Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI LUẬT MỚI VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Liên tục trong những ngày qua, tại Hungary đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc - có những cuộc thu hút 30-80 ngàn người tham gia ở thủ đô Budapest để phản đối Luật Giáo dục Đại học mới vừa được ban hành. Những người biểu tình đã mang cờ Liên hiệp Châu Âu (EU) và nhiều biểu ngữ phản đối gay gắt Chính phủ Hungary.
Biểu tình đòi tự do giáo dục trên đường phố thủ đô Budapest - Ảnh: hu.budapestbeacon.com
Xem bản tin tại đây.

Theo luật mới, các trường đại học có trụ sở bên ngoài EU không được phép trao bằng cấp của Hungary mà không có thỏa thuận giữa chính phủ hai nước. Bên cạnh đó, các trường đại học này bắt buộc phải có cơ sở đào tạo và giảng dạy tại nước đăng ký thành lập.

Theo nhận định của giới chuyên gia thì luật giáo dục mới này đã tác động trực tiếp tới Đại học Trung Âu (CEU), trường đại học được đánh giá là “tinh hoa” nhất tại Hungary. Trong quá khứ và hiện tại, cũng có một số ít sinh viên Việt Nam theo học CEU, và tất cả đều tỏ ra âu lo trước viễn cảnh trường bị làm khó dễ, thậm chí có nguy cơ bị đóng cửa sau khi chính quyền Hungary thông qua dự luật sửa đổi, buộc các trường nước ngoài tại Hung phải thực hiện nhiều điều kiện gần như bất khả nếu muốn tồn tại.

Để tìm hiểu thêm, chương trình “Người Việt bốn phương” của VTV4 đã có cuộc trao đổi sau đây hôm 23-4-2017.

 
Tổng thống Áder János cũng phải chịu rất nhiều chỉ trích và tai tiếng khi ký phê chuẩn Luật Giáo dục Đại học sửa đổi - Ảnh: budapestbeacon.com
Tổng thống Áder János cũng phải chịu rất nhiều chỉ trích và tai tiếng khi ký phê chuẩn Luật Giáo dục Đại học sửa đổi - Ảnh: budapestbeacon.com
 

- Thưa nhà báo Hoàng Linh, như anh cũng đã biết thì Luật Giáo dục Đại học mới tại Hungary được coi là nhằm trực tiếp vào Đại học Trung Âu (Budapest) và từ đó gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ khắp Hungary và tại nhiều nước trên thế giới. Vậy anh có thể phân tích về tầm quan trọng của ngôi trường này tại Hung?

Đại học Trung Âu thành lập năm 1991 và được hoạt động bằng nguồn tài trợ của Quỹ Soros, mang tên nhà tỷ phú người Mỹ gốc Hungary Soros György. Trường được đăng ký tại Mỹ, chương trình đào tạo thực hiện tại Hungary và nhờ cơ chế này, sinh viên theo học ở trường được cấp cả bằng Hung lẫn Mỹ.

Đó là một trong những lý do khiến trường thu hút sinh viên “tinh hoa” từ hàng trăm nước trên thế giới. Bên cạnh đó, trường được trang bị cơ sở vật chất rất tốt, và đội ngũ giảng viên có rất nhiều giáo sư tiếng tăm trên thế giới. Xét về thứ hạng trên thế giới của các trường đại học ở Hungary, trường đứng hàng đầu.

Đại học Trung Âu được coi là một thành lũy của tư duy độc lập với điều kiện học tập, giảng dạy tốt nhất, cởi mở và tự do nhất. Năm 2009, Khoa Chính trị học của trường còn được đánh giá là tốt hơn cả của Đại học Oxford. Rất nhiều sinh viên trường, về sau trở nên nổi tiếng trong chính trị, khoa học hay dân sự.

Ngoài ra, do những mối quan hệ quốc tế của trường, Đại học Trung Âu còn được coi là một trong những cánh cửa mở ra cho nước Hung vào thế giới. Ngay các cơ sở giáo dục đại học khác của Hungary cũng có lợi trong mối quan hệ hợp tác với trường, và đây cũng là một lý do khiến trường có được nhiều thiện cảm.

- Vậy thưa anh, mức độ quan tâm của cộng đồng người Việt tới sự kiện này là như thế nào và liệu Luật Giáo dục Đại học mới này có ảnh hưởng tới những gia đình người Việt, gốc Việt có con em theo học tại trường CEU?

Cộng đồng Việt tại Hungary có nhiều người từng là du học sinh, nghiên cứu sinh, ngoài ra, hiện cũng có 4 người là giáo sư, 8 phó giáo sư, 5 tiến sĩ khoa học và chừng 20 người đang giảng dạy, nghiên cứu tại các trường, viện của Hung. Do đó, một vấn đề lớn như vậy trong giáo dục sở tại phải được quan tâm.

Hiện tại, trường cũng có 5 sinh viên Việt Nam theo học, và như tôi được biết các bạn đều bày tỏ sự quan tâm theo nhiều cách khác nhau, như đưa lên trang cá nhân trên Facebook những thông tin về xung đột giữa chính quyền và trường, kêu gọi sự quan tâm của bè bạn, hoặc trực tiếp tham gia tuần hành phản đối.

Một sinh viên Việt có mặt trong cuộc biểu tình đã cho hay, bạn “giận dữ vì CEU và những giá trị xã hội tôi theo đuổi bị chính phủ tấn công”, nhưng “hơn cả sự tức giận là niềm tự hào của một học sinh CEU và của một người đấu tranh cho tự do và xã hội dân sự”. Đó là một thái độ tôi cho là trách nhiệm và đáng quý.

Nhìn chung, sự ảnh hưởng sẽ nằm ở chỗ, với những điều kiện và thời hạn rất ngắn ngủi mà chính quyền đặt ra như hiện tại, thì Đại học Trung Âu khó lòng đáp ứng được và ít nhất, sẽ không cấp được bằng Mỹ cho sinh viên, là điều giảm đáng kể sự quan tâm và “giá trị” của trường, trong mắt nhiều gia đình Việt tại Hung.

- Theo quan sát và nhận định của anh thì tương lai của Luật Giáo dục Đại học mới đang gây nhiều tranh cãi này sẽ ra sao khi các nước Châu Âu vốn được mệnh danh là thượng tôn pháp luật?

Thực chất, việc thông qua dự luật sửa đổi theo hướng “vô hiệu hóa” Đại học Trung Âu nằm trong chuỗi những chính sách của chính quyền Hungary nhằm thu hẹp, giảm thiểu sự tự trị của đại học, cho phép chính quyền can thiệp sâu vào hoạt động của các cơ sở giáo dục bậc cao, nền tảng của học thuật khoa bảng.

Chính quyền Hungary, với quyết định này, cũng không giấu giếm việc họ muốn kiểm soát gắt gao những tổ chức “có yếu tố nước ngoài”, cho dù là trường học hay cơ sở dân sự, phi chính phủ hoạt động bằng nguồn tài trợ nước ngoài, mà lâu nay chính quyền vẫn không tin cậy, cho đó là nguồn gốc của những phản biện.

Trước mặt, luật mới mặc dù đã được Tổng thống ký phê chuẩn, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị đưa ra xem xét lại trước Tòa Bảo hiến, do nghị sĩ các đảng đối lập đều thống nhất là cần đưa vấn đề này ra trước cơ quan bảo vệ pháp luật tối cao, xem nó có hợp hiến hay không. Chuyện này cần thời gian chờ đợi.

Luật cũng đang rơi vào tầm ngắm của các định chế Châu Âu, và chịu sự chỉ trích của rất nhiều nhân vật có uy tín trên chính trường, cũng như trong giới khoa bảng. Chính quyền Mỹ cũng đã bày tỏ quan điểm phản đối, và nhiều nhân sĩ theo xu hướng bảo thủ cũng bày tỏ sự bất bình với chính phủ cánh hữu Hungary.

Vì thế, tương lai của luật mới vẫn còn bỏ ngỏ, và chắc chắc sẽ còn nhiều sự kiện bất ngờ trong hồ sơ này...

(*) Bản tin đã phát trên VTV4.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh