OKTOBERFEST 2009

Thứ hai - 28/09/2009 23:56

(NCTG) Đã từ lâu nghe danh và khao khát được một lần đến dự lễ hội dân gian lớn nhất thế giới – Liên hoan bia München tháng Mười, gọi tắt là Oktoberfest -, năm nay chúng tôi mới có dịp thực hiện ước mơ này.

Thành phố München trong Lễ hội bia

Cũng mãi tới phút chót, tối hôm trước khi lên đường, chuyến vi hành mới chính thức được quyết định, vì không thể đăng ký nổi chỗ ở tại München vào dịp này. Cuối cùng, may nhờ liên hệ được với các bạn Việt Nam đang sống ở München vui lòng thu xếp nơi ăn nghỉ cho cả đoàn 12 người, mà sau một hành trình bằng ô tô ngót ngét 700 km từ Budapest, đi xuyên suốt chiều dài nước Áo, chúng tôi đã tới München – thủ phủ của xứ Bavaria, một bang lớn nằm trên vùng thượng du phía Nam nước Đức – vào lúc đã quá nửa đêm.

Sau một giấc ngủ ngắn, sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 26-9, cả đoàn chủ khách hơn hai chục người hồ hởi tới Theresienwiese, khu vực rộng 42 hec-ta, để hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng độc nhất vô nhị, hàng năm thu hút 6-7 triệu lượt khách từ khắp các châu lục này.

Oktoberfest được tổ chức lần đầu tiên từ ngày 12 đến 17-10-1810 (sang năm 2010 là đúng 200 năm), nhân dịp Thái tử Ludwig (sau này trở thành Vua Ludwig Đệ nhất) cưới Công nương Thereise. Thần dân của cả thành phố München lúc đó được mời tham dự ngày vui của Hoàng tộc.

Một cuộc đua ngựa lớn được tổ chức trên bãi cỏ sát tường thành, vì vậy khu vực này sau đó được gọi là Theresiewiese (Cánh đồng Theresie). Bên cạnh khu vực đua ngựa, các đường trượt, khu vui chơi, khu lều quán bán các mặt hàng bạc hàng sành sứ, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ được xây dựng.

Từ đó lễ hội được tổ chức thường niên, nhưng mãi đến năm 1880, Hội đồng Thành phố mới cho phép bán bia và ngày khai mạc lễ hội được chuyển dịch dần về phía trung tuần tháng Chín để đón thời tiết ấm áp hơn, chỉ còn mấy ngày cuối của lễ hội vắt sang đầu tháng Mười, nhưng tên gọi Oktoberfest vẫn được giữ nguyên.

Những năm cuối thế kỷ 19, lễ hội ngày càng mở rộng thu hút đông người, năm 1981 đã có tới 400 quầy hàng và lều trại được xây dựng, những lều bia danh tiếng quanh vùng và khắp nơi tham dự ngày một nhiều. Đến năm 1910, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, Lễ hội đã tiêu thụ hết 1,2 triệu lít bia,  lều bia lớn nhất lúc đó có sức chứa tới 12.000 người.

Ngày nay trên khu vực 31 hec-ta, ngoài khu vui chơi giải trí hoành tráng và náo nhiệt như một công viên vui khổng lồ, khu văn hóa ẩm thực, các khu bán hàng lưu niệm, còn có 14 đến 15 lều bạt lớn, sức chứa mỗi lều từ 8 đến 10 ngàn người. Mỗi lều bia lớn đều do một hãng bia nổi tiếng dựng lên để bán hàng và quảng cáo cho thương hiệu. Các hãng bia đều chuẩn bị bia riêng, ngon và có độ cồn cao hơn, để phục vụ trong dịp lễ hội.

Người Việt tại Oktoberfest 2009

Bước chân vào cổng, đã thấy một không khí tưng bừng náo nhiệt khác thường. Nam thanh nữ tú nhiều người bận y phục dân tộc rực rỡ đủ các loại sắc màu. Nữ mặc váy đủ màu, áo trắng thêu ren các hoa văn đậm nét dân gian, cổ khoét rộng, phô ra những khuôn ngược thiếu nữ căng đầy sức trẻ. Nam thanh niên mặc quần da lộn lửng dài đến gối, có dây đeo, đi tất cao cổ dài sáng màu, nom cường tráng và khỏe mạnh, gợi nhớ đến những tổ tiên chăn dắt lừa ngựa, nuôi bò trên những cao nguyên trù phú của xứ Bavaria xưa.

Dân từ các nước Bắc Âu, Pháp, Anh, Italia và không biết từ những đâu đâu đổ về mang theo những bộ trang phục của dân tộc mình, làm nên một bức tranh đa sắc màu phong phú và quyến rũ đến nao lòng. Nét mặt ai ai cũng hồ hởi, chẳng hề quen biết nhau cũng cứ tay bắt, mặt mừng, khoác vai nhau nói cười, nườm nượp đổ về khu trung tâm.

Người ta bảo trong khu vực lễ hội thường xuyên có khoảng 200 ngàn người, 100 ngàn trong các lều bạt lớn và 100 ngàn người ở các khu ăn uống, vui chơi giải trí phía ngoài. Muốn vào các lều bạt phải đặt chỗ từ cuối tháng Mười, khi lễ hội của năm trước vừa kết thúc, đến đầu hè năm sau các lều đã  đặt hết chỗ, người đến sau chỉ còn cầu vận may để lọt được vào một lều nào đó, vì không khí nóng bỏng, cuồng nhiệt của Oktoberfest chỉ có thể tận thấy trong các lều bạt, nhất là vào ban đêm.

Đoàn chúng tôi đã được thần may mắn dòm ngó đến: dù không đặt chỗ trước lại đông người, nhưng nhờ một „tay trong” là sinh viên Việt Nam làm trong lều, nên sau hơn nửa tiếng chờ đợi hết hy vọng rồi thất vọng, cuối cùng chúng tôi đã được đích thân ông sếp của lều - lại là lều bia HB (Hoffbräu München) to nhất, có sức chứa tới 10.000 người – ký giấy và xuống tận cửa lệnh cho bảo vệ cho cả đoàn vào, oách quá!

Những cô phục vụ điệu nghệ với 6-8 vại bia

Không khí trong lều bia, nếu không tới không thể nào mường tượng nổi. Giữa lều, trên một bục cao, là một dàn nhạc gần chục nhạc công, trang phục lộng lẫy, kèn đồng bóng loáng, chốc chốc lại tấu lên những bản tửu ca Đức hay những bản nhạc nổi tiếng, nghe vừa quen vừa lạ, tạo nên một khí thế bừng bừng, sục sôi trong huyết quản. Người đông ràn rạt. Những cô phục vụ mặc đồng phục, ôm trước bụng tới 8 – 10 vại bia đại một lít, dân Đức gọi là một Maas, dân ta gọi chệch thành một Mát, vại nào cũng đầy thứ chất lỏng sóng sánh màu hổ phách, tràn đầy bọt trắng, đi lại cứ như làm xiếc giữa đám đông người nghiêng ngả, thế mà suốt mấy tiếng trong lều, không hề thấy một lần bị va chạm, rơi vỡ một vại nào, thánh thật!

Những khay thức ăn gỗ sồi, đựng đầy gà quay vàng màu cánh gián, chân giò bỏ lò, bì phồng lên như bánh đa nướng, xúc xích các loại, cứ lướt đi trên đầu dòng người để đến với đám thực khách đã ngà ngà say bởi thứ bia mạnh tới 12 độ cồn. Tiếng cốc va chạm, tiếng chúc mừng nhau, tiếng hò reo, tiếng nhạc, tiếng hát làm nên một không gian náo nhiệt, đậm đặc, phấn khích không thấy ở một nơi nào khác.

Có tới 12 ngàn người làm việc trong những ngày lễ hội, trong đó có 1.600 nhân viên nữ bưng bê đồ ăn uống. Trung bình hàng năm có trên 6 triệu lít bia, nửa triệu con gà quay nhẹ nhàng đi vào dạ dày thực khách bốn phương. Nghe nói lều bên còn có giàn quay, thui cả một con bò mộng làm đồ nhắm cho dân nhậu, khiếp thật!

Không khí mỗi lúc càng sôi động, người ta đứng lên ghế, có khi lên cả bàn, khoác vai nhau múa hát, tiếng nhạc mỗi lúc mỗi bốc, như thôi thúc dòng bia cứ chảy, chảy mãi. Những gương mặt bừng đỏ, tươi vui, thân thiện nhòa đi thành một rừng hoa người nghiêng ngả trong men say. Người viết những dòng này cũng đã „đánh” đến Maas thứ ba. Phải dừng lại thôi, không thì gục mất – tôi tự bảo -, nhưng rồi cánh tay cầm vại bia vẫn cứ đưa lên, nghiêng  mãi theo tiếng nhạc.

Một bà người Đức quay sang hỏi: „Các bạn từ đâu đến?” Tôi đáp: „Từ Việt Nam”. „Bạn thấy Oktoberfest của chúng tôi thế nào?” Tôi bảo: „Tuyệt vời, quá tuyệt vời”. Rồi quay sang nói thêm: „Các bạn là một dân tộc hạnh phúc”.

Say hết mình tại Oktoberfest

Với chúng tôi, bốn tiếng trong lều bia hôm ấy cũng là những giờ hạnh phúc, những khoảnh khắc quên hết ưu phiền, sống hết mình và... say cũng hết mình, những giây phút để lại ấn tượng mạnh, không thể nào quên.

Xin cám ơn các bạn đồng hương Việt Nam trên đất Đức đã tận tâm, nhiệt tình và chu đáo cho chúng tôi cơ may được tận hưởng và cảm nhận bầu không khí thân thiện, náo nhiệt tuyệt vời của Oktoberfest. Xin ngả nghiêng chào München, và xin hẹn ngày gặp lại!

Giáp Văn Chung, Budapest ngày 28-9-2009


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn