WANTON MEE VÀ PHÍM F5 CỦA TÔI

Thứ sáu - 05/06/2015 03:46

(NCTG) “Đôi khi “lũ kỷ niệm trước sau” ùa về chỉ qua một hình ảnh thân quen tình cờ bắt gặp. Và cũng đôi khi ước giá như có thể nhấn phím F5 để làm tươi mới và gom lại đủ những mảnh ký ức một thời ta đã trải qua, là thế!”.

Hoa bằng lăng và “mùa hạ khói mây”

Hoa bằng lăng và “mùa hạ khói mây”

Tháng Năm ở Ma Cao, mùa hạ, mùa mưa. Cả tuần tôi ở một thành phố từng là thuộc địa Châu Âu cuối cùng ở Châu Á (*), nhìn qua cửa sổ khách sạn Ma Cao lúc nào cũng một màu mây xám của mưa và sương khói. Ngày cuối cùng ra phố, chợt thấy lòng rộn ràng vui khi thấy hoa phượng, hoa bằng lăng của Hà Nội, dẫu nơi đây sắc tím bằng lăng không “tím chi mà tím mãi”, và phượng không thắm đỏ rực rỡ… có lẽ bởi Ma Cao có biển có núi, nhưng không có cái nắng chói chang và oi ả.

Ma Cao, thành phố của những giấc mơ đỏ đen, là cơn cớ dẫn tôi về với ký ức khu Chợ Lớn, nơi tôi đã sống những năm đi học cấp Ba cách đây ba chục năm. Bên cạnh một Ma Cao hiện đại, hào nhoáng san sát các quần thể khép kín vừa casino sòng bài, vừa khách sạn vừa khu mua sắm xa xỉ và giải trí mở cửa 24/24, còn có một Ma Cao khác với khu phố cổ đẹp độc đáo và được bảo tồn rất tốt, với sự pha trộn hài hòa của kiến trúc và văn hóa Trung Hoa - Bồ Đào Nha (**), với những khu dân cư và buôn bán mang đậm bản sắc Hoa.

Ở Ma Cao, ngoài những nhà hàng mang phong cách ẩm thực Hoa - Bồ thì còn có nhiều hàng quán bán toàn những món ăn truyền thống Quảng Đông. Bước chân vào quán, tôi chợt hào hứng khi nghe lại những âm thanh quen thuộc, thậm chí còn có thể nói được vài câu để gọi mỳ, kêu tính tiền và nhớ lại được cách đếm số trong tiếng Quảng Đông (Cantonese). Kể cũng buồn cười, đi đến một nơi xa để rồi lại cảm thấy vui sướng khi gặp được cái mình đã có ở nhà từ đời nào.
 
Tác giả tại Hải đăng Guia
Tác giả tại Hải đăng Guia

Cũng phải đi xa như thế này tôi mới có trải nghiệm, nhận xét và so sánh về sự giữ gìn bản sắc của người xa xứ (ở đây tạm chỉ nói về khía cạnh địa văn hóa). Chẳng hạn, khi ăn món mỳ hoành thánh, hai cô bạn đồng nghiệp ở Hà Nội của tôi tấm tắc khen những sợi mỳ tươi ở Ma Cao, ở Hong Kông ăn ở quán nào cũng đều rất ngon vì vị tươi ngọt và độ dẻo giòn, nhưng họ bảo vẫn thích khẩu vị mỳ sủi cảo ở nhà hơn (dẫu biết đã “lai”, địa phương hóa): nhân chỉ gồm thịt băm, tôm nõn và trứng luộc bóc vỏ để riêng trong tô mỳ.

Trong khi tôi thì thấy tô mỳ hoành thánh với những viên há cảo nhân làm bằng thịt xay trộn tôm hoàn toàn quen thuộc, dễ ăn.

Hồi ấy nhà tôi ở cuối con đường Nguyễn Trãi (Quận 5), ngay trung tâm Chinatown của Saigon, theo cách gọi của sách hướng dẫn du lịch thời nay.

Nếu người Hà Nội gọi Bờ Hồ là khu vực trung tâm của thủ đô thì đối với người Sài thành, mặc nhiên câu “ra Sài Gòn” là ra trung tâm Quận 1. Còn Chợ Lớn (bao gồm Quận 5, một phần Quận 6, Quận 10 và Quận 11) khoanh vùng khu bàn cờ ở Quận 5, tính từ những con đường chạy song song Hồng Bàng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo B đến Hải Thượng Lãn Ông giao với đường Châu Văn Liêm, là trung tâm thương mại và văn hóa của người Hoa.
 
Tô mỳ hoành thánh Ma Cao
Tô mỳ hoành thánh của tiệm Lũ Ký trong hẻm 904 Nguyễn Trãi, Sài Gòn

Có một quan sát thú vị là nếu như người Sài Gòn xa xứ lâu ngày trở về có thể sẽ ít nhiều ngỡ ngàng trước những thay đổi của Sài Gòn (theo nghĩa khu vực trung tâm Quận 1) thì cảm nhận về tốc độ “toàn cầu hóa” dường như chậm hơn ở Chợ Lớn.

Không gian kiến trúc đô thị và văn hóa đặc trưng của người Hoa đã và đang góp phần làm nên một Sài Gòn đa sắc màu. Phong vị Hoa kiều lưu dấu ở những biển hiệu hai thứ tiếng, hàng quán, chùa chiền hội sở, ở những dãy nhà phố lầu với kiểu ban công đặc trưng hay những căn nhà trong hẻm với kiến trúc nhà ống lợp ngói nâu trầm, máng xối nước, cửa sổ gỗ ô trám ngoài dán lá bùa màu đỏ đậm nét Pháp - Hoa xây từ đầu thế kỷ 20.

Khi xem phim “L’Amant” (Người tình) tại Đức cách đây hai chục năm, tôi đã xốn xang vì nỗi nhớ nhà khi thấy hình ảnh thân quen ấy được đạo diễn Jean - Jacques Annaud tái hiện trong cảnh cô nữ sinh người Pháp đến nhà người tình Hoa Bắc. Đó là những cảnh quay đẹp đầy dục cảm về mối tình pha trộn rất nhiều cảm giác giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê, ở một căn nhà trong hẻm, bao bọc bởi bầu không khí nhiệt đới nóng ẩm, vẳng bên ngoài tiếng lao xao mua bán của khu Chợ Lớn.

Không xa nhà tôi ở cũng có một con hẻm với những căn nhà như thế - một vẻ đẹp kiến trúc không lẫn với nhà của người Việt. Màu sắc và âm thanh cũng khác... Nhưng tôi nhớ con hẻm 904 Nguyễn Trãi này vì những hàng ăn bình dân của người Hoa, mà nổi tiếng đông khách là hàng bán bún gạo/ hủ tíu/ mỳ Lũ Ký. Ngoài tiếng Việt, chủ quán thạo nhiều thứ tiếng; cộng đồng người Hoa ở đây có người Quảng Đông (chiếm đa số), người Triều Châu, người Hẹ, người Phúc Kiến và người Quảng Tây.
 
Quán xá Sài Gòn
Quán xá Sài Gòn

Người Hoa nấu nước lèo (nước dùng) ngọt và trong do hầm nhiều xương với những lát củ cải trắng. Mỳ được trụng nước sôi, xả nước lạnh rồi cho vào tô (thường là hai vắt mỳ), dùng đôi đũa tre to dài giũ cho vắt mỳ rời ra thành từng sợi. Riêng chuyện này cũng đòi hỏi một sự khéo léo thành thục và rất thú vị khi quan sát. Trên lớp mỳ xếp vài lát xá xíu viền màu đỏ hồng thái mỏng thơm mùi ngũ vị hương hoặc thịt gà xé nhỏ, điểm thêm lá xà lách, hẹ, giá sống.

Sau cùng là chan một ít nước tương (đã pha chế - bí quyết của sự đậm đà là ở đây chăng?), một muỗng nhỏ mỡ nước kèm tóp mỡ chiên giòn được rưới lên trên làm cho sợi mỳ có độ bóng mịn ngon mắt. Mỳ ở đây là mỳ tươi, được làm thành từng vắt, những vắt mỳ sợi lớn và vắt mỳ sợi nhỏ có màu vàng hơi ngả sang vàng mơ được phủ một lớp bột mỳ trắng tinh. Người Hoa ở Chợ Lớn luôn giữ bí quyết của nghề thủ công làm ra từng vắt mỳ, có độ dai giòn và thơm ngon khác biệt so với mỳ tươi bán cùng với bún, bánh phở, bánh canh ở các chợ người Việt.

Ở một thành phố có bề dày năm tháng và có lịch sử phát triển chung đến từ các dân tộc bản sắc vùng miền khác nhau như Sài Gòn thì mới có được nền ẩm thực phong phú và đa dạng, ấy thế nhưng đôi khi hồn vía cũ lưu giữ ở những gia đình cả đời chỉ bán một món ăn duy nhất. Cô chủ quán năm nào tay thoăn thoắt trụng mỳ, xếp thịt, chan nước lèo nay đã thành lão bà bà có gương mặt phúc hậu và mái tóc bạc phơ được cắt ngắn, kẹp gọn một bên mái - kiểu tóc phổ biến từ ngày xưa của phụ nữ gốc Hoa.
 
Mỳ bò viên và cà phê sữa đá
Mỳ bò viên và cà phê sữa đá Ma Cao

Còn cậu nhỏ ngày xưa đảm nhận việc ghi món chạy bàn là con trai của cô, áng chừng nhỏ hơn tôi vài tuổi nay đã là chủ quán. Vẫn xởi lởi phục vụ chu đáo dù quán có đông khách đến đâu, như bao nhiêu năm nay, và như phong cách bán hàng của người Hoa.

Mà thực ra thì những hàng quán như vậy rất phổ biến ở Sài Gòn. Ngay trong khu trung tâm Quận 1, trên đường Mạc Thị Bưởi sầm uất cũng có một xe mỳ Tàu chính hiệu mấy chục năm nay với kiểu cách bán hàng truyền thống, không mấy thay đổi theo thời gian. Có lẽ cách kinh doanh buôn bán gia đình của người Hoa mới thật sự đúng nghĩa cha truyền con nối, dù chẳng hề ghi chữ GIA TRUYỀN trên bảng hiệu.

Tuy nhiên, kể cả khi mỳ nấu y chang công thức cũ, vẫn là cái xe mỳ đóng bằng gỗ, trang trí bằng tranh kiếng màu vẽ cảnh tuồng tích cổ thì hương vị tô mỳ bạn ăn ngày nhỏ đã chẳng thể nào tìm lại được. Bởi thịt heo làm xá xíu đã khác đi, con tôm để làm há cảo cho món mỳ hoành thánh đã khác đi, cọng giá cọng hành cọng hẹ đã khác đi, gạo để làm ra những sợi bún gạo cũng đã khác đi, và bếp ga đã thay cho than để giữ cho nồi nước dùng lúc nào cũng sôi liu riu.

Từ mỳ, tôi nhớ qua đủ thứ! Nhớ những người bạn gốc Hoa học cùng lớp cùng trường Lê Hồng Phong của tôi. Bạn đi học nói tiếng Việt nhưng về nhà vẫn nói và đọc viết được tiếng Hoa. Điều mà sau này khi tôi đã từng sống ở nước ngoài và bạn bè tôi có con cái sinh trưởng ở nước ngoài, mới biết đó là cả một cố gắng lớn của phụ huynh, của gia đình.
 
Khu phố cổ Ma Cao gợi nhớ nhiều ký ức
Khu phố cổ Ma Cao gợi nhớ nhiều ký ức

Nhớ con đường đi học buổi sáng ngang qua những tiệm nước của người Hoa bán cà phê vợt và hồng trà, thoảng hương cà phê hạt rang xay. Chú họ tôi từng có một tiệm nước như vậy ở một góc nhỏ chợ An Đông, là của gia truyền từ đằng vợ, chủ yếu bán cho khách quen là tiểu thương trong chợ suốt mấy chục năm.

Giờ gia đình chú định cư ở Mỹ, giờ tôi cũng quen uống cà phê đen pha phin mỗi buổi sáng ngồi lề đường Lý Tử Trọng ở quán Vy, nhưng đôi khi lại tha thẩn nhớ cái ca inox đựng cà phê pha vợt sớt ra những cái ly thủy tinh nhỏ xíu ở tiệm của chú thím, nhớ ly cà phê sữa đá trước hết phải đánh cà phê (vợt) cho sủi bông lên trong ly rồi mới chế sữa đặc Ông Thọ vào, vị ngọt đậm còn vương trong họng khá lâu sau khi uống. Và tôi đã thích thú biết bao khi thấy ở một nơi xa Chợ Lớn, trong quán mỳ có cả cà phê sữa đá vẫn với cách pha chế truyền thống này.

Nhớ con đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục sực nức mùi thuốc Bắc. Những cửa hàng bên ngoài chất chồng những bao thuốc phơi khô, kệ thuốc Đông y toát lên vẻ đẹp cũ kỹ của thời gian, trên quầy bày những lọ thủy tinh đựng dược thảo. Ngày ấy cô trò trên đường đi học về thỉnh thoảng lại ghé mua chanh cam thảo tại một tiệm thuốc Bắc trên đường Trần Hưng Đạo B, có phong vị rất khác so với ô mai khế, ô mai mơ bán trên phố Hàng Đường, hay ở quán chè chén của một bà cụ có bán kèm mấy lọ ô mai gần hiệu sách Ba Đình trên phố Quán Thánh, Hà Nội.

Nhớ những giọng ca gốc Hoa như Chung Tử Lưu, Thu Hà, và ở hải ngoại là Kim Anh với những bản nhạc Hoa hay âm hưởng Hoa lời Việt như “Mùa thu lá bay”, “Ảo mộng tình yêu” (Love can make your heart go crazy)…

Có rất nhiều hình bóng đẹp đẽ của ký ức mà ngày nay đã mai một đi, khó lòng tìm thấy lại. Khiến tôi nửa muốn viết như một sự chia sẻ, nửa muốn giữ lại cho riêng mình. E rằng bạn lại bảo sao bài viết nào tôi cũng ca câu “Bao giờ cho đến ngày xưa”… Nhưng cũng có một quy luật của thời gian là cùng với tuổi tác, người ta ngày càng có xu hướng hoài niệm, hay thích ôn lại những kỷ niệm về gia đình và bè bạn một thuở ấu thơ. Đôi khi “lũ kỷ niệm trước sau” ùa về chỉ qua một hình ảnh thân quen tình cờ bắt gặp.

Và cũng đôi khi ước giá như có thể nhấn phím F5 để làm tươi mới và gom lại đủ những mảnh ký ức một thời ta đã trải qua, là thế!

Ghi chú:

(*) Ma Cao được chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc năm 1999, nhưng vẫn được duy trì quyền tự trị 50 năm sau ngày chuyển giao với hệ thống riêng trên các lĩnh vực luật pháp, lực lượng cảnh sát, tiền tệ, hải quan, nhập cư...

(**) Người Bồ Đào Nha đã ghi dấu ấn ở Ma Cao từ rất sớm, thời nhà Minh giữa thế kỷ 16.

Bài và ảnh: Vương Minh Thu, từ TP. HCM


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn