VĂN HÓA NHÀ MỒ

Thứ bảy - 16/05/2015 04:48

(NCTG) Chỉ nghe cái tên thôi cũng đã khiến du khách gợi trí tò mò. Hiện lên trong đầu một hình dung tòa nhà nguy nga, bên trong chứa nhưng quan tài đá lạnh lẽo, âm u kiểu Ai Cập.

Nhà mồ Tây Nguyên

Nhà mồ Tây Nguyên

Nhưng đến nơi, mọi thứ khác hẳn. Một khuôn viên tường bao quanh, bên trong nhấp nhô dăm chục ngôi mộ xây kiểu mái nhà có kiến trúc đa dạng và màu sắc phong phú. Nhà cũ ắt hẳn cũng vài trăm năm dãi dầu sương gió, nhà mới ắt hẳn cũng hàng chục năm mà vẫn tươi nét sơn. Những chú voi được vẽ trên đa phần các ngôi mộ gợi nhớ tới chiến tích lẫy lừng của những xác người nằm dưới mồ. Những chú chim châu đầu vào nhau canh trước mộ như nhắn nhủ hậu thế một thời bay bổng tự do của những sải tay cuồn cuộn bắp vùng Tây nguyên.

“Xác người”, phải, cách gọi thật dung tục và không gợi lòng tôn kính người đã khuất. Nhưng ở đây, tại vùng đất bazan đỏ quạnh này, người ta không quan niệm nghĩa trang là nơi ẩn chứa các linh hồn đã khuất, không ẩn chứa ma trơi dập dờn trêu ghẹo trần gian. Sau một thời gian người chết được con cháu người thân tưởng nhớ, kết thúc bằng mâm cơm tạ ơn buôn làng, linh hồn được cho là đã đầu thai lại nơi dương thế, chỉ để lại thân xác rỗng trong ngôi nhà mồ. Vì thế nó được phép bị lãng quên, nó được phép không bị quan tâm tới.
 
02

Chắc cũng phải giải thích kỹ hơn một chút về tập tục này để độc giả có thể hiểu về văn hóa nhà mồ. Khi đồng bào người Tây Nguyên mất đi, họ sẽ được người thân dựng cho một ngôi nhà nhỏ, đúng nghĩa đen của nó. Ngôi nhà được trang trí tùy vào hoàn cảnh và chiến tích của người nằm xuống. Nơi chúng tôi đặt chân tới là khu nhà mồ của các anh hùng săn voi. Vì thế, ngôi nào cũng khang trang và tráng lệ. Trong khoảng vài năm đầu, người chết được coi là vẫn còn linh hồn trong thân xác đó. Ngày lại ngày, họ vẫn được người thân cho ăn từng bữa.

Tùy vào gia cảnh và điều kiện phát triển kinh tế của từng gia đình, mà người chết được làm lễ giải phóng linh hồn sớm hay muộn. Những mâm cơm thịnh soạn sẽ được bày ra mời cả buôn làng, già trẻ gái trai tới thụ lễ. Để có được cái lễ đó, người ta hiểu linh hồn người chết đã phù hộ để cho con cháu người thân làm ăn phát tài trong mấy năm. Và với lễ đó, linh hồn được giải thoát khỏi thân xác khô cằn, đầu thai lại nơi trần thế. Cũng khi ấy, nhà mồ trở thành nơi xa lạ với người còn sống, trở thành nơi bị lãng quên không một bàn tay thăm viếng, mặc cho thiên nhiên tàn phá.
 
03

Không hiểu vì tinh thần khoáng đạt của đồng bào, hay vì tâm lý con người luôn bị thay đổi do tác động của ngoại cảnh, mà mọi e dè khi bước chân vào đây biến mất. Đám du khách kẻ sôi nổi chỉ trỏ bàn tán, kẻ chòng chọc soi từng ngôi mộ, kẻ vu vơ ngắm khuôn viên nhà mồ. Chiều Tây Nguyên nắng chang chang, khuôn viên nhà mồ vẫn bao trùm một không khí thanh bình đầy sức sống. Đâu đó quanh đây như văng vẳng tiếng cồng chiêng ngày hội, hay tiếng cây cối rào rào theo bước chân đoàn săn voi.

Ngẫm mới thấy, cảm giác bi lụy hay sợ hãi đều do quan niệm nhân sinh của mỗi cộng đồng tạo ra mà thôi. Nếu ta nghĩ người chết luôn có linh hồn lẩn quất quanh mình, ắt hẳn sẽ có cảm giác gai người khi đi qua nghĩa địa. Nếu ta nghĩ, linh hồn họ đã đầu thai đâu đó thành những khuôn mặt với hỉ nộ ái ố quanh ta, thì nhà mồ cũng chỉ là một khuôn viên bình thường mà trẻ nhỏ có thể nhảy chân sáo chơi đùa.

Vẩn vơ nghĩ: “Không biết có khi nào có ai đó coi việc nuôi người chết ăn hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên là lạc hậu và đáng bỏ đi không?”. Bật cười vì thói áp đặt của người đời, tự thấy mình thật may vì được đặt chân tới nơi đây, được cảm nhận một nét văn hóa mới, một nhân sinh quan mới.

Bài và ảnh: Mai Lê - Sáng tháng Năm Tím Đỏ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn