ÔNG NỘI TRONG TRÁI TIM TÔI

Chủ nhật - 27/11/2011 17:50

“Tôi rất hãnh diện vì ông nội của mình, một người ông tôi chưa bao giờ được gặp mặt nhưng lại luôn ở trong trái tim tôi” - hồi tưởng của bác sĩ Ðặng Phương Lan, cháu nội nhà khoa học, giáo sư Ðặng Văn Ngữ.


Giáo sư Ðặng Văn Ngữ (1910-1970)

Tôi sinh ra ở Hà Nội khi chiến tranh vừa kết thúc. Có lẽ tất cả những ai đã từng sống những năm 70- 80 ở miền Bắc đều nhớ đến những kỷ niệm kham khổ vì thiếu thốn đủ mọi mặt về điệu kiện sống từ thức ăn đến quần áo, điện nước… Riêng với tôi, những ký ức về tuổi thơ chẳng để lại dấu ấn vất vả nào: tôi cũng sống trong căn hộ chật hẹp cùng bố mẹ, cũng ăn nhiều lạc rang, đậu phụ với cơm, cũng bị đầy chấy trên đầu những mùa rét và rôm sẩy đầy người những tháng hè. Bọn trẻ con xung quanh tôi đứa nào cũng thế cả và đứa nào cũng vui vẻ la hét cười đùa cả ngày: vui vì hái được nhiều hoa, sướng vì bắt được con cánh cam đẹp, nhẩy lên reo hò vì tối đang lang thang ngoài hành lang khu tập thể bỗng nhiên có điện đèn bật sáng choang được vào nhà xem vô tuyến. Cũng có thể vài lần tôi nhìn thấy mẹ buồn rầu lo lắng vì chuyện gì đó, nhưng lục lọi mãi trong ký ức tôi cũng chẳng thể tìm ra được hình ảnh đúa trẻ con nào mắc bệnh trầm cảm ít nói, hay giẫy chân khóc lóc với bố mẹ vì không được mua đồ chơi hoặc bỏ không ăn vì món không hợp khẩu vị. Tôi chỉ nhớ trẻ con là cười toe toét và luôn hạnh phúc.

Khi bắt đầu đi học, các sách vỡ lòng, sách tập đọc nói nhiều đến khái niệm “ông bà”: cu Tí nghe ông kể chuyện, bé Mai giúp bà bện chổi… tôi mới sực nhớ rằng mình không có cả ông lẫn cả bà. Các bạn cùng lớp thường về quê thăm ông bà những dip Tết, hoặc mấy đứa cùng khu nhà nhiều khi đang chơi cũng phải bỏ giở bởi bố mẹ gọi lên “ông bà bảo cái gì này…”. Ông bà thời đó đối với tôi chỉ là 4 bức ảnh trên bàn thờ đặt ở một nơi trang trọng nhất trong nhà, luôn có bộ đèn cúng, mấy bát hương và mấy cái cốc chén đẹp. Bố mẹ gọi tôi ra thắp hương cúng ông bà năm một hai lần những dịp giỗ, Tết. Những dịp đó nhiều khi tôi thấy bố mẹ buồn thực sự, mắt ngần nước bảo “ông bà mất sớm quá, Lan đẻ ra chắng được biết mặt ông bà”. Tôi nhớ cứ mỗi lần giỗ ông nội là họ hàng lại đến rất đông (bố mẹ tôi không bao giờ phải thông báo “mời” ai cả, mọi người tự nhớ ngày và tự động đến). Ai cũng đứng khấn rất lâu trước bàn thờ, vẻ mặt kính cẩn, mắt hơi đỏ không biết tại khói hương hay tại nhớ lại những kỷ niệm gì. Tôi thường cảm thấy vui những dịp đấy vì cảm giác đông đúc, được thưởng thức nhiều món bánh ngon của Huế - quê ông nội bà nội tôi- và nghe lỏm được mọi người nói chuyện về những chủ đề mà không hiểu được đến một nửa vì các ông bà trẻ hay sử dụng nhiều từ ngữ y học xen lẫn tiếng Pháp vào.

Ở cấp một và cấp hai tôi học loại nhì nhằng, không đến nỗi đội sổ nhưng cũng chẳng được liệt vào hàng các em hoc sinh giỏi. Đi học hay quên đeo khăn quàng đỏ, có lần bị đuổi về nhà lấy. Công tác “kế hoạch nhỏ” thu gom giấy vụn đến phút chót phải nộp mới về nhà lôi hết những tạp chí của bố ra buộc vào đem đi. Về đến nhà đặt cặp sách xuống đã ra đường chơi với chúng bạn. Run rủi thế nào năm cấp ba tôi lại thi lọt vào trường chuyên Amsterdam, lớp Hóa. Rơi vào môi trường toàn các bạn chăm học và hoc giỏi từ bé (từ lớp dưới nhiều bạn đã học trường chuyên), tôi cũng đành theo mọi người mà chịu khó học hơn, rồi đi học thêm các thấy giỏi để luyện thi vào đại học. Thời đó, vẫn theo công thức: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa…” nên tôi đăng ký thi Y mặc dù không có chút khái niệm, hoài bão gì về ngành Y cả. Bố tôi, cô tôi, các ông bà trong họ hàng nhà tôi đều có vẻ hài lòng với sự lựa chọn đó vì lẽ như thế là tôi đã “nối nghiệp ông nội”. Trong khi đó, chính bản thân tôi còn rất mơ hồ về những điều ông nội đã làm.


Tác giả bên tượng bán thân GS. Đặng Văn Ngữ

Trong 3 môn Toán - Hóa - Sinh vật để thi vào trường Y, tôi thấy môn Sinh là chán nhất, cứ như học thuộc lòng, chẳng có những niềm vui “tự hào” khi ra được đáp số toán hoặc tìm được nguyên tố hóa. Một lần tôi được ông Lang - giáo sư gây mê đầu ngành Tôn Thất Lang mà bố tôi gọi là cậu ruột - gọi lên để “hỏi bài”. Tôi nhớ ông chỉ hỏi về những điều rât đơn giản như cấu trúc của ADN và quá trình nhân đôi của nó. Khi thấy tôi trả lời có vẻ lúng túng, ông liền xé luôn một tờ lịch to treo tường, lấy bút mầu đỏ và xanh vẽ ra mặt sau tờ lịch cấu trúc xoắn ôc của ADN, rồi hình nó chia đôi, nhân đôi... Hình vẽ rất to, rất đẹp, rất rõ ràng và quá lô-gích. Thấy tôi vui mừng ra mặt, ông Lang nói: “Hồi trước, khi ông Ngữ - ông nội Lan dạy ông học, ông Ngữ cũng vẽ hình giải thích cho ông như thế này đấy. Người nào càng giỏi thì trình bày vấn đề càng dễ hiểu, dễ nhớ”. Có lẽ đấy là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình có ông nội, được ông nội giúp đỡ và hãnh diện vì ông.

Lấn thứ hai tôi được nhờ tên ông nội khi chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi đại học. Đang ngồi học ở nhà bỗng tôi được ông Lân Dũng đến hỏi có muốn học thêm Sinh vật học cùng với con trai ông ấy không? Tôi đang lo chuyện thi đại học nên cũng gật đầu bừa, sau mới biết ông Lân Dũng trước là học trò của ông nội tôi. Ông muốn trả ơn ông tôi phần nào bằng cách dạy tôi học. Tuy những kiến thức ông Lân Dũng dạy vượt quá phạm vi thi đại học, lúc đó chưa cần đến, và quá nửa thời gian học thêm ông Dũng chỉ kể về ông nội tôi là nhà nghiên cứu khoa học thế nào, người thầy tận tụy nhiêt tình dậy sinh viên ra sao… tôi cảm thấy không chán môn sinh vật như trước. Kế đến, tôi có thêm tự tin vì thấy trình độ tiếp thu, kiến thức của mình - cháu giáo sư Đặng Văn Ngữ - cũng chẳng hề thua kém gì con trai ông Lân Dũng, cháu Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân.

Khi thi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, tôi đủ điểm cao được cử đi học tại trường Ðại học Y khoa Budapest, Hungary mang tên Semmelweis - một bác sĩ được người Hung tôn sùng như một vị thánh sống vì đã từng cứu biết bao sản phụ khi ông nhận ra rằng những con vi trùng gây bệnh mà mắt thường không thể nào nhìn thây được phải được loại bỏ bằng cách rửa tay trong nước khử trùng (trước đó các bác sĩ khám bệnh đều không rửa tay!). Thời đó, Semmelweis đã bị giới đạo giáo phản ứng kịch liệt, cho rằng đó là những tư tưởng phản lại Chúa. Sau này, khi đọc lại những ghi chép của học trò ông nội nói rằng vào nhũng năm 60, khi Viet Nam do chiến tranh phong tỏa, còn chưa tiếp cận được nhửng phát minh mới của khoa học mà ông Đặng Văn Ngữ đã dũng cảm giảng dạy cho sinh viên những kiến thức thời nay đã được chấp nhận như một chân lý như cấu trúc ADN, học thuyết di truyền Mendel... còn thời gian đó lại bị coi là “những tư tưởng xấu xa của tư bản, cần được xét lại”. Càng ngày tôi càng cảm thấy khâm phục và thương tiếc ông nội tôi hơn vì tôi biết làm anh hùng ở trận tuyến trực tiếp chống lại kẻ thù đã khó, nhưng chống lại những suy nghĩ ấu trĩ, cổ hủ lại càng khó hơn gấp vạn lần và thời đại nào cũng thế cả.

Từ năm 1991 đến năm 1997, tôi là sinh viên Việt Nam duy nhất ở trường Semmelweis. Những bạn bè lớp lớn hơn thường gọi đùa “trường Y là một cái cối xay sinh viên”. Điều đó cũng có phần đúng vì khối lượng kiến thức đòi hỏi sinh viên học thật khổng lồ. Phần lớn các sách day những bộ môn cơ bản như Sinh vật, Hóa, Giải Phẫu, Sinh lý….đều theo các sách của Đức, Anh, Pháp, Mỹ được dịch lại bằng tiếng Hung hoặc do các thầy cô dựa trên đó biên soạn lại. Thêm vào đó tiếng Hung lại là một thứ tiếng khá khó để thấm nhuần nhanh chóng. Tất cả các sinh viên chỗ ký túc xá tôi ở đều học ngày học đêm, ít có liên hoan, ít có đi dã ngoại, ít có thể thao, phong trào sinh viên rầm rộ như ở các trường khác. Tôi không phải loại “mọt sách”, không ngồi cả ngày trong thư viện học, nhưng có lẽ do biết cách dồn sức tập trung trước khi đi thi nên bao giờ tôi cũng thi được điểm cao, nhiều bạn cùng lớp phải nể nang có phần ganh tỵ. Sau 3 năm đầu học các kiến thức cơ bản, ba năm sau sinh viên phải học hết tất cả các môn lâm sàng Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Thần kinh… (còn ai sau này muốn đi chuyên sâu lại còn phải học thêm từ 4-5 năm nữa). Đến năm thứ năm, một lần đi thi Tai - Mũi - Họng, ông giáo sư đầu ngành rất thích tôi là sinh viên nước ngoài mà học tốt (cậu học trò đỡ đầu của ông ấy người Ả Rập thi môn nào cũng phải trượt hai ba lần mới qua) nên gợi ý khuyên tôi làm một đề tài nghiên cứu nho nhỏ dành cho sinh viên. Tôi đồng ý vì nghĩ chắc cũng chẳng khó hơn học thi là mấy.

Khi bắt tay vào việc tôi mới vỡ lẽ ra mình đã nhầm to: đi thi có sách sẵn, cho dù có to mấy, nặng mấy nhưng nhồi được vào đầu là xong, còn nghiên cứu, thí nghiệm, tìm ra kết quả gì đó tự mình phải tìm đọc tài liệu, tự nghĩ ra cách, tự đi xin vật liệu, tự làm, tự dọn dẹp và có thất bại cũng tự hứng chịu. Thầy hướng dẫn đề tài tuần tôi mới gặp được một lần, nghe được vài câu trong vài phút. Tôi thấy chán “nghiên cứu” quá, nghĩ chắc chữa bệnh, mổ xẻ còn hay hơn nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao” nên đành làm tiếp. Nhiều hôm tôi buộc ở lai trong phòng thí nghiệm đến tận tối, trên đường về ký túc xá vừa đói, vừa rét, tôi chợt nhớ tới ông tôi đã làm nghiên cả hàng chục năm, trong nhiều điệu kiện khó khăn vật chất gấp bội phần, áp lực nằng nề về tâm lý. Điều gì khiến ông nội vượt qua được tất cả? Niềm đam mê khoa học? Tình yêu thương con người? Ước mơ được cống hiến? Tôi thật khó tưởng tượng ra được xã hội hiện nay còn tồn tại những người hội đủ được những phẩm chất này và mới thấm hiểu rằng ông nội tôi hy sinh không những chỉ là một mất mát lớn đối với gia đinh tôi mà còn là một tổn thất lớn đối với hàng triệu người bệnh khác.

Loay hoay mãi, rút cục cuối năm tôi cũng hoàn thành xong “công trình nghiên cứu”, luận án của tôi được giải nhất trong cuộc thi sinh viên. Hôm đi bảo vệ đề tài, được Hội đồng Chấm thi khen, tôi thấy mừng thầm trong bụng nhưng bề ngoài cố làm ra vẻ thản nhiên nói: “Nghiên cứu thế này đâu có thấm thía gì, hồi trước ông nội tôi là một nhà bác học, người đầu tiên tìm ra giống nấm nhả penicillin ở vùng châu Á, chỉ sau Flemming ở châu Âu ít lâu thôi. Việt Nam vì thế đã chế tạo và sản xuất kháng sinh cả gần nửa thế kỷ rồi và ông nội tôi đã cứu sống cho cả hàng trăm nghìn người”. Mấy giáo sư sững người lại, quá ngạc nhiên khi nghe những lời nói đó từ một cô sinh viên Việt Nam bởi phần lớn người Hung chỉ biết Việt Nam có chiến tranh, đất nước kém phát triển... chứ không có thêm nhiều khái niệm gì khác.

Tôi không đi theo con đường nghiên cứu của ông nội nhưng gần chục năm học trên trường Y giúp cho tôi trân trọng, tôn kính những người làm khoa học. Bên cạnh đó tôi cũng biết được rằng trong xã hội hiện nay, không phải cứ ai học nhiều đều trở thành bác học cũng như nhiều người ít học mà vẫn sống ung dung. Chỉ có điều, con người ta cần đến kiến thức để phân biệt được đâu là những giá trị thật và giả trong cuộc sống. Tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp của ông nội tôi sẽ giúp tất cả những ai muốn hiểu ra điều đó. Tôi rất hãnh diện vì ông nội của mình, một người ông tôi chưa bao giờ được gặp mặt nhưng lại luôn ở trong trái tim tôi.

BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn