Minh họa: Internet
Mình luôn thích làm việc với những người khó tính, thậm chí kỹ tính trong công việc vì có thể học hỏi được nhiều, dù ban đầu có nhiều vấp váp. Và lần này thì “cầu được ước thấy”: mình có một ông thầy giáo khó tính nhất trên thế giới.
Ông thầy khó tính
Thầy giáo khoảng 45 tuổi, dáng người hơi đậm. Thầy luôn càu nhàu: “
Trời ơi, tôi nói bao nhiêu lần rồi. Khi ngồi ở ghế lái, muốn mở cửa xe cô phải dùng tay phải mở cửa vì như vậy cô phải ngoảnh người lại hoàn toàn để quan sát xem có mở cửa vào xe hay người đi bên cạnh không.
Nếu cô ngồi ghế phụ thì ngược lại, khi ra phải mở cửa tay trái. Chỉ quan sát gương thôi không đủ. Cô mất bằng lái như chơi vì hành động đó đấy”.
“
Sao cô không quan sát khi qua đường tàu?”
“
Dạ có mà thầy”.
“
Tôi chả nhìn thấy”.
“
Thế thì tại thầy không nhìn thấy chứ ạ”, mình cãi cố.
“
Khi đi thi, cô nói với thầy chấm thi thế nhé. Tôi biết mắt cô có liếc một nhát, nhưng với chúng tôi, đó không gọi là quan sát. Cô phải ngoảnh cái đầu một nhát sang trái, một nhát sang phải để tầm nhìn được mở rộng. Khi đi thi, ai người ta nhìn vào mắt cô để biết là cô có quan sát, người ta ngồi ghế sau và chỉ nhìn thấy cái đầu của cô có cử động không mà thôi”.
Hay cuối cùng khi kết thúc buổi lái, thầy lại nhăn nhó: “
Cô lại không làm đúng quy trình. Tôi nói bao lần rồi: tắt xi nhan, tắt máy, về số, bật phanh tay, rút chìa khóa, quay vô lăng một chút về bên phải. Đi thi mà thế này là người chấm thi người ta không hài lòng đâu. Không phải là lỗi lớn nhưng nếu cộng với các lỗi khác thì cũng đủ để cho cô trượt đấy”.
Thầy toàn cằn nhằn, mắng mỏ là chính, ít khi nào khen được một câu khi mình làm tốt. Một lần, sau buổi lái đêm thầy nói: “
Hôm nay cô lái khá đấy”. Nhưng rồi thầy có vẻ bối rối khi nhỡ khen một câu nên bồi thêm: “
À mà chắc là do lái đêm, đường vắng tanh thế, nhiều khi cô lái một mình một đường thế, không tốt mới là có vấn đề”.
Thầy khó tính đến nỗi có nhiều hôm sau buổi lái mình khóc rưng rức. Một phần vì luôn bị thầy mắng xối xả, một phần cảm thấy ức chế với bản thân vì tại sao hàng triệu, hàng tỉ người trên hành tinh này lái xe được mà với mình lại khó khăn thế này. Có lẽ mình chẳng bao giờ vượt qua được.
Thấy vậy, chồng vô cùng thương cảm, luôn tìm mọi cách an ủi: “
Em đừng suy nghĩ nhiều quá. Cứ học đi rồi khắc sẽ thi được. Kể cả khi em nản quá, không muốn học nữa thì bỏ, chả sao. Anh làm tài xế cho em cả đời cơ mà”.
Đỉnh cao của sự chán nản là khi mình cãi nhau với thầy giáo. Thường thì mình cố gắng phớt lờ khi thầy quá gay gắt nhưng hôm ấy thì không thể chịu đựng được nữa. Lúc đó hai thầy trò lái xe ở một khu vực rất hẹp, nhiều đường một chiều, các xe đỗ đầy một bên. Cuối tuần mình rủ chồng quay lại khu vực này để cho quen đường.
Có một con đường có cái biển cắm rất lạ. Hôm sau khi lái xe với thầy mình hỏi và thầy bảo phải chỉ thì thầy mới biết chứ tả thế thì khó. Vấn đề là mình không nhớ đường làm sao để tới cái biển đó nên nói: “
Thôi, bây giờ chúng ta cứ lái bình thường, nếu vô tình nhìn thấy cái biển đó thì tôi sẽ chỉ cho thầy”.
Rồi trong buổi tập, đang lái, chợt mình nhớ ra con đường có cái biển đó phía bên phải nên rẽ vào dù thầy đang nói rẽ trái. Chưa kịp giải thích thì thầy nổi điên: “
Tôi nói rẽ trái thì cô rẽ phải. Chúng ta không thể làm việc với nhau nếu cô không nghe những gì tôi nói, cô chỉ muốn làm những gì cô muốn. Bla, bla...”.
Thầy tuôn ra một tràng khiến mình bối rối và cứng họng. Nhưng rồi sau đó cơn điên và uất ức bao ngày tháng của mình nổi lên: “
Thầy đã nói hết chưa? Giờ đến lượt tôi nói nhé. Thầy chỉ biết vội vàng chỉ trích người khác mà không cần biết vì sao người ta làm thế. Tôi lái sang phải vì tôi muốn chỉ cho thầy cái biển mà chúng ta nói tới, sau rồi sẽ giải thích cho thầy.
Nếu không rẽ phải ngay mà rẽ trái như thầy, chúng ta sẽ không tìm thấy nó nữa vì tôi không thuộc đường ở thành phố này. Thầy làm tôi vô cùng ức chế trong mỗi buổi học. Tôi tự nhủ không hiểu mình ngu dốt đến mức nào mà không thể học được và khiến thầy đối xử với tôi như thế.
Nhưng nói thật, tôi không thể tiếp tục như thế này được nữa. Tôi đầu hàng rồi. Thầy làm ơn sang lái và chở tôi về nhà giùm đi, ngay bây giờ”.
Có lẽ thầy cũng choáng váng vì sự tức giận của mình nên im lặng khoảng 1 phút. Sau đó thầy nói: “
Tôi xin lỗi vì không hiểu ý cô lúc đó. Nào thôi, bây giờ cô lái tiếp đi, chúng ta sẽ lái về nhà, được chứ? Rẽ phải nhé”.
Mình cũng đành nén giận lái xe về. Về đến nhà, mình lạnh lùng nói: “
Tôi nghĩ cả tôi và thầy đều quá mệt mỏi về các buổi tập này. Tôi muốn chúng ta cùng dừng lại một thời gian để bình tĩnh và xem có nên tiếp tục hợp tác với nhau nữa hay không”.
“
Tùy cô thôi. Có lẽ cô cũng nên nghỉ ngơi một chút. Tôi xin lỗi nếu làm cô giận. Khi nào cô có quyết định tiếp tục học hay không thì gọi điện cho tôi. Chúc cô và gia đình một mùa Phục Sinh an lành”.
Nhẽ ra nên lịch sự nói cảm ơn và chúc lại thầy nhưng cơn giận khiến mình chỉ im lặng, mặt mũi sưng xỉa và bỏ ra khỏi xe. Kể cũng hơi thái quá. Ấy thế mà khi về kể với chồng, chống còn bênh: “
Sao, thằng cha ấy dám mắng mỏ em thế á. Để anh đến nói chuyện với ông ta. Có lẽ ông ta quen việc dạy những bọn tuổi teen 17, 18 nên mắng mỏ chúng nó thế.
Nhưng ông ta nên nhớ rằng không nên làm thế với em, nhất là khi em đang có bầu và rất nhạy cảm nữa chứ. Không thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ không học ở đó nữa, sang trường khác”.
Bố chồng cũng lên tiếng: “
Bố thấy thầy thế là không được. Con phản ứng thế là rất tốt. Không thể để ông ta suốt ngày mắng mỏ, chèn ép thế được. Là thầy giáo phải lấy chữ “nhẫn” hàng đầu”. (Câu này ông nói như thể ông là người Việt Nam!)
Mình lên các forum học lái xe, định bụng xem có trường lái xe nào khác gần nhà thì thấy ai cũng kêu bị thầy giáo mắng té tát. Rồi nói chuyện với chị bạn người Thái mới thi lấy bằng xong, chị ấy nói: “T
rời ơi, ông thầy của tao cũng vậy đó. Thật kinh khủng. Không một buổi học nào của tao thiếu nước mắt. Nhưng rồi khi kỳ thi đến, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mày cố lên, mọi thứ sẽ qua”.
Đâu phải chỉ có mình mình như vậy. Dù bây giờ có đổi sang trường nào khác thì chắc cũng chẳng khác hơn là mấy. Sau khoảng ba tuần nghỉ Phục Sinh và bình tâm suy nghĩ, mình quyết định gọi điện cho thầy để học tiếp. Sau cuộc cãi vã ấy, mọi thứ có vẻ ổn hơn. Thầy giáo cố gắng nhẹ nhàng với mình hơn, mình thì cố gắng giải thích với thầy và hỏi lại xem có phải ý thầy nói vậy không để tránh hiểu nhầm.
Nhưng quả thật sự nhiệt tình và kiên nhẫn của thầy quả là đáng khâm phục (đến giờ khi mọi thứ đã qua rồi mình mới có thể nói thế chứ lúc trước từ tức anh ách). Thầy chỉ nói tiếng Đức và rất ít tiếng Anh nên ban đầu hai thầy trò cũng khá khó khăn để hiểu nhau. Có lẽ sau mỗi buổi học thầy vừa mỏi mồm, mỏi tay và cả mỏi người vì phải diễn tả các kiểu.
Khi nói đến từ “
gestaffelt”, thầy hỏi: “
Cô có biết là gì không?”.
“
Dạ thưa thầy, không ạ”.
“
Ở Đức, kể cả khi cô có bằng lái xe rồi, có thể mất dù không lái ô tô. Nếu cô đi xe đạp nhưng gây tai nạn, cô cũng bị tịch thu bằng lái xe. Hay nếu tôi đi bộ, tôi say rượu chẳng hạn, tôi đi ra cửa thể này (thầy lảo đảo đi lại, diễn tả điệu bộ người say),
rồi loạng choạng ngã ra đây đúng lúc cái xe ô tô lao tới.
Vì tránh tôi mà cái xe đâm sang kia đường, lao vào gốc cây, anh lái xe bị thương. Vậy là tôi cũng bị mất bằng lái. Cái hành động loạng choạng ấy của tôi là “gestaffelt”, cô hiểu chưa?”.
Hay như một lần đang lái xe, thầy giáo nói mình táp vào lề đường. Trời rét căm căm mà thầy nhảy ra, không áo khoác, đứng một bên xe rồi la ầm lên: “
Cô nhìn vào gương đi, tất cả các loại gương, cô có nhìn thấy tôi không?” .
“
Có ạ.”
“
Thế còn bây giờ cô có còn nhìn thấy tôi trong gương nữa không?”.
“
Không ạ”.
“
Cô phải ngoảnh hẳn đầu lại đi, nhìn qua vai ấy. Giờ thấy chưa?”.
“
Dạ rồi ạ”.
“
Cô thấy không? Không phải lúc nào cô cũng nhìn thấy mọi thứ từ gương chiếu hậu. Đó người ta gọi là “Toter Winkel” (góc chết/điểm mù), cô hiểu chưa? Với người lái xe, ngoảnh đầu để quan sát khi rẽ là một hành động không thể thiếu”.
Mình dốt nhất khoản đỗ xe nên nói với thầy dành hẳn một buổi chỉ để đỗ xe thôi. Hôm ấy trời nóng như thiêu như đốt. Vì phải mở cửa để ngó ra ngoài xem đỗ đã chuẩn chưa nên hai thầy trò phải mở cửa sổ và không bật điều hòa. Bài tập đỗ lùi sau một cái cây mình cứ ì ạch mãi không làm được.
Thầy lại nhảy ra khỏi xe, hò hét: “
Quay tay lái đi. Đúng chỗ tôi chỉ này. Quay vô lăng đúng một vòng 360 độ. Dừng đi. Rồi, quay tiếp... Ối giời ơi! Cô suýt đâm vào chân tôi rồi”.
Với mình thì nắng thế ăn thua gì so với Việt Nam. Còn thầy thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ tưng bừng như uống rượu. Thầy nói: “
Thôi, lần sau chẳng học chỉ có đỗ thế này nữa, tôi cũng nản quá. Chúng ta sẽ cứ lái như bình thường rồi thi thoảng đỗ thôi”.
Trông thầy thật tội nghiệp. Một buổi học, về đến nhà mình nói: “
Thầy ạ. Tôi cảm ơn thầy rất nhiều vì đã kiên nhẫn với tôi. Nhiều khi tôi thấy đến chính mình còn không đủ kiên nhẫn với bản thân mình nữa”.
Nghe được câu nói đó thầy có vẻ lấy làm sung sướng lắm: “
Ồ, thì phải vậy thôi chứ biết làm sao. Tôi cũng biết cô rất quyết tâm. Tôi đánh giá cao tinh thần học tập và cố gắng của cô”.
Thi thoảng hai thầy trò lại phải nịnh bợ, thảo mai nhau như thế để có tinh thần học tiếp.
Chồng mình và nhiều người khuyên rằng nên thi lái xe trước khi đẻ. Bụng bầu to thế này thì chắc người ta dễ tính hơn và cho qua thôi. Mình cũng muốn thế và bày tỏ ý định muốn thi sớm. Thầy nghiêm mặt: “
Tôi thật thất vọng vì cô chỉ trông đợi vào sự may mắn như vậy. Cô cần học chắc chắn để đã thi là đỗ, để người chấm thi không thể có lý do nào khiến cô trượt hết.
Cô đang ở Đức, cô cũng biết rằng người Đức rất khó tính và khắt khe như thế nào. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ dành cho cô một ngoại lệ nào. Mặt khác, cô có con nhỏ, cô sắp là mẹ của 2 đứa con, cô cần phải lái xe an toàn nhất có thể, không chỉ cho bản thân mà cho cả các con mình nữa”.
Mình cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói này của thầy: “
Dạ vâng. Vậy tôi sẽ không nhắc đến chuyện thi cử nữa cho đến khi thầy thấy tôi đã lái khá ổn và sẵn sàng cho cuộc thi”.
Xem tiếp Phần cuối của bài viết.