TẢN MẠN QUANH CUỐN HỘ CHIẾU

Thứ sáu - 04/04/2014 23:00

(NCTG) “Thế là cái “cuốn hộ chiếu be bé, xinh xinh, có khổ nhỏ hơn bàn tay chút xíu…” ấy cũng có khối điều để viết về nó. Thuận lợi hay trắc trở cũng là do nó, thậm chí đến cái chuyện vinh/nhục của công dân một nước nào cũng là gắn liền với nó”.


Minh họa: Internet

Nếu khoảng bảy hoặc tám năm về trước có ai bắt làm bài văn tả cuốn hộ chiếu, có lẽ mình sẽ tả như thế này:

Cuốn hộ chiếu của em be bé, xinh xinh, khổ nhỏ hơn bàn tay chút xíu. Bìa hộ chiếu màu xanh dương đậm, với hàng chữ ‘Hộ chiếu Canada’ bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Mở hộ chiếu, trang đầu tiên là hàng chữ trịnh trọng nhắc nhở đây là tài sản của chính phủ Canada (chẳng phải của nhân dân, nhân dân không có quyền làm chủ tài sản này).

Trang thứ hai là trang em ngán ngẩm nhất - ở đây chình ình một gương mặt rất ư là hình sự, vì luật của Canada yêu cầu khi chụp ảnh hộ chiếu thì cấm khổ chủ không được nhe răng. Bên cạnh bức ảnh là vài thông tin cá nhân cùng nét chữ ký gà bới của em.

Lật thêm một hai trang nữa thì sẽ thấy vài con dấu nhập cảnh của một số nước em từng đi qua. Trong số đó, dấu nhập cảnh của đế quốc Mỹ (ấy chết, em cứ quen mồm, của ông hàng xóm Mỹ) là nhiều nhất… Tình hữu nghị giữa Canada và Mỹ cũng thắm thiết không thua gì tình đồng chí môi hở răng cóng giữa Việt Nam và ông bạn mười sáu chữ vàng.

Đến đây thì em tịt ngòi vì chẳng biết viết gì thêm về chiếc hộ chiếu của mình. Mà em nói thật, có gì đáng để viết cơ chứ? Chỉ là một cuốn sổ nho nhỏ đưa cho nhân viên xuất nhập cảnh nhìn nhìn, hỏi dăm vài câu lấy lệ rồi phủi tay đuổi đi cho khuất mắt, việc gì phải quan trọng hóa nó lên như thế?
”.

Nhưng mình nhầm, một chữ “NHẦM” to tướng!

Khoảng năm 2008, nhà mình đón cô em họ (tạm gọi là Q.) bên Việt Nam qua đây du học. Chừng một hoặc hai năm sau mình đề nghị cả nhà (trong đó có bà ngoại) làm một chuyến đi qua Cali để thư giãn đầu óc, sẵn dịp cho Q. thấy các bác đế quốc giãy chết như thế nào. Q. vẫn còn dùng hộ chiếu Việt Nam nên phải xin visa của Tòa lãnh sự Mỹ để đi qua biên giới. Bên Mỹ gật đầu cái rụp, giấy tờ về nhanh chóng. Bước đầu thành công thuận lợi nhé!

Hành trình của bọn mình bắt đầu bằng một tiếng rưỡi lái xe qua biên giới Mỹ đến thành phố Buffalo (New York), sau đó sẽ bay từ Buffalo đến Los Angeles (California). Đường xá tốt đẹp, chẳng bị kẹt cúng gì. Xe chạy bon bon đến trạm gác của nhân viên nhập cảnh phía Mỹ thì dừng lại, cánh cửa xe hạ xuống. Mọi người trong xe đều chuẩn bị nhe răng cho một nụ cười dễ thương nhất để cái anh chàng da trắng tóc nâu với gương mặt khó đăm đăm kia có thể cho mình đi qua một cách dễ dàng.

Chàng nhân viên nhập cảnh (tạm gọi là John) cầm một đống hộ chiếu trong tay, lật lật. Nhìn đến chiếc hộ chiếu cuối cùng thì ngắm nghía lâu hơn:

- Trong xe ai là người ở Việt Nam qua?

Q. giơ tay. Chàng John khủng bố tới tấp… Qua Mỹ làm gì? Ở bên Cali bao lâu? Làm nghề gì? Có quen ai ở đó không? Qua bên đó rồi ở đâu, khách sạn hay nhà người quen? Q. trả lời xong, chàng John im lặng, ngắm nghía chiếc hộ chiếu thêm một vài giây nữa rồi bốc điện thoại gọi về văn phòng. Sau khi nhận chỉ thị chàng nhe răng nở một nụ cười rất đểu:

- Cảm phiền mời quý vị dời xe vào làm việc với nhân viên trong văn phòng chúng tôi.

Thôi rồi Lượm ơi!

Bọn mình được dẫn vào ngồi trong phòng chờ đợi cùng với một số người khác, đủ màu da trắng, nâu, đen, vàng. Vài vị mặt thiểu não như bánh bao chiều; vài vị hậm hực rình rập chiếc đồng hồ; một số vị đồng cảnh ngộ tụ lại với nhau, thì thào: “Tớ có visa rành rành ra đó mà vẫn không được qua, chó thế đấy!”.

Trong lòng mình nóng như lửa đốt. Lần đầu tiên dẫn bà ngoại đi chơi, nhìn cách bà ngồi chịu đựng, đầy nhẫn nại mà mình áy náy vô cùng. Hơn nữa, bọn mình đang đối mặt với nguy cơ trễ chuyến bay vì chỉ khoảng ba tiếng nữa thôi là máy bay cất cánh rồi. Thế là đi nói chuyện phải quấy với các bác đế quốc.

Phía Mỹ đã cấp visa rồi cơ mà, tại sao chúng tôi còn bị giữ lại?”. Vẫn cách trả lời lịch sự, thủ tục, nào là phía nhập cảnh của chúng tôi có toàn quyền quyết định chuyện đi/ở của các bạn; nào là chúng tôi có quyền không cho qua nếu cảm thấy nghi ngờ; nào là chúng tôi đang tiến hành các thủ tục kiểm tra, sẽ cho biết kết quả các bạn có qua bên chúng tôi được hay không.

Phiền phức không thể tưởng tượng được! Chưa bao giờ ở trong tình cảnh thế này nên mình ráng nén giận, nhỡ gì các bác ấy thấy ghét, đuổi về lại Canada thì khốn!

Cuối cùng thì sau hơn hai tiếng, bọn mình cũng được chấp nhận cho qua. Xe chạy như bị ma đuổi, đến bãi đậu xe ở phi trường thì thắng kịt, nhìn đồng hồ chỉ còn khoảng hơn mười lăm phút nữa là máy bay cất cánh. Bọn mình vừa bảo nhau kéo va-li chạy nước rút, nhìn lại mới nhớ là còn… bà ngoại, cuối đời mà còn bắt bà làm vận động viên điền kinh thì nhỡ có chuyện gì bọn con cháu chẳng gánh nổi tội lỗi!

Thế là chữa cháy, bảo thôi bà cứ đi từ từ với Q. nhé, để bọn con chạy vô trước năn nỉ máy bay xin nó chờ thêm cho mười lăm phút nữa.

Hớt ha hớt hải như con điên chạy vào phi trường. Trước nhất là xông thẳng vào quầy của hãng máy bay để xin họ điện thoại cho tiếp viên xem có thể cho thêm thời gian không. Được gật đầu, tiếp tục chạy nước rút đến khu an ninh và cũng may là Trời thương, lúc đó lại ít người. Đến được cổng lên máy bay thì chỉ còn năm phút là máy bay cất cánh, bên tai là tiếng loa inh ỏi gọi tên của bọn mình.

Túm được bà tiếp viên hàng không đang đứng chờ, năn nỉ tiếp: “Cô ơi, ráng chờ thêm một chút nữa thôi. Chúng em có bà đi theo cùng, bà già rồi nên dù cố gắng đi nhanh cũng không nhanh được lắm đâu!”. Nhìn lại sau lưng, thở phào - bà ngoại và những người kia đã đi gần đến.

Vậy là sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên mình lờ mờ cảm nhận được, à thì ra cái hộ chiếu Canada nó cũng dễ thương ra phết đấy chứ!

Chuyện phiền phức liên quan đến chiếc hộ chiếu của xứ thiên đường không chỉ dừng ở đó. Ít lâu sau bọn mình (có Q.) có việc phải đi đến quần đảo Cayman (thuộc địa Anh). Phía Cayman cấp visa cho Q. khá nhanh gọn, và bọn mình chắc mẩm các bạn Cayman không đến nỗi ác ôn và khó chịu như các bạn đế quốc, cấp visa cho đã đến chừng các bạn ấy nổi hứng thì không cho qua. Vé máy bay tất cả đều chuẩn bị sẵn, chỉ chờ ngày ra phi trường Toronto (Canada).

Rồi ngày đi cũng đến. Bọn mình vừa xếp hàng trước quầy soát vé của hãng máy bay, vừa mơ đến hòn đảo Cayman - nằm ở vùng Caribbean, nổi tiếng nhờ bãi biển Seven Mile Beach với cát trắng xóa và làn nước ấm, trong xanh như ngọc. Đột nhiên, giấc mơ ấy bị đánh thức bởi tiếng nói lạnh lùng của cô tiếp viên hàng không với Q.:

- Bạn không thể lên máy bay này được.

- Tại sao?

- Bạn không có visa.

- Tôi có visa của Cayman cấp đây này.

- Bạn có visa của Cayman, nhưng bạn cần visa của Mỹ nữa!

- Ơ… tôi có qua Mỹ đâu, tôi đi Cayman mà!

- Đúng, bạn đi Cayman, nhưng trên đường đi bạn quá cảnh ở Mỹ, nên bạn vẫn cần visa của Mỹ!

- Tôi chỉ chuyển máy bay ở Mỹ thôi, đâu có ở lại đó đâu.

- Sorry bạn, luật là như thế. Dù bạn quá cảnh ở Mỹ nhưng vẫn cần visa. Người ta đâu biết được là bạn có nhân chuyến quá cảnh ở Mỹ mà trốn lại luôn không!

Bọn mình nhìn nhau, cười mếu. Cô tiếp viên thương tình: “Bạn hỏi thử các hãng máy bay xem có chuyến nào bay thẳng từ Canada qua Cayman hay không? Nếu có thì bạn lấy chuyến bay ấy,  không cần phải bị mấy vụ visa rắc rối này!”.

Thế là điện thoại cho hãng máy bay, vật lộn với các menus và options một lúc thì mới biết là có các chuyến bay thẳng từ Toronto (Canada) đến Cayman, nhưng giá đắt gấp đôi, 700 đô-la, và chuyến sớm nhất phải là sáng ngày hôm sau. Q. không còn cách nào khác, phải chọn giải pháp này. Nhóm bọn mình đành tách ra, các công dân Canada đi theo hành trình bay đã vạch sẵn, còn công dân Việt Nam ở lại chờ chuyến bay từ Toronto ngày hôm sau.

Lên máy bay rồi, vẫn còn mãi nghĩ ngợi về chuyện vừa xảy ra. Thế bao lâu nay mình cứ như con cóc ngồi đáy giếng, chẳng biết cái… cóc khô gì cả về những chuyện hộ chiếu với visa này. Cả đời mình chỉ biết mỗi VISA, là cái thẻ con con mà mình chà rất sướng tay trong những lần đi mua sắm, để mỗi lần nhìn cái bill đòi tiền mỗi tháng là giật thót tim. Chứ còn cái visa – thị thực – thì hình như chưa bao giờ phải dùng đến.

Vậy là lần đầu tiên mới phát hiện ra chân lý. Cứ cầm cái hộ chiếu của Canada đi đến đâu thì nhân viên nhập cảnh ở đấy cứ răm rắp cho qua, chẳng cần phải lôi thôi gì cả. Công dân của Canada cũng khá oách đấy chứ! Tò mò nhờ bác Google chỉ cho công dân của nước nào thì mới là oách nhất trong vụ được miễn visa – thị thực, thì bác cho ra kết quả như thế này:




Theo số liệu năm 2013 của Henley & Partners thì các bạn nào cầm hộ chiếu của Phần Lan, Thụy Điển và Anh thì cứ dung dăng dung dẻ, ung dung tự tại đi thăm 173 quốc gia trên thế giới. Ba bác này nằm ở nhóm thứ nhất. Theo sau là nhóm thứ hai, gồm Đan Mạch, Đức, Luxembourg và Mỹ - hộ chiếu của các bác này được có… 172 quốc gia đón nhận thôi à! Các nước theo sau gồm Bỉ, Ý, Hòa Lan, Canada, Pháp, v.v…

Cũng theo số liệu này thì người ta rất ngại các bác cầm hộ chiếu của Afghanistan, Iraq, Pakistan, Syria, Libya, Iran, v.v… Hộ chiếu từ đất nước của Kim chủ tịch vĩ đại cũng làm người ta nhăn mặt, khi chỉ có 41 quốc gia trên thế giới miễn thị thực cho các công dân CHDCND Triều Tiên – con số còn thua cả một số quốc gia châu Phi vốn đang nghèo tả tơi.

Thế là cái “cuốn hộ chiếu be bé, xinh xinh, có khổ nhỏ hơn bàn tay chút xíu…” ấy cũng có khối điều để viết về nó. Thuận lợi hay trắc trở cũng là do nó, thậm chí đến cái chuyện vinh/nhục của công dân một nước nào cũng là gắn liền với nó.

Đừng nhìn nó be bé như thế mà khinh thường. Be bé hạt tiêu thế mà cay, các cụ nói thì cấm có sai!

Hải Lý, từ Canada


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn