Đồng thời, chính quyền cũng cho thiết lập hai trại tỵ nạn mới ở các vùng xa xôi, ngoài khu dân cư, và một trại tạm thời dành cho người tỵ nạn ở trung tâm thủ đô Budapest. Tuy rằng đại đa số người tỵ nạn, sau thời gian quá giang ở Hung, đều có xu hướng sang Phương Tây.
Thảm cảnh trên đường tới mảnh đất mới
Trong khi đó, công luận quốc tế sững sờ trước tin 71 người tỵ nạn, khả năng là đến từ Syria, trong đó có 8 phụ nữ và 4 trẻ con, đã thiệt mạng trong một xe tải chở thực phẩm mang biển số Hung vì ngạt thở vào sáng hôm qua, trên lãnh thổ Áo.
Hiện tại, đã có 7 nghi can trong thảm kịch này, trong đó nghi can chính là một công dân Bulgaria gốc Lebanon. Trong số hai nghi can bị bắt giữ, một người có giấy tờ Hung nhưng quốc tịch còn chưa được làm rõ, còn bốn nghi can khác được tại ngoại trong quá trình điều tra.
Được biết, các nghi can này bị bắt ở Hungary. Chiếc xe tải chở thịt nọ - mà chủ nhân thực sự còn chưa rõ ràng - rời Budapest vào rạng sáng thứ Tư, vào lúc 9h sáng đã ở gần biên giới Hung - Áo, nhưng tới đêm thứ Tư mới vượt qua biên giới.
Xe bị bỏ trên lãnh thổ Áo, cách biên giới Hung - Áo chừng 30-40km, và tài xế thì đã bỏ trốn. Cảnh sát Áo cho hay, khả năng thông hơi trong ngăn chở hàng của xe tải, nơi những người tỵ nạn trú ẩn, là không có.
Theo tin tối hôm qua, khả năng là những người này đã chết trước đó 1-1,5 ngày khi còn ở Hungary. Những thi thể đã bắt đầu phân hủy khiến việc xác định nhân thân các nạn nhân trở nên hết sức khó khăn.
Kể từ khi Hungary gia nhập Hiệp ước Schengen từ cuối năm 2007, trong thực tế bất cứ ai cũng có thể đưa người bất hợp pháp qua biên giới Hung - Áo, nhất là bằng loại xe tải chở hàng, vì hầu khư không bao giờ bị kiểm tra, theo nhận xét của một hãng vận tải.
Một tài xế xe tải khác thì cho hay, có lẽ trong một trăm trường hợp, cùng lắm thì độ hai lần anh bị kiểm tra, nhưng cũng chủ yếu vì trạng thái kỹ thuật của xe. Nội dung chuyên chở nhìn chung không được chính quyền hai nước để tâm.
Phát ngôn viên Cảnh sát Áo coi đây là một “
tội ác kinh khủng”, còn Bộ trưởng Nội vụ Johanna Mikl-Leitner thì khẳng định: tấn thảm kịch khiến tất cả mọi người phải kinh hoàng, và những kẻ đưa người là “
lũ tội phạm chỉ quan tâm tới lợi nhuận”, cần phải bỏ tù hết.
Quân đội chống tỵ nạn?
Việc huy động quân đội để trấn áp người tỵ nạn được chính thức đưa ra lần đầu trong cuộc họp báo bất thường ngày thứ Tư vừa qua, do ông Németh Szilárd, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Hungary chủ trì.
Nhân vật cao cấp này của đảng cầm quyền FIDESZ lặp lại quan điểm trước đó của chính quyền Hungary, theo đó dân nhập cư bất hợp pháp theo đường rừng - cách gọi người xin tỵ nạn của FIDESZ - ngày càng trở nên hung hãn.
Ông nhắc tới một sự kiện xảy ra tại khu tiếp nhận người tỵ nạn ở vùng Röszke, khi cảnh sát phải dùng lựu đạn cay để trấn áp vài trăm người tỵ nạn nổi khùng vì thủ tục giấy tờ nhiêu khê và chậm chạp, khiến họ cùng con cái, trẻ em phải dầm mưa dãi nắng.
“
Đúng là quá tải thật, nhưng chúng ta không mời bất cứ ai tới Hung để vào một trại quá tải. Chúng ta không thể chấp nhận để điều này có thể xảy ra...”, ông Németh Szilárd nhấn mạnh và cho hay: mọi công dân Hung đang bị áp lực ghê gớm vì vấn đề người tỵ nạn.
Theo ông Németh, Hungary không chỉ phải bảo vệ biên giới của riêng mình, mà còn có bổn phận bảo vệ biên giới phía ngoài của EU, nhưng một khi Brussels không thể giải quyết được vấn đề này thì Hung phải tự lực cánh sinh bằng cách của mình.
Không chỉ cần khóa biên giới bằng hàng rào tạm thời, mà phải khóa bằng phương tiện pháp luật - vị quan chức này khẳng định, và cho hay đầu tháng 9, Quốc hội Hung sẽ họp phiên bất thường để sửa đổi một số điều khoản của Bộ luật Hình sự.
Luật mới sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ đưa người, những người vượt biên bất hợp pháp và cả những ai làm hư hại hệ hàng rào cản tỵ nạn. Tuy nhiên, theo ông Németh, bằng mọi giá cần huy động quân đội để xử lý vấn đề người tỵ nạn.
Chưa rõ, chính quyền Hungary hình dung ra sao về vai trò của quân đội trong công việc này, trong khi trước đó họ đã thiết lập những đơn vị cảnh sát để “bảo vệ biên giới” bên cạnh lực lượng cảnh sát cơ động, nhưng không có quyền nổ súng.
Đề xuất huy động quân đội chống người tỵ nạn chỉ được Quốc hội Hungary thông qua nếu có hai phần ba số dân biểu đồng tình, điều mà một mình phe cầm quyền không đủ, mà còn cần đến sự nhất trí của một số dân biểu đối lập.
Nói về điều này, ông Németh khẳng định: ngày 3-4 tháng 9 tới, công luận và truyền thông Hung sẽ biết rõ rằng, ai là những dân biểu ủng hộ những kẻ nhập cảnh bất hợp pháp, chống lại dân Hung, và ai góp phần bảo vệ biên giới phía ngoài của Châu Âu!
Mở thêm nhiều khu cho người tỵ nạn
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 141 ngàn người tỵ nạn tới Hungary, vượt quá con số mà chính quyền Hung dự tính cho cả năm. Vì các trại tỵ nạn đều ở những vùng xa xôi, nên đa số ăn ở vạ vật tại các vườn hoa, công viên và nhà ga quốc tế ở Budapest để tìm đường đi tiếp.
Vì lý do đó, cách đây ba tuần, chính quyền TP. Budapest đã quyết định ngăn một phần các nhà ga xe lửa thành các khu tiếp nhận tạm thời người tỵ nạn, để họ có thể trú chân, tắm giặt và nhận sự hỗ trợ của các tổ chức dân sự trong thời gian chưa đi tiếp được tới các trại tỵ nạn.
Tuy nhiên, cảnh tượng ba bốn trăm người tỵ nạn ngồi nằm lộn xộn tại các nhà ga trung tâm được cho là làm mất mỹ quan thành phố, có thể gây bất ổn cho an ninh công cộng. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng coi đây không phải là bổn phận của họ, chỉ là việc cực chẳng đã mà thôi.
Do đó, một quyết định mới vừa được Thị trưởng Budapest Tarlós István đưa ra: đóng cửa các khu tạm thời ở ba nhà ga quốc tế, mở một khu tiếp nhận lớn hơn, có sức chứa chừng một ngàn người, tại một khu chợ trời cũ thuộc sở hữu Tổng cục Đường sắt nằm gần Ga phía Đông.
Dự tính, khu mới này sẽ đi vào hoạt động trong vòng hai tuần tới. Tuy nhiên, các tổ chức dân sự đã có nhiều ý kiến lo ngại, rằng việc giải tán các khu tạm thời ở ba nhà ga là không hiện thực vì thế nào người tỵ nạn cũng sẽ tập trung ở đó, nơi gần những phương tiện di chuyển.
Ngược lại, các tổ chức dân sự sẽ không tiếp tục hỗ trợ được cho người tỵ nạn ở nơi mà họ xuất hiện nhiều và thường xuyên nhất, là những nhà ga. Và chính quyền thì không hề có biện pháp gì giúp người tỵ nạn, từ y tế, sức khỏe đến những vấn đề thực tiễn khác của cuộc sống.
Bên cạnh khu tạm trú, hai trại tỵ nạn mới cũng được chính quyền Hung thiết lập tại những vùng xa xôi, ở ngoài khu dân cư, bằng nguồn vốn ngân sách, do các trại hiện tại đã từ lâu quá tải nhiều lần về cả sức chứa lẫn đội ngũ nhân viên.
Nghịch lý trước tình hình mới
Trong khi tình hình tỵ nạn của Hung ngày một “nóng” và cấp bách hơn với những tuyên bố và động thái liên tục của chính giới nước này, truyền thông Hungary nhận thấy một nghịch lý trong vấn đề tỵ nạn, mới phát sinh cách đây gần một tuần.
Đó là việc chính quyền Đức tuyên bố sẽ chấp nhận trong thực tế tất cả những người đến từ Syria, vì lý do quốc gia này là nơi đang diễn ra chiến sự, đồng thời sẽ không trao trả lại những người tỵ nạn này cho các quốc gia mà họ đặt chân đến đầu tiên, theo thông lệ.
Quyết định này của Đức chỉ thực tế hóa những gì mà Berlin đã làm trong thời gian gần đây: trao quy chế tỵ nạn cho đại đa số những người đến từ Syria, và hầu như ít khi áp dụng Hiệp ước Dublin của Châu Âu về người tỵ nạn để trả lại họ về nơi đã đến lần đầu.
Đối với Hungary, hàng rào “vệ quốc” đang xây dựng, như cho tới bây giờ, không ngăn chặn được dòng người tỵ nạn. Đây là điều mà mới đây chính quyền Hung cũng phải thừa nhận, họ nói thêm rằng “tấm màn sắt” chỉ làm cho quá trình nhập cư trở nên có kiểm tra hơn.
Trong thực tế, người tỵ nạn tại Hung đã bị lấy vân tay và đưa vào hồ sơ sổ sách rất kỹ lưỡng. Công việc này, với vài ngàn người tỵ nạn mới mỗi ngày, khiến bộ máy cảnh sát của Hung phải hoạt động hết tốc lực mà vẫn có cảnh chậm trễ khiến dân tỵ nạn bất bình.
Tuy nhiên, đại đa số những người xin tỵ nạn này, sau ít ngày đã tìm cách chạy sang Phương Tây. Số còn lại, chỉ một tỷ lệ nhỏ được công nhận là tỵ nạn. Đặc biệt, trong tình hình mới thì người Syria tới Hung sẽ đều tìm cách đổ sang Đức để được hưởng quy chế tỵ nạn nới lỏng.
Câu hỏi được đặt ra là những dữ liệu của người tỵ nạn bị “mất tích” như vậy có được ghi nhận trong hệ thống hình sự chung của toàn Châu Âu hay không? Nếu không, sẽ không chứng tỏ được là người tỵ nạn đã nhập cảnh Hung đầu tiên, và về sau Hung không phải nhận lại từ nước khác.
Tuy nhiên, nếu có, đây sẽ là dữ liệu chứng tỏ Hung đang chịu áp lực rất nặng nề, và cần EU giúp đỡ. Trước mắt, điều này có vẻ thành công: Hung vừa được Brussels cấp 8 triệu Euro trợ cấp khẩn cấp, và hơn 85 triệu Euro cho thời kỳ 2014-2020, để xử lý vấn đề tỵ nạn.
Cho dù, trước mắt, Hung mới cấp quy chế tỵ nạn cho vỏn vẹn 270 người, và nhận trở lại vài trăm người tỵ nạn.
Nhận xét về vấn đề này, một chuyên gia về tỵ nạn, PGS TS Nagy Boldizsár của Đại học Trung Âu (Budapest) cho rằng, chính quyền Hung đã không sòng phẳng, khi luôn kêu ca về hàng trăm ngàn người tỵ nạn để xin tiền EU, trong khi chỉ bảo vệ vài trăm người trong thực tế.
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.