THƯỢNG HẢI, “ĐÔNG PHƯƠNG MINH CHÂU”

Thứ sáu - 05/10/2007 16:27

(NCTG) Người Trung Quốc thường nói, nếu muốn tìm hiểu lịch sử 2 ngàn năm của Trung Hoa, nên viếng thăm thành Tây An; tìm hiểu 500 năm, nên tới Bắc Kinh; còn 100 năm, nên đến Thượng Hải. Có lẽ cần bổ sung: muốn “mục sở thị” sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế tại một số đô thị lớn của Trung Quốc trong vòng 2-3 thập niên trở lại đây, nhất thiết phải du ngoạn Thượng Hải, niềm tự hào của xứ sở lớn nhất hành tinh này!

Thượng Hải, thập niên 20 thế kỷ trước

Thượng Hải, thành phố “trên biển” (theo nghĩa tên gọi của nó), là một vùng đất thật đặc biệt. Nằm bên cửa sông Dương Tử, đoạn đổ ra Thái Bình Dương, là đô thị hiện đại và lớn nhất Trung Quốc với dân số gần 19 triệu dân, Thượng Hải được xem là thủ đô kinh tế của Đại lục. Hải cảng tại đây thuộc loại sầm uất nhất thế giới, hơn cả cảng Singapore và Rotterdam (Hòa Lan).

Ấy vậy mà, trong những năm tháng đau thương cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, khi bị các thế lực ngoại bang xâu xé, khi nhiều nơi treo tấm biển mạ lỵ “Cấm chó và người Hoa” và dân Trung Quốc bị coi là “con bệnh của Đông Á” (Đông Á bệnh phu), thì Thượng Hải cũng chính là tâm điểm của nỗi nhục nhã ấy (*).

Lần lại những trang sử của thành phố này, cái tên Thượng Hải được xuất hiện vào đời nhà Tống, khi nơi này bắt đầu mang dáng dấp một hải cảng đông đúc. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, nơi này vẫn bị coi như một làng chài hẻo lánh, lạc hậu và không có được những kiến trúc thật cổ kính so với phần lớn các thành phố khác của Trung Quốc. Bù lại, từ lâu đời nay, người dân Thượng Hải có bản tính năng động, dám làm và có khả năng kinh doanh rất tốt, khác với cư dân đa số các đô thành khác ở Trung Quốc, thường chỉ chuộng… thi phú, coi thường việc thông thương.

Cho đến đời hoàng đế Càn Long nhà Thanh, Thượng Hải trở thành một cảng quan trọng của khu vực Dương Tử Giang và sông Hoàng Phố. Do vị trí đặc biệt quan trọng của thành phố này bên cửa ngõ Dương Tử Giang, cuối thế kỷ XVIII, các thương gia Anh Quốc đã dùng tàu bè chở thuốc phiện vào tiêu thụ hàng loạt tại Trung Quốc, khiến người Hoa sức cùng lực kiệt và tiền của, vàng bạc trôi nổi ra ngoại quốc.

Đầu thế kỷ XIX, ý thức được mối hiểm họa từ ma túy, triều đình nhà Thanh - khi đó đã vào hồi suy tàn - ban bố nhiều biện pháp kiểm soát và cấm đoán các thương thuyền đến từ nước Anh. Tuy nhiên, với đội chiến thuyền hùng hậu nhất thế giới thời bấy giờ, đế quốc Anh đang ở độ “hoàng kim” đã phát động một cuộc chiến lớn, được sử sách gọi bằng tên “Chiến tranh nha phiến”, rốt cục khiến nhà Thanh đại bại và buộc phải ký "Hiệp ước Nam Kinh" ngày 29-8-1842.

Trung Quốc phải cúi đầu chấp nhận nhiều điều kiện rất nhục nhã như cắt nhượng cho Anh mảnh đất Hương Cảng, mở các cửa biển quan trọng nhất cho thương thuyền Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… Thượng Hải biến thành một vùng đất nhượng địa: Nam Phố, một khu đất riêng ở bờ Tây con sông Hoàng Phố bị cắt cho Anh, Pháp… thành khu vực Tô giới, như một vương quốc dành riêng cho người ngoại quốc mà tại đó, luật pháp Trung Quốc không được áp dụng (sử gọi khái niệm đặc miễn về luật pháp ấy đối công dân nước ngoài, là “lãnh sự tài phán”).

Như thế, từ hậu bán thế kỷ XIX, Thượng Hải bị xâu xé và biến thành đối tượng tranh giành của các cường quốc ngoại bang Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý, Nhật, Nga… trước sự bất lực của triều đình nhà Thanh. Nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ của tội phạm, với sự xuất hiện của những băng đảng nắm quyền điều hành và bảo kê các sòng bạc, nhà thổ và mọi hoạt động kinh doanh.

Kể từ đó, Bến Thượng Hải (The Bund) bên bờ sông Hoàng Phố đã trở thành một khái niệm, một biểu tượng của Thượng Hải thời loạn lạc, với những cuộc chiến tranh giành lãnh địa đẫm máu của các phe nhóm tội phạm. (**)

Phố Đông của Thượng Hải, nhìn từ bến sông Hoàng Phố

Tuy nhiên, chính lịch sử đau đớn ấy của Thượng Hải lại tạo cho đô thị này một dáng dấp đa văn hóa, đa chủng tộc, tạo cho người dân tính cách can trường, phóng khoáng và mạnh bạo trong kinh doanh. Ngay từ đầu thế kỷ XX, Thượng Hải đã là trung tâm tài chính thứ ba thế giới (chỉ sau New York và London), đồng thời, là trung tâm thương mại lớn nhất vùng Viễn Đông.

Sau nhiều thăng trầm của Trung Quốc thế kỷ trước - mà Thượng Hải luôn đóng vai trò chủ đạo, như thời Trung Hoa Dân Quốc, hoặc thời gian diễn ra “Đại cách mạng Văn hóa” của Mao và sau đó là nạn “Tứ nhân bang” -, kể từ khi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chủ trương cải cách kinh tế theo chiều hướng thông, thoáng, và nhất là từ sau 1990, Thượng Hải đã “vượt mặt” các vùng kinh tế lớn như Thâm Quyến, Quảng Châu và trở thành biểu tượng sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc.

Để rồi, song song với một Nam Phố đến nay vẫn giữ những nét cổ kính, đa chủng tộc của một Thượng Hải thời nhượng địa, đã xuất hiện Phố Đông (Pudong), một vùng thành phố mà chỉ 20 năm trước vẫn còn là ruộng nước, nay đã thành nơi tụ họp của hàng ngàn tòa nhà chọc trời, đại bản doanh của hàng trăm tập đoàn thế giới và có kiến trúc tân kỳ, hoàn chỉnh khiến du khách có thể liên tưởng đến những gì thường thấy trong các bộ phim giả tưởng về thế giới trong tương lai.

*

Ngày nay, đến Thượng Hải, người lữ khách sẽ cảm nhận được hình bóng quá khứ và nhịp sống hiện tại, song hành tại Nam Phố và Phố Đông, được phân cách bởi con sông Hoàng Phố. Nếu Nam Phố là Thượng Hải của một thế kỷ rưỡi trước, nơi tập trung vô vàn dấu tích của thời đô thị này còn là tô giới của các thế lực ngoại bang, thì Phố Đông là hằng hà sa số ngân hàng, cơ sở tài chính và thương mại, và đặc biệt, tòa Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu (Oriental Pearl - cao nhất Trung Quốc và thứ ba thế giới), niềm kiêu hãnh và là nơi tụ họp của người dân Trung Quốc mỗi khi có dịp “hành hương” Thượng Hải.

Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu về đêm

Chắc chắn, bạn sẽ dừng chân nơi Bến Thượng Hải, cũng là điểm dừng của đại đa số các tour lữ hành, nơi bạn có thể buông tầm nhìn hai hai bên bờ Đông và Nam của con sông Hoàng Phố để chiêm ngưỡng những kiến trúc khác biệt. Sau khi “cưỡi ngựa xem hoa” tại Phố Đông (mà nếu muốn thăm thú kỹ càng, chắc cần nhiều tuần!), bạn nên qua Nam Phố, thả bộ trên Nam Kinh Lộ, con đường thương mại dài hơn 5 cây số, được coi là sầm uất nhất ở Trung Quốc (“Trung Hoa đệ nhất lộ”), nơi có những thương xá sang trọng, tấp nập không thua kém Fifth Avenue ở New York, hàng ngày đón hơn 1,7 triệu lượt khách qua lại.

Thượng Hải cũng luôn khiến du khách kinh ngạc vì sự hòa trộn một cách hài hòa và kỳ lạ giữa Đông và Tây, cũ và mới. Cho dù không có nhiều di tích cổ kính như các đô thị lớn kháa của Trung Quốc, nhưng khu Phố Cổ  (Old Town) gần bờ sông Hoàng Phố còn giữ được khá nguyên vẹn Dự Viên (Yuyuan Garden), một điển hình của nghệ thuật kiến trúc lâm viên (nhà cổ và vườn cảnh) thời Minh và Thanh, rất ngoạn mục và tạo cảm giác thư giãn với vô số hòn non bộ, hồ cá và nhiều tảng đá hình thù kỳ quặc.

Hay chùa Ngọc Phật (Jade Buddha) lớn và cổ nhất của Thượng Hải, bày các pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng ngọc trắng, khắc từ một khối cẩm thạch, có nạm kim cương và đá quý ở sâu bên trong (tượng do Huệ Căn Đại sư ở Phổ Đà Sơn sang Ấn Độ lễ Phật tích, đi ngang Miến Điện được xứ này tặng mang về). Hoặc giả, nếu muốn tìm lại cảm giác của những khu chợ Tàu đầu thế kỷ trước, bạn chỉ cần rời bước khỏi Dự Viên để hòa mình vào dòng người như nước bên những cửa hàng, tiệm đồ lưu niệm đủ loại… tại Phố Cổ.

Thượng Hải - hòn ngọc Phương Đông - là như vậy, tân kỳ và quyến rũ, lãng mạn và bề thế, và có lẽ sẽ để lại ấn tượng không bao giờ quên trong lòng khách thập phương có dịp đặt chân đến nơi đây, dầu chỉ một lần…

Ghi chú:

(*) Trong phim “Tinh Võ Môn” (Fists of Fury), có cảnh Lý Tiểu Long (Bruce Lee) trong vai đệ tử xuất sắc Trần Chân của sư phụ Hoắc Nguyên Giáp (một nhân vật võ lâm lừng danh của Trung Hoa đầu thế kỷ XX, người sáng lập Tinh Võ Môn tại Thượng Hải, một hiệp hội võ thuật chủ trương tập trung những thanh niên yêu nước trên tinh thần rèn luyện thân thể và tự vệ trước ngoại bang) tung cước đá vỡ một tấm biển “Cấm chó và người Hoa” như thế.

(**) Cảnh tượng này, về sau, năm 1980, đã được tái dựng trong loạt phim “Bến Thượng Hải” vừa hào hùng, vừa lãng mạn, được liệt vào hàng kinh điển điện ảnh của Hồng Công với sự thủ diễn của các tài tử Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi và Lữ Lương Vỹ, cùng bản nhạc nền “Máu nhuộm bãi Thượng Hải” được cả Châu Á biết đến.

Chùm ảnh về Thượng Hải:

Dự Viên, điển hình của kiến trúc lâm viên cổ truyền Trung Quốc

Chợ Tàu tại khu Phố Cổ

Phố xá Thượng Hải

Nam Kinh Lộ

Phố Đông

Bài và ảnh: Trần Lê


 
 Từ khóa: Thượng Hải
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn