Trước thềm LHP Việt Nam lần thứ 17: ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM - LẠC QUAN HAY BI QUAN?

Thứ năm - 01/12/2011 12:02

“Tôi không bi quan mà cũng không lạc quan. Nhưng tôi hy vọng… một niềm hy vọng giống như đối với bóng đá Việt Nam cho dù chúng ta vừa vỡ mộng ở Sea Game 26” – ý kiến của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh về điện ảnh Việt Nam.

 
Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong quá trình làm phim “Đừng đốt”), một trong số ít những bộ phim được thực hiện bằng kinh phí nhà nước, nhưng có nội dung và chất lượng nghệ thuật cao


Tháng 9-2011 tại Làng văn hóa Đồng Mô, ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn có chủ trì một cuộc hội thảo để bàn về việc chấn hưng điện ảnh nước nhà. Tôi sang Budapest thăm con gái nên không có mặt trong cuộc hội thảo đó, chỉ theo dõi qua báo chí (báo giấy và báo mạng), qua những câu trả lời phỏng vấn, những lời phát biểu hùng hồn của các nhà làm phim trước ống kính truyền hình.

Nói chung giới điện ảnh tỏ ra hết sức bức xúc trước thực trạng ngành điện ảnh mà ai cũng cho là nguy kịch, bi thảm, đến đáy rồi, v.v… Vụ thất thoát 38 tỷ tại Cục Điện ảnh như một giọt nước làm tràn ly. Nhưng cũng có người cho rằng điện ảnh có gì mà phải bi quan? Bi quan là ở khu vực điện ảnh nhà nước thôi,còn phim do tư nhân sản xuất nghe đâu có phim chỉ sau hai tuần ra rạp đã thu về 40 tỷ thì sao lại bi quan? (tôi cũng hoài nghi con số này, biết đâu đây cũng là một chiêu để làm PR?)

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên thì mỗi người một ý: người đổ cho thiếu sự quan tâm của nhà nước (nhìn sang Truyền hình thấy nhà nước ưu ái hơn, được cấp nhiều tiền hơn), người thì đề nghị nhà nước cấp sổ đỏ cho Hãng Phim truyện đầu đàn ở số 4 Thụy Khuê (sổ đỏ cũng là tiền, là tài sản), người thì nói thẳng ra rằng vì đội ngũ những người làm điện ảnh bất tài v.v…

Vậy biện pháp để khắc phục tình trạng trên là gì? Đa số kêu gọi Nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến điện ảnh. Có người còn đề nghị cho điện ảnh quay lại thời bao cấp (mỗi năm nhà nước bỏ ra chừng 25 tỷ là có thể nuôi điện ảnh đàng hoàng). Có người yêu cầu nhà nước phải có chiến lược tổng thể đối với điện ảnh…

Tóm lại, nói nôm na là nhà nước phải rót thêm tiền cho điện ảnh. Sự quan tâm gì cũng thể hiện ở chỗ đó, chiến lược gì cũng thể hiện ở chỗ đó. Cũng có ý kiến ngược lại cho rằng nên xóa sổ điện ảnh nhà nước, hãy để cho tư nhân làm phim, tự điều chỉnh lấy nội dung, tự điều tiết theo cơ chế thị trường. Thậm chí có ý kiến nên bỏ hẳn kiểm duyệt: nhà nước chỉ có trách nhiệm phân loại xem phim nào cấm trẻ em dưới 17 tuổi, phim nào cấm trẻ em dưới 15 tuổi, thế thôi.

Đối với tôi, bức tranh của điện ảnh Việt Nam ngày nay đã quá rõ ràng: một khu vực điện ảnh tư nhân ngày càng lớn mạnh tạo nên một thị trường kinh doanh điện ảnh sôi động (kinh doanh trên các phim nhập ngoại không hạn chế số lượng và thời lượng chiếu, kinh doanh trên các phim sản xuất trong nước mà số lượng ngày càng tăng). Đã là kinh doanh ắt phải lấy lợi nhuận làm mục tiêu, lấy đồng tiền làm mục đích. Đồng tiền đã, đang và sẽ dẫn dắt khu vực này chẳng cần ai định hướng (mà cũng không có ai định hướng được).

Một khi đồng tiền chi phối thì đừng bàn đến tính tư tưởng. Ở đây chỉ có tính thương mại. Một đại gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã từng nói: “Chúng tôi kinh doanh là chính. Làm những phim nhảm nhí mới có lãi!”. Quả thật cái gì luật pháp không cấm thì đều được phép làm, trong luật điện ảnh không có điều khoản nào cấm làm phim nhảm nhí. Vậy nhà nước chỉ có thể quản lý khu vực này theo cách quản lý thị trường, như quản lý bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác theo đúng luật.


Cùng các thành viên Ban giám khảo LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất (đạo diễn Philippe Noyce,  Giám đốc LHP Venice Marco Mueller...)

Nhà nước giám sát để không ai trốn thuế, kiểm soát không để những sản phẩm độc hạị ảnh hưởng đến người tiêu dùng (giống như quản lý thực phẩm bầy bán ở chợ hay trong các siêu thị). Còn khu vực điện ảnh nhà nước thì sao? Nếu nhà nước muốn có những phim mà mình thấy cần thì vẫn phải bỏ ra những khoản tiền nhất định để sản xuất những phim đó. Đó là những phim giáo dục truyền thống, những phim chiếu trong những dip kỷ niêm những ngày lễ lớn của dân tộc… (chẳng nhẽ những dịp đó lại đem những phim như “Long ruồi” hay “Để mai tính”, v.v… ra chiếu?).

Vấn đề nhà nước cần suy nghĩ là hiệu quả của đồng tiền bỏ ra để làm sao có được những bộ phim có nội dung sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao (chứ không phải là những phim nhạt nhẽo làm ra cốt để “cúng cụ” cho xong rồi cất kho). Nhà nước cũng cần làm PR cho các sản phẩm của mình (cái này nhà nước nên học các nhà sản xuất phim tư nhân, phim dở mấy mà PR giỏi họ vẫn hốt bạc).

Dầu sao thì phim của nhà nước cầm chắc là lỗ vì mục đích của nhà nước làm phim không phải để kinh doanh. Nhà nước không thể bán vé xem phim đắt như ở các rap của tư nhân được vì đối tượng phục vụ của nhà nước không phải là những khan giả con cái nhà giàu mà còn đông đảo những người thu nhập thấp ở thành thị lẫn nông thôn. Nhà nước cần nói thẳng điều đó để báo chí khỏi kêu ca rằng phí tiền đóng thuế của dân. Nhà nước sẽ lấy tiền chỗ khác để bù vào, như tiền thuế thu từ việc chiếu phim nước ngoài chẳng hạn.

Tôi đã từng một lần chứng kiến công cuộc chấn hưng điện ảnh cách đây hơn 10 năm. Lần ấy nhà nước bỏ ra cho chương trình này 208,8 tỷ (xin nhớ 208 tỷ ngày đó tương đương với hơn 400 tỷ bây giờ). Cũng nhờ có số tiền đó mà các hãng phim nhà nước được trang bị thêm một số máy quay, thiết bị chiếu sáng, thu thanh, xây dựng Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, phục hồi lại được phần nào hệ thống các rạp chiếu phim nhựa (một thời bị biến thành những phòng chiếu phim video, nhà hàng v.v…), trang bị máy phóng cho màng lưới chiếu phim video ở miền núi, v.v…

Số tiền nhà nước ngày ấy bỏ ra cho điện ảnh không phải nhỏ, nhưng sự lãng phí trong điện ảnh cũng không ít. Cả một cơ ngơi in tráng, làm hậu kỳ hiện đại nằm đắp chiếu ở Trung tâm Kỹ thuật Điên ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám (nay cho công ty AVG thuê làm trụ sở) vì tất cả các phim truyện của Việt Nam bây giờ đều đem sang Bangkok làn hậu kỳ, vừa rẻ lại vừa tốt. Ba bộ máy làm kỹ xảo cực kỳ đắt tiền cũng nằm mốc meo tại ba nơi không có người sử dụng. Trường quay Cổ Loa đang xây dựng tôi e rồi cũng sẽ cùng chung số phận.

Cuộc chấn hưng điện ảnh lần ấy đã qua hơn 10 năm mà chưa hề có một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm nào. Bởi vậy lần này lại nghe nói đến hai chữ “chấn hưng” , tôi bỗng giật mình. Ngay sau hội thảo ở Đồng Mô (mà báo chí gọi là Hội nghị Diên hồng của điện ảnh), báo điện tử “Dân trí” có làm một cuộc thăm dò ý kiến độc giả. Tính đến ngày 30-9-2011 kết quả có 68% độc giả cho rằng không hy vọng gì vào những nhân tố mới, khó thay đổi bộ mặt của điện ảnh. 25% tin rằng sẽ xuất hiện những nhân tố mới vực điện ảnh đứng dậy. 7% độc giả có những ý kiến khác.

Có lẽ tôi nằm trong số 7% những người có những ý kiến khác trong cuộc thăm dò trên. Ý kiến đó là: Nếu Nhà nước muốn duy trì một khu vực điện ảnh của mình, thì việc trước tiên cần làm là phải thay đổi lại quy chế đầu tư và đặt hàng trong điện ảnh.

Quy chế hiện hành biến những người nhận đặt hàng của nhà nước (không phải những người nghệ sĩ) thành những ông chủ, coi người nghệ sĩ như những người làm công với mối quan hệ xin - cho. Quy chế hiện hành tạo ra vô số những kẽ hở để những kẻ trung gian xà xẻo, rút ruột. Nhà nước cần tôn trọng người nghệ sĩ, trả công thích đáng cho họ (để đừng hổ thẹn với khu vực tư nhân).


Về phương diện quản lý, nhà nước cần sửa đổi lại luật điện ảnh (5 năm qua cho thấy luật này có rất nhiều điều bất ổn), cần cải tiến lại chính sách thuế trong điện ảnh để vừa khuyến khích sản xuất, vừa đảm bảo nhà nước không bị thiệt thòi. Còn khu vực điện ảnh tư nhân thì hãy để nó tự phát triển và tồn tại theo nguyên tắc cái gì pháp luật không cấm thì cứ việc làm.

Nhưng nghĩ cho cùng, điều khán giả cần ở Điện ảnh Việt Nam là những bộ phim hay, bất kể của nhà nước hay tư nhân, những phim không nhảm nhí vô duyên mà cũng không khô khan nhạt nhẽo. Tôi không bi quan mà cũng không lạc quan. Nhưng tôi hy vọng… một niềm hy vọng giống như đối với bóng đá Việt Nam cho dù chúng ta vừa vỡ mộng ở Sea Game 26.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn