Tại phi trường Eindhoven
Trên chuyến bay “ghế gỗ” của hãng Wizzair, đoàn chúng tôi 14 người, chỉ sau khi xuất hành từ Budapest chưa đầy hai tiếng đã đặt chân xuống sân bay Eindhoven, thành phố có nhà máy Phillips nổi tiếng và có đội bóng đá PSV, nơi danh thủ Dzudzák Balázs của Hungary đang đầu quân và chơi với phong độ rất hay trong mùa bóng vừa qua (các fan của PSV dù rất mê cầu thủ này, nhưng không làm sao phát âm đúng nổi tên anh ta).
Chúng tôi vào văn phòng Hãng Hertz nằm ngay cạnh sân bay nhận ba xe con (mà trưởng đoàn đã cẩn thận đặt thuê từ trước qua internet), thủ tục nhận xe thật đơn giản, cô nhân viên tươi cười đưa chìa khóa và giấy tờ xe rồi chỉ ra bãi xe. Cứ tưởng ngoài bãi có người giao xe, nhưng không, bất ngờ đầu tiên: các ngài tự ra tìm lấy xe theo biển số, họ làm việc thật bài bản và tiết kiệm nhân lực ở mức tối đa.
Cứ tưởng xe cho thuê thì cũng cà tàng, đi tàm tạm vậy thôi, nhưng cả ba xe – một Renault, một Peugeot, một Opel – đều còn mới keng, chiếc nhiều nhất mới chạy chưa đầy 7 ngàn km, đúng là bọn nhà giàu: chơi sang quá, giao mấy cái xe mới cho khách mà chẳng khác giao cho nhau mấy mớ rau muống. Mà lại giao xe ở Einhoven (Hà Lan), trả xe bên Charleroi (Bỉ), thật tiện lợi hết chỗ nói, nhưng xét cho cùng dân trí của họ cũng phải thế nào, bản lĩnh và trình độ kinh doanh phải cao cường ra sao họ mới dám làm thế, mới tin tưởng ở khách hàng đến thế.
Rong ruổi trên những tuyến đường và xa lộ chất lượng cao, theo chỉ dẫn của mấy chiếc GPS, chỉ hơn một tiếng sau chúng tôi đã về đúng khách sạn – cũng đã đặt từ trước với giá rẻ qua mạng (thời buổi internet, sướng thế!) - ở Amsterdam (nghĩa là con đê trên sông Amstel), thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Hà Lan.
Chiếc bản đồ, vật bất ly thân trong những chuyến du ngoạn như thế này
Nhận phòng và ăn trưa qua loa, buổi chiều chúng tôi tranh thủ đi thăm quan thành phố. Amsterdam phố xá không rộng, người đi xe đạp tấp nập, đâu đâu cũng thấy xe đạp, xe đạp dựa thành dãy trên các vỉa hè, quảng trường, đặc biệt đường dành riêng cho xe đạp rất rộng và nhiều, thành một hệ thống liên hoàn. Kiến trúc mang nhiều nét Bắc Âu, nhà xây tường gạch san sát nhau, bất ngờ thứ hai: cứ tưởng dân Bắc Âu máu lạnh, nhưng người Hà Lan lại ưa các màu sắc mạnh như nâu thẫm, đen, đỏ, đặc biệt hàng quán bán đồ lưu niệm, áo phông, khăn, mũ tràn ngập màu vàng da cam – màu sắc đặc trưng cho đất nước này.
Khu trung tâm thành phố nhiều kênh mương, một thời xa xưa dân bản địa đã quần nhau với bùn với nước, quật đất lên làm những dãy nhà gỗ, tạo thành những kênh rạch chằng chịt xen giữa những dãy phố, trên kênh rạch tàu thuyền lướt đi vun vút làm du khách liên tưởng tới thành phố nổi Venice bên nước Ý, tuy nước ở đây màu nâu đen chứ không trong xanh và cảnh sắc không lãng mạn như Venice, dẫu sao khu này vẫn được mệnh danh là “Venice phương Bắc”.
Trên phù hiệu Amsterdam, trên những lá cờ cắm trên mũi các con thuyền hay bày bán trong các quầy lưu niệm đều thấy có ba vạch chữ thập trắng nghiêng đặt cạnh nhau trên một vạch màu đen, tượng trưng cho ba nỗi kinh hoàng xưa kia của dân chúng đến khai thiên lập địa ở đây từ thế kỷ 13-14 là hỏa hoạn, lụt lội và dịch hạch. Thế mà nay, bằng lao động miệt mài, bằng trí tuệ và khát vọng, con cháu họ đã xây dựng lên thành phố sầm uất, náo nhiệt này.
Bên một con kênh tại Amsterdam
Buổi tối cả đoàn háo hức vào xem “khu phố đèn đỏ” nổi tiếng. Mới chợt đến đã thấy tiếng nhạc rock-rap tưng bừng, một không khí hội hè náo nhiệt, quán ăn, nhà hàng, tiệm cà phê, phòng chơi điện tử san sát nhau, ánh sáng đủ màu tạo lên một thế giới huyền ảo như vào tiên động. Đi sâu vào những ngõ ngách, vào dãy phố chính của khu này nằm trên hai bờ một con kênh nhỏ, thấy giăng giăng những ô cửa kính quay ra mặt đường, trong mỗi ô, dưới ánh đèn màu hồng rực là một cô gái, ăn bận kiểu “tiết kiệm vải”, phấn son kẻ vẽ, đứng chào hàng cho khách vãng lai, không ít nàng nom rất bắt mắt và nở nụ cười quyến rũ khách làng chơi, ngó vào các ngõ ngách hai bên cũng thấy san sát những ô cửa như thế. Nhìn lại thấy bà nào cũng khư khư nắm chặt tay các đức ông chồng, cứ như nếu không làm thế thì bất chợt các ông sẽ mất hút vào một ngõ ngách nào đó trong cái động tiên bùng nhùng như một tổ ong lớn kia vậy.
Nghe bảo “ngành dịch vụ” này, khu vực này cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, cũng mang lại cho ngân sách thành phố một khoản thu lớn. Xét cho cùng có “cầu” thì có “cung”, cũng chẳng có gì lạ, điều đáng suy nghĩ là họ quản lý được, các cô gái hành nghề được khám nghiệm định kỳ, nộp thuế đầy đủ, mà xem ra thanh niên Hà Lan cũng chẳng vì thế mà hư hỏng hơn chút nào, có khi công khai như thế còn lành mạnh hơn sự dấm dúi tràn lan ở nhiều nơi khác.
Chỉ có già nửa ngày cho thành phố này là quá ít, nhưng vì thời gian eo hẹp, đúng là chúng tôi chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” được có thế, hẹn một dịp khác dừng chân lâu hơn, sẽ đến thăm bảo tàng Van Gogh, Rembrandt, nhà tưởng niệm Anne Frank hay các danh thắng khác của Amsterdam. Mục đích của chuyến đi này là xem hoa đã.
Một góc vườn hoa Keukenhof
Sáng hôm sau, ăn sáng và trả phòng xong, chúng tôi lên xe tới xem vườn hoa lớn nhất thế giới Keukenhof, cách thủ đô Amsterdam chừng 70 km. Đã từ 60 năm nay, vườn hoa Keukenhof mở cửa hàng năm vào đúng dịp mùa xuân (từ 18-3 đến 16-5) để đón khách yêu hoa. Trong vòng tám tuần, có khoảng 800 ngàn người từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn hồng ngàn tía của các loài hoa. Khu vườn có một không hai này tọa lạc trên một khu đất rộng tới 32 héc-ta, là thế giới của 4,5 triệu bông hoa tuy-lip, thủy tiên, của vô vàn loài dạ hương, phong lan và các loài hoa khác.
Hoa được trồng xen giữa những khu rừng nhỏ hay ven những hàng cây (có tới 2500 cây lâu niên), bên những lối đi vòng vèo dài tổng cộng tới 15 km, ven những hồ nước uốn lượn có đàn thiên nga trắng nhàn tản bồng bềnh trên mặt nước. Nhiều nhất là các loài tuy-lip và thủy tiên, hoa tuy-lip đủ các màu trắng, đỏ, hồng, tía, xanh, đen, đủ các kích cỡ, hình dáng, đúng là thiên hình vạn trạng. Cả khu vườn lớn thơm lừng mùi hương hoa, ong lượn, bướm bay, chim hót, một cõi thiên thai có thực hiện hình trên mặt đất.
Người Hà Lan đúng là thật cần cù, tài giỏi và tinh tế, qua nhiều thế hệ họ đã lai tạo, nhân giống và thuần dưỡng nên hàng trăm loài tuy-lip, biến đất nước có 26% diện tích nằm thấp hơn mặt nước biển này thành một vườn hoa khổng lồ. Ngay từ trên máy bay, qua ô cửa sổ nhìn xuống đã có thể thấy những cánh đồng hoa rực rỡ như những tấm thảm đa sắc màu phơi mình dưới nắng. Người Hà Lan đã biến đất, biến nước và ánh nắng trên quê hương nghèo tài nguyên của họ thành thứ tài nguyên độc đáo và giá trị, thành nguồn thu nhập lớn cho đất nước, đó là rau quả, cây cảnh và hoa.
Tuy-lip muôn hồng ngàn tía
Chỉ có 16,4 triệu dân và là quốc gia có mật độ dân số vào hàng cao nhất trên thế giới (484 người/km2), nhưng Hà Lan là nước đứng thứ sáu về xuất khẩu, và đứng thứ ba về xuất khẩu hàng nông nghiệp trên thế giới, có thể nói đó là một kỳ tích. Trong tổng thu nhập quốc dân 36 nghìn Euro tính theo đầu người (số liệu năm 2008) có phần đóng góp rất lớn của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cây cảnh, hoa và giống hoa. Chúng tôi đi ngang qua khu kho logistic của một công ty xuất khẩu hoa, thấy trên một khu đất lớn trải dài ven xa lộ hàng trăm công-te-nơ và rất nhiều xe camion chờ bốc hoa và các loại củ giống hoa, chuẩn bị xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Trông người lại nghĩ đến ta, trong khi nước ta nằm ở xứ nhiệt đới, nắng lắm mưa nhiều, đất đai phì nhiêu, thì ta đang tưng bừng trải thảm đỏ cho đầu tư nước ngoài vào thuê đất thuê rừng dài hạn, phá đất canh tác xây các khu công nghiệp, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường lâu dài và bần cùng hóa nông dân trên diện rộng, liệu có phải là một cách làm ăn “nhớn” hay chỉ là cách “bóc ngắn cắn dài” của một tầm nhìn thiển cận ít khôn ngoan, liệu chúng ta có lường hết “hậu họa sau này” để lại cho các đời con cháu?
Xem tiếp Phần 2 của bài viết.
Giáp Văn Chung – Còn tiếp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn