NGƯỜI TỐT

Thứ hai - 05/10/2015 05:21

(NCTG) “Chúng ta có xứng đáng được sống hạnh phúc ở Miền đất hứa khi cố gắng giữ gìn nó bằng cách xây một bức tường thành không cho người tỵ nạn đến gần, trong khi chính chúng ta cũng đã từng bằng mọi cách để xâm nhập?”.

Người tỵ nạn tại Đức - Ảnh: euronews.com

Người tỵ nạn tại Đức - Ảnh: euronews.com

Tích kể, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp gồm mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm, qua không biết bao nhiêu khổ ải tu luyện mới “ngồi được ghế đó”. Trong tiểu thuyết “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không với mấy mươi phép thuật đã đánh tan tác Thiên cung, phải cần đến Như Lai Phật Tổ mới khống chế được yêu hầu…

Thử tưởng tượng trên trái đất này, có một Miền đất hứa chỉ dành cho những người được gọi là “người tốt”. “Người tốt” là những người đã qua tuyển chọn của Ngọc Đế, họ có quyền đi đến Miền đất hứa để làm ăn sinh sống, không phải lo ngại gì về chuyện an ninh, y tế, giáo dục, kẹt xe, ngập lụt… Bạn có tự tin cho rằng mình thật sự xứng đáng nằm trong số những “người tốt” đó hay không?

Tôi sẽ không bao giờ viết những dòng này nếu sáng nay không vô tình đọc được status của một bạn trên diễn đàn của Hội Sinh viên Việt Nam tại Melbourne. Bạn ấy chia sẻ một bài viết nói về thực tế người Đức “đang hối hận” vì chấp nhận quá đông người tỵ nạn Syria, và bạn ấy nhận định nước Úc có thể “khùng” khi chấp nhận 12.000 dân tỵ nạn.

Điều làm tôi bất ngờ là những comment bên dưới của những du học sinh Việt Nam. Xin trích nguyên văn vài ý:

- Bọn di cư đúng là bọn ngu mà.

- Vậy mà du học sinh đàng hoàng tri thức thì làm khó đủ thứ.

- Mel sẽ nhận 4.000 tỵ nạn. Qua ăn rồi đẻ. Lười biếng như… Heo còn đỡ.

- Đón tụi khùng đó qua đây làm gì không biết

- … mình lấy tư cách là một người đi làm đóng thuế đoàng hoàng để comment bạn ạh. Với người tỵ nạn và tỵ nạn nhân đạo, thì họ có quyền được hưởng hầu hết social services ngay lập tức, trong khi người có PR còn phải hội đủ điều kiện và phải chờ nữa. DU HỌC SINH ĐI LÀM CÓ ĐÓNG THUẾ THÌ CŨNG CHẲNG ĐƯỢC HƯỞNG GÌ, dù rằng những đồng tiền thuế bọn mình đóng lại ít nhiều rót vào social services đó bạn ạh. Vậy bạn nói coi, những người như bọn mình có được lên tiếng ko?


Tôi không biết phải nói gì khi chính những sinh viên Việt nói như vậy. Tôi không đủ tư cách để dạy đời các bạn ấy nhưng quả thật là đọc mà nghẹn ngào.

Các bạn ấy đang so sánh chính sách của chính phủ Úc dành cho người tỵ nạn với chính sách dành cho… du học sinh, người di cư. Sao người tỵ nạn sướng vậy? Chúng tôi bỏ tiền để được đi học, phải đi làm vất vả nuôi gia đình, phải đóng thuế để hưởng phúc lợi, giờ bỗng nhiên một nhóm người từ đâu tới và được hưởng tất cả?

Chưa bao giờ giấu, tôi luôn khẳng định Melbourne là thành phố tôi yêu, hơn bất kỳ thành phố nào trên đất nước Việt Nam, nếu có nơi nào đó xếp trên nó thì đó chỉ có thể là nơi làng quê tôi được sinh ra và lớn lên. Qua bạn bè, tôi cũng có nghe về tính cánh của người Hồi (nói chung là rất khó sống chung với họ), giờ đây khi Mel đón nhận nhiều người tỵ nạn Syria, tôi cũng lo lắm.

Tôi lo về một Mel “rất có thể” sẽ đối diện với những bất ổn về an ninh, tôi lo cho hình ảnh thành phố không còn đẹp như trước nữa, và tôi cũng thật sự có suy nghĩ trong đầu rằng “giá như không có người tỵ nạn Syria”…

Nhưng...

Đối với tỵ nạn, người Việt có lẽ phải là một trong những dân tộc thấu hiểu nhất trong thế giới hiện đại. Năm xưa người Việt tỵ nạn tang thương như thế nào chẳng lẽ các sinh viên Việt không biết hay sao?

Tôi không muốn nhắc lại sự khác biệt giữa tỵ nạn và di cư, tôi thích cách nói của bạn Vi. K Tran (Trần Quỳnh Vi) ở Mỹ: “Trước khi nói đến xuất thân và tôn giáo, tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Cũng có gia đình, người thân. Cũng biết yêu thương, giận hờn, oán ghét”.
 
Chúng ta vào chùa, đi nhà thờ hàng tuần để làm gì nếu như ngoảnh mặt ra cửa là chúng ta tiếp tục thể hiện sự ích kỷ đối với những con người đang đi tìm sự sống?

Chúng ta có xứng đáng được sống hạnh phúc ở Miền đất hứa khi cố gắng giữ gìn nó bằng cách xây một bức tường thành không cho người tỵ nạn đến gần, trong khi chính chúng ta cũng đã từng bằng mọi cách để xâm nhập?

HS, từ Melbourne (Úc)


 
 Từ khóa: tỵ nạn, Syria
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn