MÙA ĐÔNG NƯỚC NHẬT, CÀ PHÊ VÀ STARBUCKS

Thứ hai - 04/02/2013 23:18

(NCTG) “Người Việt ta quen uống robusta, thì cũng có thể đặt vấn đề cho Starbucks pha chế những thức uống dùng robusta, cho người Việt. Đến lúc đó người nông dân Việt Nam sẽ có cơ hội bán được nhiều cà phê hơn. Những ly cà phê với nguyên liệu Việt Nam sẽ đi khắp thế giới…”.


Cổng vào một ngôi đền theo Thần đạo Nhật Bản ở Nomi


Tháng 2-2012, tôi có dịp sang Nhật để thực tập ở Viện Nghiên Cứu Tiên Tiến về Khoa Học Kỹ Thuật (JAIST). Chuyến đi cho đến bây giờ cũng đã tròn một năm. Trong cái không khí rộn ràng của mùa xuân đang về, nhấm nháp ly cà phê, tự nhiên tôi lại nhớ tới những kỷ niệm của hơn một tháng ở xứ Phù Tang, với những điều lần đầu tiên được biết về Nhật Bản, về cái lạnh của mùa Đông nơi này, cũng như một vài suy nghĩ về đề tài thời sự mạng tên Starbucks.

Những ấn tượng ban đầu

Viện JAIST nằm ở tỉnh Ishikawa, thuộc miền Tây nước Nhật. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Komatsu sau khi đổi chuyến ở Hàn Quốc. Mặc dù đến nơi đã là giữa trưa nhưng ở bên ngoài chẳng có một giọt nắng nào. Mùa Đông đang ngự trị ở đây. Gió thổi mạnh và buốt đến tê tái mặt mày. Hôm nay không thấy tuyết rơi nhưng tôi biết chắc là sẽ được thấy tuyết sớm thôi.
 
Từ lâu người Nhật không ăn tết Nguyên Đán nữa. Trong khi ở Việt Nam đang là mồng Một, mọi người tưng bừng đón Xuân, thì ở đây nhịp sống vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Trên con đường từ phi trường Komatsu về JAIST, có những nơi là phố xá nhà cửa san sát, cũng có những nơi đồng không mông quạnh, nhà cửa thưa thớt. Vì là cuối tuần nên ít thấy bóng người và xe cộ qua lại. Tôi bất ngờ nhận ra một điều là người Nhật lái xe bên trái.


Mặt trước của viện JAIST vào ngày mới đến


Xe đi từ phi trường về JAIST là phương tiện di chuyển miễn phí của Viện dành cho sinh viên và cán bộ giảng dạy, nghiên cứu. Một chuyến xe như vậy đôi khi chỉ có dăm ba người, tính cả tài xế. Xe khởi hành rất đúng giờ. Có khi số người đăng ký đi chuyến xe đã lên đủ nhưng vẫn đợi cho đúng giờ quy định rồi mới xuất phát.
 
Chạy khoảng hơn một giờ thì đến nơi. Viện JAIST nằm ở Nomi, một thành phố nhỏ cách Kanazawa (thủ phủ tỉnh Ishikawa) khoảng 25km. Campus của viện nằm cách biệt với khu vực dân cư. Muốn vào thành phố thì có thể bắt một chiếc xe buýt khác của trường, chạy qua những điểm chính trong thành phố như siêu thị, nhà ga. Từ ga này có thể bắt tàu lên Kanazawa một cách dễ dàng.

Tuyết, mì gói, và cà phê

Sau khi tôi đến JAIST được vài ngày thì tuyết bắt đầu rơi. Ban đầu chỉ rơi nhè nhẹ và chia làm vài đợt lẻ tẻ. Về sau thì rơi dày và hầu như liên tục cả ngày. Từ 9 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều nhìn ra ngoài cửa sổ không thấy trời đất có gì khác biệt. Tất cả chỉ có tuyết và tuyết.
 

Tuyết rơi những ngày đầu, chụp ở khu ký túc xá của viện JAIST

Hồi ở Châu Âu, cái lần tôi phải chịu lạnh ghê gớm nhất là ở Lyon. Còn nhớ có lần lò sưởi bị hư, đứa bạn ở nhà phải bật bếp điện suốt đêm để giữ ấm. Ấy thế mà so với cái lạnh ở Nhật Bản thì vẫn chưa là gì cả. Có người bạn ở JAIST nói rằng mùa Đông ở nước Nhật có thể so sánh với mùa Đông nước Nga, chướng ngại vật đã từng quật ngã Napoléon và phát-xít Đức.
 

Tuyết rơi dày ở thời điểm nửa cuối tháng 2


Trời lạnh thì mau đói. Hành trang của tôi cho 40 ngày ở JAIST chủ yếu là… mì gói và cà phê hòa tan G7, kèm theo một cái ấm nước bằng điện. Cứ rót nước vào, nấu cho sôi, là có ngay hai món khoái khẩu. Hồi đó tôi hay ăn mì lẩu Thái chua cay. Trời lạnh, ăn mì vào ra mồ hôi thì không còn gì thích bằng. Sau một năm và thêm một chuyến thực tập ở nước ngoài, tôi thôi luôn món mì lẩu Thái vì đọc được mấy thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm của mì ăn liền, và cà phê hòa tan G7 cũng đã được thay bằng sản phẩm của Vinacafé.

Kanazawa có cà phê Starbucks…

Kanazawa là thành phố lớn nhất của tỉnh Ishikawa. Bắt tàu từ Nomi tới đây khoảng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Ở các nước có cơ sở hạ tầng phát triển như Nhật Bản hay các nước châu Âu, đi tàu từ thành phố này sang thành phố khác cực kỳ tiện lợi. Tốc độ không quá chậm. Hành khách có thể làm được nhiều thứ trong thời gian ngồi trên tàu. Tàu chạy trên đường ray riêng nên nói chung an toàn hơn xe ô tô chạy trên đường quốc lộ. Kèm theo đó là một hệ thống sắp xếp giờ tàu, những chuyến đến – đi ra vào ga đúng giờ như được lập trình. Muốn đi du lịch khắp nơi trong cả nước bằng tàu hỏa dễ dàng vô cùng. Qua những chuyến đi như vậy, người ta còn có thể luyện cho mình khả năng lên kế hoạch, kiểm soát thời gian chính xác đến từng phút.

Vào cuối đợt thực tập ở JAIST tôi ghé qua Kanazawa thăm thú một ngày. Ở chốn thâm sơn cùng cốc cả tháng trời nên ra phố thị thấy mọi thứ khác hẳn. Đường phố tấp nập người qua lại hơn. Nhịp sống vui tươi. Dầu vậy, ở đây so với Sài Gòn thì có thể nói vẫn là dạng tỉnh lẻ. Chỉ cần như vào sự khác biệt ở dân số, một bên là hơn 460.000 (Kanazawa), còn một bên là hơn 10 triệu (Sài Gòn), là đủ biết.
 

Lối vào lâu đài Kanazawa


Kanazawa nổi tiếng nhất với lâu đài và vườn Kenrokuen. Cuối tháng 2 tuyết vẫn còn rơi dày. Vô vườn Kenrokuen phải tốn phí nên tôi chỉ tham quan lâu đài. Đi loanh quanh cũng hết khoảng một tiếng. Lâu đài theo phong cách kiến trúc thường thấy của nước Nhật thời phong kiến. Tuyết phủ dày các khoảng sân, trên mái ngói, và trên những cành hoa đào khẳng khiu. Nhìn những cành hoa đào ở lâu đài Kanazawa, và cả hàng cây hoa đào ở mặt trước của tòa nhà viện JAIST, nhiều lúc ước gì được qua đây muộn hơn một hai tháng để cho đúng dịp hoa nở. Chưa thấy hoa đào thì chưa thấy được hết cái đẹp của nước Nhật. Nhưng thôi, dù sao thì vẫn còn có tuyết.
 

Một góc bên trong lâu đài Kanazawa


Nhà ga ở Kanazawa sở hữu khá nhiều những cửa hàng đồ ăn nhanh. Đi bộ mỏi chân và trời thì lạnh, thật khó mà cưỡng lại cái ham muốn ngồi vào đây nghỉ chân một lát. Quán cà phê Starbucks nằm ở một góc ga, không quá nổi bật nhưng cũng vừa đủ để thu hút sự tò mò của một người đã từng nghe đồn khá nhiều về cái quán chỉ bán thứ nước mang hương cà phê này. Kanazawa là một thành phố nhỏ và nhu cầu uống Starbucks chắc cũng đã bão hòa nên không có hiện tường xếp hàng rồng rắn để vào thăm ngôi nhà của “Nàng tiên cá”.




Quán cà phê Starbucks ở nhà ga Kanazawa

 
Chụp một tấm ảnh quán Starbucks từ bên ngoài để gửi về cho một tín đồ của nhãn hiệu cà phê này, một người mà nhiều kỷ niệm thời đi học ở Úc gắn liền với Starbucks. Nhìn từ bên ngoài vào, quán tương đối rộng rãi. Ngoài một số bàn bình thường đặt giữa sảnh, quán còn có một dãy bàn ôm sát cửa kính. Bạn có thể chọn nơi đây làm chốn hò hẹn với những cô gái Nhật, cùng ngồi ngắm tuyết rơi và uống món nước nhàn nhạt có hương cà phê… Trung Quốc.

Sài Gòn cũng có cà phê Starbucks…
 
Quán Starbucks khai trương ở Sài Gòn được vài ngày. Quan sát sự kiện này nhiều khi tôi có cảm tưởng như đang được xem một bộ phim bom tấn. Trước khi công chiếu là hàng loạt “trailers” chính thức và không chính thức mà đọng lại sâu sắc nhất là những câu slogan như “sành điệu uống Starbucks”, “yêu nước uống Trung Nguyên”. Khi phim công chiếu thì rạp cháy vé, khách coi suất sau xếp hàng rồng rắn chờ suất chiếu trước kết thúc. Coi phim xong lại có những bài phê bình khắp các báo.

Có lẽ mọi chuyện sẽ không có gì nghiêm trọng nếu không xuất hiện vấn đề Starbucks thu mua Arabica từ Vân Nam để rồi uống Starbucks bị coi là “là đưa cà phê Trung Hoa đến với thế giới”. Tình yêu nước được đưa ra trước tình yêu cà phê. Kể cũng cái lý riêng của nó vì thiếu cà phê thì vẫn sống chứ thiếu nước thì gay go lắm.


Starbucks ở Sài Gòn – Nguồn: sgtt.vn


Tôi tự hỏi là không biết người Nhật vào quán Starbucks đàm đạo chuyện Điếu Ngư / Senkaku có biết là đang làm giàu cho nông dân Trung Quốc không nhỉ?

Thực ra vấn đề được đưa bàn tán rất nghiêm túc. Có những quan ngại về việc Starbucks sẽ đem lại lợi nhuận gì, hay ảnh hưởng gì tới nền kinh tế nói chung và thị trường cà phê Việt nói riêng. Có người đặt câu hỏi là tại sao Việt Nam xuất khẩu cà phê nhiều nhất nhì thế giới mà Starbucks không thu mua của Việt Nam, lại mua của Trung Quốc, đất nước mà người Việt nói chung không có cảm tình? Lại có những lo lắng về chất lượng hạt cà phê Starbucks khi mà thực phẩm Trung Quốc đã nhiều phen làm mọi người điêu đứng và lo sợ.

Đặt ra nhiều câu hỏi, để rồi tự nhiên vỡ lẽ ra là hình như chưa có nhãn hiệu ngoại quốc nào du nhập vào Việt Nam mà tạo ra được sự ồn ào như Starbucks. Lần đầu tiên tôi thấy có chuyện người Việt xếp hàng uống cà phê. Có người bảo Starbucks phục vụ kém quá, bắt khách phải chờ mình. Thực ra, bên Tây cũng hay có chuyện người Tây xếp hàng vào làm tô phở Việt. Có khi mùa đông nhưng người ta vẫn xếp hàng dài trước quán.
 

Starbucks ở Lausanne. Đã hơn một lần định uống thử nhưng cuối cùng là vẫn chưa vào đây bao giờ. – Nguồn: linda-lostinswitzerland.blogspot.com


Cà phê là một thức uống nên sự ưa chuộng ảnh hưởng bởi khẩu vị. Người Tây thích uống arabica trong khi Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là robusta. Sự khác nhau về khẩu vị đó lý giải phần nào việc Starbucks mua cà phê Vân Nam. Ở đây yếu tố thị hiếu của khách hàng và lợi nhuận của nguồn cà phê Trung Quốc có lẽ vẫn là nguyên nhân chính. Starbucks trước sau vẫn là một nhãn hiệu cà phê của Mỹ, không phải cà phê Trung Quốc. Cũng như iPhone nếu có lắp ráp ở Trung Quốc thì vẫn là điện thoại Mỹ.

Nhìn vào mặt tích cực của vấn đề thì sự xuất hiện của Starbucks có khi lại là một cơ hội. Quảng cáo Starbucks có câu: “Your drink should be perfect every time. If not, let us know and we’ll make it right.” Người Việt ta quen uống robusta, thì cũng có thể đặt vấn đề cho Starbucks pha chế những thức uống dùng robusta, cho người Việt. Đến lúc đó người nông dân Việt Nam sẽ có cơ hội bán được nhiều cà phê hơn. Những ly cà phê với nguyên liệu Việt Nam sẽ đi khắp thế giới. Rồi sẽ có lúc ngồi ở Lausanne, uống ly starbucks pha từ robusta, lại cảm giác như đang ngồi ở vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương ở Sài Gòn.

*

Viết tới đây thì ly cà phê đã hết từ lúc nào. Sau hơn một tuần chuyển sang dùng Vinacafé thay cho G7, cảm nhận chung là tốt hơn. Hương vị nhẹ nhàng hơn chứ không đậm và có phần gắt, cũng không còn cảm giác hơi bị sốc cà phê như với G7. Nhẹ nhàng thôi nhưng mà cũng đủ dẫn dắt những dòng suy nghĩ miên man với rất nhiều chuyện trên đời. Có lẽ người ta uống cà phê cũng chỉ cần có như thế. Bản thân một quảng cáo của G7 trên TV cũng có câu nói là “khơi nguồn sáng tạo”.

Vì thế, miễn là người ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy thích, thì đậm hay nhạt cũng không quá quan trọng. Sự khác biệt về khẩu vị hay độ nhạy của lưỡi và mũi không phải là dấu chỉ cho việc thưởng thức cà phê của số đông. Cảm giác sành điệu nếu có cũng chẳng là gì sai vì người Việt vốn có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, hoặc nói cách khác là sẽ luôn có một lượng khách hàng có điều kiện và sẵn sàng trả thêm tiền để có dịch vụ tốt hơn, bảo đảm hơn, an toàn hơn. Cà phê sau cùng cũng chỉ là một thức uống phải trả tiền.

Bài và ảnh: Lương Hoài Xuân, từ Sài Gòn - Tháng 2-2013


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn