BÀI HỌC NHỎ Ở HÀ LAN

Thứ sáu - 22/05/2015 19:53

(NCTG) “Trong đời sẽ có những lúc bạn muốn rất nhiều thứ mà không thể chọn hết được. Phải biết buông bỏ những thứ không cần thiết ở thời điểm đó”.

Công viên Laan Van Presikkaaf trên đường từ nhà đến trường ở Arnhem (năm 2004)

Công viên Laan Van Presikkaaf trên đường từ nhà đến trường ở Arnhem (năm 2004)

Hồi học ở trường Arnhem Business School, Hà Lan, có một bài giảng khiến tôi nhớ mãi.

Đề bài mà thầy giáo ra như sau:

Hãy tưởng tượng bạn đang trên một con tàu sắp đắm. Bạn chỉ được mang ba trong số những thứ dưới đây và xếp theo thứ tự ưu tiên để mang xuống xuồng cứu sinh:

- Xúc xích

- Bánh mỳ

- Lương khô

- Một thùng nhỏ rượu Rum

- Dây thừng

- Gương

- Lược

- Áo khoác

- Áo phao

- Giấy bút

- Nước ngọt

- Dao

- Bàn chải đánh răng

- Bánh quy

- Bật lửa


Cả lớp được chia thành ba nhóm thảo luận. Sau 15 phút cãi nhau hăng tiết vịt, mỗi nhóm cử đại diện của mình lên phát biểu và lý giải nguyên nhân vì sao mình chọn thứ tự ưu tiên như vậy.

Nhóm 1 cử Mao, người Trung Quốc. Mao hùng hồn tuyên bố sẽ mang theo áo phao đầu tiên, rồi đến xúc xích và rượu Rum. Cậu lý giải rằng phải ăn uống mới sống được, ít ra là dăm ba ngày trước khi có người đến cứu.

Những bạn khác tranh luận: cũng mang đồ ăn uống, sao cậu không mang bánh mỳ cho nhẹ? Uống tại sao không chọn nước mà chọn rượu Rum?

Mao nói: ăn xúc xích có chất hơn bánh mỳ chứ. Với lại bánh mỳ mà rơi uống nước thì nhũn ra còn ăn làm sao. Rượu Rum thì giúp làm cho cơ thể ấm hơn. Nếu bị rơi xuống nước chắc sẽ rất lạnh.

Những lập luận của cậu có vẻ có lý.

Mình trong nhóm 2 được cử lên tranh luận. Nhóm mình chọn áo phao số 1, lương khô số 2 và nước ngọt thứ 3. Mình cho rằng lương khô thì hợp lý hơn xúc xích vì lương khô có thể để lâu và ăn dè được. Mình chọn nước thay cho rượu Rum vì…nhóm mình nhiều con gái, nhiều bạn không biết uống rượu Rum.

Cả lớp cười rần rần.

Nhóm thứ ba không cử ai ra làm đại diện được vì tranh luận quá căng thẳng, không có đồng thuận. Có bạn nói sẽ mang rượu Rum nếu nó là chai, mang theo giấy bút để còn viết thư cầu cứu rồi tống vào chai. Các bạn khác trong nhóm không chịu, đòi phải mang đồ ăn trước, vv…

Nhóm này cãi nhau ác quá và có dấu hiệu “bạo lực leo thang” nên sau một hồi thầy phải can ngăn.

Các bạn thân mến!

Chúng ta hãy tạm dừng tranh luận ở đây và cùng phân tích sự hợp lý và bất hợp lý của từng ý kiến. Rất khó để có thể đưa ra một quyết định đúng cho tất cả mọi người vì nhu cầu của mỗi người mỗi khác. Theo tôi, đứng trước có rất nhiều lựa chọn ngổn ngang như vậy, chúng ta cần phải xác định rõ mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chúng ta là gì.

Trong trường hợp đắm tàu, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải duy trì sự sống. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ chọn đồ ăn, thức uống đầu tiên. Mao rất đúng khi nói trước hết chúng ta phải cứu bản thân mình, ít nhất là vài ba ngày trước khi có người đến cứu.

Nhưng bước tiếp theo là gì? Liệu ai trong số chúng ta nghĩ tới? Có bạn có ý tưởng với cái chai và tờ giấy. Tôi nghĩ đó cũng không phải là giải pháp tồi. Đúng là trong trường hợp này chúng ta phải chờ đợi người khác đến cứu. Nhưng chúng ta phải làm thế nào để người khác biết mà đến cứu? Liệu có những thứ nào trong số này có thể giúp được?
”.

Một bạn nữ có ý kiến: “Em nghĩ đó là cái gương ạ”.

Cả lớp cười ha hả: “Trời ơi, mẹ ơi, chết đến nơi còn soi gương chi nữa”.

Bạn ấy nói: “Chiếc gương còn có thể phản chiếu khi mặt trời chiếu vào để làm dấu hiệu cầu cứu”.

Lúc này thì cả lớp mới ồ lên và gật gù công nhận. Thật giáo nói hãy dành tặng bạn một tràng pháo tay vì chúng ta đã được cứu khỏi vụ đắm tàu.

Rồi thầy kết luận: “Trong lúc mọi thứ rối bời, chúng ta vẫn cần phải suy nghĩ để đưa nó về logic. Trong đời sẽ có những lúc bạn muốn rất nhiều thứ mà không thể chọn hết được. Phải biết buông bỏ những thứ không cần thiết ở thời điểm đó”.

Nhưng thưa thầy, làm thế nào chúng ta biết được đó là điều quan trọng với mình ở thời điểm đó hay không? Có những thứ chúng ta nhầm tưởng là rất quan trọng lúc đó nhưng rồi lại hóa ra không phải. Nhất là trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vụ đắm tàu chẳng hạn. Nếu là em trong tình huống đó thật thì có lẽ cứ thứ gì gần nhất thì em vơ vội chứ còn nghĩ gì nữa” - mình băn khoăn.

Cả lớp lại cười ầm ầm. Thầy vẫn rất bình tĩnh: “Bạn nói đúng. Đây chỉ là ví dụ cho môn “quản trị”, trong trường hợp bạn được phép lựa chọn và có thể suy nghĩ. Dù sao, chúng ta cũng nên tập cho mình thói quen suy nghĩ logic và biết đặt những thứ cần ưu tiên lên hàng đầu. Trong trường hợp phải suy nghĩ, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm được giải pháp hơn.

Bước tiếp theo là ngoài ưu tiên này, chúng ta cũng cần phải xác định được phương hướng cho mục tiêu tiếp sau đó, phải có cái nhìn xa hơn một chút so với hiện tại
”.

Đã hơn mười năm kể từ ngày tôi học được điều đó nhưng tôi mới chỉ thực hiện được một nửa bài học. Những lúc quá rối bời, tôi luôn tự hỏi bản thân mình thực sự muốn gì, mình đã, đang và sẽ làm gì để thực hiện điều đó. Những thứ khác, có tiếc đến mấy cũng tạm thời buông bỏ và quên đi.

Và bài học nhỏ ngày nào khiến tôi thực sự thấy vô cùng hạnh phúc vì luôn tìm được giải pháp cho cuộc sống bề bộn của mình. Phần xác định mục tiêu tiếp theo, có lẽ phải mất thêm mười năm nữa để rèn luyện mất!
 
Nhớ Hà Lan, một ngày cuối tháng 5-2015

Bài và ảnh: Hoài Vũ, từ Burgshwalbach (CHLB Ðức)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn