SÁU TUẦN LÀO – THÁI – CAM - VIỆT (PHẦN 2)

Thứ ba - 01/02/2011 02:52

(NCTG) Hành trình đến Lào gian nan hơn một chút. Sau 1 ngày nghỉ ngơi ở Chiangmai chúng tôi quyết định hôm sau đi Luangprabang.

Xem Phần 1 của bài viết



Luangprabang (Lào)

Nhưng không đơn giản thế. Người Việt Nam không cần xin hộ chiếu, chỉ cần đóng dấu xuất nhập cảnh ở cửa khẩu, nhưng bạn tôi là người Đức thì cần visa và thời gian chờ đợi là 2 ngày. Lúc đấy là 3h chiều.

Tôi thích Chiangmai lắm nhưng cũng đang háo hức muốn sang nơi mà UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa. Đang chưa biết giải quyết thế nào, anh chủ nhà trọ biết được liền nói gì đó với nhân viên (bằng tiếng Thái) và buổi tối chúng tôi có thị thực sang Lào. Đúng thật là “không có việc gì khó”.

Chúng tôi chọn phương tiện di chuyển bằng xe buýt và thuyền, thời gian là 2 ngày, bao gồm 8 tiếng đi ô tô, nghỉ đêm và hôm sau đi thuyền trên sông Mêkong đến Luangprabang.



Không ngờ hành trình chúng tôi chọn lại ít người đi nhất. Đón chúng tôi là chiếc xe ô tô 6 chỗ và khởi hành cùng chúng tôi còn có 1 cậu người Anh và 1 đôi người Ý. Từ Chiangmai đến cửa khẩu Lào không có vấn đề gi vì đường rất đẹp. Tuy nhiên đoạn đường còn lại, mỗi khi nhắc lại tôi còn thấy run.

Đường đất đỏ, một bên là núi, một bên là vực và chỉ đủ chỗ cho 1 xe. Cả đoạn đường chẳng ai nói với ai câu nào, về sau tất cả mới thú nhận do “sợ quá”. Đây là bí mật mà chẳng bao giờ chúng tôi dám kể với bố mẹ cả.

Và cũng trên đoạn đường này chúng tôi làm quen với Jack, người Anh, 26 tuổi, dân IT. Hành trình đến Lào là điểm đến cuối cùng trong hành trình 6 tháng vòng quanh thế giới của cậu ấy. Jack nói, đi làm 6 năm, bỗng một hôm thấy cuộc sống vô vị quá, vậy là xách ba lô lên đường. Trong cuộc sống, đôi khi người ta cũng phải biết buông bỏ đúng lúc.
 


Tuy nhiên đi thuyền trên sông Mêkông lại rất thú vị vì được nhìn ngắm cảnh vật cũng như đời sống người dân hai bên bờ sông. Mặc dù phải thú nhận rằng 8 tiếng trên thuyền với ghế ngồi nhỏ, cứng và không có cửa kính chắn gió đôi lúc cũng không dễ chịu lắm.
 
Chúng tôi đến Luangprabang vào khoảng 5 giờ chiều và chọn nhà trọ gần ngay trung tâm chỉ bởi anh chủ nhà quá nhiệt tình, chào mời chúng tôi từ khi xuống thuyền. Theo anh, ở đây hầu như nhà nào cũng sửa để cho thuê. Nhà anh cũng mới làm được 3 tháng. Đấy là căn hộ 3 tầng, mỗi tầng có 2 phòng để cho thuê. Cả gia đình anh gồm vợ chồng, con trai 3 tuổi và bố mẹ sống tại căn gác lửng.



Hôm sau Jack chuyển sang chỗ khác rẻ hơn 3 USD. Toàn thời gian ở đây chúng tôi trọ tại nhà anh vì bạn tôi bảo ở chỗ khác có thể vui hơn, rẻ hơn, chủ nhà nói tiếng Anh tốt hơn và có thể phục vụ chuyên nghiệp hơn anh nhưng anh thật thà mặc dù nói được ít tiếng Anh. Hơn nữa số tiền chênh lệch chẳng đáng là bao, trong khi mình có thể giúp người ta được, tại sao không làm. Tôi hiểu thêm bạn mình từ những chuyến đi như thế.
 
Ở Lào, chúng tôi còn bị một trận nhớ đời. Như đã kể ở trên, bạn tôi rất hay bị đau bụng nếu ăn đồ ngoài đường. Cẩn thận lắm, nhưng đôi khi vẫn không tránh được “cám dỗ”. Nhìn thấy bánh Donus bày ở vỉa hè hấp dẫn quá, kìm lòng lắm nhưng không được đành ăn 1 chiếc. Tôi vì không thích đồ ngọt nên không ăn. Kết quả là “phun châu nhả ngoc” cả đêm. Thuốc đau bụng mang theo từ Đức cũng không phát huy tác dụng.



Tôi sợ thực sự. Đêm hôm khuya khoắt thế này, lại đất khách quê người (nếu ở Châu Âu có lẽ không lo lắng đến thế). Làm đủ mọi cách vẫn không có tác dụng, tôi đành cầu cứu anh chủ nhà. Và kết quả là sau khi bạn tôi uống 10 viên Berberin cơn đau hết ngay lập tức và ngủ ngon đến sáng. Rốt cục, Berberin là vật bất ly thân của chúng tôi trong suốt hành trình còn lại.

Sáng hôm sau chúng tôi hẹn Jack đi đến thác nước Khouang Sy nằm ở phía Tây và cách Luangprabang gần 30km. Trời hơi mưa và lạnh. Sau hơn 30 phút đi tuktuk, chúng tôi đến nơi. Chỉ riêng thác nước này thôi đã làm thỏa lòng những du khách đến với Luangprabang rồi, tôi thầm nghĩ.
 


Cuộc sống tại Luangprabang khá trầm và con người thì hiền lành. Trong những năm gần đây, khách du lịch đổ về đây khá đông nhưng dường như những điều đó chẳng ảnh hưởng gì tới con người, cuộc sống thanh bình nơi đây. Ở đây, tôi gặp các anh chạy xe tuktuk đứng nhàn tản nói chuyện. Không có cảnh chèo kéo khách như Cambodia, cũng không cảm thấy vẻ ranh mãnh, lọc lõi như ở Bangkok.

Cũng có nói thách, nhưng có cảm giác nói cho vui vậy. Vừa nói thách, vừa cười và sau đấy 1 phút sẽ lại hạ giá ngay. Tôi cứ mong họ mãi hồn nhiên, chân chất như thế. Nếu so với người Thái hoặc Cam, người Luangprabang nói tiếng Anh dở hơn rất nhiều. Nhưng tôi thích cách họ đối đãi với dân du lịch như bây giờ. Thân thiện và thật thà.
 
Việt Nam

Thời gian chúng tôi ở Việt Nam không nhiều, khoảng hơn 1 tuần, qua các thành phố Hà Nội - Nha Trang và TP HCM. Cảm xúc thì rất nhiều và rất khác khi ở những nước khác. Vui có và buồn cũng không ít. Âu cũng là lẽ thường tình.



Ở Hà Nội, chúng tôi dành phần lớn thời gian thăm gia đình, bạn bè và dạo phố cổ. Vẫn các ngõ nhỏ, phố nhỏ như đánh đố người nào lần đầu tiên lạc đến đây, nhưng nhiều xe máy quá khiến phố nhỏ thêm nhỏ. Vẫn các hàng, quán vỉa hè ngày xưa tôi từng ăn... nhưng hình như vị không còn như trước. Tôi thay đổi hay người đã khác xưa?
 
Mấy ngày ở Nha Trang hầu như toàn mưa, nhưng cũng may mắn có 2 ngày nắng để chúng tôi ra đảo chơi. Ở Nha Trang tôi chọn tour của Mama Linh hoặc Mama Hạnh vì giá cả phải chăng và phục vụ tốt; Sài Gòn thì Sinh Cafe. Ở Hà Nội thì hên xui, bởi cùng 1 tour nhưng giá cả ngoài Hà Nội khá chênh nhau, trong khi từ Nam - Trung Bộ trở vào không thấy tình trạng này.


 
Từ Nha Trang vào TP HCM chúng tôi đi xe buýt vào ban đêm và chọn loại xe nằm. Cứ đinh ninh sẽ đươc ngon giấc, hay chí ít cũng không đau cổ như khi phải ngồi 8 tiếng. Nhưng chỗ nằm quá nhỏ và anh bạn tôi chọn giải pháp nằm xuống sàn xe. Và cứ 2 tiếng xe dừng 1 lần để hành khách đi vệ sinh, vì thế gần như cả quãng đường chúng tôi thức. Mỗi khi nhắc lại chuyện này chúng tôi lại bật cười.

Dường như tôi thích tất cả những gì thuộc về Sài Gòn. Thích Sài Gòn đông đúc, thích giọng Sài Gòn nghe ngọt ngào chi lạ, thích những món ăn 3 miền và từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về đây. Và đã hơn 1 lần tôi nghĩ, nếu một lúc nào đó về Việt Nam sinh sống, Sài Gòn sẽ là nơi tôi chọn.



Tôi thích khí hậu nóng ẩm nơi đây, tôi thích cách người ta thử ngiệm và chấp nhận cái “Mới” ở đây. Nếu Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị xưa cũ, thì Sài Gòn là nơi phản ánh rõ nhất nhứng biến đổi của đất nước trong thời kỳ chuyển mình.

Xem tiếp Phần 3 của bài viết.

Bài và ảnh: Mai Lan, từ Frankfurt – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn