôi. Nhưng Hà Nội hình như vẫn còn nhớ nó. Gió thu thoảng hương hoa sữa vô tư ào ạt thổi từ nơi ấy qua nơi này, bất chấp không gian, bất chấp thời gian, mang đến nhiều nỗi niềm âu yếm ở trong nhau”.


Minh họa: Internet


Thu... Nắng nhuộm vàng con phố vắng. Mái ngói thâm nâu dường như ấm áp hong mình trong gió hanh hao, cứ chực cong lên. Chắc chỉ sau vài tuần thu là nắng có thể nghịch ngợm xiên nghiêng qua kẽ ngói, rung rinh nhảy nhót trên tường vôi xanh ve, bạc màu thời gian. Mấy hôm nữa trời mà đổ mưa thì e nhà dột mất! Mà nhà dột thì lấy xô hứng, nước rỏ tóc tách vào cái xô tôn nghe vui tai chứ, lo gì! Chạy ra phố chơi thôi!

Lũ con gái gọi nhau chạy ra đầu ngõ chơi trò Ô Ăn Quan. Đám sỏi trắng đấu nhau với đám sỏi đen. Chẳng cần biết Quan thắng hay Dân thắng, chỉ biết sau khi thu hồi đám tàn quân về, là hết trò. Ngay lập tức chúng lại chí chóe hò nhau chơi trò khác.

Lần này chúng chơi Chuyền. “Chuyền một, một đôi. Chuyền hài, hai đôi. Chuyền bà, ba đôi...”. Thôi thì cứ váng hết cả tai. Mà cũng hoa mắt nữa, nếu tập trung nhìn các đôi bàn tay chơi Chuyền như múa.

Cái quần láng đen bạc màu chẳng thể chịu đựng được con bé tóc ngắn nghịch như quỉ, liên tục bị thủng đũng, mặc cho mẹ cố gắng vá víu. Nó gầy nhom, tóc rễ tre, ngắn cũn cỡn. Nó không chơi mấy trò chơi hiền lành của bọn con gái mà theo lũ con trai ra bãi đá bóng.

Quả bóng nhựa của bọn chúng vừa bị vỡ, cả lũ chưa có bóng mới nên tạm thời lấy quần áo rách cũ bó tròn thành bóng, đá tạm. Hình như nó đá không giỏi bằng mấy thằng đầu phố, nhưng vì nể đứa con gái đầu gấu mà bọn con trai cuối phố thu nạp nó vào đội. Và có lẽ vì tính cả nể đó, đội bóng cuối phố thường xuyên thua, phải chui háng lũ thắng cuộc.

Như để chuộc lỗi, nó mang đám đất sét bảo bối ra chia cho mấy thằng bạn thân, rồi rủ cả lũ chơi trò Pháo Đất. Đất sét xanh hoặc đất sét vàng được cả lũ nhào nặn cho thật mịn màng thành khuôn pháo, rỗng một mặt. Rồi cái mặt rỗng ấy được ném thật mạnh xuống nền đường. Pháo nổ thật giòn giã, một lỗ thủng to đùng toác ra như nó mong ước!

Mỗi lần ném pháo xuống, nó bao giờ cũng hô thật lớn: “Chiến tranh bùng nổ, gian khổ nhiều năm!”. Phải chăng cái ký ức chiến tranh, hồi nó vài tuổi đầu, bà níu nó chạy ríu cả chân xuống Khu Nhà Quàn Nguyễn Công Trứ tránh bom B52 vẫn tự động hiện hữa mà nó không hề biết. Nó thích mấy trò chơi chiến tranh. Thi thoảng kiếm đâu được tầu lá chuối nó lại hì hục làm súng chơi trận giả. Cuống tàu lá cuối được cắt nhiều lát vát, rồi hất dựng đứng lên. Rồi - A lê, một, hai, ba - Pằng, pằng, pằng... Súng nổ vang trời, nó cười khanh khách - Ta luôn thắng, giặc Mỹ luôn thua!

Hà Nội của nó giờ đang thu. Nơi nó ở lại thật xa xôi. Nhưng Hà Nội hình như vẫn còn nhớ nó. Gió thu thoảng hương hoa sữa vô tư ào ạt thổi từ nơi ấy qua nơi này, bất chấp không gian, bất chấp thời gian, mang đến nhiều nỗi niềm âu yếm ở trong nhau.

Nó biết giờ này bọn trẻ con trong phố giàu có lắm, có đầy bóng da xịn để đá chứ chả chơi. Chúng giờ có lẽ ít tụ tập ngoài đường hơn vì ở nhà đồ chơi công nghệ tương đối nhiều. Ipad, Ipod, Iphone, I... gì chúng cũng thích, có lẽ chỉ có Iron là chúng rướn mày từ chối, lắc đầu không tham gia.

Có lẽ nếu rủ chúng chơi trận giả, thì chắc cũng lại chia hai phe như xưa, và lúc nào cũng “ta thắng địch thua”. Nếu vậy thì chán nhỉ? Mấy chục năm qua đi, liệu chúng có biết chơi trò “chiến tranh” văn minh hơn thế hệ bố mẹ?

Chả nhẽ lại không ư?

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn