HUNGARY CHỚP NHOÁNG THÔNG QUA LUẬT BÀI TRỪ CEU

Thứ ba - 04/04/2017 09:06

(NCTG) Với 123 phiếu thuận và 38 phiếu chống, Quốc hội Hungary vào hồi hơn 1h chiều hôm nay đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, bị coi là nhằm vô hiệu hóa và triệt hạ Đại học Trung Âu (CEU), cơ sở giáo dục nổi tiếng nhất tại Hungary được hoạt động bằng nguồn tài trợ của Quỹ Soros.

Biểu tình trước tòa nhà của Đại học Trung Âu - Ảnh: Hernádi Levente Haralamposz (index.hu)

Biểu tình trước tòa nhà của Đại học Trung Âu - Ảnh: Hernádi Levente Haralamposz (index.hu)

Đây có lẽ là dự luật được thông qua nhanh nhất trong lịch sử nghị trường Hungary. Đề xuất được Bộ Các nguồn lực Quốc gia đưa ra hôm 28-3, và vào hôm qua, Quốc hội Hung quyết định đưa ra thảo luận khẩn cấp vào hôm nay, viện dẫn lý do “vì lợi ích quốc gia”. Chiều tối hôm qua, dự luật còn được chỉnh sửa với những thời hạn rất ngắn và càng khiến Đại học Trung Âu lâm vào tình cảnh nan giải.

Như vậy là một dự luật gây bất bình trong công luận và bị hàng ngàn giáo sư trí thức khoa bảng, cũng như nhiều chính khách trên giới lên tiếng phản đối đã được thông qua trong vòng vỏn vẹn 1 ngày. Lý thú là dân biểu độc lập Szabó Szabolcs đã gây tiếng động như còi báo động trong vòng 1 phút để quấy rối cuộc biểu quyết, và chắc chắc ông sẽ phải chịu hình phạt.

Về mặt nội dung, luật mới buộc Đại học Trung Âu vốn hoạt động hợp thức tại Hungary từ 26 năm nay, từ giờ đến cuối hè phải có được hợp đồng hợp tác giữa chính phủ Mỹ và Hung để được tiếp tục nhận sinh viên. Ngoài ra, Đại học Trung Âu cần có một chi nhánh hoạt động tại Mỹ, nếu muốn cấp bằng có hiệu lực tại cả Hung và Mỹ như hiện tại.

Trong thảo luận tại nghị trường, cái tên của nhà tỷ phú Soros György tiếp tục được đưa ra như người đang “tìm cách gây áp lực với chính phủ Hungary”, “tiến hành một chiến dịch bêu xấu Hung trên phạm vi toàn thế giới”. Sự phản đối đến từ hàng ngàn nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước Hung bị coi là “sức mạnh của hệ thống” này.

Một lần nữa, Soros bị coi là người điều hành một hệ thống các tổ chức dân sự giả mạo chống phá Hungary, và đây là điều cần phải ngăn chặn, theo phát biểu của giới dân biểu đảng cầm quyền. Sự tồn tại của Đại học Trung Âu cũng bị xem như là “bất công” đối với nền giáo dục Hung và có hại với các đại học Hung, nên “không thể thông cảm được”.

Các đảng đối lập bỏ phiếu chống gọi đây là một hành vi “khốn nạn”, “kiểu Putin”, “theo mô hình Nga”, “bất hợp hiến”, “không thể chấp nhận được”, “đi ngược lại mọi giá trị của Châu Âu” và yêu cầu Tòa án Hiến pháp Hungary phải vào cuộc để xem xét. Hiệu trưởng Đại học Trung Âu từ Hoa Kỳ cho hay, ông thất vọng vì luật được thông qua còn tệ hơn cái mà ông được biết cách đây 1 tuần.
 
Hiệu trưởng CEU Michael Ignatieff trong cuộc họp báo ngày 29-3-2017 - Ảnh: Bődey János (index.hu)
Hiệu trưởng CEU Michael Ignatieff trong cuộc họp báo ngày 29-3-2017 - Ảnh: Bődey János (index.hu)

Nhóm “Tự do Giáo dục” hoạt động trên mạng xã hội Facebook, cơ sở tổ chức cuộc tuần hành phản đối thu hút hàng chục ngàn người vào Chủ nhật vừa qua, tuyên bố tiếp tục tổ chức biểu tình vào hồi 17h chiều nay. Theo dự định, người biểu tình sẽ nắm tay nhau quây quanh Đại học Trung Âu để lên án sự hạn chế tự do giáo dục, tự do học thuật.

Nhóm tổ chức cũng cho hay, với cuộc xuống đường này, họ muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Áder János, khuyên ông đừng ký phê chuẩn dự luật, mà hãy gửi qua Tòa Bảo hiến để xem nó có hợp hiến hay không. Trước đó, ngày hôm qua, Hội đồng các Hiệu trưởng Đại học Hungary và đại diện chính quyền tự quản của giới sinh viên cũng bày tỏ quan điểm đứng về phía Đại học Trung Âu.

Hiệu phó Đại học Oxford cũng gửi thư tới ông Orbán đề nghị nội các Hung “nghĩ lại” trước một quyết định có thể “tạo tiền lệ nguy hiểm” và đi ngược lại tự do học thuật, ảnh hưởng nặng nề tới truyền thống văn hóa, nghệ thuật và tinh thần của nước Hung. Cho tới nay, ít nhất đã có ba nước tỏ ý sẵn sàng “tiếp quản” Đại học Trung Âu nếu trường này bị đóng cửa ở Hungary.

Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp


 
 Từ khóa: CEU, Đại học Trung Âu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn