QUYỀN ĐƯỢC LÊN TIẾNG

Thứ năm - 20/08/2015 01:37

(NCTG) “Chẳng phải quyền lên tiếng, chỉ trích bộ máy hoặc chính quyền chưa làm tốt, chưa làm đúng, chưa làm hết trách nhiệm là quyền cơ bản và chính đáng của công dân ở đất nước tự do đó sao!”.

“Con thấy giáo dục Việt Nam bây giờ là quá “thối nát” rồi”, phát biểu gây sốc của cậu bé 14 tuổi đang gây xôn xao và tranh cãi ở Việt Nam - Ảnh: Internet

“Con thấy giáo dục Việt Nam bây giờ là quá “thối nát” rồi”, phát biểu gây sốc của cậu bé 14 tuổi đang gây xôn xao và tranh cãi ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Tám giờ sáng, cả thành phố đã nóng như cái lò nướng. Dòng người đi xe máy chen ôtô trên đường nhựa chẳng khác dòng kiến thợ bò ra khỏi tổ đi kiếm mồi. Họ lên giữ chắc tay ga, nới chân phanh nhích từng nửa mét.

Có người vứt bỏ các quy tắc, luật lệ giao thông leo lên cả vỉa hè để có thể chiếm thêm vài mét trống hòng thoát đám đông đúc lúc nhúc bức bí kia. Tất cả căng thẳng lao về phía trước cho mục tiêu của họ: đến được nơi làm việc.
 
Có tiếng nói của một phụ nữ với sang người bên cạnh lúc tắc đường: “Em ơi, sắp rơi kìa. Túi bọc bánh rách rồi!”.

“Em cám ơn chị”, cô gái nói xong rồi cúi thấp xuống khung xe sửa lại túi ni-lông đựng món bánh lá (chắc là món ăn sáng của cô).

Cũng một sáng khác trên đường, người phụ nữ dừng chờ đèn đỏ song song một cặp vợ chồng. Thấy quai túi đeo vai của người vợ có một móc xích tuột và cảm giác sắp đứt bung liền cảnh báo: “Chị ơi, quai túi sắp đứt kìa!”, thì ngay lập tức nhận được cái lườm kèm câu nói “vớ vẩn” trước khi đôi vợ chồng rồ ga đi tiếp.

Thử hỏi: nếu, người phụ nữ không lên tiếng cảnh báo bánh sắp rơi, cô gái có còn bánh lá để ăn sáng không? (Tất nhiên, cô ấy có tiền để mua món ăn khác, nhưng nếu không có tiền thì nhịn đúng ko?).

Hay như câu hỏi vẫn lăn tăn trong đầu, rằng liệu đôi vợ chồng kia có bị rơi túi không? Mà rơi thì khổ thật khi bao thứ vương vãi trên đường chưa kể có thể bị mất đồ.

… Có biết bao nhiêu câu chuyện giống và khác, nhỏ to lớn bé đang xảy ra hàng ngày trong thành phố và trên mảnh đất này. Người tốt, người xấu lẫn lộn. Sự tức giận, hoài nghi, đố kị, biết ơn và vô ơn. Các giá trị thật giả bị đảo lộn. Có những thứ xáo lên một chút rồi lại chỉm nghỉm.

Những tiếng nói thưa thớt dần. Người thì thờ ơ vì chẳng phải việc của mình, người thì muốn tránh vì chẳng muốn đối đầu, người chán nản trong sự chấp nhận “biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Lên tiếng hay im lặng cứ lầm lũi trôi qua từng ngày.

Mấy ngày qua, một bạn học sinh 14 tuổi lên tiếng về giáo dục Việt Nam. Em xuất hiện tại một buổi ra mắt bộ sách của một nhóm làm về giáo dục. Có thể nói, tại những diễn đàn như thế này rất hữu ích cho việc lên tiếng hoặc nêu quan điểm để cùng chia sẻ. Những gì em phát biểu không mới nhưng lại gây được “sốc dư luận”.

Rõ ràng, ai cũng thấy, sau mọi cố gắng thử nghiệm cải cách giáo dục thì những người trong ngành vẫn loay hoay chưa ra lối thoát “cải đi cải lại”. Phát biểu của em, tất nhiên, động chạm tới sự yếu kém trong thực thi nhiệm vụ của Bộ ngành liên quan.

Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá “thối nát” rồi.

Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được.

Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm
”.

Những người bình tĩnh suy nghĩ, có đầu óc sẽ thấy rõ là những gì em ấy hỏi (và hỏi rất lịch sự, văn minh - thể hiện trong clip) cũng như nêu ý kiến hoàn toàn không đáng bị chỉ trích trên cả phương tiện báo chí chính thống cũng như nhà báo mượn mạng xã hội đang làm.

Mọi người dân sống trong một xã hội văn minh thì ai cũng có quyền lên tiếng, già trẻ lớn bé không phân biệt tuổi tác, giới tính. Và khi những vấn đề rất tệ mà người trẻ trong cuộc đang được “gọi-là-hưởng-lợi” chỉ ra được thì lại càng cần nghiêm túc nhìn lại.

Lẽ ra, cần phải tự hỏi: nếu thấy giáo dục dở tệ mà không lên tiếng thì như thế nào? Hãy tự hỏi bạn nghĩ thế nào khi chỉ trích tiếng nói thẳng và thật của một công dân? Hơn nữa, dù còn trẻ đã rất có ý thức và trách nhiệm?

Chẳng phải quyền lên tiếng, chỉ trích bộ máy hoặc chính quyền chưa làm tốt, chưa làm đúng, chưa làm hết trách nhiệm là quyền cơ bản và chính đáng của công dân ở đất nước tự do đó sao!

Người ta cũng đã quên trong tranh luận thì cần “bẻ” đối phương trên luận điểm của đối phương đưa ra, chỉ ra chưa đúng hoặc sai hoàn toàn ở điểm nào chứ không thể “đánh tráo” và “lái” sang hướng khác rồi tranh luận theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”.

Vì thế, người ta chỉ chọn những giả định về bạn học sinh đó để phục vụ cho luận điểm của mình. Nào là “mượn mồm con nít”, nào là “đừng đổ lỗi sự thất bại của bạn cho Bộ trưởng”. Nào là “bé thế biết gì mà “chém”?

Người ta không biết rằng chính em trai đó và chị gái của em cũng đang cùng bạn bè thực hiện dự án giáo dục mà-em-khiêm-tốn-gọi-là-nhỏ để dạy học cho các bạn nhỏ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn và khuyết tật vào các ngày cuối tuần cũng như tìm hiểu các cách có khả năng giúp thay đổi giáo dục Việt Nam.

Họ cũng không công nhận bạn đó tuổi còn nhỏ nhưng suy nghĩ không nhỏ. Bạn ấy nhỏ và hành động trong khả năng của mình. Hành động của bạn ấy cũng không nhỏ. Và hơn hết, bạn ấy đã dám nói lên suy nghĩ và ý kiến của chính mình.

Nếu ai cũng thờ ơ không lên tiếng, không quan tâm tới xã hội và chỉ nhăm nhăm lao về phía cái đích của riêng mình... Xã hội sẽ như thế nào?

Nói thế để thấy, bạn ấy LỚN hơn bạn và tôi rất nhiều đấy! Và là một người trẻ, một công dân, bạn đáng được tôn trọng. Xin mượn câu trích trong một bài viết của người bạn để kết thúc bài viết này: “Mà một xã hội không biết tôn trọng trẻ em thì cũng là một xã hội không tôn trọng tương lai. Và không có tương lai”.

Minh Thùy, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn