"NOVY MIR", MỘT THỜI VANG BÓNG

Thứ tư - 02/05/2007 11:46

(NCTG) Tháng 11-1962, các hãng truyền thông quốc tế đưa tin tờ "Novy Mir" (Thế giới mới), tạp chí văn học có uy tín ở Liên Xô, vừa "phát hiện" ra một nhà văn lớn. Đó là Aleksander Solzhenitsyn, sau này được Giải Nobel Văn chương 1970; tác phẩm đã khiến ông nổi tiếng chính là đoản thiên tiểu thuyết "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich".

Tạp chí văn học "Novy Mir"

Tuy nhiên, không ai biết chính xác là trong suốt một năm ròng, TBT Aleksandr Tvardovsky đã nghiền ngẫm khả năng đăng tải cuốn tiểu thuyết và rốt cục, đích thân Nikita Khrushchev và Anastas Mikoyan đã quyết định cho đăng tác phẩm.

Tháng 9-1962, Lebedev, bí thư riêng của Khrushchev, đã đọc bản thảo cuốn sách cho hai lãnh tụ cộng sản nói trên và theo lời ông, vị Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô đã ngồi nghe từ đầu đến cuối, nước mắt lưng tròng. Tất nhiên, lúc ấy Đại hội thứ XX và XXII đã diễn ra, chế độ độc tài của Stalin đã bị vạch trần ở điểm này, điểm nọ, nhưng chính văn hào Solzhenitsyn và tờ "Novy Mir" (Thế giới mới) - bằng việc đăng tải "Một ngày trong đời..." (*) -, đã khiến quá trình đó trở nên không thể đảo ngược. Đồng thời, "điểm son" ấy của "Novy Mir" cũng cho thấy trước khả năng thất bại của chính Khrushchev.

Ít ai biết sự xuất hiện của "Một ngày trong đời..." là hậu quả của một nhầm lẫn lớn. Khi gửi bản thảo cho "Novy Mir", Solzhenitsyn nghĩ rằng tờ báo là một tạp chí đối lập và TBT Tvardovsky là một nhà văn có tư tưởng đối lập với thể chế Xô-viết. Về sau, chính Solzhenitsyn cũng phải nhận ra: cũng như Khrushchev, các biên tập viên tờ "Novy Mir" có mục đích đưa những ý tưởng của Đại hội XX và XXII đến "thắng lợi hoàn toàn". Trong cuộc đấu tranh đó, họ coi những kẻ muốn khôi phục chính thể Stalin là "phe đối lập", và bản thân họ là những người "ủng hộ trung thành đường lối của đảng và nhà nước", đồng thời, sáng lập thời "Phục hưng" của chủ nghĩa Marx.

"Phe Khrushchev có lý hay không?", ngay từ thời đó, nhiều người đã nghi ngờ trước câu hỏi này. Cố nhiên, điều này không hề làm giảm giá trị lòng quả cảm tinh thần và công lao của Tvardovsky và những bạn văn đồng tư tưởng, khi họ đã giải phóng một "năng lượng" sáng tạo khổng lồ trong giới trí thức Nga - Xô-viết mà tác động và ảnh hưởng của nó đã lan ra khắp địa cầu trong thập niên 60 (chỉ đến năm 1970, tập đoàn lãnh đạo Brezhnev - Suslov mới dám "hạ bệ" Tvardovsky).

Aleksandr Tvardovsky trên tem thư Nga

Cần nói thêm đôi lời về TBT Tvardovsky, người đã lèo lái "Novy Mir" trong những năm tháng quan trọng nhất (1950-1954 và 1958-1970). Chính ông đã cho đăng hồi ký "Con người, năm tháng, cuộc đời tôi" của Ilya Ehrenburg; bằng những sự kiện trong cuộc đời của một nhân vật lỗi lạc, tác phẩm đã chứng tỏ: trái với tính cách Á châu hẹp hòi của chủ nghĩa Stalin, không thể tách biệt nước Nga với Châu Âu.

Chính Tvardovsky đã "phát hiện" ra Chinghiz Aitmatov, nhà văn Kirgizistan viết bằng Nga ngữ, người đã phản ánh hiện thực quê hương - bí ẩn và hoang dã - của ông trong nhiều tác phẩm đặc sắc và rất quen biết với độc giả Việt Nam như "Con tàu trắng", "Người thày đầu tiên", "Jamilya", "Đoạn đầu đài", "Một ngày dài hơn thế kỷ".... Cũng lại chính Tvardovsky, sau 1959, đã vận động Khrushchev cho in tác phẩm "Bác sĩ Zhivago" của văn hào Boris Pasternak, Giải Nobel Văn chương 1958 (tuy nhiên, lần đó ông đã không thành công: người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô, mặc dù thừa nhận "Bác sĩ Zhivago" "không có gì phản động", nhưng lại ngần ngại và cho rằng chưa đến lúc có thể đăng tải cuốn sách).

Quan niệm của Tvardovsky là bằng mọi giá, nhất thiết phải nói lên sự thật. Ông dám "khởi chiến" với cả những huyền thoại đã tạo nên nền tảng của nhà nước Xô-viết, theo ý kiến của nhiều người. Chẳng hạn, Tvardovsky đã can đảm cho đăng một bài nghiên cứu, chứng tỏ rằng vào cái ngày lịch sử 7-11-1917, chiến hạm "Aurora" (Rạng Đông) không hề nã một phát đại bác nào vào Cung điện Mùa đông. Hóa ra, thoạt đầu, đây là một lời vu cáo của phe Bạch vệ, nhưng sau đó Stalin cảm thấy thích và cho tuyên truyền nó trong phim ảnh, sách vở... suốt hơn nửa thế kỷ!

Hoàn toàn không ngẫu nhiên khi vào thập niên 60 thế kỷ trước, chính "Novy Mir" đã khởi đầu "chiến dịch" phục hồi cho văn hào Mikhail Bulgakov với việc đăng tải tác phẩm "Tiểu thuyết sân khấu" của ông, từng bị xếp trong ngăn kéo gần ba chục năm trời. Và cũng là một sự tất yếu khi tờ "Novy Mir" - thời Tvardovsky đứng đầu - đã mở một cuộc chiến đấu cương quyết và không khoan nhượng với mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô-vanh Đại Nga.

Trở về "cái thuở ban đầu...", có thể thấy "Novy Mir" là một trong những tạp chí đầu tiên của của nền văn học Nga - Xô-viết: cách đây 82 năm, tại thủ đô Moscow, dân ủy Giáo dục Anatoli Lunarcharsky đã sáng lập tờ báo. Là một trong số vài chính trị gia phụ trách văn hóa của chính quyền Xô-viết, vốn cũng là một nhà văn, một kịch tác gia tài năng, một người có óc hiểu biết quảng bác và có tư tưởng cởi mở, từ năm 1924-1925, Lunarcharsky hẳn đã cảm thấy chán chường thứ "văn học chính thống" và nhất là, ông đã nhận thấy - ngay từ mầm mống - những tham vọng độc tài ngày càng bộc lộ rõ rệt của Stalin, sau khi Lenin qua đời. Do đó, với chủ trương tự do và dân chủ trong đời sống văn nghệ và tư tưởng, ngay từ khi "chào đời", "Novy Mir" đã là một cái gai trong mắt thể chế Stalin.

Lịch sử của "Novy Mir" cũng bắt đầu bằng một vụ việc tai tiếng. Năm 1926, tờ tạp chí đăng tải tiểu thuyết "Mặt trăng không bao giờ lặn" của văn hào Boris Pilnyak (về sau, tác giả cuốn sách đã phải trả giá bằng cuộc đời mình), trong đó ông kết tội Stalin đã giết hại Mikhail Frunze, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân. Đây là sự phản kháng trực diện đầu tiên của giới trí thức Nga trước thể chế độc tài Stalinist. Số báo "Novy Mir" ấy chẳng những bị tịch thu, mà ngay cả các bản ngẫu nhiên còn sót lại trong các thư viện cũng bị cắt đi những trang có in tiểu thuyết.

Cố nhiên, trong lịch sử của mình, "Novy Mir" cũng có những TBT tồi tệ và những thời kỳ khủng hoảng. Và có lẽ cũng không thể phủ nhận một thực tế: ban biên tập "Novy Mir", ngay trong những giai đoạn "hoàng kim" nhất, cũng tin tưởng một cách sâu sắc rằng có thể cải đổi và hoàn thiện hóa cái gọi là "CNXH hiện thực". Quan điểm ấy của họ đồng nhất với ý kiến của rất nhiều trí thức tả khuynh trên toàn thế giới. Nhưng, điều quan trọng là tờ tạp chí đã vững vàng và tự trọng trong dòng đời bão tố của nước Nga - Xô-viết, với nỗ lực đấu tranh cho một nước Nga thuộc về châu Âu, và những giá trị tinh thần thực sự của cánh tả bằng những kiệt tác văn học.

Ngoài Tvardovsky, tạp chí đã có những TBT lừng danh và có khí phách như Konstantin Simonov (thời kỳ 1954-1957) hay Sergey Zalygin (không phải đảng viên! - thời kỳ 1986-1998), và đã là một trong những ngọn cờ đầu trong quá trình cải tổ, nhìn lại quá khứ, khởi đầu tại Liên Xô từ năm 1986. Những cái tên George Orwell, Joseph Brodsky hay Vladimir Nabokov cũng được xuất hiện chính thức lần đầu tại Liên bang Xô-viết, trên những trang của "Novy Mir".

Một thời, "Novy Mir" đã góp phần làm nên lịch sử thế giới, và văn học thế giới!

(*) Tác giả D.M.Tomas có kể lại một mẩu chuyện mang tính giai thoại trong cuốn "Một thế kỷ trong đời của Aleksander Solzhenitsyn" (Aleksander Solzhenitsyn: A Century in His Life). Theo đó, năm 1961, Tvardovsky nhận được bản thảo một tiểu thuyết từ một thày giáo trường làng chưa hề có tiếng tăm. Vào một buổi tối, ông nằm trên giường, lần giở tập bản thảo với ý định đọc cho dễ ngủ.

Vậy mà chỉ mới đọc lướt vài chục trang, Tvardovsky đã ngồi phắt dậy, vùng khỏi giường và ăn vận quần áo chỉnh tề rồi ngồi vào bàn đọc tiếp. Xong lần đầu, ông lại đọc thêm một lần nữa, cho đến rạng sáng. Rõ ràng, cuốn sách về trại lao động cải tạo ấy là một kiệt tác của một nhà văn có tài. Đó là "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich" của Solzhenitsyn và hẳn là Tvardovsky cảm thấy: không thể thưởng thức một tác phẩm xuất sắc như thế trong bộ quần áo lót mặc lúc đi ngủ!

Đọc những dòng này, ta có thể liên tưởng đến những "thú tiêu khiển" tao nhã thời xưa của Kim Thánh Thán, vào cái thời mà trước khi đọc sách, phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, thắp nến bạch lạp... Quả là một chi tiết "ngoài lề", nhưng cũng cho chúng ta thấy tấm lòng trọng nhân tài và con mắt tinh tường của Tvardovsky.

Nguyễn Hoàng Linh, theo các tư liệu Hungary


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn