KHỦNG HOẢNG TÌNH THƯƠNG

Chủ nhật - 06/09/2015 15:02

(NCTG) Hình ảnh thân hình nhỏ bé của Aylan Kurdi chết trong làn nước lạnh lẽo dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ làm cả thế giới câm lặng, bàng hoàng trước mức độ tàn khốc của cuộc khủng hoảng tỵ nạn mà các nước Châu Âu đang lúng túng tìm cách giải quyết.

Thảm cảnh người vượt biển thời hiện đại

Thảm cảnh người vượt biển thời hiện đại

Bé trai mặc áo thun đỏ và quần soóc màu xanh, nằm chết úp mặt xuống cát, trở thành một biểu tượng cho sự thất bại của Châu Âu trong việc giải quyết vấn đề người tỵ nạn.

Tuần trước Châu Âu vẫn lạnh lùng chậm rãi xem xét tình hình vì sẵn có nhiều khó khăn như chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, thêm lý do về an ninh, phải đối mặt với khủng bố ngay trong lòng đất nước, khi một bộ phận dân nguồn gốc nhập cư từ các nước Trung Đông không hòa đồng với văn hóa sở tại, quay ngoắt chống đối chính quyền, gia nhập IS.

Suy cho cùng giải pháp triệt để vấn đề nhập cư chính là trả lời câu hỏi: làm thế nào để dân nhập cư hòa đồng vào xã hội bản địa? Câu trả lời chính là các nước sở tại phải có những chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho họ, không phân biệt đối xử, để họ thực sự là một phần của xã hội, vì khi thất nghiệp, không có việc làm thì họ dễ bất mãn chống lại xã hội.

Khi giải quyết được vấn đề công ăn việc làm thì dường như Châu Âu sẽ giải quyết được hai mối lo chính là an ninh và kinh tế, vì Châu Âu cần lực lượng lao động giúp châu lục già này giải quyết việc thiếu nhân lực triền miên do dân số suy giảm hàng năm.

Có thể hiểu được tại sao các chính khách do dự, tại sao họ lúng túng. Họ muốn có những chính sách cân bằng giữa nhân đạo, an ninh và kinh kế. Nhưng, khi những mạng người vô tội hoảng loạn trong ngọn lửa chiến tranh, bỏ chạy trước cái chết thật gần, trầm mình trong làn nước biển lạnh lẽo, đánh cược cuộc sống của bản thân và những người thân, níu kéo hy vọng được sống sót trong một vùng đất khác, để rồi kết thúc vẫn là cái chết khi xác họ trôi dạt vào bờ, thì tất cả những cân nhắc tính toán của các chính trị gia, dường như có vẻ có logic tới đâu, cũng cần phải được xem xét lại.

Vài tuần trước, truyền thông thế giới cũng đã ngập tràn hình ảnh về sự bạo tàn của cuộc nội chiến ở Syria, cảnh nhiều người dân nước này bất chấp hiểm nguy rình rập trong những chuyến vượt biên, tìm đường thoát khỏi cuộc chiến, vì ở trong lòng cuộc chiến đó, cái chết đã đến thật gần, nhiều cái chết thương tâm, nhiều con tàu bị đắm.

Nhưng thế giới chỉ thực sự sự rúng động và phẫn nộ khi nhìn thấy loạt ảnh thi thể Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới trong cùng ngày đồng loạt đăng tải những bức hình này, và cả thế giới trở nên phẫn nộ - con tim lương tri đã giận dữ lên tiếng.

Có lẽ, chính vì thế nên những thay đổi mềm dẻo trong vài ngày qua của Đức, Áo - chấp thuận cho những người tỵ nạn nhập cảnh nhằm tháo gỡ khủng hoảng - đã được dư luận hoan nghênh.

Cùng với truyền thông chính thống, các trang mạng xã hội cũng nóng lên hàng giờ với vô số tin tức được cập nhật về sự lúng túng của giới chính khách các nước có liên quan ở Châu Âu, và cả nhiều ý kiến gay gắt trái chiều của người tham gia các trang mạng này.

Nhiều ý kiến cầm chừng, nghi kỵ những người dân vô tội bỏ chạy khỏi cuộc chiến tại Syria, rằng nếu Châu Âu tiếp nhận họ thì trong tương lai sẽ phải đối mặt với khó khăn về kinh tế vì theo văn hóa Trung Đông, phụ nữ sẽ không đi làm, họ sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế, và họ không hòa đồng, sẽ gây bất đồng về văn hóa và là tiềm năng đe dọa an ninh sở tại như khủng bố.

Lạ lùng thay, ý kiến đó nhiều khi lại đến từ những người Việt nhập cư hiện đang sống ở nước ngoài! Nếu cứ áp dụng kiểu suy nghĩ như vậy, thì chắc hẳn các nước văn minh cũng nên cẩn trọng với người nhập cư hay tỵ nạn từ Việt Nam, vì nhiều trong số họ thích làm lậu, không thích nộp thuế cho nước sở tại, và biết đâu họ là gián điệp cộng sản cài cắm!

Sự logic “rất chính trị gia” - cần cân bằng giữa nhân đạo, an ninh và kinh tế - nhiều khi chỉ che đậy sự ích kỷ thường trực ở nhiều trong số chúng ta.

Nhưng hình ảnh Aylan Kurdi đang nằm úp mặt trên bờ biển, trong khi sự im lặng tuyệt đối vì em đã không thể lên tiếng kêu cứu được nữa, quay lưng lại với cơn bão khủng hoảng chính trị đã khiến những cái đầu lạnh lùng của người Đức, người Áo thay đổi, và cả Châu Âu, cả thế giới lặng câm, để rồi cùng đồng loạt thét lên phẫn nộ:

Em chết trong làn nước biển lạnh lẽo hay trong sự ích kỷ lạnh lẽo của nhiều trong số chúng ta? Chúng ta phải làm gì đây?”.

Phương Lan, từ Sydney (Úc)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn