TỴ NẠN SYRIA VÀ DƯ ÂM VIỆT

Chủ nhật - 20/09/2015 11:54

(NCTG) “Làn sóng di cư của người Việt hiện nay có khác gì người dân Syria đang phải tháo chạy khỏi đất nước? Chỉ khác bối cảnh “chiến tranh và hòa bình”, còn tỵ nạn vẫn là tỵ nạn!”.

Khủng hoảng tỵ nạn từ Syria gợi nhớ câu chuyện thuyền nhân Việt Nam

Khủng hoảng tỵ nạn từ Syria gợi nhớ câu chuyện thuyền nhân Việt Nam

Chiến tranh không bao giờ ngừng trên bề mặt địa cầu, vì nếu hòa bình được thiết lập trong thời gian dài sẽ khiến những tập đoàn vũ khí, dầu hỏa - những ông chủ cai quản thế giới - hết cửa “làm ăn”.

Khởi dậy theo làn sóng "Mùa xuân Ả Rập", sau lấy đi sinh mạng của hơn 220.000 người, trong đó một nửa là dân thường, tình hình nội chiến tại Syria đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Một vấn đề cấp thiết đối với phần còn lại của thế giới chính là góp tay nhau cùng giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng tỵ nạn tồi tệ nhất trong vòng hai chục năm trở lại đây, điều mà các quốc gia giàu có, buồn thay, thường hời hợt nhất.

Ước tính có tới 11 triệu người Syria phải bỏ nhà bỏ cửa từ khi chiến tranh khởi sự vào tháng 3-2011. Họ đi lánh nạn ở các nước láng giềng (Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq) hoặc tìm kiếm những nơi chốn an toàn hơn, chỉ để duy trì sự sống, trên chính quê hương mình.
 
Còn sự chọn lựa nào khác khi chứng kiến ngôi nhà hàng xóm cách bạn vài bước chân bị ném bom, hay như tận mắt nhìn người thân trong gia đình bị sát hại? Hàng ngàn người Syria tháo chạy khỏi đất nước mỗi ngày dẫu rằng quyết định vượt biên cũng nguy hiểm chẳng khác gì ở lại. Họ phải cuốc bộ nhiều dặm trường trong đêm tối để tránh những tay bắn tỉa, còn nếu bị bắt thì phải phục vụ chế độ.

Theo thống kê của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, hằng năm, số lượng người tỵ nạn Syria ở nước ngoài tăng đều theo cấp số nhân, đến cuối 2015 có thể lên đến 4,27 triệu người, biến nó thành khủng hoảng tỵ nạn thương tâm nhất kể từ sau thảm họa diệt chủng Rwanda.

Người Việt có còn tỵ nạn?

Đối với dân tộc Việt, thảm cảnh tỵ nạn cho đến ngày nay vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Tác động xã hội ảnh hưởng đến cả hai phía, tích cực lẫn tiêu cực cho những thế hệ mai sau được thể hiện rất rõ.

Từ lối sinh hoạt, nói chuyện hằng ngày đều liên quan đến những câu chuyện về Việt kiều. Làn sóng tỵ nạn từ 40 năm trước dần chuyển sang di cư trong thời đại mới, hiện thật khó kiếm một khu xóm nào mà không có người nhà sống ở nước ngoài.

Thời toàn cầu hóa, di cư là điều dễ hiểu. Nhưng vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa di cư dưới hình thức chẳng khác tỵ nạn của người dân nước ta đến các quốc gia phát triển để mưu sinh, với việc các dân tộc trong nhóm các quốc gia phát triển di cư qua lại. Định nghĩa “di cư” đối với người Việt hiện vẫn hàm ý tìm đến sự tự do và “bảo hiểm” về mặt vật chất, nên khó có thể xem là “di cư” đúng nghĩa, một góc nhìn khác vẫn có thể nói là “tỵ nạn”.

Khi chính phủ Úc vẫn đang còn bàn việc giải quyết các vấn đề tỵ nạn một cách nhân đạo nhất thì những chiếc thuyền từ nhiều điểm nóng trên thế giới vẫn hướng nước Úc là kim chỉ nam mà tiến - đáng ngạc nhiên trong đó có cả thuyền nhân Việt Nam, dẫu đã nhiều thập kỷ trôi qua từ ngày nước ta thống nhất.

Hiện chưa có thống kê khoa học về tổng số thuyền nhân lẫn số lượng người Việt ra đi trên những chuyến tàu định mệnh trên. Những con số ghi nhận lại thường dựa trên tài liệu ở các nước sở tại, theo tường thuật của những người sống sót, và tất nhiên đều là những ước chừng.

Trong tài liệu của chính phủ Úc có ghi rõ, kể từ khi thuật ngữ "thuyền nhân" (boat people) lần đầu được sử dụng vào giữa những năm 70, làn sóng tỵ nạn đầu tiên tính riêng ở Úc đến năm 1981 ghi nhận có đến 2.059 thuyền nhân Việt cập bến. Đợt tỵ nạn rầm rộ cuối cùng đến Úc được ghi chép lại là vào năm 1999.

Số thuyền nhân Việt vượt biên đến Úc tưởng như đã chấm dứt thì trong những năm gần đây lại ngày một tăng. Nếu như năm 2010 chỉ có 31 người, thì 2011 đã lên đến 101 người vượt biên sang Úc. Năm 2012 đã có đến hơn 750 người bị phát hiện. Mới tháng 5-2015, một chiếc tàu chở 46 người đã bị bắt quay ngược bánh lái trở về lại Việt Nam.

Trên thực tế, số lượng có thể còn nhiều hơn và tất nhiên sẽ vẫn còn nhiều chuyến tàu chở thuyền nhân khác nữa. Do không chứng minh được thân phận ở trong hoàn cảnh tỵ nạn hợp pháp, tất cả những trường hợp trên đều bị trục xuất về nước.

Một vắn tắt ngắn gọn về đề tài thuyền nhân cho thấy nhu cầu vượt biên vẫn còn hiện hữu và thật đáng suy ngẫm. Những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội có thể không ủng hộ ta, nhưng thiết nghĩ trong thời đại mới cần có cách nhìn thật chín chắn để tránh gặp tình huống bi thương.

Những chuyện kể đầy nước mắt của những con người sống sót sau những chuyến đi bão táp trong tình thế không còn có sự chọn lựa năm xưa khác hẳn với việc ra đi bằng mọi giá trong khi ta vẫn có những sự chọn lựa tốt hơn cho cuộc sống này.

Thuyền nhân ngày nay không còn thô sơ, nguy hiểm như những ngày đầu, nhưng vẫn còn nhiều mối hiểm họa và quan trọng nhất là: đã qua rồi thời chính phủ Úc có thể dễ dàng chấp thuận những trường hợp vượt biên được phép định cư trừ trường hợp tỵ nạn chính trị.

Cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng Tỵ nạn Úc - một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tỵ nạn - đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Abbott phải đưa ra câu trả lời về một chiếc tàu tỵ nạn được cho là xuất phát từ Việt Nam và đang ở bở Tây nước Úc.

Họ yêu cần cần phải biết được tình trạng và yêu cầu của nhóm người trên tàu là gì trước khi đưa ra những quyết định kế tiếp. Trong khi đó, ông Abbott vẫn kiên quyết trong chính sách trao trả thuyền nhân về nước hoặc gửi họ đến các trại tỵ nạn trên đảo Nauru hay Papua New Guinea, Thái Bình Dương.

Dưới thời cựu Thủ tướng Tony Abbott, một người rất cứng rắn trong vấn đề tỵ nạn, ông này đã áp dụng rất nhiều chính sách nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ đường biển, đặc biệt là nạn buôn người.

Thêm một định nghĩa gần đây được các báo thường sử dụng: “Thuyền nhân Việt thế hệ mới”. Và những con người đi trên những chiếc thuyền trên khó có thể thuyết phục rằng họ đang đi “tỵ nạn chính trị” đúng nghĩa, nói đúng hơn, họ là những nạn nhân của nạn buôn người đã có từ thời La Mã cổ đại.
 
Câu hỏi đặt ra là liệu việc thắt chặt biên giới sẽ ngăn chặn nạn buôn người? Trên thực tế, việc siết chặt dòng người tỵ nạn trên thế giới gần đây đã làm cho nạn buôn người tăng lên vì nó ép những người tuyệt vọng tìm đến những tàu buôn lậu.

Ở vùng Đông Nam Châu Âu, một nghiên cứu của GTZ (Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức) cho thấy, càng thắt chặt kiểm soát vùng biên, càng làm gia tăng nạn buôn người, vì người ta phải tìm đến các bên thứ ba để đưa họ ra khỏi đất nước một cách bất hợp pháp.

Cộng đồng thiếu đoàn kết

Điều đáng buồn nhất là cho đến nay, cộng đồng Việt tại Úc là một tập thể tạm gọi là đông vui chứ chưa bao giờ là một nhất thể đoàn kết. Theo cảm nhận cá nhân, người Việt ganh đua nhau từng li từng tí… với người Việt? Người Việt ganh đua từng giờ làm việc trong công xưởng, từng câu chót lưỡi đầu môi với người cùng dân tộc mình, nhưng lại thường chịu lép vế trước các cộng đồng khác.

Không biết phải diễn tả thế nào khi tận mắt chứng kiến một nhóm người Việt giàu có ở Úc quyên góp tiền ủng hộ miền Trung lũ lụt. Được 15.000 đô Úc, sau đó họ lấy tiền đó mua vé cho nguyên cả đoàn về Việt Nam “làm từ thiện”, cuối cùng khi đến tay đồng bào miền lũ lụt, số tiền còn lại ba ngàn. Biết rằng một đồng đối với người nguy khó cũng quý, nhưng nghe vẫn thấy đau lòng.

Càng đau lòng hơn khi nhiều thế hệ sinh viên học sinh đang “tỵ nạn du học” ở Úc vì ngày đêm mê mải kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ chính. Hàng trăm hàng ngàn lý do được đặt lên bàn cân, nhưng các em không hề nhớ các em sang chủ yếu là để đi học. Và khi được đặt chân lên nước Úc tức là các em đã có may mắn hơn hai triệu sinh viên học sinh trong nước. Những trường hợp trên nên gọi là “tỵ nạn du học” hay “tỵ nạn chính trị”?

Vừa mấy ngày trước, một nữ du học sinh gương mẫu lên diễn đàn để tự gây quỹ học bổng cho chính bản thân em. Điều này là vô cùng bình thường, bạn có quyền “xin tiền” để được đến trường miễn là bạn chứng minh “bạn xứng đáng”. Có những trường hợp sinh viên quốc tế tự gây quỹ lên đến hàng trăm ngàn đô để phục vụ cho mục đích học tập, còn riêng với bạn nữ sinh viên của Việt Nam, thật không ngờ những phản ứng gay gắt nhất lại đến từ các du học sinh Việt?

Bạn nữ của chúng ta chịu đủ mọi thử thách, vượt qua đủ mọi chông gai cho đến ngày được đi du học, nhưng đã chia sẻ rằng áp lực đến từ chính đồng bào của mình thật quá chua cay, đau lòng lắm!

Trộm nghĩ làn sóng di cư của người Việt hiện nay có khác gì người dân Syria đang phải tháo chạy khỏi đất nước? Chỉ khác bối cảnh “chiến tranh và hòa bình”, còn tỵ nạn vẫn là tỵ nạn!

HS, từ Melbourne (Úc)


 
 Từ khóa: người tỵ nạn, Úc
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn