SALZBURG, SÂN KHẤU CỦA THẾ GIỚI

Thứ bảy - 19/05/2007 11:00

(NCTG) Cách đây tròn 10 năm, Cộng hòa Áo đã có hai danh thắng nổi tiếng được chọn vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO: ấy là, cung điện Schönbrunn của bà hoàng Maria Theresa lừng danh Châu Âu một thuở, và khu phố cổ tại Salzburg, thành phố lớn thứ 4 của nước Áo, quê hương của thiên tài âm nhạc Mozart, nổi tiếng với lịch sử văn hóa, âm nhạc và kiến trúc Barock lừng lẫy.

Salzburg, thành phố xinh đẹp và thơ mộng với những kiến trúc lịch sử của nhiều thời đại

Salzburg, thành phố xinh đẹp và thơ mộng với những kiến trúc lịch sử của nhiều thời đại

Nằm giữa lòng Trung Âu, là thủ phủ của tiểu bang cùng tên, Salzburg có lịch sử rất lâu đời: từ thế kỷ thứ V, thành phố đã có một tu viện bề thế mang tên Thánh Peter và cái tên Salzburg được nhắc đến lần đầu trên văn bản, giấy tờ từ năm 755.

Cuối thế kỷ XI, một pháo đài hùng vĩ đã được xây dựng tại đây cho các mục đích quân sự: mang tên Hohensalzburg, đây là công trình kiến trúc lịch sử lớn nhất của Trung Âu thời Trung Cổ vẫn được giữ cho đến nay một cách khá toàn vẹn.

Năm 1756, con dân lừng danh nhất của vùng đất này chào đời, và được thế giới biết đến với danh hiệu “thần đồng âm nhạc” Wolfgang Amadeus Mozart. Trong vài chục năm cuối thế kỷ 18, Salzburg đã trở thành trung tâm của thời kỳ Khai sáng, thu hút nhiều đại diện lớn của khoa học và nghệ thuật.

Năm 1921, cư dân thành phố đã trải qua một cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định Salzburg sẽ thuộc về đế chế Đức, hay ở lại với Áo Quốc. Salzburg đã ở lại, để ngày nay, Áo Quốc có thể tự hào với một thành phố có tới 4.000 sự kiện văn hóa hàng năm, thu hút du khách khắp nơi.

*

Nói đến Salzburg, trước tiên, phải nhắc đến một thành phố xinh đẹp và thơ mộng với những kiến trúc lịch sử của rất nhiều thời đại. Người dân ở đây thường tự hào cho rằng, hầu như không có giai đoạn lịch sử nào lại không để lại những di tích kiến trúc đáng kể tại Salzburg.

Du khách tới thăm thành phố, có thể và rất nên đi dạo lòng vòng, khám phá những con lộ nhỏ ngoằn ngoèo trong khu phố cổ, để tìm lại dấu ấn quá khứ qua những kiến trúc Trung Cổ, thời Lãng mạn, Phục hưng, Barock, cũng như thời của những quý tộc vương triều Áo Quốc cách đây 1-2 thế kỷ.

Cần nhấn mạnh là từ năm 1973, phần lớn khu phố cổ trở thành nơi dành riêng cho người đi bộ. Ðặc biệt, Salzburg cùng hệ đồi, núi trong và ngoài thành phố hầu như vẫn giữ được nguyên trạng tự nhiên, nên đây là một đô thị có nhiều cây xanh nhất vào bậc nhất của Châu Âu.

Biểu tượng của thành phố, thành cổ Hohensalzburg với 10 thế kỷ sau lưng, vẫn sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Với hệ thống phòng thủ hoàn hảo, từng được coi là một pháo đài bất khả xâm phạm từ thời Trung Cổ, kinh qua bao trận chinh chiến, ngày nay du khách đến thăm thành sẽ thấy bộ mặt hiền hòa của nó với một bảo tàng viện và những dấu ấn thuở xưa.

Những ai đam mê du ngoạn để thưởng thức bóng dáng ngày xưa qua những công trình kiến trúc, sẽ phải hài lòng khi tới thăm lâu đài Hellbrunn với vườn hoa lâu đài và các đài phun nước, cùng quang cảnh vườn hoa chung quanh đại lộ Hellbrunn, được xem như đại lộ lâu đời nhất thế giới.

Và nếu đã nói đến những cái “nhất” của Salzburg, phải kể thêm hầm xe cơ giới lâu đời nhất của Áo và tuyến đường sắt leo núi có dây kéo lâu đời nhất thế giới. Xét về mặt tín ngưỡng, Salzburg có Tu viện Thánh Peter - là tu viện lâu đời nhất - hiện vẫn còn tồn tại, và Tu viện Nonnberg - là nữ tu viện tồn tại liên tục lâu đời nhất thế giới.

Cũng không thể không nhắc đến Nhà thờ Chính tòa Salzburg, xây đầu thế kỷ 17, là nhà thờ Baroque đầu tiên phía Bắc dãy núi Alps, sừng sững và uy nghi tỏa bóng dưới những rặng núi xa mờ...
 

Thần đồng Wolfgang Amadeus Mozart, gương mặt kiệt xuất của nhạc cổ điển thế giới - Họa phẩm của Barbara Kraft (1819)

Salzburg, kế đó, còn là một vương quốc của âm nhạc và gần một ngàn năm trước khi Mozart chào đời, nó đã nổi tiếng về âm nhạc. Tương truyền, từ năm 870, nghe tiếng Salzburg, Giáo hoàng Johannes VIII đã phải nhờ cậy vị tổng giám mục ở đây gửi về Tòa Thánh một cây đàn ống cùng người chơi đàn để phục vụ.

Tuy nhiên, vĩ nhân đáng kể nhất trong truyền thống âm nhạc của đô thị này, vẫn là Wolfgang Amadeus Mozart, người mà thế giới trong năm nay sẽ kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 220 năm ngày mất. Salzburg đã chứng kiến cuộc đời và một phần sự nghiệp của Mozart, từ khi ông viết tác phẩm đầu tiên năm lên 5 tuổi.

Trong 35 năm của đời mình, nhà soạn nhạc thiên tài này đã sáng tác 626 tác phẩm, với phong cách của một kẻ lãng tử: ông có thể nảy ra ý nhạc ở bất cứ đâu, khi đi đường hoặc chơi trò bi-a mà ông ưa thích. Vượt không gian và thời gian, các bản nhạc của Mozart vừa mang tính phổ quát, lại vừa chứa đựng những nét rất riêng, không thể pha trộn, của một thần đồng.

Ngày nay, khách đến thăm Salzburg, thế nào cũng phải ghé thăm hai ngôi nhà, nay đã trở thành các bảo tàng viện, nơi Mozart đã chào đời và nơi ông sống về sau, khi đó được gọi bằng cái tên “nhà của thày khiêu vũ”, bởi lẽ thời ấy, người ta đã chính thức cho phép dạy khiêu vũ cho giới quý tộc tại đây.

Trong số nhũng hiện vật quý giá nhất tại hai ngôi nhà này, phải kể đến cây vĩ cầm Mozart chơi thời niên thiếu, rồi cây đàn ông biểu diễn tại các concert, hay chiếc đàn dương cầm cũ mà ông đã sáng tác những bản nhạc đầu đời.
 

"The Sound of Music"

Cạnh Mozart, âm nhạc ở Salzburg, còn là bản “Đêm thánh vô cùng” (Silent Nitght) thường vang lên khắp thế giới trong các dịp Giáng sinh: hai tác giả của bài ca gần gũi với người Việt này, linh mục Josef Mohr và nhạc công Franz Xaver Gruber, cũng là các con dân của Salzburg.

Và, Salzburg còn nổi tiếng với bộ phim âm nhạc “The Sound of Music” với sự thủ diễn của nữ tài tử Julie Andrews, từng được đề cử 10 Tượng vàng Oscar và đã nhận được 5 giải vào năm 1965.

Phim dựa trên vở nhạc kịch cùng tên, rất được ưa chuộng, của sân khấu Broadway, được quay ở những tụ điểm đáng ghi nhớ nhất của Salzburg, và du khách tới thăm thành phố này, nhiều người đã dự một tour thăm lại những tụ điểm đó, để hoài niệm bầu không khí của một thời.
 

Hình tượng của Ngày hội Âm nhạc Salzburg

Nhiều người, khi nhắc đến Salzburg, đã gọi đây là “sân khấu của thế giới”, hay một cách khác, “thế giới của những sân khấu”, vì chuỗi ngày hội âm nhạc thường niên, đã có lịch sử từ hơn 90 năm nay.

Vào năm 1920, một số nhạc sĩ, nhà tổ chức âm nhạc nảy ra ý định mời các danh ca, các nhạc công nổi tiếng nhất của Châu Âu đến Salzburg thủ diễn trong các vở nhạc kịch, vũ kịch cổ điển, để biến thành phố này thành một trung tâm của văn hóa cổ điển thế giới.

Ý tưởng ấy đã trở thành hiện thực: trên quê hương của Mozart, trong khoảng thời gian cuối tháng Bảy và cả tháng Tám hàng năm, có gần 200 chương trình âm nhạc được tổ chức, cuốn hút vài trăm ngàn khách mộ điệu, trong số đó, có không ít người đến từ phương xa.

Salzburg luôn hấp dẫn, thơ mộng đối với những trái tim còn biết yêu! Ðó là một trong những trung tâm văn hóa đáng kể nhất của Châu Âu, với những nhà thờ, thành quách, cung điện và lâu đài, luôn hàm chứa những hấp dẫn mà các tour du lịch vùng Trung Âu không thể bỏ qua!

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: âm nhạc, Mozart
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn