Một cao ốc tại Busan
Từ Jeju, chúng tôi bay về Gimpo và dùng xe buýt chạy chuyến (mà cư dân tại đây đặt cho một cái tên khá kêu là Limousine) để vượt sông Hàn, tiến vào nhà ga trung tâm Seoul rồi đáp tàu đi Busan. Trước khi sang Hàn Quốc, thỉnh thoảng có xem quảng cáo trên tivi Việt Nam thấy đoạn phim nói về „huyền thoại sông Hàn”, về „Dynamic Korea”. Sang tới nơi, thấy quả thực, tốc độ phát triển của xã hội nơi đây là nhanh, là vượt bậc, là… dynamic nhưng trong tất cả các vùng trên đất nước Hàn Quốc, có lẽ thành phố cảng Busan là dynamic hơn cả. Khi xe buýt (xin lỗi, xe limousine) vượt sông Hàn, giữa lớp lớp nhịp cầu nối liền đôi bờ của thủ đô Seoul, ta có thể quan sát thấy một tòa nhà chọc trời với cửa kính vàng óng cao 63 tầng, có thiết kế thon thả nằm ngay bên bờ sông. Khi tôi hỏi về số tầng của tòa nhà đó, chị tour-guide của chúng tôi - vốn dân Busan - chỉ mỉm cười: „63 tầng thôi. Chưa cao lắm đâu!”
Và, câu nói này khiến tôi băn khoăn suốt dọc đường từ Seoul cho tới Busan.
* KTX - Phóng 300 km/h với TVG mà không cần phải sang Pháp
Nhà ga chính của Seoul được giữ sạch đến nỗi nếu không được báo trước thì chắc lại tưởng rằng mình đang đi shopping trong khu plaza nào đó. Đã vậy, dường như người ta còn cố tình làm cho khách du lịch phải lầm tưởng bằng cách bố trí đầy rẫy đủ loại các cửa hàng, cửa hiệu, sa-lon ô tô (chắc để phục vụ những người đã vào tới đây nhưng bỗng dưng đổi ý, muốn thay đổi phương tiện giao thông) ngay trong sảnh chính của nhà ga. Có thể chọn 2 loại tàu từ Seoul đến Busan: tàu nhanh và tàu siêu tốc. Vì trời đã ngả về chiều nên chúng tôi chọn tàu siêu tốc KTX để vượt qua quãng đường dài tương đương với khoảng cách Hà Nội - Huế này để còn kịp ăn tối tại Busan.
Bãi biển Busan
KTX là loại tàu TVG của Pháp do Hàn Quốc và Pháp quốc liên doanh khai thác. Quãng đường dài chừng 600 km giữa Seoul và Busan, KTX chỉ phóng trong vòng 3 tiếng đồng hồ kể cả thời gian đỗ trong các ga xép. Vé tàu dành cho người lớn là 51.000 Won (gần 60 USD) còn trẻ em - mầm non của đất nước - thì được giảm đáng kể giá vé (12.000 Won). Mỗi đoàn tàu có 18 toa, mỗi toa có 14 hàng ghế, mỗi hàng có 2 ghế đặt ở hai bên đường đi. Vị chi mỗi đoàn tàu chở hết công suất thì được 1.000 người. Mười bốn hàng ghế trên tàu được chia ra làm hai nửa, đặt xoay ngược vào nhau. Như vậy, luôn luôn có 7 hàng ghế quay xuôi theo chiều tàu chạy và 7 hàng ghế quay ngược. Bước chân lên toa, điều ngạc nhiên nhất là tất cả mọi người cùng ngồi ở bên xoay xuôi theo chiều tàu chạy. Bên xoay ngược hầu như trống không và khi tàu dừng ở các ga sau mới lác đác có người mua vé ngồi vào khu ghế này. Chúng tôi ngồi bên xoay xuôi nhưng hỏi ra mới biết, nếu chịu khó ngồi ngược thì sẽ tiết kiệm được 30% tiền vé (!) Vâng, vé ngồi ngược, dành cho những người có sức khỏe như phi công, không chóng mặt, hoặc những người kéo xụp rèm, không thèm để ý tới phong cảnh bên ngoài, được giảm giá tới một phần ba!
Vì đây là loại tàu chạy trên đệm từ trường nên cảm giác ngồi trên tàu dĩ nhiên êm hơn so với ngồi xe hơi trên bất kỳ một đoạn đường tốt nào tại Việt Nam. Toa tàu được cách âm khá tốt nên các quý khách rất dễ… ngủ gật. Cô phục vụ và bác trưởng toa mặc đồng phục lịch sự không kém gì chiêu đãi viên hàng không. Mỗi khi đi dọc toa tàu, vì cách bố trí ghế đối diện nhau, nên họ đều nhã nhặn cúi người để chào 2 lần, dù hành khách ngủ gật hay tỉnh táo. Chẳng thấy ai soát vé. Trên trần toa, dọc đường đi là hàng màn hình chiếu phim. Giữa mỗi bộ phim, ngoài quảng cáo, lại thấy cài vào một đoạn phim ngắn nhắc nhở ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân bằng một cách thể hiện nhẹ nhàng, vui vẻ và tuyệt nhiên không có ý phê phán hay dạy bảo.
Tốc độ tức thời của KTX liên tục được hiển thị ở góc màn hình. Không hiểu sao, bác tài cứ giữ mãi ở mức 299 km/h mà không cố vặn thêm một tí để vượt qua mốc 300. Hiểu nhầm cái thắc mắc biểu lộ trên nét mặt tôi, chị giám đốc nhà tôi lo lắng:
- Chạy chậm quá à? Sốt ruột à? Hay sang toa xem phim đi. 7.000 Won một vé thôi.
* Dynamic Busan
Nói đến Hàn Quốc, thường người ta chỉ nhắc tới Seoul cho nên nếu không đến tận nơi thì ít người có thể hình dung ra được thành phố cảng Busan lớn bằng chừng nào. Ngày đầu tiên, chúng tôi nghỉ tại khách sạn Nong Shim (của một công ty sản xuất đồ nông sản) và để về tới khách sạn này, bác taxi phóng ào ào từ ga với tốc độ trung bình 60 km/h mà cũng mất tới 30 phút đồng hồ.
Cầu bắc qua eo biển Busan
Busan bao gồm khu phố cổ với những khu chợ nhộn nhịp, những khu phố mới - một tập hợp của các tòa nhà cao 30-40 tầng - và tất nhiên là cảng biển. Cảng biển Busan - cùng với cảng Incheon - là đầu mối xuất nhập khẩu của Hàn Quốc do đó thứ „đồ vật” hay bắt gặp nhất ngoài đường phố tại đây dĩ nhiên là container. Để bảo đảm giao thông trên trục lộ chính dẫn vào cảng, người ta xây dựng tới 7 làn đường. Mỗi bên. Nhưng không vì thế mà tránh được nạn tắc đường.
Một công trình xây dựng tại Busan
Khí hậu của Busan thoáng nhưng không mát bởi hơi lạnh của núi như Jeju còn con người ở đây thì cũng phóng khoáng và thân mật hệt như các cư dân trên hòn đảo du lịch nổi tiếng nọ. Busan đang trên đà phát triển mạnh nên tới đâu cũng thấy công trường xây dựng. Tuy nhiên, không biết bằng cách nào nhưng người ta vẫn giữ được vệ sinh cho các khu xung quanh. Theo bác giám đốc nhà tôi thì Busan sắp có tới 3 tòa nhà trên 100 tầng và tới đây tôi mới hiểu lý do tại sao bác chê tòa nhà 63 tầng bên bờ sông Hàn ở Seoul là thấp. Tuy nhiên, cũng như xã hội các nước phát triển, xã hội Hàn Quốc cũng có xu hướng „lão hóa”: nhiều người già, ít trẻ con.
- Thế thì xây lắm nhà tập thể thế này để làm gì? - tôi phỏng vấn.
- À, để người dân ở các khu cũ chuyển sang ở cho sướng hơn thôi - chị tour-guide nhà tôi giải thích.
Nhà đất tại Busan rẻ hơn nhiều so với ở Seoul. Căn hộ 90 m2 trong khu đô thị mới do Hyundai (theo phiên âm chính xác của Hàn Quốc là Heaundae) làm chủ xây dựng có giá bán là 450.000 USD.
* Văn hóa ẩm thực của „xứ sở kim chi”
Trước khi đi Nga ta nên tập uống vodka, trước khi sang Tiệp hãy làm quen dần với bia đen, nếu có kế hoạch đi Ý hay Hy Lạp thì bạn hãy nhắm mắt, hay nói đúng hơn là bịt mũi, nếm thử vài loại pho-mát lạ ngay từ nhà.
Không muốn nhịn đói trên „xứ sở kim chi” nên tôi tập ăn cay từ ở Hà Nội. Văn hóa ẩm thực - hay nói nôm na dân dã là lối đánh chén - của người Hàn Quốc khá cầu kỳ, ăn một bữa đơn giản cũng mang đầy triết lý âm dương nóng lạnh chua cay. Và, người Hàn Quốc rất thích ăn, đã thế lại còn ăn khỏe. Bước vào mỗi quán ăn, từ quán nhỏ ven đường cho đến quán sang trong khách sạn, sau khi tháo giày, bước chân đất (chân đi bí-tất) lên sàn và ngồi vào bàn, chủ quán sẽ lập tức mang tới cho bạn khăn rửa mặt, bình nước lạnh, hai công cụ lao động là thìa sắt, đũa sắt và tiếp đến là 5 đĩa nhỏ đựng các loại dưa muối. Ít nhất là 5 đĩa. Trong đó, dĩ nhiên có một đĩa kim chi. Món ăn của các vùng đều khác nhau nhưng đến bất cứ đâu, bạn cũng có thể gọi một món ăn thông dụng, rất ngon và rất dễ ăn, đó là thịt lợn nướng cuộn xà-lách chấm tương. Thịt bao giờ cũng được nướng ngay tại bàn, thêm một nhát tỏi, cắn một mẩu ớt xanh, chiêu một ngụm Soju mát lạnh… Thôi không tả nữa kẻo chính mình lại thèm!
Tại Busan, ngoài món này, còn có thêm một món thú vị (và kỳ quặc dưới con mắt của người Việt) là món mà tôi tạm gọi là canh thịt bò chan… cơm. Vâng, thông thường ở Việt Nam, ta chan vài thìa canh vào bát cơm cho dễ ăn nhưng tại Hàn Quốc, khi ăn món này, người ta đổ một bát cơm - nấu bằng loại gạo nát đặc biệt - vào một bát canh hay nói đúng hơn là một nồi thịt bò to tướng. Loại canh chan cơm này ăn chung với rong biển muối chấm ớt và kim chi. Ngon hơn nhiều so với „hình ảnh” thật hơi rùng rợn khi cơm nát bắt đầu tan ra trong canh của nó. Busan là thành phố biển nên khách du lịch tới đây không thể bỏ qua các quán ăn hải sản. Ngoài món cua muối sống, mà nếu ăn vào thì chắc chắn tôi sẽ phải tạm ngừng cuộc du lịch để vào viện điều trị tiêu chảy vài ngày, còn thấy đầu bếp dọn ra những món… vẫn còn ngọ nguậy khác như tôm và râu mực. „Tới Rome thì phải sống như người La Mã” - vẫn biết là vậy nhưng cuối cùng, tôi đành phải nhờ ông đầu bếp chế biến tiếp mấy món tươi sống nói trên theo phong cách tẩm bột rán của KFC hay của cửa hàng bánh tôm Hồ Tây.
Thực đơn tiếng Hàn
Thực đơn trong các quán ăn Hàn Quốc thường được viết bằng… mỗi tiếng Hàn nên nếu không đi với người dẫn đường bản xứ, hẳn bạn sẽ không biết gọi món gì để chén. Nhưng nếu có người hướng dẫn tận tình như chị giám đốc chỗ bà xã nhà tôi, bạn sẽ có cơ hội được nếm nhiều món hay, trong đó có một món mà tôi không biết tên khai sinh Hàn Quốc là gì nhưng cứ gọi bừa là pizza Hàn Quốc. Đó là loại bánh làm bằng bột, trộn rong biển, trứng và râu mực hay râu bạch tuộc gì đó - đại khái là râu của một loài động vật biển có xúc tu - rồi đem rán mỏng. Bánh này xắt ra ăn như ăn pizza nhưng chấm ớt chứ không chấm ketchup.
Gọi món đến đâu, chủ quán ghi hóa đơn đến đấy và khi ăn xong, tự cầm hóa đơn ra quầy thanh toán rồi xỏ giày đi về chứ không gọi „em ơi”. Quầy thanh toán dùng máy tính tiền mà màn hình là loại màn hình cảm ứng. Thu ngân chạm tay vào từng ô trên màn hình để tính hóa đơn. Đi chơi xa rẽ vào một quán nhỏ cạnh đường quốc lộ ăn trưa. Chủ quán là một bà già đôn hậu. Ăn xong không thấy bà lẩm nhẩm cộng trừ mà cũng thanh toán tiền bằng cái máy gắn màn hình cảm ứng hiện đại hệt như trong thành phố.
Trung bình, chi phí nạp năng lượng cho mỗi người mỗi bữa là 25.000 – 30.000 Won (khoảng 30 USD), không đắt hơn so với đi ăn quán Hàn Quốc tại Việt nam. Tuy nhiên, nếu như ở nhà, lâu lâu mới có dịp đi ăn tối tại quán Hàn thì ở Hàn Quốc, bữa nào ta cũng làm điều đó nên đây thực sự là một mối quan ngại trong chi phí sinh hoạt.
* Phở Hòa Bình
Trước khi sang Hàn Quốc, chị giám đốc chỗ vợ tôi đã giới thiệu về quán phở Hòa của Việt Nam tại Seoul. Quán này đông khách vì bán rẻ lắm. Nghe đâu có 5 USD một bát (bạn đừng vội nhân lên thành 80.000 VNĐ ngay lập tức như thế mà hãy bình tĩnh đọc thêm một thông tin rằng bát cơm trắng bé tí trong quán ăn Hàn Quốc cũng có giá chừng 6 USD). Buổi chiều, sau khi đánh chén no nê, dạo phố Busan bỗng nhác thấy nét chữ quen thuộc của Việt Nam trên một tấm bảng hiệu. A, Busan cũng có phở đây rồi!
Phở Hòa Bình tại Busan
Nhưng không phải phở Hòa mà là phở Hòa… Bình!
* Tour du lịch vòng quanh Busan
Hình ảnh gây ấn tượng nhất cho bất cứ ai tới thăm Busan có lẽ là cây cầu dài bắc qua eo biển, nối liền hai phần của thành phố. Nhìn từ xa, thấy nó thật mảnh mai và duyên dáng nhưng khi đi bên trên mới biết là có tới 6 làn đường một chiều cho xe chạy. Mỗi tầng, xe chỉ chạy theo một chiều.
Mười hai con giáp
Với 30.000 Won tiền vé, bạn sẽ có một cuộc đi tour bằng xe buýt 24 chỗ ngồi vòng quanh Busan. Ngoài ngôi chùa cổ Beomeosa, một trong 5 ngôi chùa lớn nhất Hàn Quốc, còn có một ngôi chùa nhỏ hơn nhưng có phong cảnh tuyệt vời bởi nằm trên triền núi ngay cạnh bờ biển. Trong chùa thờ Phật Di Lặc. Theo truyền thuyết, bất cứ điều cầu nguyện nào của khách hành hương tại ngôi chùa này cũng sẽ trở thành hiện thực nhưng chính vì thế, mỗi người chỉ được ước nguyện đúng một điều duy nhất.
Trên đường ra, giữa mênh mông trời nước là một bài thơ của vị sư trụ trì từ đời xa xưa được tạc lên núi đá, đại ý nói rằng con người đến và rời bỏ thế giới này cũng vẫn với hai bàn tay trắng. Nếu được đọc bài thơ này từ trước lúc vào chùa thì hẳn đã yên tâm lễ Phật chứ không ước nguyện thêm bất cứ điều gì.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Busan
Sau khi vãn cảnh chùa, bác lái xe đưa chúng tôi đến thăm nghĩa trang liệt sĩ quốc tế trong chiến tranh Hàn Quốc. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của 2.300 binh lính đến từ 21 quốc gia. Có thể nói, hiếm thấy một nghĩa trang nào tại châu Âu đẹp và được chăm sóc chu đáo đến như vậy. Khi về mới ngẫm ra rằng, không chỉ ông Guus Hiddink, người có công đưa đội bóng Hàn Quốc vào bán kết giải vô địch thế giới mà bất cứ ai từng đóng góp công sức cho đất nước này đều được người dân nơi đây trân trọng ghi nhận.
Cuối buổi dạo chơi, trước khi chia tay, bác taxi còn dẫn qua một khu đất trống đang được xây dựng.
- Sang năm nhớ quay lại đây đi shopping nhé.
- ???!!!
- Đây là cái siêu thị 108 tầng của công ty Shinsagea. Không thích đi mua hàng thì vào đó tắm nước khoáng hay đánh golf cũng được.
- À…
- Shinsagea là công ty to lắm. Bà chủ là thông gia với ông chủ Hyundai cơ.
Thế là đủ để tin vào sự ra đời của tòa nhà hơn 100 tầng này rồi. Busan còn có thêm 2 tòa nhà hơn 100 tầng như thế. Phải gấp rút xây dựng, phải phát triển thật nhanh, thật dynamic, bởi Busan chính thức đứng ra xin đăng cai Thế vận hội mùa Hè năm 2020!
Bài và ảnh: Nguyễn Thái Dương, từ Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn