Bán những phụ trang cho đêm Giao thừa tại Budapest - Ảnh: Trần Lê
Do đó, trái với những gì chúng ta hình dung, những tập tục Giao thừa và năm mới, thực ra mới chỉ có từ thế kỷ thứ 4 trở đi ở một phần Châu Âu, dưới ảnh hưởng của nền văn minh La Mã, và từ khoảng thế kỷ thứ 10 ở phần kia, tại vùng Đông – Trung Âu, nơi định cư của một số bộ lạc du mục có nguồn gốc châu Á. Thậm chí, nhiều dân tộc Châu Âu mới chỉ chấp nhận việc coi năm mới bắt đầu từ ngày 1-1 từ mấy thế kỷ nay!
Nhắc đến những tập tục Giao thừa và năm mới, là chúng ta nghiễm nhiên phân biệt hai ngày lễ: lễ Giao thừa - kỷ niệm vị Thánh – Giáo hoàng Sylvester Đệ nhất (thế kỷ thứ 4), đồng thời mang tính chất từ giã năm cũ – và lễ đón Năm mới với mong ước mang lại tiền tài, danh vọng, vận may và tất cả những gì tốt đẹp.
Trên cơ sở ấy, có thể lý giải được rất nhiều tập quán chung của Châu Âu trong hai ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, cũng như trong khoảnh khắc Giao thừa, trời đất giao hòa.
Chẳng hạn, vào đêm Giao thừa, dân Châu Âu thường thổi kèn, còi, tù và, chiêng trống, rung chuông, gõ mõ, cầm roi tụ tập cười nói rầm rĩ để tiễn đưa năm cũ. Điều này có cội nguồn cổ sơ của nó: thời trước, người ta tin rằng với những nghi lễ huyên náo như vậy, những thế lực ma quỷ xấu xa sẽ phải ra đi cùng năm cũ, trước khi năm mới đến.
Cũng như thế, trong đêm Giao thừa, đồ ăn trên bàn tiệc đóng vai trò rất quan trọng. Thịt heo nướng được ưa chuộng ở nhiều nước vì heo là biểu tượng chính của sự may mắn. Thịt gia cầm như gà, gà Tây thì thường bị tránh, vì người ta quan niệm rằng vận may sẽ “bay đi” cùng với chúng.
Ngoài ra, trong ngày đầu năm, đỗ, đậu… thường được nấu vì chúng được coi là sẽ mang lại tiền tài cho gia chủ. Còn nếu ai khoái món cá thì nên ăn từ đuôi trở lên để vận may khỏi… trôi đi, đồng thời, tốt nhất là bạn hãy xơi món cá nhiều vẩy, vì vảy cá cũng tượng trưng cho tiền tài. Và tốt nhất là bạn hãy chừa lại một chút gì đó trên bàn tiệc đêm Giao thừa, để còn có phần cho một Năm mới sung túc, không thiếu thốn.
Có phần giống như ở Việt Nam chúng ta, ngày đầu của Năm mới đến người Châu Âu với nhiều cấm kỵ:
- Không được mang rác khỏi nhà vì khi đó, cùng với rác, chúng ta sẽ quẳng đi mọi may mắn trong năm tới.
- Không được giặt giũ – và đặc biệt không được phơi áo quần, chăn chiếu, vì cử chỉ, hành động này gợi nhớ đến cái chết trong những nền văn hóa cổ ở Châu Âu.
- Không được cho bất cứ ai vay mượn vào lúc này, vì khi đó tiền xuất ra rất khó hồi lại và ai cho vay mượn vào đầu năm, kẻ đó trong suốt năm tới sẽ chỉ phải chi tiền vô ích
Thời xưa, ngày đầu năm, phụ nữ không được đặt chân ra đường vì nếu họ đặt chân làm khách nhà ai trong hôm ấy, gia chủ cả năm sẽ bị “rông”. Như thế, cũng không khác gì người Việt, Châu Âu cũng cho rằng chỉ đàn ông “xông nhà”, thì mới may mắn.
Những gì chúng ta làm trong ngày đầu năm cũng phải được suy nghĩ rất cẩn trọng, vì nó sẽ có ảnh hưởng, hoặc rất có thể là cả năm chúng ta sẽ lặp lại điều đó. Vì thế, nhiều người Âu hiện tại vẫn tin rằng, ngày đầu năm không nên nằm, cho dù chỉ để nghỉ ngơi, để khỏi bị bệnh tật hoặc liệt giường trong năm. Cũng như thế, đi khám bệnh, hoặc cãi vã, ẩu đả càng là điều bị coi là cấm kỵ và phải tránh xa trong ngày mùng Một.
Ngày tết là như thế và tựu chung, Đông cũng như Tây, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới bao giờ cũng mang tính thiêng liêng, hàm chứa những mong mỏi và thầm ước cho tương lai.