BUDAPEST, MỘT NỐT TRẦM

Chủ nhật - 28/09/2008 19:45

(NCTG) Hôm nay đã là ngày cuối cùng ở Budapest, buổi học cuối cùng tụ tập đầy đủ gương mặt bè bạn. Ba tháng tới, mỗi người sẽ một nơi, thậm chí thi sẽ chia làm bốn phòng thi ở bốn nước. Buổi học chả thú vị gì vì tiết một vẫn có bài giảng, còn tiết hai và tiết ba vẫn có môn thi.

Thu Budapest

Nhanh thật, thế là hai học kỳ trôi vèo! Budapest với tôi đúng như kiểu “vội vã trở về, vội vã ra đi” vậy. Cắm đầu xách va li về căn nhà nhỏ ở Quận VIII, gần chợ Tứ Hồ, rồi lại cắm đầu xách va-li chạy như bay ra các sân ga bến tàu để "move" sang nước khác.

Trưa nay nắng đẹp, đã hai tuần nay Budapest mới có ngày nắng đẹp đến thế. Năm nay ở châu Âu mùa đông đến sớm, chưa đến giữa tháng Chín ra đường đã phải mặc áo đơn áo kép, bầu trời xám xịt, sông Danube lững lờ chảy một màu xám xám, người đi đường co ro quấn khen len, áo khoác xùm xụp. Tôi vốn ghét mùa đông.

Hôm nay trời cao và xanh thế. Đã lâu tôi mới có thời gian ngắm cây cối trong công viên trước nhà. Trời tuy lạnh nhưng vẫn là tiết thu, lá cây chưa chuyển sang màu vàng, bọn trẻ nô đùa vầy cát cạnh mấy chiếc đu quay cầu trượt, lũ chó chạy loăng quăng xung quanh những người già đọc sách trên ghế đá. Ở Châu Âu mùa nào cũng có cái đẹp riêng của nó. Mùa hạ trời cao và trong xanh, chín giờ tối mới bắt đầu tắt nắng. Mùa thu, lá cây chuyển màu rồi rụng hàng loạt, màu vàng của lá và màu vàng của nắng hòa quyện vào nhau đẹp như trong tranh Isaac Levitan. Mùa đông ngày ngắn đêm dài, chỉ năm giờ chiều là trời đã tối mịt, cây cối trơ trụi khẳng khiu trên nền tuyết lạnh. Khi mùa xuân sang, thời khắc thay đổi nhanh đến không ngờ. Hôm trước đi học về lùm cây trước nhà vẫn xanh um, chỉ sáng hôm sau, mở cửa thấy hoa trắng muốt bao phủ cành lá đến ngỡ ngàng.

Và tôi ở căn nhà này ba tháng, đối với đời sinh viên không phải là dài nhưng có nhiều kỷ niệm. Căn nhà nằm trong một khoảng sân vườn khá lý tưởng, sát trục đường chính nhưng khá yên tĩnh. Đó có lẽ là một sáng kiến “tăng gia” của chủ nhà vì nó được ghép vào một tòa nhà cũ có lối đi riêng, chung một khoảng ban-công nhìn ra đường và cách hàng xóm một bức tường mỏng. Tuy nhà hàng xóm có cửa trổ ra lối đi nhà tôi nhưng họ lại đi cổng khác. Tất cả những gì tôi biết về họ chỉ là hai vợ chồng già, ông chồng sáng sáng cầm bình ra ban-công tưới cây và bà vợ tóc bạc trắng dáng người thanh mảnh thi thoảng khẽ khàng kéo lại tấm rèn ren trắng. Ngoài ra, họ còn nuôi một cặp mèo xám tro, được chăm sóc khá kỹ lưỡng, chỉ có thể phân biệt được sự khác nhau qua cái cái nơ ở cổ: con mèo gái có đeo nơ, còn con mèo trai thì không.

Có một điều rất lạ, hàng xóm nhà tôi rất hay chơi đàn piano vào cỡ gần trưa (tôi đi học muộn, thường khoảng chín rưỡi sáng), nên tiếng đàn luôn là tâm điểm để tôi ước lượng thời gian ra khỏi nhà. Một thời gian dài, tôi đã thắc mắc không hiểu ai là người chơi piano bên đó. Tiếng đàn rõ là của một người bắt đầu chơi, âm hưởng còn ngọng nghịu, ngắt quãng không liền mạch, và đặc biệt các nốt trầm mạnh hơn các nốt cao làm tiếng đàn vang to và ồn ĩ. Người chơi đàn hầu như chỉ đánh đi đánh lại có ba bài, thuộc dạng không đòi hỏi lắm về kỹ thuật và tốc độ chạy ngón, một bản tôi không biết tên, còn hai bản kia, chắc chắn là “Chopin Nocture Op.9 No.2” và “Moonlight Sonata”.

Rõ ràng người đánh đàn không thể là bà lão tay chân nhăn nheo hoặc ông lão còng lưng được, vì tuổi này thì ai còn tập chơi piano? Nhà hàng xóm cứ thế sống lặng lẽ, với tiếng đàn piano digital trầm bổng không theo quy luật, các nốt lẫn vào nhau, nhiều khi làm tôi phì cười vì sự biến tấu kỳ quặc đó.

Buổi chiều cuối cùng ở Budapest, đang hì hụi dọn nhà thì thấy con mèo gái kêu choe chóe rồi nhảy vọt vào cửa sổ, leo lên giường mới thay drap rồi rũ lông, tôi giận con mèo quá, tóm cổ nó đặt lên bậu cửa thì thấy có một cô gái, trạc khoảng mười bảy, mười tám tuổi, cổ quấn khăn san đỏ, tóc đỏ, mặt khắc khổ có rất nhiều tàn nhang đang đứng ở ban-công. Cô nhìn tôi, ra hiệu hàm ý xin lỗi, tay giang rộng ôm con mèo vào lòng. Tôi cũng giơ tay ý nói không có gì, cô lẳng lặng bế con mèo vào nhà với đôi chân hơi tập tễnh.

Rất có thể người chơi piano sáng sáng cạnh nhà tôi là cô bé câm bị tật ở chân đó. Tự dưng, tôi cảm thấy hẫng hụt, một cảm giác chống chếnh, sau khi bí mật có thể được hé lộ, vào ngày cuối cùng rời khỏi thành phố Đông Âu ồn ào này, mà không biết bao giờ mới có dịp quay trở lại.

Thanh Vân - Budapest, tháng 9-2008


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn