SÒNG PHẲNG KIỂU ÚC & TÍNH CÁCH VIỆT

Thứ hai - 14/09/2015 12:59

(NCTG) Suốt vài tháng qua, ở Melbourne xảy ra một sự kiện làm nhức đầu nhà chức trách, đó là tài xế xe điện và xe lửa tổ chức đình công đòi tăng lương. Hệ thống giao thông công cộng, niềm hãnh diện của Melbourne, đã gặp vấn đề.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Cũng may là những cuộc đình công mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (vài giờ trong ngày), và đều được thông báo trước.

Thật ngạc nhiên vì mức lương của tài xế xe lửa ở Melbourne là trên 100.000 đô-la Úc hàng năm, thuộc vào hàng những tài xế được hậu đãi nhất thế giới. Họ lại đang sống ở Melbourne - một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới - vậy tại sao họ lại có yêu sách liên quan đến tiền bạc như trên?
 
*

Chuyện kể về hai người đàn ông đang đi trên đường, một Việt một Tây, đột nhiên trời mưa, người Việt chạy hớt ha hớt hải về phía trước để tìm chỗ trú, người Tây vẫn bước đi với tốc độ bình thường như không có gì xảy ra.

Anh chàng Tây quan điểm rằng giả sử ông trời có sụp xuống thì ai cũng phải chết, hãy tận hưởng những phút giây quý báu của đời người thay vì phí thời gian chống chọi với định luật tự nhiên. Còn anh chàng Việt cứ lúng túng, không biết làm gì, xử trí ra sao với tình cảnh trước mắt.

Úc có lẽ là một trong những nơi mà người dân có lối sống sòng phẳng nhất trên thế giới. Điều kiện xã hội văn minh đặt con người ngày càng gần đến ngưỡng không ai ảnh hưởng đến ai. Thậm chí khi dự tiệc sinh nhật, nhân vật chính chỉ có nhiệm vụ gọi điện mời bạn bè và đặt chỗ ở nhà hàng, ăn uống vui chơi xong mạnh ai nấy đến quầy trả tiền cho phần mình vừa ăn, sòng phẳng đến cỡ đó là cùng.

Mọi người dân đều được hưởng phúc lợi như nhau, bạn bệnh có bảo hiểm y tế lo, bạn thất nghiệp thì được hưởng tiền trợ cấp, bạn không có nhà thì chính phủ cấp căn hộ (giống Phú Mỹ Hưng) cho bạn ở, tại sao tôi phải lo cho bạn? Do đó đôi lúc họ áp dụng quy luật sòng phẳng trong cả tình yêu.
 
Đâu là sự khác biệt giữa những con người sòng phẳng ấy với những con người cứ hễ mở miệng ra là nói chuyện tình cảm là chính, tiền bạc chỉ là phụ?

Như đã nói ở trên, thu nhập chưa hẳn là vấn đề của cuộc sống ở một nước phát triển. Công dân đi làm vì ý thức lao động, vì trách nhiệm đối với xã hội, vì cuộc sống là phải như vậy.

Đối với người dân Úc, sống bằng sự trợ cấp xã hội là một sự sỉ nhục trừ những trường hợp tàn tật. Họ được giáo dục sự tự lập từ nhỏ, họ biết cách tự lo cho bản thân và đem lại lợi ích cho xã hội. Dần dần sự tự giác trở thành bản năng, cái gì cũng… tự giác. Đi ăn xong là tự đi trả tiền, nếu không họ sẽ cảm thấy khó chịu trong người. Bạn mà muốn chiêu đãi họ cũng từ chối khéo và tỏ cử chỉ ngạc nhiên.

Người Việt trong nước đời sống có khác, chính vì sự góp nhặt văn hóa Á-Âu nửa vời khiến giờ đây chúng ta không biết đâu mới thật sự là cá tính Việt. Một bộ phận không nhỏ người Việt cứ nghĩ chiêu đãi bạn bè là hành vi của bậc trượng phu (?).

Thật ra điều đó chỉ càng làm tăng sự tự ti của phía đối diện và sự tự tin không đúng chỗ của “người hùng”. Đến một lúc nào đó, khi tần số lệ thuộc dâng cao, tiền bạc không rõ ràng thì tình cảm khó mà êm xuôi.
 
*

Theo khảo sát, tài xế xe lửa được xem là một trong những nghề buồn tẻ nhất. Hãy tưởng tượng, bạn phải nhìn những đường ray xe lửa hết thẳng rồi cong từ ngày này qua ngày khác, đó là bài tập tinh thần rất nặng chứ không hề nhẹ và không dành cho những người thiếu kiên nhẫn. Ngắm nam thanh nữ tú hoài còn chán, huống hồ trước mặt bạn toàn là sắt và đá, đường hầm dài hun hút.

Ôi, kể thôi đã hết ham! Nhưng đó không phải là lý do mà họ yêu cầu tăng lương.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong vòng ba năm qua, Metro Trains - công ty chủ quản của họ - đã đạt mức lợi nhuận tăng 45%, trong khi lương họ vẫn như cũ. Họ cảm thấy sự bất công và thật dễ hiểu khi họ yêu cầu lương của họ phải được tăng thêm 18% trong vòng ba năm tới.

Điều này cho thấy hiện tượng đôi khi không xuất phát từ nhu cầu cuộc sống - vì với mức lương trên một trăm ngàn đô-la Úc hàng năm và phúc lợi xã hội Úc thì bất cứ ai cũng có thể nuôi sống gia đình mà không gặp trở ngại gì về mặt tài chính - mà từ mối quan hệ qua lại chưa được tương xứng, tính công bằng bị thiên lệch.

Đó là lý do tại sao những tỷ phú ở các nước phát triển sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đô làm từ thiện, nhưng họ không thèm bỏ ra một xu cho những người lười biếng. Trong trường hợp này, công sức họ bỏ ra đã không được trả như những gì mà họ cho là xứng đáng.

Không dám nói tất cả, nhưng người Việt có lẽ vẫn còn nằm trong số những dân tộc đánh giá con người qua số tiền kiếm được. Có rất nhiều người Việt hỏi tôi: “Bạn làm được bao nhiêu tiền mỗi tháng?”. Tôi không sợ phải trả lời câu hỏi đó, nhưng tôi tự hỏi trả lời để làm gì và người hỏi muốn biết để làm gì cơ chứ? Đó có phải là sự quan tâm cần thiết không nhỉ?

Khi đi ra nước ngoài, “thói quen xấu” đó đã giảm bớt phần nào, và một bộ phận người Việt đã tiếp thu lối sống văn minh và xem đó như là điều tối kỵ trong giao tiếp. Thực ra “giao tiếp trực diện” thì ngại hỏi, chứ “bản tính tò mò” thật ra vẫn còn hiển hiện. Quả thật khó bỏ! Quanh đi quẩn lại rồi cũng nhắc đến thu nhập.

Những gia đình lao động không nói làm gì, ngay đến cả tầng lớp cao hơn, kỹ sư bác sĩ chẳng hạn, đều vậy. Gia đình nào có con làm bác sĩ đã là tự hào, khoe bác sĩ không thôi chưa đủ, phải lôi thêm cái rờ-mọt, bác sĩ này thu nhập ba trăm ngàn mỗi năm khác với bác sĩ bậc trung 150.000 đô-la, càng không thể bì với những bác sĩ phẫu thuật, một ca mổ tim có thể nhận mức thù lao vài chục ngàn đô…

Trở lại với cuộc đình công của tài xế xe lửa ở Melbourne, tuy họ và những ông chủ đang có mâu thuẫn, nhưng những người chịu trận sẽ là hành khách và những dịch vụ có liên quan. Lịch sử loài người cho thấy tất cả các cuộc xung đột lợi ích đều ảnh hưởng đến bên thứ ba. Khi loài người vẫn còn dùng tiền làm thước đo giá trị thì xem ra dù ở đâu cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng.

HS, từ Melbourne


 
 Từ khóa: Melbourne
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn