BA LAN, HAI LẦN TÔI ĐÃ ĐẾN (1)

Thứ bảy - 05/07/2008 22:24

(NCTG) Thế là thấm thoắt đã ba mươi mốt năm.

Thành cổ Warszawa

Mùa hè năm 1977, mới tốt ngiệp đại học và sau một năm thực tập, hai mươi ba tuổi, bị quyến rũ bởi những vần thơ đầy ánh sáng của nhà thơ Tố Hữu: „Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/Đường bạch dương sương trắng nắng tràn/Anh đi nghe tiếng người xưa vọng/Một giọng thơ ngâm một giọng đàn/Có phải Chopin tình chứa chan/Nâng đàn ca cô gái Ba Lan/Có phải Adam hồn vĩ đại/Bay trên đầu thế kỷ nhân gian?”, tôi cùng một anh bạn đã đánh liều làm chuyến vi hành từ Budapest lên phía Bắc.

Trên cả chuyến xe buýt năm ấy chỉ có hai chúng tôi là người Việt, ở cửa khẩu phía đông Bắc Hungary, sang vùng Kosice, cũng là đất Hung một thời, khi đó thuộc Tiệp Khắc, với tấm hộ chiếu Việt Nam mỏng mảnh, chúng tôi được cho qua nhanh chóng. Xe tiếp tục lắc lư qua những con đường núi, chúng tôi dừng chân trên quê hương Márai Sándor, khi đó tôi chưa hề biết ông tồn tại trên đời, đang sống kiếp tha hương, và mấy chục năm sau mình lại có duyên nợ với ông „văn sĩ tư sản” rất mực tài hoa này. Những ký ức còn lưu lại sau mấy chục năm trời chỉ còn lờ mờ một vùng núi non trùng điệp, dân Hung nhiều nhưng không thích hay ngại nói tiếng Hung, bia xứ ấy thì ngon tuyệt vời và rất rẻ, có thể uống thả dàn.

Từ Kosice xe chúng tôi tới cửa khẩu miền sơn cước phía cực Nam Ba Lan. Những người lính biên phòng Ba Lan chắc chưa một lần thấy những cuốn hộ chiếu Việt Nam, chưa từng thấy người Á Đông qua đây, xoay đi giở lại mãi vẫn không dám đóng dấu nhập cảnh cho chúng tôi vào, dù đã có thị thực do ĐSQ Ba Lan tại Budapest cấp, hình như họ mang đi xin ý kiến cấp trên. Cả xe buýt mấy chục người Hung, Tiệp. Ba Lan ngồi chờ gần nửa tiếng cứ lắc đầu sốt ruột. Chúng tôi nhún vai, ra hiệu lấy làm tiếc, lỗi đâu phải bởi chúng tôi, là bởi sự thiếu chuyên nghiệp của các nhân viên biên phòng. Chẳng lẽ họ lại không tin vào con dấu và thị thực do đại diện đất nước họ đã cấp.

Cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã xuôi, chiếc xe buýt tiếp tục ì ạch leo núi, đến Zakopane thì trời đã sang chiều. Một thị trấn, một phố núi, những con đường dốc nghiêng nghiêng, những ngôi nhà nhỏ xinh xinh và sương mù bảng lảng, tháng bảy nhưng chớm lạnh. Nghỉ một đêm ở đây, tạm biệt những lữ khách đã đồng hành từ Budapest, hai chúng tôi vẫy xe (autostop) tiếp tục lên núi, những ngọn núi cao với những hồ mắt biển nổi tiếng, đó là Morskie Oko và một hồ nước xanh thăm thẳm nữa mà dân Việt ở đây gọi bằng một cái tên cũng rất Việt là Ao Đen.

Đại Giáo đường Wawel tại cố đô Krakow

Hôm sau chúng tôi vẫy xe lên Krakow, cố đô xinh đẹp của Ba Lan nằm trên đồi Wawel bên sông Vistula, nơi đóng đô của các vương triều Ba Lan suốt hơn năm thế kỷ (1038-1596). Thành phố hơn ngàn năm tuổi này là thủ đô tinh thần của người Ba Lan, với những di tích nổi tiếng như Đại Giáo đường Wawel, Nhà nguyện Sigismund và Waza, Lâu đài Wawel, Quảng trường Chợ (Sukienice)..., ngày nay mỗi năm thu hút tới khoảng bảy triệu du khách. Đây cũng là quê hương của một con người nổi tiếng và có ảnh hưởng hết sức to lớn tới những sự biến cuối thế kỷ XX: Đức Giáo hoàng John Paul II (Karol Wojtyła).

Từ Krakow chúng tôi nhảy xe buýt đến thăm Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của Đức quốc xã, nằm cách Krakow 50 km về phí Tây, nơi thứ chủ nghĩa quái thai phát-xít đã sát hại, chủ yếu trong các lò thiêu, hơn một triệu sinh mạng, trong đó 90% là người Do Thái từ hầu hết các nước Châu Âu. Những hàng người dài lặng lẽ chầm chậm đi qua những chứng tích tội ác ghê tởm, bằng trí não thông thường ta không thể nào hiểu nổi. Những gian nhà chứa đầy tóc người, đầy những đôi găng tay làm từ da người, đầy những đôi dày trẻ em đủ kích cỡ, hàng chục ngàn gương mặt ảnh hốc hác gầy còm ngơ ngác, những con người „không số phận” (từ dùng của Kertész Imre, nhà văn Hung, giải Nobel Văn chương 2002), những nạn nhân holocaust, nỗi đau mãi còn đó của nhân loại. Ôi con người có thể làm nên bao điều kỳ diệu, nhưng cũng chính con người đã gây nên bao nhiêu nỗi kinh hoàng, bao nhiêu tang tóc đau thương! Có lẽ mỗi người cần đến đây một lần trong đời, để tận thấy, để cảm nhận, để mãi mãi không bao giờ quên...

Từ Krakow, hai chúng tôi đi một chuyến tàu đêm lên Warszawa. Mùa hè, các toa tàu đầy ắp phần đông là thanh niên, sinh viên, ngồi kín cả những lối sang toa, chuyện trò nở tung như pháo, và tiếng hát vui nhộn không dứt. Một thời vô tư của đất nước này, của cả khối Đông Âu ngày ấy. Sáng ra một lát tàu đã chui vào ga Central, đúng như tên gọi nằm ngay trong trung tâm thành phố, mới được khánh thành trước đó không lâu, vào loại hiện đại thời bấy giờ vì các đường ray nằm sâu trong lòng đất. Nghe đâu đích thân Brezhnev đã sang cắt băng khánh thành.
 
Ấn tượng còn lại về Warszawa trong chuyến đi ấy không có gì đặc biệt, ngoài một đêm ngủ ngay tên một chiếc ghế dành cho khách đợi tàu ngoài ga Trung Tâm sau một ngày cuốc bộ khắp thành phố mệt rã rời. Hôm sau chúng tôi còn nhảy tàu lên tận Gdansk, thành phố cảng phía Bắc Ba Lan, nằm trên bờ Baltic, quê hương văn hào Günter Grass (sau này ông sang Đức sinh sống, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1999). Gdansk cũng là thành phố nơi đã sản sinh ra Công đoàn Đoàn kết, một tổ chức công nhân không những đã góp phần làm đã làm thay đổi trật tự chính trị ở Ba Lan, mà cả trong toàn khối Đông Âu cuối những năm 80. Chúng tôi còn ngược lên Sopot và Gdynia, ra tận bán đảo Hel ăn món cá biển nướng mặn mòi vị biển. Baltic gió mạnh và sóng lớn, muốn một lần được ngâm mình trong biển bắc, nhưng lạnh quá đành thôi.

Xem tiếp Phần 2 của của bài viết.

Giáp Văn Chung – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn