Sự việc diễn ra tại vùng Röszke, biên giới Hungary - Serbia. Đây là nơi có đường tàu hỏa liên vận chạy qua hai nước, nên trước mắt không có hàng rào ngăn, do đó trong những ngày qua, khu vực này tập trung rất đông người tỵ nạn vượt Serbia sang Hung. Một số đụng độ giữa người tỵ nạn và cảnh sát đã diễn ra ở đây, tình hình rất căng thẳng.
Lý do là người tỵ nạn không muốn bị đăng ký và lấy vân tay tại trại tỵ nạn ở gần vùng đó, mà muốn được chở về Budapest rồi từ đó qua Áo sang Đức. Nhiều người phải qua đêm ở Röszke trong cảnh màn trời chiếu đất vì sự xử lý của phía Hung còn chậm và nhiêu khê. Đã có cảnh người tỵ nạn ném vỏ chai nhựa vào cảnh sát, khiến cảnh sát phải dùng bình xịt hơi cay.
Câu chuyện trên diễn ra khi đoàn người tỵ nạn phá vỡ hàng rào cảnh sát và chạy tứ tung. Sau khi đá và ngáng tơi bời nhiều người, nữ phóng viên này còn lẩm bẩm rằng nên dùng xe phun nước. Ngay sau khi những hình ảnh phản cảm này được đưa lên mạng, kênh N1TV đã lập tức cho thôi việc nhân viên này, và coi hành vi của cô ta là “
không thể chấp nhận được”.
Trả lời mạng tin index.hu. TBT kênh N1TV, ông Kisberk Szabolcs nói rằng không thể hiểu được tại sao cô phóng viên này lại xử sự như vậy. Mặc dù N1TV cho hay là bằng việc sa thải cô, họ thấy thế là “xong việc”, nhưng hai đảng đối lập tại Hung là Liên minh Dân chủ (DK) và Đối thoại vì Hungary (PM) đã tố giác kiện cô phóng viên ra tòa.
Trong một diễn biến có liên quan, Giáo xứ vùng Röszke đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô (Franciscus), theo đó mỗi giáo xứ hãy nhận một gia đình tỵ nạn. (Vatican tính toán rằng ở Ý có 27 ngàn giáo xứ, nếu mỗi nơi nhận một gia đình 4 người, thì 108 trên tổng số 120 ngàn người tỵ nạn qua Ý năm nay sẽ có nơi ăn chốn ở).
Theo tin của index.hu, Giáo xứ này đã bắt đầu tiếp nhận các gia đình người tỵ nạn không có chỗ trong trại Röszke, và trong nhiều trường hợp phải ở qua đêm ngoài trời với con nhỏ. Các tình nguyện viên kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ dùng xe chở các gia đình tỵ nạn tới Giáo xứ và nhà khách trực thuộc Giáo xứ.
Hành động của Giáo xứ vùng Röszke là rất đáng quý, nhất là khi biết rằng ông Kiss-Rigó László - Giám mục giáo phận Szeged-Csnádi (quản lý Giáo xứ Röszke) - đã nhiều lần khẳng định rằng những người đến Hung không phải là tỵ nạn đích thực, mà là những kẻ giàu có, xâm nhập Hung một cách khiêu khích và do đó không cần giúp đỡ.
Giáo hội Công giáo một số nước cũng hưởng ứng ý tưởng của Đức Giáo hoàng. Đặc biệt, ở Slovakia, một chiến dịch thông tin được người Công giáo khởi động nhằm cung cấp thông tin về người tỵ nạn, ví dụ dưới dạng tờ rơi, để giảm nỗi lo âu của cư dân trước làn sóng tỵ nạn, và xóa bớt những định kiến kiểu “
tỵ nạn là khủng bố”, “
tỵ nạn gieo rắc bệnh truyền nhiễm và cướp việc của dân bản địa”, v.v...