PARIS (1)

Thứ năm - 24/09/2009 11:00

(NCTG) Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới

Biểu tượng của thủ đô Paris: tháp Eiffel

Đó là những vần thơ huyền thoại của cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền trong thi phẩm “Dạ khúc” nổi tiếng, được Phạm Đình Chương phổ nhạc, nói lên rằng, đối với mỗi người Việt Nam - đặc biệt là giới văn nghệ sĩ -, Paris là một cái tên rất đỗi quen thuộc, gần gũi, gắn với những khái niệm tình yêu và thi ca.

Mà quả là như thế: có lẽ không một thi sĩ nào lại không có ước mong đến thăm đô thành hoa lệ này, để xem “Paris có gì lạ không em?” (Nguyên Sa), và để chiêm ngưỡng “Le pont Mirabeau” (Cây cầu Mirabeau) của thi sĩ Guillaume Apollinaire, ngậm ngùi trước những cuộc tình đã xa, với bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu:

Sóng đời xóa dấu chân
Bóng người mãi mãi xa
Quá khứ phôi pha
Không ngoảnh lại
Cuộc tình bỏ đi
Chẳng trở về
Dưới cầu Mirabeau
Trôi dòng sông Seine
Ðêm đã xuống
Tình đã tắt
Ngày lặng lẽ trôi
Anh còn ngồi lại.

Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mirabeau...

Paris là thủ đô của Cộng hòa Pháp, trung tâm hành chính của vùng hành chính Île-de-France bao gồm Paris và các khu vực ngoại ô xung quanh. Là thành phố nói tiếng Pháp lớn nhất thuộc Cộng đồng Pháp ngữ, Paris thuộc trung tâm kinh tế năng động nhất nước Pháp, đồng thời là trung tâm kinh tế và buôn bán lớn nhất của châu Âu (cạnh London) với khu kinh doanh và văn phòng lớn nhất châu Âu (khu La Défense) và Sở Giao dịch Chứng khoán lớn thứ hai châu Âu (Euronext).

Từng là thủ đô của một đế quốc có thuộc địa khắp năm châu, Paris ngày nay vẫn giữ địa vị rất quan trọng trên trường quốc tế và là nơi đặt trụ sở chính của các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO... Cùng những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch, Paris được coi như một "thành phố thế giới" cùng với New York, London, Tokyo.

Nhìn lại lịch sử, có thể nói cái tên Paris gắn liền với lịch sử Pháp và cả Châu Âu. Từ một thành trì của người Parisii thuộc bộ tộc Gaulois, nơi đây trở thành một thành phố La Mã vào thế kỷ thứ nhất. Tới thế kỷ thứ sáu, vua Clovis Đệ nhất chọn Paris làm thủ đô cho Vương quốc Franc. Trải qua nhiều thế kỷ biến động, mặc dù không liên lục, Paris vẫn là thủ đô của Pháp. Tới thế kỷ XVI, thành phố trở thành thủ đô của Đệ nhất Đế chế thời Napoléon Bonaparte. Thế kỷ XVII, Paris bắt đầu có những phát triển vượt bậc và được quy hoạch lại dưới thời Napoléon Đệ tam. Sau Công xã Paris, thành phố bước vào thời kỳ Belle Époque và trở thành trung tâm văn hóa của cả châu Âu. Qua hai cuộc Thế chiến, Paris ít bị hủy hoại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu chiến, để hiện tại vẫn là một trung tâm văn hóa, kinh tế của cả thế giới.

Paris lừng danh với tên gọi Kinh đô Ánh sáng (la Ville Lumière trong tiếng Pháp hay The City of Lights trong Anh ngữ), nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng tên gọi này được bắt đầu từ nghĩa đen của nó: cuối thế kỷ XVII, trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris Gabriel Nicolas de La Reynie ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng nhiều tệ nạn của thành phố. Nhưng sau này, bởi Paris nổi tiếng với vị trí trung tâm tri thức, kiến trúc và du lịch của thế giới, nên tên gọi này thường được hiểu theo nghĩa bóng với hình ảnh một kinh thành rực rỡ và sáng lạn.

Vườn Luxembourg

Paris còn được ví là “Thành phố của tình yêu” bởi, theo cách nói của những người yêu thích Paris, chỉ cần thêm hai chữ cái, Paris trở thành “thiên đường”. Thật vậy, trong tiếng Pháp, thêm hai chữ “a” và “d”, Paris thành “Paradis”, có nghĩa là thiên đường.

*

Đô thành Paris trở thành một tụ điểm du lịch Châu Âu từ hơn 150 năm nay, sau khi giao thông đường sắt được đặt nền móng. Bắt đầu từ năm 1855, các kỳ Triển lãm Thế giới đã thu hút số lượng lớn du khách, cũng là dịp giúp Paris có thêm nhiều công trình mới, trong đó nổi tiếng nhất chính là tháp Eiffel vào năm 1889. Các công trình của Paris, cùng với các giá trị về văn hóa, đã giúp du lịch thành phố đặc biệt phát triển.

Du lịch hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Paris, chiếm 12,8 % nhân công của thành phố. Các du khách chiếm phân nửa số người tới thăm bảo tàng, và là 60 % khách trọ của các khách sạn. Tuy là một thành phố đắt đỏ, nhưng giá các khách sạn 2 sao của Paris lại thấp, đứng thứ 17 trên tổng số 20 đô thị lớn của thế giới. Ngược lại, các khách sạn sang trọng của Paris thì thuộc hạng đắt nhất, sau Geneva, và Paris cũng được xem như thành phố đắt đỏ có hạng trên thế giới!

Năm 2006, Paris đón tổng cộng 27 triệu khách du lịch, trong đó 17 triệu khách nước ngoài. Cùng năm, 50 địa điểm văn hóa hàng đầu của thành phố đã có hơn 69 triệu lượt viếng thăm, đứng đầu là Nhà thờ Đức Bà, và tiếp đó là những địa danh nổi tiếng khác như Nhà thờ Thánh Tâm (Sacré-Coeur), Bảo tàng viện Louvre, tháp Eiffel, Trung tâm Pompidou, Bảo tàng Orsay và Công viên Disneyland nằm ở ngoại ô Paris.

Trần Lê tổng hợp - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn