Ghi chép của Lê Minh Hà: MỘT BỘ PHIM TUYÊN TRUYỀN CHO TÍNH NGƯỜI

Thứ sáu - 26/08/2011 20:57

(NCTG) “Nhân vật Thùy trong cuốn nhật ký và trong phim đẹp một cách thống nhất (…). Chiến tranh không dát mỏng được Thùy thành một phiên bản vô tính. Chiến tranh chỉ càng làm cho người con gái đó lớn lao hơn trong khát vọng sống cuộc sống của con người, xứng đáng với con người theo cách hiểu nhân văn nhất” – nhà văn Lê Minh Hà xem “Ðừng đốt” ở Berlin.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Minh Hương, người thủ vai Thùy trong bộ phim


Berlin phải hôm rồ lên, nóng. Mình cũng rồ, đi xem “Đừng đốt”. Phải tự nói thế là vì lâu nay người ta vẫn truyền nhau cái câu “Ngồi buồn vạch cúc xem trym – Còn hơn vào rạp xem phim nước mình”. Câu này ông Nguyễn Quang Lập bảo mình đã khá lâu nhân vụ mình thú thực không thể xem được “Gió qua miền tối sáng” mà ông ấy là đồng tác giả kịch bản. Trước khi đưa ra lời chỉ bảo trên, bọ ấy còn khà khà cười sung sướng vì nỗi mình ngu, không trong trường lây lan của HIV lại đi xem cái của vận động phòng chống nó.

Thế nên thú thật là sau cái thời mê man với những phim đỏ nhiều tông, kể ngược tới “Chị Tư Hậu”, kể xuôi tới “Em còn nhớ hay em đã quên” (phim này phải tìm xem vì học trò đến loa từ cửa loa vào là cô có xem không, Lê Công Tuấn Anh  giống chú, tức là trung niên mặt sạm nhà mình), mình tự cho phép vẫy chào các thể loại mì ăn liền, giã sử, cổ trang, với các cô Diễm My - Diễm Hương và vân vân. Phim truyền hình bây giờ mình càng mù tịt vì nhà không có VTV4. Túm lại là mình thông thạo tình hình điện ảnh nước nhà chủ yếu qua báo chí.

Nhưng mà nhất định phải đi xem “Đừng đốt”. Vì các lý do sau:

Một. Nhìn thấy bản thảo Nhật ký Đặng Thùy Trâm từ lúc còn nằm ở NXB Hội Nhà văn, do ông Vương Trí Nhàn mang ra khoe với tiên đoán là tương lai phát hành sẽ rực rỡ vì sẽ tạo ra hiệu ứng đám đông học tập làm theo. (Đúng - người gõ máy bình).

Hai. Bọn mình biết gia đình chị Thùy, rất ấn tượng về phong thái của cả nhà. (Nhà này con gái đều mang tên mẹ là Trâm nên chỉ gọi nhau bằng tên đệm.)

Ba. Thắc mắc chính: cớ gì mà cái ông đạo diễn chuyên ngược nước lại (lần này, có vẻ) nước chảy theo dòng. Thắc mắc phụ: ông sẽ nói gì khi đồng hành cùng đám đông? Không lẽ cũng định bằng ngôn ngữ điện ảnh bảo mình và mọi người sống chiến đấu theo gương Đặng Thùy Trâm.

Thắc mắc, là bởi vì khi mình với trung niên mặt sạm ngồi nói chuyện với chị Kim (em chị Thùy) sau khi đã nghiền ngẫm cuốn nhật ký có một tiểu sử hết sức đặc biệt này, mấy chị em bùi ngùi chán rồi hỏi nhau nếu chị Thùy không hy sinh thì bây giờ chị ấy sẽ thế nào. Chị nghĩ chị Thùy sẽ không còn nghĩ thế. Chị Kim nhỏ nhẹ. Bọn mình thì cho rằng chị Thùy sẽ phẫn nộ. Vì. (Ai đọc tới đây tự điền…). Vì chị Thùy là người có học, không chỉ căn cứ vào thời gian cắp sách của chị, mình muốn nói tới tinh thần cực kỳ trí thức của cả nhà chị. Những người như họ, thiết tha với lý tưởng đến mấy vẫn ít khi để mất năng lực hoài nghi - phẩm chất chỉ tri thức mới đem lại được

Tự nghĩ trước rằng “Đừng đốt” có thể sẽ minh họa lại các sự kiện trong cuốn nhật ký nhằm tôn vinh một người anh hùng suýt nữa vô danh là Đặng Thùy Trâm, qua đó tôn tạo lại vị trí lịch sử của cả một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì chắc cũng chả có gì là ngu ngốc quá, nếu đảo mắt lại hệ thống phim XHCN một thời và mặt bằng phim ảnh hiện giờ. Chứ gì nữa, dù sao cũng trong guồng phim chiến trận mang tính chính thống và như thế ít nhất cũng giúp người xem cân bằng lại trước chân ngắn chân dài cởi mở từng xen-ti-mét của vô số phim thời này. Nhưng nếu nghĩ thế thì đúng là chấp trước, và chắc chắn sẽ làm khổ đạo diễn bằng các cách (kể sau).

Nhưng kể cả không đến nỗi khờ khạo quá mà nghĩ thế thì chắc sẽ thất vọng lập tức khi xem “Đừng đốt”. Là bởi vì “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” chẳng chứa đựng sự kiện gì đáng kể thời chiến tranh. Ừ thì bị vây, bị càn, bị đói, rồi bị chết. Ừ thì bị lãnh đạo bỏ rơi. Khốc liệt và tổn thất, khủng khiếp, nhưng cũng là chuyện thường thời đang chiến. Dựng cảnh chiến tranh khốc liệt và tổn thất bằng kỹ thuật điện ảnh dựa trên ngân khoản khổng lồ, e điện ảnh Việt Nam còn lâu lắm lắm mới đạt tầm trung của điện ảnh thế giới.

Tất cả mọi khả năng tiếp cận lại cuốn nhật ký từ góc độ điện ảnh mà mình có thể nghĩ ra trước Đặng Nhật Minh đều không sử dụng. (Đáng tiếc, vì chúng ta không có tố chất để làm phim). Tính điện ảnh của cuốn nhật ký nằm không phải ở ngay trong nó, mà là ở hành trình nó trở lại với đời sống bình thường. Từ trong rừng - về thành phố - xuất ngoại - nhập nội. Đằng đẵng hơn 30 năm, hơn cả thời gian kể từ lúc chiến tranh kết thúc.

Không phải chỉ một Đặng Nhật Minh viết kịch bản dựa theo cuốn nhật ký đặc biệt này. Chúng ta không biết các tác giả khác tiếp cận và lý giải nó theo hướng nào. Nhưng chỉ kịch bản của họ Đặng được chấp thuận và được nhà nước tài trợ làm phim.

Và như thế, chúng ta có “Đừng đốt”.

Với không phải một nhân vật chính là Đặng Thùy Trâm

Bộ phim có ba nhân vật chính: người viết cuốn nhật ký (chị Thùy); người nhặt được và nhận ra trong đó có lửa (anh thông dịch cho quân lực Mỹ tên Huân); người làm theo lời khuyến cáo “đừng đốt” của Huân và mang nó về Mỹ, để nó ám ảnh mình: Fred.

Cả ba không có quan hệ trực tiếp với nhau vì là người của hai chiến tuyến nhưng gặp nhau trong tính người, bộc lộ thông qua sự vận động nội tâm, có khi bị đẩy thành bi kịch.

Trở đi trở lại trong bộ phim là hoài nhớ về những ngày bình an tạm thời bên người thân và bè bạn của Thùy. Đời thường hiện trở lại qua các trường đoạn giống như là biểu tượng về hạnh phúc của nhân vật chính, giữa những ngày chết còn dễ hơn ăn một bữa cơm. Nhân vật Thùy trong cuốn nhật ký và trong phim đẹp một cách thống nhất, cao hơn lòng can đảm, ý thức về nghĩa vụ nghề nghiệp, nghĩa vụ của người lính, sức chiu đựng phi thường… là khát khao cháy bỏng và thầm lặng về hạnh phúc, rất đời thường, rất giản dị, bảo là vụn vặt thì cũng được: ngủ trong chăn ấm ngày đông. Chiến tranh không dát mỏng được Thùy thành một phiên bản vô tính. Chiến tranh chỉ càng làm cho người con gái đó lớn lao hơn trong khát vọng sống cuộc sống của con người, xứng đáng với con người theo cách hiểu nhân văn nhất.

Hiếu và Fred cũng không phải là phiên bản vô tính của chiến tranh. Họ không trải bi kịch thất tình của Thùy (bi kịch rất thường của nhiều người một thời quen tuyệt đối hóa vài ba giá trị). Nhưng họ phải đi qua quá trình nhận thức lại về đối phương, cũng là nhận thức lại mình. Nếu thừa nhận điều này thì phải nói là ông đạo diễn này giỏi quá khi chọn diễn viên, đặc biệt là vai người thông dịch. Có thể nói chưa từng có nhân vật “ngụy” nào đẹp thế, người thế trong nền điện ảnh Việt Nam XHCN.

Thủ pháp đồng hiện nhiều chiều cả không gian và thời gian của bộ phim làm diện mạo của từng vai sắc nét hơn, đặc biệt đáng nói là Fred. Nếu khắt khe thì có thể chỉ ra vai Đặng Thùy Trâm hiện lên chỉ như minh họa lại những gì chị viết, và khuôn mặt nhân vật có cái trong sáng, chân thành nhưng vẫn nhiều phần bụ bẫm quá ngay trong gian nguy. Nhưng, mình đã nói ở trên rồi: bộ phim không đưa lại cảm giác đạo diễn làm phim cốt tôn vinh một con người cụ thể.

Xác định các vai chính không trong tư thế đối đầu, cho từng vai day dứt với chính mình khi từng ngày vẫn phải lăn mình vào vòng lửa đạn, Đặng Nhật Minh trở lại với chính ông qua hàng loạt phim trước đó. Cái lôi cuốn ông không hẳn là nhân tình. Mà là nhân tính. Trong nghĩa đó, vòng bánh xe đạp quay, quay, chậm dần, ngưng hẳn vừa là báo hiệu sự sống đang thoát ra, lịm dần, tắt, trong Thùy, vừa là sự làm ngưng tụ khát khao con người hướng tới. Là hạnh phúc sống trong vắt và thanh thản, hạnh phúc được làm người bình thường trong một đời sống bình thường.

“Đừng đốt” như thế phải được cảm như là cách Đặng Nhật Minh hiểu về cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm cùng những sự vụ đi kèm nó. Dựng lại hành trình đưa cuốn nhật ký trở lại với gia đình người đã khuất với bao nhiêu khổ ải nội tâm và khó khăn do không gian thời gian đưa lại, Đặng Nhật Minh đã cho thấy một cách nhìn mới ít nhất là ở Việt Nam về con người một thời bom đạn.

Bộ phim với những cảnh khói lửa không gây cảm giác giả tạo đã là một thành công của phim Việt về đề tài chiến tranh, rất đáng nói nếu biết khi quay đoàn làm phim còn sống trong sợ hãi trực thăng đầm già có thể rơi, vì già cũ quá. Nhưng kỹ thuật của mọi lĩnh vực nghệ thuật vẫn chỉ là phương tiện. Cách kể của Đặng Nhật Minh trong phim “Đừng đốt” cho thấy một cách nhìn không vừa không sơ lược hóa vừa không xơ mướp hoá về cuộc chiến vừa qua trên đất nước ta.

Chiến tranh đã qua đi, nhà thơ Nguyễn Duy từng chua xót nhắc lại điều bao nhiêu người Lớn ở thế gian này đã nói “bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Nhưng con người sống sót được trong chiến tranh và thời hậu chiến còn vì bên nào cũng có con người. Hiểu theo nghĩa này, mình nghĩ về chiến tranh Việt Nam, văn chương chính thống suốt mấy chục năm qua chỉ có một “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, và bây giờ, thêm: điện ảnh Việt Nam có “Đừng đốt”. Bộ phim được dàn dựng nhờ ngân sách nhà nước. Thế nên bảo là phim tuyên truyền cũng được đi. Tuyên truyền cho tính người. Cực chuẩn. Liệu người ta có thích thế không nhỉ?

Cái hôm chiếu phim này ở Berlin ấy, đông lắm. Lại nghiêm túc. Không có kiểu ầm ĩ của các buổi ca múa nhạc. Những giọt nước mắt của người xem hết sức thật lòng. Cả những kỳ vọng ngoài phim cũng hết sức thật lòng. Ví dụ: mời đạo diễn sang Đức ở một thời gian làm phim về cộng đồng người Việt tại Đức. Một phong trào phấn khởi hồ hởi được phát động tại chỗ: mỗi người Việt ở đây cùng viết nhật ký gửi cho đạo diễn, để ông lấy làm tư liệu viết kịch bàn, làm phim. Lúc đó sao mà tôi thương ông. Giả dụ mỗi người có mặt ở khán phòng chỉ cần gửi cho ông nửa trang nhật ký với lời dặn đừng đốt thôi, khéo mà đạo diễn ngất vì ngạt thở bởi những nông nỗi nỗi niềm tâm tình tâm sự gửi gắm trong đó.

Nhưng nếu đạo diễn nhìn quan hệ cộng đồng Việt ở đây như là sự thu nhỏ lại một quan hệ cơ bản của dân tộc mình, kéo dài dù chiến tranh Mỹ Việt đã kết thúc từ hơn ba mươi năm trước (điều không từng thấy ở mọi cộng đồng người Việt khác trên thế giới), thì biết đâu ông lại có hứng làm. Một bộ phim thật khác lạ với biết đâu là chính ông.

Lê Minh Hà, từ Ðức Quốc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn