KỂ CHUYỆN THỔ NHĨ KỲ

Thứ sáu - 13/05/2016 13:49

(NCTG) “Không có nơi nào là hoàn hảo, nhưng tùy ở người dân chấp nhận buông xuôi hay tranh đấu cho những điều tốt đẹp hơn trong hiện tại và cho tương lai của con cháu mình. Có điều cuộc chiến cho lẽ phải công bằng bao giờ cũng là công cuộc bền bỉ đồng hành cùng cuộc sống”.

Tác giả cùng chồng và con. Ảnh chụp tại vùng Cappadocia, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tác giả cùng chồng và con. Ảnh chụp tại vùng Cappadocia, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vậy là đã một năm từ khi gia đình nhỏ của mình về Thổ Nhĩ Kỳ. Sau nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc ở Châu Âu, việc về một xứ sở đạo Hồi khiến không ít bạn bè phải e dè giùm mình. Chính bản thân mình nhiều năm trước cũng không nghĩ tới việc lấy chồng nước ngoài chứ đừng nói đến việc về đây. Tuy nhiên mỗi quyết định trong cuộc sống luôn có một ý nghĩa nào đó. Cũng nhờ vậy mà giờ mình có vài chuyện muốn kể các bạn cùng nghe về nơi này.

Cũng như nhiều người không biết về Việt Nam thường hỏi mình chữ Việt giống chữ Tàu à, hay bạn có thể hiểu tiếng Tàu không, nhiều người khác và mình lúc đầu cũng lầm tưởng Thổ xài tiếng Ả Rập. Một trong những điều làm mình rất ấn tượng là người Thổ gìn giữ văn hóa truyền thống rất tốt. Trong một đám cưới, ngay cả đàn ông hầu như ai cũng có thể nhảy những vũ điệu truyền thống. Văn hóa ẩm thực cũng rất phong phú, hài hòa khẩu vị, và đặc biệt là hàng quán người ta cũng rất chăm chút vào chất lượng các món truyền thống, không nấu qua loa. Có lẽ văn hóa thương mại là điểm mạnh của quốc gia này, nên họ biết giữ gìn chữ tín là quan trọng ra sao.
 
Bãi biển Kaputaş - Ảnh: Internet
Bãi biển Kaputaş - Ảnh: Internet

Thổ cũng có Quốc hội bao gồm nhiều đảng phái, nhưng gần đây việc ông Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan theo đuổi chính sách độc tài, cổ súy tôn giáo, muốn thâu tóm hết quyền lực, thực hiện gia đình trị, đi ngược tiến trình dân chủ làm phẫn nộ những người ủng hộ dân chủ, và đặc biệt là trí thức. Hệ thống trường học có công và tư trong đó các trường tư có thể theo đuổi chính sách riêng. Ví dụ chính sách đề bạt giáo sư có Hội đồng Nhà nước, ai thi đậu thì có thể nộp đơn vào bất kỳ trường công nào khác, nhưng trường tư có những tiêu chí riêng cao hơn. Gần đây có một vụ các học giả đồng ký tên phản đối một chính sách nhà nước, sau đó nhà nước ép buộc các trường phải ngưng công việc của họ. Những ai làm ở trường công thì bị ảnh hưởng, còn những ai làm ở trường tư thì không sao cả, vì trường tư không theo chủ trương nhà nước.

Ông xã mình trước đây học trường công (Metu) nhưng đang làm việc cho trường tư (Bilkent) nên thường có những so sánh thực tế. Cả hai trường này đều có khu campus riêng, sự xuất hiện của ông Tổng thống không được sinh viên chào đón nồng nhiệt gì. Nhưng trường Metu sinh viên phản ứng dữ dội hơn, họ biểu tình phản đối ra mặt. Đương nhiên cảnh sát phải can thiệp, xịt hơi cay, nhưng sinh viên vẫn bày tỏ phản ứng những khi ông vào campus, đến nỗi sau này mỗi khi ông xuất hiện ông không thông báo trước nữa và điều động rất nhiều cảnh sát bảo vệ. Ở trường tư, sinh viên đa phần khá giả hơn, họ không quan tâm lắm đến điều đó, chỉ bực tức khi bị cấm đường cấm xá thôi. Tuy nhiên trong trường mình thấy họ cũng thường tạo nhóm thể hiện ý kiến công khai.
 
Sinh viên tại Đại học Bilkent - Ảnh: studentworldonline.com
Sinh viên tại Đại học Bilkent - Ảnh: studentworldonline.com

Ở Thổ có hai Hội đồng Khoa học đánh giá giải thưởng cho những người nghiên cứu. Trước đây chỉ có một và do nhà nước quyết định, tuy nhiên vì không đồng tình với những chính sách của nhà nước, các nhà khoa học đầu ngành lập ra một quỹ riêng, tiêu chí trao thưởng riêng. Dù tiền thưởng có ít hơn nhưng những người nhận giải đủ cảm thấy vinh dự vì sự đánh giá dựa trên chính năng lực chứ không có tính chính trị. Năm ngoái, một đồng nghiệp của ông xã mình được Giải Nhà nước, anh tâm sự không biết phải như thế nào khi đối diện với ông Tổng thống đây, có nên cười khi bắt tay không hay phải làm mặt nghiêm? Khi anh ta loay hoay vậy thì cha mẹ anh lại vinh hạnh xin ông Tổng thống chụp chung một tấm hình! Nghe kể vậy ai cũng cười to.

Ba mẹ của ông xã mình ở một thành phố biển không ủng hộ chính sách đảng của ông Tổng thống. Vì vậy nhà nước không rót tiền về tỉnh này để đầu tư cho việc xử lý nước thải ra biển. Vùng biển cách nhà 10 phút đi bộ giờ ít ai tắm nữa vì họ biết biển không sạch, nhưng cá thì không nổi lên mà chết. Muốn tắm biển sạch, người dân phải lái xe 1-2 giờ khỏi vùng sẽ có biển trong vắt nhìn thấu đáy. Mỗi lần đi siêu thị ba mẹ chồng thường hay mua sản phẩm những công ty không ủng hộ chính sách nhà nước. Họ nói mấy công ty này không dám làm ăn bậy bạ vì cơ quan kiểm định nhà nước rất thường xuyên kiểm tra hòng tìm ra lỗi để kết tội họ.
 
Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan có những chính sách không được lòng giới trí thức - Ảnh: izlesene.com
Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan có những chính sách không được lòng giới trí thức - Ảnh: izlesene.com

Người Thổ di cư cũng rất đông, nhưng nhà nước đối xử với kiều bào khá tử tế. Đại sứ quán Thổ ở Brussels cơ sở vật chất cũng đường hoàng và làm việc rất chuyên nghiệp. Nhà nước Thổ coi trọng lá phiếu của kiều bào, tổ chức bầu cử ở các đại sứ quán, thật ra là vì 50% dân số đó ủng hộ đảng của phe cầm quyền. Nghĩ về Việt Nam mình, hóa ra các chính sách không tôn trọng coi thường, “vặt lông” Kiều bào chỉ vì những người này đa phần không ủng hộ nhà nước mà thôi.

Bạn bè và gia đình mình thường ái ngại vì mình ở nơi có nhiều biểu tình, bom nổ, nhưng bây giờ có nơi nào an toàn tuyệt đối đâu. Châu Âu cũng bị khủng bố, Mỹ cũng bị những vụ thảm sát do tự do súng ống. Không có nơi nào là hoàn hảo, nhưng tùy ở người dân chấp nhận buông xuôi hay tranh đấu cho những điều tốt đẹp hơn trong hiện tại và cho tương lai của con cháu mình. Có điều cuộc chiến cho lẽ phải công bằng bao giờ cũng là công cuộc bền bỉ đồng hành cùng cuộc sống.

Châu Tiểu Lan, từ Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ)


 
 Từ khóa: Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn