Neuschwanstein - TÒA LÂU ĐÀI KỲ ẢO CỦA “VỊ VUA ĐIÊN”

Thứ hai - 14/05/2007 22:44

(NCTG) “Lâu đài Neuschwanstein được coi là đỉnh cao của một óc tưởng tượng vô cùng mãnh liệt, bất phân mộng và thực”.

Tòa lâu đài kỳ ảo

Tòa lâu đài kỳ ảo

Lịch sử thế giới đã biết đến nhiều trường hợp, những vị vương hầu, vua chúa yếu kém về chính trị, nhưng lại để lại nhiều lăng tẩm, nhiều công trình kiến trúc, mỹ thuật lừng danh hậu thế.

Tiêu biểu cho ví dụ đó, là tòa lâu đài Neuschwanstein của vị vua Ludwig Đệ nhị, một địa chỉ du lịch nổi tiếng bậc nhất của CHLB Đức, nằm tại tiểu bang Bavaria (Bayern) và cách thành phố Munich, thủ phủ tiểu bang này, chừng 2 giờ đồng hồ.

Được xây dựng ở ranh giới giữa cái thực và mộng tưởng, bay bổng và hòa quyện trong những huyền thoại thời Trung Cổ, Neuschwanstein gắn liền với tên tuổi “vị vua điên” Ludwig Đệ nhị, một nhân vật kỳ lạ hiếm có trong lịch sử vương hầu nước Đức.

“Vị vua điên” Ludwig Đệ nhị
“Vị vua điên” Ludwig Đệ nhị (1845-1886)


Từ thuở nhỏ, ông đã ít giao du với bạn bè đồng lứa, sống ẩn dật và chỉ quan tâm đến các môn nghệ thuật. Hậu bán thế kỷ 19, đăng quang năm 18 tuổi sau cái chết của vua cha, Ludwig Đệ nhị theo đuổi một chính sách ngoại giao lãng mạn viển vông, bảo thủ và không mấy thành công.

Về nội trị, ông cũng tỏ ra khá mù mờ, đi từ thất bại này đến thất bại khác.

Tự thất vọng trước những khả năng trị nước hạn chế của mình, Ludwig Đệ nhị ngày một xa rời chính trị và có một cuộc sống bất thường: xa cách triều thần, đêm thức chong chong, ngày ngủ vùi với những giấc mơ kỳ dị, như dùng bữa trưa với hồn ma hoàng đế Pháp Louis 14. Ít năm sau khi lên ngôi, ông chỉ còn quan tâm đến kiến trúc và nghệ thuật.
 

Cung điện Linderhof
Cung điện Linderhof


Để thỏa mãn trí tưởng tượng bay bổng, ông đích thân thiết kế và cho xây nhiều cung điện, lâu đài tuyệt đẹp ở vùng Bavaria (như Neuschwanstein, Linderhof, Herrenchiemsee...), lấy mẫu các cung điện Versailles và Trianon của Pháp, cũng như trong các vở opera đương thời của Wagner, nhà nhạc sĩ thiên tài thuộc giai đoạn cuối của chủ nghĩa lãng mạn Châu Âu.

*

Trong số những kiến trúc mang đậm tính huyền ảo của Ludwig Đệ nhị, nổi bật và lừng danh nhất, là Neuschwanstein, được coi là đỉnh cao của một óc tưởng tượng vô cùng mãnh liệt, bất phân mộng và thực.

Lâu đài Neuschwanstein được dựng lên dựa trên niềm đam mê của Ludwig Đệ nhị trước những huyền thoại thời Trung Cổ, trong số đó, đặc biệt là truyền thuyết về chàng “hiệp sĩ thiên nga” Lohengrin mà vị vua coi là thần tượng của mình - đến nỗi, khi đã đăng quang, ông vẫn hay ăn vận theo trang phục của vị anh hùng này.

Hiệp sĩ Lohengrin trong một tấm thiệp cổ
Hiệp sĩ Lohengrin trong một tấm thiệp cổ


Tương truyền, hiệp sĩ Lohengrin thuộc nhóm các dũng sĩ gìn giữ Chén Thánh (Holy Grail), chiếc ly được Đức Chúa Jesus dùng trong bữa tiệc ly)để biến rượu thành máu của mình. Chàng có hành tung bí ẩn, từng đi thuyền do thiên nga kéo qua con sông Schelde đến Antwerpen để cầu hôn cô công chúa xứ Elsa, chỉ với một điều kiện duy nhất: đừng bao giờ hỏi chàng về xuất xứ và tên tuổi chàng.

Nhưng, như trong các câu chuyện bi thảm, nàng công chúa không kìm được trí tò mò và ngay trong đêm tân hôn, nàng đã vi phạm lời hứa của mình. Hậu quả là, ngay sau câu trả lời của chàng hiệp sĩ, chiếc thuyền thiên nga đã đến và đưa chàng đi mãi mãi...

Huyền thoại chàng hiệp sĩ thiên nga có từ thế kỷ 13, pha trộn mô-típ thần thoại Hy Lạp cổ đại với những câu chuyện cổ tích của cư dân vùng sông nước, không chỉ lay động trí tưởng tượng của vị vua điên, mà còn là nguồn cảm hứng để nhà soạn nhạc Richard Wagner sáng tác vở opera “Lohengrin”.
 

Tòa lâu đài cổ tích
Tòa lâu đài cổ tích


Wagner, nhà thơ lãng mạn, nhà cách mạng của nghệ thuật nhạc kịch, đã tạo cho câu chuyện hiệp sĩ thiên nga một nội dung mới: hình ảnh người hùng sông nước, đến và đi bất ngờ, với một tình yêu vô điều kiện, trọn vẹn và say đắm, không cần để tâm tới tên tuổi và nguồn gốc xuất xứ.

Trở lại câu chuyện “vị vua điên”, từ thời niên thiếu, cậu bé Ludwig đã vẽ vô số phác thảo về tòa lâu đài trong tưởng tượng của chàng hiệp sĩ, và ý tưởng xây nó trong thực tế được nung nấu sau khi cậu 15 tuổi và được xem vở nhạc kịch của Wagner, nhà nhạc sĩ sau này được Ludwig hết mực ủng hộ.

Ba năm sau, lên ngôi vua, Ludwid Đệ nhị dồn toàn sức lực và thời gian để thực hiện giấc mơ tuổi thơ của mình.

Nội thất xa hoa
Nội thất xa hoa

 

Tại một vùng thung lũng sơn thủy hữu tình, bên dòng sông Polatt cuộn sóng, trên nền vách đá chót vót, ông bắt đầu cho xây Neuschwanstein từ năm 1869, với kiến trúc và bài trí pha trộn các phong cách Mor, Gô-tích, Barock và tạo dựng một màu sắc, một bầu không khí huyền bí và nên thơ như trong các tiểu thuyết “kiếm hiệp kỳ tình” Trung Cổ.

Vô số họa sĩ và các bậc thày trong nghệ thuật xây dựng đã được huy động để xây lâu đài Neuschwanstein. Mặt chính diện là thiết kế của ông Christian Jank, đảm trách dựng cảnh của Nhà hát Cung đình. Sân của lâu đài được dựng như trong bản opera của Wagner.

Tòa nhà chính năm tầng mang tên Palas, xây dựng theo phong cách lãng mạn, cùng những sảnh, phòng và sự bày biện trong lâu đài, đa phần đều được Ludwig Đệ nhị mô phỏng từ các vở nhạc kịch của Wagner, và kết hợp với những sáng tạo của riêng ông. Cũng chính vua Ludwig Đệ nhị đã thiết kế phần tranh tường, trước khi giao việc vẽ chúng cho một nhóm họa sĩ chọn lọc.
 

Tòa kiến trúc của một thế giới mộng tưởng
Tòa kiến trúc của một thế giới mộng tưởng


Riêng phòng ngủ của nhà vua thì được 14 bậc thầy điêu khắc trang trí ròng rã suốt 4 năm rưỡi, và sàn của sảnh chính được ghép bởi gần 2 triệu viên đá! Điểm đặc biệt là hòa vào bầu không khí huyền thoại của lâu đài, là một số kiến trúc hết sức tân kỳ thời ấy, như hệ thống sưởi trung tâm và thang máy!

Toàn bộ lâu đài Neuschwanstein toát lên một vẻ xa hoa, cầu kỳ và huyền ảo hiếm thấy. Tuy nhiên, với những công trình kỳ vĩ và tốn kém như thế, chẳng mấy chốc, tiểu bang Bavaria nợ nần chồng chất, với khoản nợ gấp đôi thu nhập hàng năm của bang.

Chỉ còn sống trong một thế giới mộng tưởng của riêng mình, thập niên 80 thế kỷ XIX, vua Ludwig Đệ nhị hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài và bị các bác sĩ coi là kẻ mắc bệnh tâm thần.

Mùa hè năm 1886, ông bị an trí tại một viện tâm thần vùng Schloss-Berg; được hai ngày, vị vua điên nhảy xuống hồ Starnberg tự sát, mà chưa hề được sống một ngày nào trong tòa lâu đài Neuschwanstein, khi đó cũng chưa được hoàn tất. Câu chuyện này được thiên hạ thêu dệt theo nhiều cách, và không ít người cho rằng vị vua đã lìa trần do bị ám sát.
 

Ứng viên của danh sách Bảy tân kỳ quan đương đại của thế giới
Ứng viên của danh sách Bảy tân kỳ quan đương đại của thế giới


Sinh thời, vua Ludwig Đệ nhị muốn rằng tòa lâu đài phải bị phá hủy sau khi ông qua đời để giữ nét trong trắng của nó, nhưng may thay, Neuschwanstein vẫn còn nguyên đến nay, và là hình mẫu lâu đài của nhiều bộ phim hoạt hình kinh điển nổi tiếng dành cho thiếu nhi của hãng Walt Disney, như “Người đẹp ngủ trong rừng” (Sleeping Beauty).

Vươn mình cao kiêu hãnh trên vách đá hiểm trở vùng rừng núi Alps - Bavaria, kiệt tác kiếm trúc hiếm có ấy là món quà để lại cho hậu thế của “vị vua điên”, có tâm hồn nhạy cảm và tài ba trong nghệ thuật, nhưng lại kém cỏi về chính trị. Tòa lâu đài thu hút hàng năm gần 1,5 triệu du khách tứ phương và hiện đang được đề cử vào danh sách Bảy tân kỳ quan đương đại của thế giới.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn