CHUYỆN LƯỢM LẶT TRONG CHUYẾN DU NGOẠN TRUNG QUỐC

Chủ nhật - 13/02/2011 02:15

(NCTG) Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh và Tây An là 4 thành phố chúng tôi có dịp đến trong chuyến đi chơi 3 tuần ở Trung Quốc vào tháng 8.


 
“Thú vị” là cảm xúc theo tôi trong suốt thời gian ở đây.

1. Giao thông    

Thượng Hải có hệ thống tàu điện ngầm cực kỳ hiện đại. Tàu mới, sạch sẽ và chạy đúng giờ tới từng giây, tuy nhiên chỉ hoạt động từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối và lúc nào cũng đông. Và tất nhiên, người Trung Quốc vẫn chưa có thói quen xếp hàng khi lên tàu, vì thế mỗi khi tàu dừng là khung cảnh cực kỳ hỗn loạn.

Xe buýt: Vì không có phiên âm tiếng Anh tại các bến xe và tài xế không nói được tiếng Anh nên đây là vấn đề hơi “nan giải”. Chúng tôi thường đi bộ hoặc taxi.

Taxi: rất rẻ. Chúng tôi đã đi 1,5 tiếng taxi để ngắm Thượng Hải về đêm mà chỉ phải trả 22 Euro.

Tàu liên tỉnh: Nên mua vé trước ít nhất 3 ngày vì thường xuyên trong tình trạng hết vé. Đấy là kinh nghiệm của chúng tôi sau khi phải đợi 4 tiếng ở ga Thượng Hải để đến Hàng Châu, mặc dù tuyến Thượng Hải - Hàng Châu 1 tiếng có 1 chuyến và thời gian đi lại cũng chỉ kéo dài hơn 1 tiếng; và chúng tôi phải ở lại Nam Kinh thêm 2 ngày vì hết vé đi Tây An.


Phố Nam Kinh (Nam Kinh Lộ) con phố mua sắm nổi tiếng ở Thượng Hải

Hàng không: Vé máy bay khá cao mặc dù có rất nhiều hãng hàng không nội địa. Tuy nhiên với những tuyến đường dài trên dưới 800km đây cũng là giải pháp hợp ý, ít nhất là tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, các hãng hàng không nội địa chỉ có trang chủ (homepage) bằng tiếng Trung Quốc và giá vé thì thay đổi theo từng giây.
 
2. Danh lam thắng cảnh

Khu phố cổ: mái ngói nâu, đèn lồng đỏ, hồ sen, ao cà vàng... nói chung khu phố cổ 4 thành phố tôi qua đều có mẫu số chung như vậy. Tây An còn bức tường thành bao quanh khu phố cổ khá nguyên vẹn, còn phố cổ ở Nam Kinh tôi thấy đẹp nhất với con sông chạy dọc phố rất thơ mộng.


Phố cổ tại Tây An


Khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng với quần thể những pho tượng binh mã bằng đất nung (Binh mã dũng) tại Tây An khiến tôi hơi thất vọng một chút. Trong trí tưởng tượng của tôi, khu trưng bày phải rất hoành tráng, uy nghiêm chứ không phải trong khu bảo tàng nhìn giống  một hội trường lớn lợp mái tôn như thế này.




Tại khu Binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng tại Tây An
 
3. Ăn uống

Sáng nào tôi cũng ăn bánh bao, uống sữa đậu nành. Tuy nhiên ở Thượng Hải có một cửa hàng nhỏ nằm trên phố Nam Kinh, cạnh ga tàu điện ngầm là ngon nhất. Có bánh bao nhân thị bò, thịt heo và bánh bao chay.

Lẩu: rất đa dạng với các loại rau và gia vị. Có khoảng 30 gia vị các loại để thực khách tự pha nước chấm theo ý muốn.

Đồ ăn ở Tây An quá béo và cay. Các món xào rất nhiều dầu và ớt khô. Nhưng ở đây chúng tôi có ăn một bữa buffet với gần 100 món bao gồm cả lẩu và đồ uống chỉ với giá 5 Euro/ người. Khách xếp hàng rất đông nhưng chúng tôi được ưu tiên vào ăn ngay, lại được xếp bàn ngay cạnh cửa sổ. Chắc vì bạn tôi là người châu Âu.
 

Thành cổ Tây An


Mặc dù đến Trung Quốc nhưng chúng tôi thường xuyên ăn món Nhật và Hàn. Có thể nhận thấy ẩm thực từ hai nước Bắc Á này, đặc biệt đồ ăn Nhật đang rất được ưa chuộng tại Thượng Hải, Nam Kinh và Hàng Châu với các quán ăn san sát dọc các con phố chính và luôn nườm nượp khách.

Tepanjaki khiến tôi thích thú nhất. Đấy là một dạng buffet 16 Euro/người bao gồm cả đồ uống, sushi và trên dưới 100 món ăn nhưng đầu bếp nấu ngay tại chỗ. Nhà hàng gồm có các bàn nóng hình tròn, thực khách ngồi xung quanh vừa ăn, vừa thưởng thức tài chế biến của đầu bếp. Một đầu bếp phụ trách khoảng 10-12 người khách.  

Ở Frankfurt nơi chúng tôi sinh sống cũng có Tepanjaki nhưng với giá 90 Euro/người, chưa kể đồ uống và không có sushi.

Chúng tôi ăn 2 lần Tepanjaki, một lần ở Nam Kinh và một lần ở Thượng Hải. Nhà hàng ở Nam Kinh  thường xuyên thiếu chỗ mặc dù có hai phòng ăn với 5 bàn nóng lớn và khoảng hơn 10 bàn nhỏ.
 

Khu phố cổ tại Nam Kinh


Nhà hàng tại Thượng Hải nhỏ và có vẻ “đìu hiu” hơn. Thực đơn cũng không phong phú và đồ uống chỉ có bia và Cola. Lần này chúng tôi dẫn theo một “tiểu đội” nữa mà chúng tôi quen ở nhà trọ, gồm một anh chàng đến từ Thụy Diển, hai anh em người Anh và một người Mỹ. Khoảng 10 giờ 30 chủ quán ra thông báo... hết giờ, quán đóng cửa?!

Đúng là lúc này trong quán chỉ còn duy nhất bàn của chúng tôi.Thực ra 16 Euro/suất cũng là khá cao ở Trung Quốc, tuy nhiên với tình hình quán xá ế ẩm mà nhìn 5 anh chàng cao trên 1,8m, nặng đều trên dưới 1 tạ ăn và uống quả cũng “xót ruột” thật.

Dù sao chúng tôi cũng đã ăn uống no say nên tất cả đều vui vẻ trả tiền và rất “thông cảm” với chủ  quán.

4. Internet & Tiếng Anh

Người Trung Quốc hầu như không dùng tiếng Anh. Họ chuyển ngữ tất cả sang tiếng Trung Quốc ví dụ “Cola” được chuyển thành “Cớ lợ”. Tại các bến tàu, bến xe, tên đường phố, nơi công cộng không có phiên âm tiếng Anh, ngoại trừ bến tàu điện ngầm và tên đường phố ở Thương Hải. Tất cả các trang web nước ngoài cũng bị chuyển sang tiếng Trung hoặc không xem được.
 

Xe buýt tại Nam Kinh


Internet cực kỳ chậm, Facebook và Wikipedia bị chặn. Chúng tôi thường xuyên không xem được thư từ trong thời gian ở đây.

5. Người Trung Quốc
 
Người Trung Quốc hồn nhiên như trẻ con ý nhỉ. Nói gì họ cũng cười,  cái gì cũng làm họ ngạc nhiên. Họ chụp ảnh mọi nơi, mọi chỗ và mọi thứ”, anh bạn người Hà Lan cùng nhà trọ tại Thượng Hải nói đầy vẻ thích thú.

Nếu ở Thượng Hải sẽ chẳng ai để ý bạn là ai, bạn làm gì và bạn ở đâu đến. Nhưng chỉ cần ra khỏi thành phố 19 triệu dân này thôi, mọi thứ đã rất khác.

Tại nhà ga Thượng Hải trong lúc đợi tàu đi Hàng Châu, hầu như ai cũng nhìn bạn tôi vì anh là người Âu duy nhất ở sân ga đông đặc người này.


Cô bé bán hàng tại Hàng Châu ngủ say sưa mặc dù cửa hàng đang đông khách


Chuyến tàu đêm từ Nam Kinh đến Tây An, bạn tôi thành “siêu sao” khi rất nhiều hành khách trên tàu ra chụp ảnh “lưu niệm” với anh. Họ còn nhiệt tình dạy anh chơi cờ tướng, mời anh ăn và chụp ảnh cả khi anh... ngủ.

Thậm chí một vài cậu bé còn tò mò “sờ” thử vào người anh. Có người mới 6 giờ sáng đã đánh thức anh dậy để tiếp tục chơi cờ tướng. Đấy là chuyến tàu rất vui vẻ và người khách ai cũng dễ thương cả.

Ô đối với người Trung Quốc, ô dùng để che nắng chứ không phải che mưa. Hễ trời mưa là nhất loạt mọi người tìm chỗ trú và gọi taxi, dù ai cũng cầm theo ô. Nói chung, khi trời mưa người Trung Quốc hốt hoảng như gặp mưa đá vậy.


Đi thuyền dọc phố cổ tại Nam Kinh


Tây An nghèo nhất trong 4 thành phố tôi qua và có lẽ cũng bị ô nhiễm môi trường rất nặng. Không khí đặc quánh, bầu trời lúc nào cũng một màu xám rất khó thở. Đường phố bụi, bẩn, lúc nào cũng đầy xe buýt, xe ô tô con và xe du lịch. Và cũng chỉ ở đây tôi mới thấy nhiều đàn ông cởi trần, mặc quần đùi ra đường và khạc nhổ bừa bãi.

Từ Tây An về Thượng Hải chúng tôi đi máy bay. Sau 4 tiếng chờ đợi vì máy bay hoãn chuyến, chúng tôi tưởng được yên vị trên máy bay thì các vị khách bắt đầu đổi chỗ. Họ chạy đi, chạy lại, tranh luận... - bỗng chốc máy bay biến thành cái chợ nhỏ.

Mà không chỉ đổi chỗ, họ còn đổi luôn cả khoang chứa hành lý. Nháo nhào, lộn xộn khoảng 30 phút các cô tiếp viên mới có thể ổn định được chỗ ngồi. Có nhiều chuyện với người Trung Quốc thì bình thường nhưng bạn tôi thì vẫn “không hiểu nổi” dù anh biết khá nhiều về văn hóa và con người Trung Quốc.

Dường như mỗi lần di chuyển dù xa, dù gần người Trung Quốc đều mang theo cả “kho” lương thực và thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy bị làm phiền với những mùi thức ăn không lấy gì làm dễ chịu lắm.

Những lúc như thế tôi lại tự giễu mình, mình là khách, họ chả khó chịu với mình thì thôi tại sao mình lại khó chịu với thói quen của họ. “Nhập gia tùy tục” mà.


Tác giả trong chuyến du ngoạn Trung Quốc

Tại Tây An, chúng tôi vô tình gặp một đồng nghiệp của một nguời bạn thân. Sau khi chia tay với cô bạn gái lâu năm, anh quyết định đi vòng quanh thế giới và chưa xác định ngày quay về Đức.

Tôi không khỏi ghen tỵ với anh. Nếu hộ chiếu Việt Nam mà đi khắp nơi dễ dàng thế, chả cần ai bỏ hay bỏ ai tôi cũng sẽ đi lòng vòng thế giới như anh!

Bài và ảnh: Mai Lan, từ Frankfurt


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn