MỘT BỨC THƯ NỔI TIẾNG CỦA VĂN HÀO MIKHAIL BULGAKOV

Thứ bảy - 02/06/2007 23:30

(NCTG) Mikhail Bulgakov (1891-1940) là một gương mặt kỳ lạ và bi thảm của nền văn học Nga nửa đầu thế kỷ XX. Tài năng đa dạng và toàn diện của Bulgakov đã khiến ông trở nên một tiểu thuyết gia, một kịch tác gia bậc thầy. Tuy nhiên, do theo đuổi một bút pháp trào phúng chua cay, một bản lĩnh nghệ thuật cao cường, không khoan nhượng trước chế độ, kể từ đầu thập niên 30, khi nền độc tài của Stalin bắt đầu được thiết lập trên mọi ban ngành nghệ thuật và văn hóa Xô-viết, đại đa số các tác phẩm của Bulgakov đều bị cấm đoán, bản thân nhà văn rơi vào cảnh thất nghiệp và đói khát.

Văn hào Mikhail Bulgakov

Văn hào Mikhail Bulgakov

 

Năm 1930, tuyệt vọng vì không thể làm việc trong cảnh bị kiểm duyệt ngặt nghèo, bị mạ lỵ thường xuyên trên báo chí, hơn nữa, bị ngược đãi và lâm vào cảnh khốn khó, Bulgakov đã thiêu hủy tập bản thảo đầu tiên của kiệt tác "Nghệ nhân và Margarita". Kế đó, ngày 28-3-1930, ông gửi một lá thư lừng danh cho Stalin; trong thư, nhà văn lên tiếng phê phán gay gắt chế độ kiểm duyệt, thẳng thắn bày tỏ những quan điểm nghệ thuật độc lập, đòi quyền được làm việc hoặc nếu không, được cùng gia đình rời Liên Xô.

Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, bức thư nói trên của Bulgakov là một hành động quả cảm và gây tiếng vang trên văn giới, khiến Stalin không thể lặng thinh. Ba tuần sau, ngày 18-4-1930, nhà độc tài gọi điện cho Bulgakov và trả lời ông bằng những lời lẽ "có cánh", sau này được văn hào đưa vào bản hoàn chỉnh của tiểu thuyết "Nghệ nhân và Margarita": "Anh sẽ nhận được hồi âm thuận lợi đấy... Hay chúng tôi cho anh ra ngoại quốc nhỉ? Anh ngán chúng tôi lắm rồi phải không?"

Chỉ đến thời kỳ "cải tổ" ở Liên Xô, khi tên tuổi Bulgakov được phục hồi triệt để tại Liên bang Xô-viết, toàn văn lá thư nổi tiếng nói trên mới được đăng tải lần đầu trên tạp chí "Novy Mir" (Thế giới mới), số tháng 8-1997. Tư liệu này phản ánh một tâm hồn Nga, một nhân cách văn hóa, một khí phách quật cường của người cầm bút chân chính, yêu ghét phân minh, không chịu bó mình và quỵ lụy trước cường quyền.

Bức thư được chuyển ngữ từ bản tiếng Hung. Chúng tôi có tham khảo bản dịch (từ nguyên bản Nga ngữ) của Phạm Vĩnh Cư, đăng trên tạp chí "Sông Hương" số 29, năm 1988.

Nơi yên nghỉ của Bulgakov tại Nghĩa trang danh nhân Novodevichy (Moscow)

THƯ GỬI CHÍNH PHỦ LIÊN XÔ

Tôi là Mikhail Afanasievich Bulgakov, hiện đang cư ngụ tại Moscow, phố Pirogovskaya, số nhà 35A, phòng 6, xin đệ lá thư sau đây lên Chính phủ Liên Xô:

1.

Sau khi tất cả các tác phẩm của tôi bị cấm đoán, càng ngày tôi càng hay nhận được một lời khuyên chí tình, đồng nhất như sau từ rất nhiều người biết đến tôi như một nhà văn có tên tuổi.

Tôi hãy viết một "vở kịch cộng sản" (tôi phải để trong ngoặc kép vì đây là lời lẽ của họ) và viết một lá thư hối lỗi lên Chính phủ Liên Xô, phủ nhận những quan điểm của tôi được bộc lộ trong các tác phẩm văn học trước đây và tuyên bố từ nay trở đi, tôi sẽ làm việc như một nhà văn, một người "bạn đường" (1) trung thành với lý tưởng cộng sản.

Mục đích của bức thư: cứu vãn bản thân tôi khỏi những o ép, khỏi cảnh khốn cùng và rốt cục, khỏi sự diệt vong không thể tránh khỏi.

Tôi đã không chấp nhận lời khuyên tốt bụng đó. Tôi chẳng thể xuất hiện trước Chính phủ Liên Xô dưới ánh sáng có lợi cho mình với một lá thư dối trá như thế, chẳng khác gì một sự luồn cúi đáng ghê tởm, thậm chí vụng về trong chính trị. Còn chuyện viết một "vở kịch cộng sản", tôi chẳng buồn thử nghiệm vì từ khá lâu nay, tôi đã biết trước rằng tôi sẽ không thể viết được một vở như thế.

Từ lâu, nguyện vọng muốn chấm dứt nỗi nhọc nhằn của nghiệp cầm bút đã chín muồi trong tôi, thúc đẩy tôi viết lá thư chân thành này cho Chính phủ Liên Xô.

2.

Điểm lại một lượt những mẩu báo được cắt dán vào các cuốn album của tôi, tôi phát hiện ra rằng trong khoảng vòng mười năm cầm bút, trên báo chí Liên Xô có 301 bài phê bình các tác phẩm của tôi. Trong số đó, có 3 nhận xét khen ngợi, 298 bài chửi bới thù địch.

298 nhận xét thóa mạ này phản ánh trung thực cuộc đời viết văn của tôi.

Trong một bài thơ đả kích được in ấn, Aleksey Turbin, nhân vật trong vở kịch "Những ngày tàn của gia đình Turbin" của tôi bị gọi là "đồ chó đẻ", còn tác giả vở kịch được giới thiệu như một "con chó già bệnh hoạn". Người ta coi tôi như "một tên quét đường trong văn giới", kẻ thu nhặt cơm thừa canh cặn do "đám thực khách ợ ra".

Họ còn viết những điều khác về tôi: "Anh bạn tốt của tôi ơi, Bulgakov Mishka (2) cũng chỉ là một thằng văn sĩ lục lọi trong đống rác hôi thối, xin lỗi bạn vì cách diễn đạt này... Tôi hỏi bạn: bạn hiền ơi, cái thằng mặt mũi chó chết ấy tìm kiếm gì ở chỗ bạn... Tôi là người tế nhị, bạn hãy cầm lấy xô nước và ụp lên đầu nó cho tôi... Chúng ta (3) cứ phải như thế với lũ tiểu thị dân. Thiếu bọn Turbin, như yếm dùng cho chó... Có thứ chó cái ấy ở đây. Turbin ở đây, nhưng nó sẽ lụi đi, chẳng ai thèm nhòm đến... ("Zhizni Iskusstvo" số 44, năm 1927).

Người ta còn bảo: "Bulgakov, kẻ trước sau vẫn nguyên xi như trong quá khứ, xuất thân từ loại tư sản mới, phun thứ nước dãi độc hại nhưng đã vô hiệu quả xuống đầu giai cấp công nhân và những lý tưởng cộng sản của giai cấp đó" ("Komsomolskaya Pravda" [Sự thật Thanh niên] số ra ngày 14-10-1926).

Người ta loan báo là tôi tìm được hứng thú "trong bầu không khí hí kịch chó chết, diễn ra xung quanh người vợ "đỏ" của một tay bạn thân" (A. Lunacharsky (4), "Izvestia" [Tin tức], số ra ngày 8-10-1926), và rằng vở kịch "Những ngày tàn của gia đình Turbin" của tôi "bốc mùi hôi thối" (biên bản hội nghị Agitprop [Tuyên truyền và cổ động], họp vào tháng 5-1927), và cứ thế, còn nhiều, nhiều nữa...

Phải nói trước rằng tôi trích dẫn tất cả những nhận xét nói trên hoàn toàn không để phàn nàn dư luận phê bình, hoặc bởi tôi muốn tranh luận với chúng ở mức độ nhỏ nhặt nhất. Mục đích của tôi nghiêm túc hơn thế nhiều.

Với các tư liệu trong tay, tôi muốn chứng tỏ rằng toàn bộ nền báo chí Liên Xô và cùng với chúng, tất cả các các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra chương trình biểu diễn sân khấu, trong suốt thời gian tôi hoạt động văn học, đã nhất trí khẳng định với giọng điệu cuồng bạo lạ thường rằng các tác phẩm của Mikhail Bulgakov không có quyền tồn tại ở Liên Xô.

Và tôi xin tuyên bố rằng báo chí Liên Xô đã hoàn toàn có lý.

3.

Xuất phát điểm của lá thư này là tác phẩm đả kích - mang tựa đề "Đảo đỏ thắm" - của tôi.

Toàn thể giới phê bình ở Liên Xô, không trừ một ai, đã đón nhận vở kịch đó của tôi như một "bản văn nhục mạ cách mạng" "bất tài, hèn mạt, bần cùng".

Sự nhất trí ấy rất toàn diện, tuy nhiên, nó bị đứt đoạn một cách đột ngột, đáng ngạc nhiên.

Trong tờ "Repertoarniy Byulletieny" (Nội san tiết mục diễn) số 22 năm 1928, có bài phê bình của P. Novitsky, trong đó ông viết rằng "Đảo đỏ thắm" là một "vở kịch nhại đáng để ý và sắc sảo" và rằng "trong vở kịch, xuất hiện hình bóng hăm dọa của một Đại pháp quan đè bẹp sáng tạo nghệ thuật, cổ vũ những khuôn mẫu sân khấu ngu xuẩn, bợ đỡ theo kiểu nô lệ đến mức lố bịch, giết chết bản sắc của diễn viên và nhà văn", rằng "Đảo đỏ thắm" đã đề cập đến "sức mạnh hung bạo, hắc ám đang dung dưỡng những kẻ tôi tớ, nịnh hót và những tâm hồn nô bộc hòng ân hưởng hồng phúc...". Trong bài giới thiệu, Novitsky còn viết "nếu tồn tại một thế lực ảm đạm như thế thì sự công phẫn và châm biếm hóm hỉnh của nhà soạn kịch - vốn được giai cấp tư sản đề cao - là hợp lý".

Có lẽ tôi được phép đặt câu hỏi: ''Vậy chân lý ở đâu?''.

Rốt cục, thế thì "Đảo đỏ thắm" là thứ gì? Một tác phẩm "bất tài, hèn mạt, khốn cùng", hay "vở kịch nhại đáng để ý và sắc sảo"?

Chân lý nằm trong bài phê bình của Novitsky. Tôi không muốn đánh giá mực độ sâu sắc của tác phẩm đó, song phải thừa nhận rằng trong vở kịch, quả thực xuất hiện một hình bóng đe dọa, đó là bóng dáng của Ủy ban Kiểm duyệt Chương trình (5). Chính ủy ban này nuôi dưỡng những tên nô bộc, những kẻ hòng ân hưởng hồng phúc và những "tâm hồn nô lệ" bị dọa dẫm đến độ khiếp đảm. Chính nó đã giết chết mọi suy tư sáng tạo. Chính nó đang phá tan tành nền kịch nghệ Xô-viết và sẽ kết liễu bộ môn nghệ thật đó.

Khi đề xuất những suy tư này, tôi không chui rúc vào một xó xỉnh và thầm thì. Tôi đã thể hiện chúng trong các tác phẩm mang tính đả kích và đã dựng thành kịch trên sân khấu. Bênh vực thứ Ủy ban Kiểm duyệt Chương trình ấy, báo chí Xô-viết viết rằng "Đảo đỏ thắm" là một "bản văn nhục mạ cách mạng". Đây là một lời lẽ ba hoa thiếu nghiêm túc. Xuất phát từ nhiều lý do, vở kịch không thể "nhục mạ cách mạng"; trong số những lý do đó, vì thiếu chỗ, tôi chỉ xin nêu ra một: không thể viết một vở kịch báng bổ cách mạng nếu tác giả ý thức được tính chất vĩ đại của cuộc cách mạng. Tác phẩm đả kích không phải là thứ báng bổ, và Ủy ban Kiểm duyệt Chương trình không phải là cách mạng.

Nhưng khi báo chí Đức viết rằng "Đảo đỏ thắm" là "lời kêu gọi đầu tiên, đòi bảo vệ tự do báo chí, ở Liên Xô" ("Molodaya Gvardya" [Đội cận vệ Thanh niên] số 1 năm 1919), thì họ đã nói đúng. Tôi cũng công nhận điều đó. Đấu tranh chống kiểm duyệt, cho dù là thứ kiểm duyệt gì và nó được sử dụng nhằm phục vụ một chính quyền nào, là bổn phận nhà văn của tôi, cũng như việc bảo vệ tự do ngôn luận. Tôi là tín đồ nhiệt thành của nền tự do đó và tôi cho rằng, nếu có nhà văn nào định làm cái việc chứng tỏ anh ta không cần đến nó, thì anh ta giống một con cá dám công khai đoan chắc trước mặt mọi người là nó không cần đến nước.

4.

Đây cũng là một nét đặc trưng của sự nghiệp văn học của tôi, nhưng tự thân nó cũng quá đủ để các tác phẩm của tôi không có quyền tồn tại ở Liên Xô. Tuy nhiên, nét cơ bản này còn liên quan đến mọi đặc điểm khác, được thể hiện trong các truyện ngắn trào phúng của tôi: những sắc màu tối tăm và huyền bí (bởi lẽ tôi là nhà văn huyền bí) mà tôi dùng để khắc họa vô số hình ảnh méo mó trong đời sống chúng ta; thứ mật đắng cay độc thấm đượm bút pháp của tôi; sự bi hoài sâu sắc đối với tiến trình cách mạng đang diễn ra trên tổ quốc lạc hậu của tôi; sự đối lập hóa nó với Nền văn minh Lớn mà tôi vô cùng ái mộ, và điều căn bản nhất: sự mổ xẻ những tính cách kinh khủng nhất của dân tộc tôi, những đặc tính từng gây bao dằn vặt cho bậc thầy của tôi, M.E. Saltikov-Shchedrin (6), từ lâu trước cách mạng.

Chẳng cần phải nói là báo chí Liên Xô chưa bao giờ có ý định để tâm nghiêm chỉnh đến tất cả những điều này; người ta còn bận tâm công bố - một cách không đáng thuyết phục mấy - rằng văn chương trào lộng của M. Bulgakov là ''sự vu khống''.

Chỉ độc một lần, khi tôi bắt đầu có chút tiếng tăm, với một giọng điệu ngạo mạn pha sắc thái kinh ngạc, ai đó phát hiện ra rằng "M. Bulgakov đang mong muốn trở thành nhà văn trào phúng của thời đại chúng ta" ("Knigonosha" [Người đưa sách], số 6 năm 1925).

Có điều, cái dở là ở đây động từ "mong muốn" được dùng ở thời hiện tại. Cần phải chuyển nó về thời quá khứ vì M. Bulgakov đã trở thành nhà văn trào phúng đúng vào lúc ở Liên Xô không thể có một tác phẩm châm biếm thực thụ được phép len lỏi vào những vùng cấm kỵ.

Tôi không có vinh dự được diễn đạt cái ý nghĩ tồi tệ này trên báo chí. Trong bài viết đăng trên báo "Literatura" (Văn học) số 6, V. Blyum đã thể hiện hoàn toàn mạch lạc ý nghĩ đó, và nội dung bài báo đã được thu gọn một cách tuyệt vời và chính xác dưới một công thức như sau: "Ở Liên Xô, mọi nhà văn trào phúng đều thực hiện âm mưu phá hoại, chống đối chế độ Xô-viết".

Sau vụ này, thử hỏi tôi có còn chỗ đứng ở Liên Xô?

5.

Và để kết thúc, tôi xin nêu ra đặc điểm cuối cùng cho bức chân dung nhà văn của tôi, đặc điểm này đã được thể hiện trong các vở kịch bị phỉ nhổ ("Những ngày tàn của gia đình Turbin", "Trốn chạy") và trong cuốn tiểu thuyết "Bạch quân": đó là sự gắn bó ngoan cố của tôi với giới trí thức - giai tầng xuất sắc nhất của đất nước chúng ta - khi miêu tả họ. Cụ thể, tôi đã khắc họa hình ảnh các gia đình quí tộc-trí thức, từng bị số phận nghiệt ngã đẩy sang phía Bạch vệ trong những năm thời nội chiến, theo truyền thống của "Chiến tranh và hòa bình". Ở một nhà văn có quan hệ máu thịt với giới trí thức như tôi, cách mô tả đó là hoàn toàn tự nhiên.

Nhưng chính phương pháp miêu tả đó đã khiến tác giả, mặc dù không hề thiên vị và đã có những cố gắng to lớn nhằm vượt lên trên cả Hồng quân lẫn Bạch quân, vẫn phải chia sẻ với số phận các nhân vật của ông: bị liệt vào hạng "kẻ thù Bạch vệ", và khi đã bị cấp chứng chỉ đó thì ai cũng hiểu rằng tác giả đã hết đời ở Liên Xô.

6.

Đến đây, xin chấm dứt chân dung văn học, đồng thời cũng là chân dung chính trị của tôi. Tôi không thể nói tấm chân dung đó đã bao hàm nhân tố tội phạm nào, chỉ xin một điều: các ông đừng tìm kiếm cái gì phía sau nó! Tôi đã phác họa nó một cách hoàn toàn chân thực.

7.

Hiện tại tôi đã bị triệt hạ.

Hành vi triệt hạ ấy được dư luận xã hội Xô-viết hoan nghênh hết mực và được coi là một "thành tích".

... Không chỉ các tác phẩm cũ của tôi, mà cả những gì tôi đã và sẽ cho ra đời, cũng sẽ bị thủ tiêu. Và bản thân tôi, bằng chính bàn tay mình, đã vứt vào bếp lửa bản thảo cuốn tiểu thuyết về quỉ thần (7), cùng bản nháp một vở hài kịch (8) và phần mở đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai về sân khấu (9).

Mọi sáng tác của tôi đều vô vọng.

8.

Đề nghị Chính phủ Xô-viết hãy lưu tâm rằng tôi không phải là chính khách, mà là một nhà văn và tất cả những gì tôi đã làm đều dành cho nền sân khấu Xô-viết.

Đề nghị hãy lưu ý đến hai nhận định về tôi trên báo chí Xô-viết. Cả hai ý kiến đều xuất phát từ những đối thủ không khoan nhượng của tôi và vì thế, chúng rất có giá trị.

Năm 1925, người ta viết: "Đã xuất hiện một nhà văn thậm chí không thèm khoác áo "bạn đường" (L.Averbach (10), "Izvestia" số ra ngày 20-9-1925).

Và vào năm 1929: "Tài năng của hắn cũng hiển nhiên như tính phản động xã hội nằm trong các sáng tác của hắn" (R.Pikel, "Izvestia" số ra ngày 15-9-1919).

Xin lưu ý rằng đối với tôi, không được viết chẳng khác gì bị chôn sống.

9.

Đề nghị Chính phủ Xô-viết hãy ra quyết định cho phép tôi, cùng vợ tôi là Lyubov Yevgenyevna, được rời Liên Xô ngay lập tức.

10.

Tôi tin vào lòng nhân đạo của Chính phủ Xô-viết và đề nghị các ông hãy để tôi ra đi tự do, bởi lẽ tôi không thể làm gì hữu ích cho tổ quốc tôi trên cương vị một nhà văn.

11.

Còn nếu tất cả những gì tôi viết ra ở đây chưa đủ độ tin cậy và các ông bắt tôi phải im lặng đến cuối đời ở Liên Xô, đề nghị Chính phủ Xô-viết hãy cho tôi làm việc trong chuyên môn của tôi, và cắt cử tôi vào một nhà hát nào đó, như một đạo diễn trong biên chế.

Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh lời thỉnh cầu được "cắt cử" vì mọi nỗ lực tìm việc của tôi trong lĩnh vực lành nghề duy nhất mà tôi có khả năng mang lại chút lợi ích cho Liên Xô, trên cương vị một chuyên gia lành nghề, đã bị thất bại hoàn toàn. Cái tên của tôi bị dị nghị đến mức người ta hoảng sợ trước mọi đề nghị hợp tác do tôi đưa ra, cho dù ở Moscow, rất nhiều diễn viên và đạo diễn và cùng với họ, cả những giám đốc nhà hát, đều biết rõ sự am hiểu sân khấu ở mức tinh tế của tôi.

Đề nghị Chính phủ Liên Xô tiếp nhận tôi trên cương vị một người có chuyên môn, một nhà soạn kịch và một đạo diễn hoàn toàn chính trực, không hề mang chút mưu đồ phá hoại. Tôi xin cam kết sẽ dàn dựng một cách tử tế bất cứ một vở kịch nào, kể từ kịch của Shakespeare đến những vở thời nay.

Đề nghị các ông hãy bổ nhiệm tôi làm đạo diễn thực tập tại Nhà hát Nghệ thuật số 1, trường học ưu tú nhất dưới sự chỉ đạo của các bậc thầy K.S.Stanislavsky và V.I.Nemerovich-Danchenko (11).

Nếu các ông không cho tôi làm đạo diễn, hãy cho tôi vào biên chế phụ diễn. Còn nếu tôi cũng không cần thiết trong vai trò diễn viên phụ, hãy cho tôi làm người dựng cảnh trên sân khấu.

Nếu cả điều này cũng không thể được, đề nghị Chính phủ Liên Xô hãy đối xử với tôi theo quan niệm của họ, nhưng hãy xử trí bằng một cách nào đó vì trong giây phút này, tôi, một nhà soạn kịch, đến nay đã sáng tác năm vở kịch và được biết đến cả ở Liên Xô lẫn ngoại quốc, đang lâm vào cảnh khốn cùng, có cơ bị tống ra đường phố và diệt vong.

(Moscow, ngày 28 tháng Ba 1930)
Mikhail Bulgakov

Chú thích:

(1) Khái niệm do Leon Trotsky đề xướng năm 1922, ám chỉ các văn nghệ sĩ Nga chấp nhận cách mạng tháng Mười một cách dè dặt, miễn cưỡng, nhưng vẫn giữ quyền tự do, độc lập trong sáng tạo, sự tự quyết, quyền phê bình và nói lên sự thật trong đời sống nghệ thuật. Đa số các tên tuổi lớn của văn giới Nga trong khoảng 10 năm sau biến cố 1917 - như Babel, Blok, Esenin, Bulgakov, Pasternak, Mandelstam, Pinnyak, Zoshchenko, Akhmatova, Zamyatin... - đều bị liệt vào hạng "bạn đường".

(2) Tức Mikhail Bulgakov.

(3) Chỉ Nhà hát Nghệ thuật Moscow.

(4) Anatoly Lunarcharsky (1875-1933): nhà lãnh đạo văn hóa Xô-viết, đồng thời là nhà nghiên cứu văn học, nhà soạn kịch và dịch giả nổi tiếng, chủ bút sáng lập tờ "Novy Mir" (Thế giới mới) của Hội Nhà văn Liên Xô. Trên cương vị dân ủy Giáo dục thời kỳ 1917-1929, Lunarcharsky là người đặt nền móng cho chính sách văn hóa Xô-viết trong những năm đầu. Được coi là một chính khách có cái nhìn rất cởi mở với giới văn nghệ sĩ.

(5) Thực chất là cơ quan kiểm duyệt văn hóa dưới thời Stalin.

(6) M.E. Saltikov-Shchedrin (1826-1889): nhà văn cổ điển Nga, tác giả của những tác phẩm châm biếm, trào phúng bậc thầy.

(7) Cuốn "Nghệ nhân và Margarita", hoàn tất năm 1940, xuất bản lần đầu tại Liên Xô năm 1967.

(8) Chắc là vở "Molière, chàng hề của Hoàng thượng", hoàn tất năm 1936.

(9) Cuốn "Tiểu thuyết sân khấu", hoàn tất năm 1937, in lần đầu ở Liên Xô trong thập niên 60.

(10) Leopold Averbach (1903-1939): nhà báo, nhà lãnh đạo văn học, đứng đầu các tổ chức "văn học vô sản" ở Liên Xô trong thập niên 20. Những quan niệm cực đoan và lề thói lãnh đạo độc đoán, phản dân chủ của ông ta đã gây nên những tổn thất nặng nề cho sự phát triển của nền văn học Nga - Xô-viết.

(11) Hai nhà cách tân, bậc thầy của nền kịch nghệ Nga, sáng lập Nhà hát Nghệ thuật nổi tiếng ở Moscow.

Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu, chuyển ngữ và chú giải


 
 Từ khóa: Bulgakov
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn