BERLIN, NHỮNG NGÀY MÙA THU

Thứ bảy - 24/09/2011 08:55

(NCTG) “Rời Berlin trong một chiều thu nắng đẹp, chúng tôi mang về Budapest những ấn tượng khó quên về cảnh sắc, con người và tình cảm của bà con người Việt ở đất nước này” – chia sẻ của dịch giả Giáp Văn Chung sau chuyến thăm Berlin.


Dịch giả Giáp Văn Chung tại Berlin (tháng 9-2011)

Hoàng Linh kéo tôi đi Berlin đúng trung tuần tháng Chín, dù đang bận tối mày, nhưng nghe nói có vụ Đề án VINAPHUNU (do chị Hoài Thu làm chủ nhiệm) kỷ niệm 20 năm hoạt động, tôi đã cố thu xếp cùng đi.

Tháng Chín - cây cỏ, hoa quả, khí tiết trời Âu thơm nức. Buổi tối lên tàu nhanh ở ga Keleti (Budapest), nằm ngủ một giấc dài, sáng ra thức dậy đã thấy mình đang ở ga Dresden, hơn hai tiếng sau tàu đã vào ga chính Hauptbahnhof ở Berlin, một nhà ga tầm cỡ hiện đại và lớn nhất châu Âu, sự phô diễn kỹ nghệ và vật liệu xây dựng tân kỳ của nước Đức thế kỷ 21.


Chị Hoài Thu, dịch giả Giáp Văn Chung và GS. Nguyễn Hoàng Tuyên trước ga chính Hauptbahnhof tại Berlin

Tới Berlin, chúng tôi gặp GS. Nguyễn Hoàng Tuyên, người có nhiều kỷ niệm gắn bó với VINAPHUNU từ những ngày đầu, vừa từ Việt Nam sang trước đó hai ngày, cũng với mục đích dự lễ kỷ niệm 20 năm VINAPHUNU. Chỉ kịp tay bắt mặt mừng và thăm hỏi đôi câu, chị Thu đã xin phép “chạy qua CLB” vì còn ngổn ngang bao việc đang chờ hoàn tất cho ngày kỷ niệm vào thứ Bảy (17-09-2011).

Chị em trong CLB đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ để chuẩn bị cho ngày “trọng đại”, từ việc ra một tập kỷ yếu và một cuốn phim tóm lược hoạt động của đề án trong 20 năm qua, đến trang trí hội trường, cắm hoa, cắt băng rôn khẩu hiệu, tổng duyệt chương trình văn nghệ, đón tiếp khách, đến việc chuẩn bị cho phần liên hoan ẩm thực... Từ xa đến, chúng tôi cũng bị cuốn ngay vào không khí gấp rút, cũng lây lan tâm trạng hào hứng của chị em, và cả một số anh em ở đây.


Chung tay để có được lễ kỷ niệm trọng thể và đầm ấm

Khó có thể kể hết những công việc mà chị Hoài Thu và anh chị em trong CLB đã làm trong hai chục năm qua, từ việc tư vấn miễn phí cho chị em về các vấn đề luật pháp, xã hội, mở các lớp học tiếng Việt, tiếng Đức, nữ công gia chánh, đến việc tổ chức các cuộc triển lãm như thổ cẩm, tranh cổ động, tranh chữ, biểu diễn văn nghệ, tổ chức các chuyến du lịch ra nước ngoài và về Việt Nam...

Điều đặc biệt, VINAPHUNU là tổ chức duy nhất của bà con Việt Nam ở Đức đặt ra mục tiêu hướng các hoạt động của mình tới xã hội Đức, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của Tiểu bang Berlin và nước Đức, như các hoạt động quyên góp giúp trẻ em nạn nhân Tsunami Nhật Bản, chống phân biệt chủng tộc... nhằm cải thiện cái nhìn của người Đức, xã hội Đức đối với cộng đồng Việt Nam ở nước sở tại.


Thư viện sách tiếng Việt lớn nhất tại Châu Âu

Đến thăm CLB, chúng tôi phát ghen và phát thèm khi tận thấy tủ sách tiếng Việt đáng nể của các chị ở đây: trên chục ngàn đầu sách và băng đĩa về đủ các lĩnh vực được sắp xếp rất quy củ, chuyên nghiệp. Điều đáng nói là CLB không chỉ gia tăng số đầu sách hàng năm, mà đã hướng dẫn và tạo ra nhu cầu, thói quen, niềm vui đọc sách cho bà con người Việt - sách thực sự đã trở thành bạn đồng hành, món ăn tinh thần không thể thiếu được của đông đảo thành viên CLB, các cháu sinh viên và học sinh.

Đến dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập của VINAPHUNU, ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi là những gương mặt tươi cười của mọi người, từ các bạn Đức, đại diện các hội đoàn, các bác đã có tuổi sang thăm hoặc sinh sống cùng con cháu, đến các chị, các cô, các cháu và cả các đấng nam nhi, ai ai cũng hớn hở, vui vẻ, tay bắt mặt mừng.


Mỗi người một việc, tự nguyện và nhiệt tình...

Hình như ai cũng coi đây là niềm vui chung, coi công việc của CLB cũng là công việc của chính họ. Người tự nguyện đem đến bó hoa, người khay bánh ngọt, người vài chục (có khi cả vài trăm) chiếc nem để góp vào cái vui chung, không một chút gò ép, khiên cưỡng, không một tiếng eo xèo. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, CLB đã trở thành một địa chỉ tin cậy, một mô hình văn hóa xã hội có sức sống, sức thu hút mọi người, có sức hội tụ và lan tỏa.

Tồn tại và liên tục phát triển suốt chặng đường dài 20 chục năm ròng, điều quan trọng nhất làm nên những thành công đáng nể của VINAPHUNU là yếu tố con người. Bên cạnh sự đóng góp tự nguyện, quý báu của đông đảo bà con ở đây, không thể không nói đến vai trò hàng đầu của chị Hoài Thu, người mà báo chí đã nói tới rất nhiều. Năm 1999, chị đã được nhận danh hiệu “Người phụ nữ Berlin” và năm 2001, chị đã được vinh danh bởi “Huân chương Công trạng CHLB Đức”.


Cúi đầu để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục

Trong phần khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Stefan Girmus, chủ tịch Hội Asiaticus, khi đánh giá hoạt động của VINAPHUNU và vai trò của chị Hoài Thu, đã có một cử chỉ hết sức vui nhộn và biểu cảm: ông đã khom lưng, cúi đầu từng chặp, thấp, thấp hơn, thấp hơn nữa... để bày tỏ lòng thán phục, ngưỡng mộ và biết ơn người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời là chị.

Điều lạ và đáng tiếc là một đề án hữu ích như thế - đã hoạt động suốt hai chục năm không mệt mỏi, được chính quyền Tiểu bang Berlin và nhà nước Đức đánh giá cao -, lại không nhận được sự quan tâm thích đáng, sự hỗ trợ cần thiết của các nhà hữu trách phía Việt Nam (cho dù nhân dịp kỷ niệm này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã có thư chúc mừng và đánh giá cao “những nỗ lực, tâm huyết cũng như thành quả của các chị suốt 20 năm qua”), mà họ có ở đâu xa: cũng ngay trên đất Berlin này.

*

Trước buổi giao lưu với anh chị em trong CLB để giới thiệu một số tác phẩm văn học Hungary được xuất bản ở Việt Nam, cũng như tình hình cộng đồng Việt trên đất Hung, chúng tôi vui mừng được gặp lại nhà văn Lê Minh Hà, tác giả những tập truyện “Trăng góa”, “Gió biếc”, “Những giọt trầm”... và đặc biệt tiểu thuyết “Gió tự thời khuất mặt”, “rất nhiều xao xác, xót xa” (lời Phạm Xuân Nguyên) về Hà Nội một thời.


Nhà văn Lê Minh Hà cùng nhà văn, nhà thơ Thế Dũng trong buổi giao lưu

Chị tỏ ý tiếc vì không dự được buổi giao lưu, chị đến chỉ để chào người thầy học cũ, GS. Nguyễn Hoàng Tuyên và chúng tôi, rồi xin phép ra về vì con ốm. Nhưng gần cuối buổi thì chồng chị, nhà thơ Đỗ Quang Nghĩa, từ lớp dạy tiếng Việt cho người Đức đi thẳng tới đây. Anh hẹn sáng hôm sau sẽ đưa chúng tôi đi thăm Potsdam.

Potsdam là một thành phố nhỏ, có nhiều biệt thự xinh xắn, nằm cách Berlin chừng non ba chục cây số về phía Tây Nam. Chúng tôi đến thăm lâu đài Cecilien, một công trình kiến trúc kiểu Anh do Hoàng đế Wilheim Ðệ nhị cho xây dựng để tặng vợ chồng thái tử Wilheim Friedrick và công nương Cecilien.


Nơi các đại cường quyết định số phận Châu Âu thời hậu chiến...
 
Nhưng lâu đài này chỉ trở nên nổi tiếng vì trong thời gian từ 17-7 đến 2-8-1945, tại đây đã diễn ra Hội nghị Potsdam quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo ba cường quốc Nga (Stalin), Anh (Churchill, rồi Attlee) và Mỹ (Truman) để kết thúc Đệ nhị Thế chiến, quyết định số phận của nước Đức phát-xít và hoạch định lại bản đồ châu Âu.

Rời Cecillienhof chúng tôi lên xe bus, tới khăm khu quần thể lâu đài Sanssouci (Vô ưu) của Hoàng gia Phổ, được bắt đầu xây dựng từ năm 1744, được coi là Versailles của nước Phổ, nơi còn một phòng khách lưu giữ những kỷ niệm về Voltaire, triết gia lớn của nước Pháp, đã có lần tới đây đàm đạo triết học theo lời mời của Hoàng đế Phổ. Quần thể lâu đài này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1990.


Quần thể lâu đài Sanssouci

Ngồi trên chiếc xe song mã dành cho du khách, dưới trời thu trong veo và gió nhẹ, nghe tiếng vó ngựa lộp cộp dưới chân, ta có thể đi khắp khu công viên-vườn-rừng rộng mênh mông, chiêm ngưỡng những công trình xây dựng tuyệt mỹ theo những phong cách cổ điển, ẩn hiện trong những khu rừng, đã nhuốm màu thời gian, nhưng còn nguyên vẻ bề thế, uy nghi của một thời vàng son nước Phổ.

Trên đường quay về Berlin, chúng tôi hẹn gặp nhà văn Nguyễn Văn Thọ ở nhà ga Potsdam. Thấy tôi từ xa, anh đã giơ tay vẫy, quần bò, áo phông, áo khoác bò mỏng, trông bụi nhưng hồ hởi. Mới có ba bốn năm không gặp, nom anh già và sút đi nhiều so với lần gặp nhau ở Hà Nội, anh bảo: “Năm nay tớ hạn, nhiều việc không may, lại vừa qua cú mổ răng mất cả chậu máu, đã tưởng đi đứt”.


Cùng nhà văn Nguyễn Văn Thọ trước cửa hiệu của Kumar

Anh định đưa chúng tôi vào nhà hàng của Kumar, nguyên mẫu một nhân vật trong tiểu thuyết “Quyên” của anh, nhưng thật không may hôm ấy nhà hàng đóng cửa do sửa chữa. Anh cho biết Kumar vẫn sống với Quyên, vất vả nhưng hạnh phúc. Nói gì thì nói, Nguyễn Văn Thọ vẫn là nhà văn của lao động và thợ thuyền, của những số phận lang bạt, cơ nhỡ, lận đận xứ người.

Hôm sau, nể lời nài ép của chúng tôi, anh đã lặn lội từ tỉnh lẻ lên Berlin dự buổi kỷ niệm 20 năm VINAPHUNU, vẫn xộc xệch, tất tưởi như thế, nhưng đầy nhiệt huyết. Quan sát anh tiếp xúc với mọi người, thấy bà con rất quý mến, trọng nể anh, anh đúng là người của họ. Có người cho rằng “Quyên” ít có giá trị về mặt văn học, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là nó có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, trong lòng những con người mà tác giả đã từng gắn bó, am hiểu một cách sâu sắc, đã đưa họ từ cuộc đời vào những trang sách một cách trung thực. Anh khoe “Quyên” đang được dựng phim, xin chúc mừng anh.


Tòa thị chính đỏ

Hai hôm sau, chúng tôi đã tranh thủ đi thăm được hầu hết những danh thắng chính của Berlin, từ Tòa thị chính đỏ, Tháp truyền hình, Ðại học Humbold, Cổng Brandenburg đến Tòa nhà Quốc hội Reichstag... Ấn tượng chung, Berlin là một thành phố tầm cỡ thế giới, hiện đại và cổ kính đan xen, nhiều cây xanh và sạch sẽ, phương tiện giao thông công cộng dày đặc và tiện lợi.

Hai mươi năm sau ngày tái thống nhất, người từ xa đến khó phân biệt được đâu từng một thời là Đông Berlin XHCN, đâu từng là Tây Berlin tư bản, nếu không có dấu vết của “bức tường ô nhục” năm xưa còn in trên mặt đường, xuyên qua những ngôi nhà, quán rượu, công viên... mà người Đức cố ý lưu giữ, không chỉ trong ký ức.


Checkpoint Charlie, cửa khẩu khét tiếng một thời

Chúng tôi đi dọc theo đại lộ Friedrichstraße khang trang, đến sát Checkpoint Charlie khét tiếng một thời, nơi nhà văn John le Carré, khi đó còn là nhân viên tình báo Anh, đã thức suốt 72 giờ đồng hồ theo dõi từ đầu đến cuối bức tường Berlin được dựng lên, trong khung cảnh “những xe tăng Xô-viết đứng đối đầu với xe tăng Mỹ để hăm dọa nhau, họ để xe liên tục nổ máy và tháp pháo quay đảo liên hồi”.

Chứng kiến việc nền móng của chiến tranh lạnh đã được xây dựng trên đống tro than còn nóng bỏng của chiến tranh như thế nào”, sau đó nhà văn đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người từ miền đất lạnh” (The Spy Who Came in from the Cold, 1963). Chúng tôi đã đứng chụp ảnh với hai người lính “Mỹ” ngay trước bốt gác và ụ cát trên cái mảnh đất một thời đã đi vào lịch sử ấy, với giá 2 Euro cho một lần chụp...


Tượng đài Chiến thắng

Ngày cuối cùng ở Berlin, theo yêu cầu của Hoàng Linh, nhà thơ Đỗ Quang Nghĩa đưa chúng tôi tìm đến công viên Großer Tiergarten khổng lồ rộng tới 210 hec-ta. Chạy dọc công viên này là đường Straße des 17. Juni, chính giữa là Tượng đài Chiến thắng Siegessäule. Chúng tôi muốn tìm đến nơi tưởng niệm Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg, hai lãnh tụ của phong trào xã hội dân chủ Đức đầu thế kỷ 20, bị sát hại sau cuộc cách mạng Berlin tháng 1-1919.

Sau nửa giờ đi bộ lòng vòng trên những lối mòn trong công viên rậm như rừng, chúng tôi tới đài tưởng niệm Liebknecht, nằm khiêm nhường bên cạnh một hồ nước dưới bóng những cây cổ thụ: một tấm biển bằng đồng ghi vắn tắt sự kiện hai lãnh tụ bị hãm hại vào đêm 15-1-1919, một cột trụ rỗng bằng gạch có gắn tên Karl Liebknecht đúc bằng đồng.


Ðài tưởng niệm Karl Liebknecht

Đi tiếp chừng mươi phút, men theo một con kênh lớn, qua một cây cầu khá đẹp, vòng xuống bờ bên kia, chúng tôi dừng chân cạnh đài tưởng niệm Rosa Luxemburg, nhà lý luận mác-xít từng có câu nói nổi tiếng, thiết nghĩ cần nhắc lại cho những ai quên hay cố tình quên: “Tự do dành riêng cho những ai ủng hộ chính phủ, dành riêng cho thành viên một đảng – cho dù đông đảo đến mấy – cũng không phải là tự do. Tự do, luôn phải là tự do của những người khác chính kiến”.

Ðài tưởng niệm người phụ nữ vĩ đại này cũng chỉ đơn sơ một tấm biển đồng gắn trên bức tường kè ven sông và dòng tên đúc bằng đồng gác chéo qua hàng rào chắn, nghiêng nghiêng như mọc lên từ lòng đất. Cảm ơn Đỗ Quang Nghĩa, nếu không có “thổ dân” thông thạo, người từ xa đến khó thể tìm đến được những nơi này.


“Tự do, luôn phải là tự do của những người khác chính kiến” (Rosa Luxemburg)

Còn muốn đi thêm nữa, xem nhiều hơn nữa, nhưng thời gian đã hết. Rời Berlin trong một chiều thu nắng đẹp, chúng tôi mang về Budapest những ấn tượng khó quên về cảnh sắc, con người và tình cảm của bà con người Việt ở đất nước này. Xin tạ ơn và hẹn ngày gặp lại!

Giáp Văn Chung, từ Budapest - ngày 24-9-2011 - Ảnh: Trần Lê & Ðỗ Quang


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn