- Thưa nhà báo Hoàng Linh, như anh cũng đã biết thì Luật Giáo dục Đại học mới tại Hungary được coi là nhằm trực tiếp vào Đại học Trung Âu (Budapest) và từ đó gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ khắp Hungary và tại nhiều nước trên thế giới. Vậy anh có thể phân tích về tầm quan trọng của ngôi trường này tại Hung?
Đại học Trung Âu thành lập năm 1991 và được hoạt động bằng nguồn tài trợ của Quỹ Soros, mang tên nhà tỷ phú người Mỹ gốc Hungary Soros György. Trường được đăng ký tại Mỹ, chương trình đào tạo thực hiện tại Hungary và nhờ cơ chế này, sinh viên theo học ở trường được cấp cả bằng Hung lẫn Mỹ.
Đó là một trong những lý do khiến trường thu hút sinh viên “
tinh hoa” từ hàng trăm nước trên thế giới. Bên cạnh đó, trường được trang bị cơ sở vật chất rất tốt, và đội ngũ giảng viên có rất nhiều giáo sư tiếng tăm trên thế giới. Xét về thứ hạng trên thế giới của các trường đại học ở Hungary, trường đứng hàng đầu.
Đại học Trung Âu được coi là một thành lũy của tư duy độc lập với điều kiện học tập, giảng dạy tốt nhất, cởi mở và tự do nhất. Năm 2009, Khoa Chính trị học của trường còn được đánh giá là tốt hơn cả của Đại học Oxford. Rất nhiều sinh viên trường, về sau trở nên nổi tiếng trong chính trị, khoa học hay dân sự.
Ngoài ra, do những mối quan hệ quốc tế của trường, Đại học Trung Âu còn được coi là một trong những cánh cửa mở ra cho nước Hung vào thế giới. Ngay các cơ sở giáo dục đại học khác của Hungary cũng có lợi trong mối quan hệ hợp tác với trường, và đây cũng là một lý do khiến trường có được nhiều thiện cảm.
- Vậy thưa anh, mức độ quan tâm của cộng đồng người Việt tới sự kiện này là như thế nào và liệu Luật Giáo dục Đại học mới này có ảnh hưởng tới những gia đình người Việt, gốc Việt có con em theo học tại trường CEU?
Cộng đồng Việt tại Hungary có nhiều người từng là du học sinh, nghiên cứu sinh, ngoài ra, hiện cũng có 4 người là giáo sư, 8 phó giáo sư, 5 tiến sĩ khoa học và chừng 20 người đang giảng dạy, nghiên cứu tại các trường, viện của Hung. Do đó, một vấn đề lớn như vậy trong giáo dục sở tại phải được quan tâm.
Hiện tại, trường cũng có 5 sinh viên Việt Nam theo học, và như tôi được biết các bạn đều bày tỏ sự quan tâm theo nhiều cách khác nhau, như đưa lên trang cá nhân trên Facebook những thông tin về xung đột giữa chính quyền và trường, kêu gọi sự quan tâm của bè bạn, hoặc trực tiếp tham gia tuần hành phản đối.
Một sinh viên Việt có mặt trong cuộc biểu tình đã cho hay, bạn “
giận dữ vì CEU và những giá trị xã hội tôi theo đuổi bị chính phủ tấn công”, nhưng “
hơn cả sự tức giận là niềm tự hào của một học sinh CEU và của một người đấu tranh cho tự do và xã hội dân sự”. Đó là một thái độ tôi cho là trách nhiệm và đáng quý.
Nhìn chung, sự ảnh hưởng sẽ nằm ở chỗ, với những điều kiện và thời hạn rất ngắn ngủi mà chính quyền đặt ra như hiện tại, thì Đại học Trung Âu khó lòng đáp ứng được và ít nhất, sẽ không cấp được bằng Mỹ cho sinh viên, là điều giảm đáng kể sự quan tâm và “
giá trị” của trường, trong mắt nhiều gia đình Việt tại Hung.
- Theo quan sát và nhận định của anh thì tương lai của Luật Giáo dục Đại học mới đang gây nhiều tranh cãi này sẽ ra sao khi các nước Châu Âu vốn được mệnh danh là thượng tôn pháp luật?
Thực chất, việc thông qua dự luật sửa đổi theo hướng “
vô hiệu hóa” Đại học Trung Âu nằm trong chuỗi những chính sách của chính quyền Hungary nhằm thu hẹp, giảm thiểu sự tự trị của đại học, cho phép chính quyền can thiệp sâu vào hoạt động của các cơ sở giáo dục bậc cao, nền tảng của học thuật khoa bảng.
Chính quyền Hungary, với quyết định này, cũng không giấu giếm việc họ muốn kiểm soát gắt gao những tổ chức “
có yếu tố nước ngoài”, cho dù là trường học hay cơ sở dân sự, phi chính phủ hoạt động bằng nguồn tài trợ nước ngoài, mà lâu nay chính quyền vẫn không tin cậy, cho đó là nguồn gốc của những phản biện.
Trước mặt, luật mới mặc dù đã được Tổng thống ký phê chuẩn, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị đưa ra xem xét lại trước Tòa Bảo hiến, do nghị sĩ các đảng đối lập đều thống nhất là cần đưa vấn đề này ra trước cơ quan bảo vệ pháp luật tối cao, xem nó có hợp hiến hay không. Chuyện này cần thời gian chờ đợi.
Luật cũng đang rơi vào tầm ngắm của các định chế Châu Âu, và chịu sự chỉ trích của rất nhiều nhân vật có uy tín trên chính trường, cũng như trong giới khoa bảng. Chính quyền Mỹ cũng đã bày tỏ quan điểm phản đối, và nhiều nhân sĩ theo xu hướng bảo thủ cũng bày tỏ sự bất bình với chính phủ cánh hữu Hungary.
Vì thế, tương lai của luật mới vẫn còn bỏ ngỏ, và chắc chắc sẽ còn nhiều sự kiện bất ngờ trong hồ sơ này...
(*) Bản tin đã phát trên VTV4.