Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: “TÔI THÍCH TRỞ THÀNH MỘT NHÀ BÁO TỬ TẾ…”

Thứ năm - 15/12/2011 09:33

(NCTG) “Cùng với nghề văn, tôi thực sự cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm báo, gặp gỡ những văn nghệ sĩ trí thức có nhiều đóng góp với nền văn hóa nước nhà, những nghệ sĩ giỏi đến làm việc ở Việt Nam từ nhiều nước và may mắn hơn là trở thành nhà báo tử tế mang những thông tin chính xác nhất có thể đến với bạn đọc” – nhà văn, nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ với NCTG.


Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang

Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1981) là tác giả của một số tiểu thuyết (“1981”, “Nhiều cách sống”) và tập truyện ngắn (“Cho một hành trình”, “24h) được coi là đụng chạm đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống giới trẻ hiện tại. Tuy nhiên, độc giả theo dõi báo chí văn hóa có thể biết đến chị nhiều hơn qua những bài viết đăng tải trên tờ “Thể thao & Văn hóa”, nơi chị hiện là một PV, BTV.

NCTG đã có một cuộc trao đổi với Nguyễn Quỳnh Trang về công việc báo chí và mảng bài phỏng vấn, khắc họa chân dung nhân vật của chị.
 
*

* Là một nhà văn trẻ với những tác phẩm phản ánh cái nhìn (nhiều khi lạ và dị biệt) của giới trẻ với thời cuộc, xã hội và cuộc sống, nhưng chị lại được biết đến trên mặt báo “Thể thao & Văn hóa” với những bài phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng của làng văn nghệ sĩ, giải trí. Tại sao chị lại chọn phỏng vấn làm chủ đề tung hoành trên mặt báo? Con đường dẫn chị đến với báo chí như thế nào?

- Trước hết, xin được dài dòng đôi chút về cơ duyên tôi đến với báo chí và tờ “Thể thao & Văn hóa”.

Khi còn học cấp ba, một trong ít tờ báo tôi thường đọc, đó là “Thể thao & Văn hóa”. Với số lượng trang về văn hóa dày dặn hơn hẳn các tờ báo khác, cũng như sự chuyên nghiệp trong cách làm việc của phóng viên và kén chọn nhân vật xuất hiện của tờ báo đã thuyết phục tôi. Khi ấy, thật liều, tôi đã nhen nhóm ước mơ được làm ở báo.

Mặc dầu sáng tác thơ văn từ năm lên bảy tuổi, từng biết kiếm tiền bằng làm thơ đăng báo, thế nhưng khi học lớp 11 và 12, tôi đã quyết tâm ôn luyện để thi vào Học viện Báo chí, để rồi trượt thẳng cẳng vì điểm môn Năng khiếu không đạt được 5. Khi ấy tôi đã buồn nhiều. Với phương châm tự đề “sống thì làm báo, chết thì làm nhà giáo”, tôi bước chân vào giảng đường sư phạm như người… chết rồi.

Khi học Sư phạm, tôi ngừng sáng tác, ngừng nghĩ đến nghề báo, cố gắng học làm một cô giáo đến nơi đến chốn. Thế nhưng mơ ước làm báo văn hóa lại trỗi dậy, tôi vẫn gửi hồ sơ dự thi vào Học viện và Khoa báo trường Nhân văn mỗi khi mùa thi đến. Để rồi khi tốt nghiệp trường Sư phạm, tôi vào học… ngành Văn (Ðại học Tổng hợp).

Đến năm thứ ba đại học, tình cờ, tôi quen biết nhà báo Vũ Lâm của báo “Thể thao & Văn hóa”. Cái duyên đến với nghề báo của tôi bắt đầu mở ra. Thực hiện được ước mơ làm báo tại tờ báo mình yêu thích một cách tình cờ, lại được một nhà báo nổi tiếng giỏi khác trực tiếp dạy nghề, tôi trở thành một PV mang đủ đặc tính “nhà nghề” dán mác “Thể thao & Văn hóa”.

Cũng chính người thầy báo chí này dạy tôi về đạo đức làm báo: thành thực với mỗi dòng tin đưa ra, nghiêm cẩn từng câu chữ, tôn trọng nhân vật… và những điều này đã ăn sâu vào cuộc đời làm nghề của tôi.
 

Phỏng vấn một họa sĩ tại Nhà sàn Đức

Trở lại câu hỏi trên. trước khi tập trung vào mảng phỏng vấn nhân vật, tôi viết chân dung nhân vật. Điều đó hợp với tạng viết văn của tôi. Số tôi may mắn, vì khi vào nghề, đã “được giao” những nhân vật khó xơi. Tôi được tùy ý chọn nhân vật, “chỉ cần” đáp ứng đủ hai điều kiện: một là rất nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi chẳng buồn lên báo, thấy nhà báo là xua như đuổi tà. Hai là có thực tài mà chưa báo nào khai thác.

Thời gian đầu tiên, để có được một bài báo, tôi mất ít nhất 14 ngày vừa viết vừa sửa vừa gặp nhân vật để có được bài viết khách quan nhất. Tôi đã từng nản chí vì nghĩ viết truyện ngắn thì đỡ vất vả và còn… kiếm được nhiều tiền hơn. Rốt cuộc thì trời thương, vì hẳn cái mặt tôi ngơ ngơ lắm, thật thà lắm, nên các nhân vật “khó nhằn” đã chịu mở cửa nhà để tôi vào làm phiền.

Những chân dung về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Dương Tường, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà phê bình Nguyễn Quân, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, nhà phê bình Cao Việt Dũng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Trương Tân, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang, họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng, nhạc sĩ Kim Ngọc, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, họa sĩ/ nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Curator Trần Lương, họa sĩ Đức - Nhà sàn… được phác thảo.

Mặc dù là viết chân dung, nhưng tôi không quên gửi bài đến nhân vật để họ kiểm tra lại thông tin cho cẩn thận và bỏ đi những điều mà họ không muốn bị động chạm tới. Nhờ vậy, tôi có được uy tín. Thậm chí không ít người “vai vế”, vốn kiệm lời trong nghề, khi cần lên mặt báo, họ chủ động gọi điện cho tôi, tạo điều kiện cho tôi “độc quyền” khai thác.

Sau này, tôi tập trung hẳn vào mảng phỏng vấn, vì đó là lúc các nhân vật của tôi cần lên tiếng vì một lý do nào đó, hoặc họ muốn xuất hiện đúng như những gì là bản chất của họ ngoài đời, chứ không phải được vẽ vời từ cái nhìn chủ quan của nhà báo. Khá nhiều bậc đàn anh đàn chị trong nghề báo bảo tôi quá hiền khi phỏng vấn, luôn đặt lợi ích nhân vật của mình lên mà quên việc gây sốc, gây giật gân bằng các “mánh lới” nghề nghiệp.

Thế nhưng, tôi thích trở thành một nhà báo tử tế, và quyết giữ sự tử tế ấy khi làm nghề.

* Một nhà văn có lợi thế gì khi đi phỏng vấn hay không?

- Những người mà tôi phỏng vấn thì hầu hết chưa đọc truyện của tôi, thế nên tôi chẳng thuyết phục được ai với tư cách nhà văn cả. Nhưng tôi vẫn “lòe” được các anh nghệ sĩ trẻ. Khi nghe nói một nữ nhà văn phỏng vấn thì những anh chàng này thường tỏ ra tò mò, cả nể, kể cả khi họ chẳng buồn biết tôi đã viết ra cái gì.
    
* Phỏng vấn nhiều người thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau không phải là điều đơn giản, chị đã chuẩn bị thế nào cho những cuộc phỏng vấn ấy?

- Vì tôi được tự lựa chọn nhân vật phỏng vấn của mình, nên dĩ nhiên tôi sẽ chọn ai mà tôi… thích. Đó là những nhân vật mà tác phẩm của họ thuyết phục được tôi, lòng yêu nghề của họ làm tôi cảm động. Đến với nhân vật và trò chuyện với tư cách một người hâm mộ thật thà ham học hỏi, khó ai mà từ chối tôi cho được.

Ngoài ra, tôi tìm mọi thông tin về họ đã xuất hiện trên báo trước đó để tránh lặp lại câu hỏi. Từ điểm nhìn cá nhân và sự tôn trọng tác phẩm cũng như bản thân nhân vật, tôi đã có được những câu trả lời thật lòng cũng như tình quý mến. Và nhiều nhân vật đã làm việc cùng tôi, đã chủ động giới thiệu đồng nghiệp của mình. Nhờ thế, số lượng nhân vật “đặc biệt” của tôi cứ kéo dài ra mãi.

* Khi phỏng vấn, chị quan niệm rằng có cần bộc lộ cái tôi của người đi phỏng vấn hay không, hay chỉ là nhịp cầu đưa thông tin của người được phỏng vấn tới độc giả?

- Tôi nghĩ tốt nhất là cả hai. Vì nếu không có câu hỏi hay, người phỏng vấn chắc chắn sẽ nhận về câu trả lời dở. Câu hỏi khi nêu ra, cần thể hiện được khả năng làm báo, sự tìm tòi, cảm nhận cá nhân về tác phẩm hoặc cá tính nhân vật, tốt nhất đừng tỏ ra sợ hãi nhân vật mà không dám đưa ra những câu hỏi “sốc”.
 

Phỏng vấn các nhà thơ ở Sân thơ Trẻ

Tôi từng bị một nhân vật trí thức/ nghệ sĩ nổi tiếng tức giận khi tôi hỏi thẳng vào những thói xấu gây tai tiếng của ông, rốt cuộc không thể từ chối, ông vẫn trả lời, dù câu trả lời ấy đọc chỉ thấy chán vì quá giả. Tuy nhiên, tôi vẫn đăng hết cả bài phỏng vấn đó lên, bởi dù thế nào, điều đó đã bộc lộ được bản chất của ông, và qua đó, cũng đã có thể gián tiếp dựng một góc nhìn mới về con người này.

Ngoài ra, điều mà tôi luôn cẩn trọng hết sức, là đưa chính xác các câu trả lời của nhân vật lên mặt báo. Và bài phỏng vấn chắc chắn đã được nhân vật của mình duyệt tin, ký nhận trước đó.

* Chị có thể chia sẻ một số kỷ niệm mà chị coi là đáng nhớ với những tác giả, nhân vật mà chị đã phỏng vấn? Có ai giận chị sau khi bài được phát hành không?

- Chỉ có một số ít nhân vật gọi điện yêu cầu tôi gỡ bài ngay trước khi đưa vào nhà in, bởi vì lo ngại sự thật thà mà họ đã bày tỏ có thể gây bất lợi cho đời sống cá nhân hoặc đến người khác. Còn sau khi bài đã in báo, chưa ai giận tôi, làm sao họ có thể giận được khi chính họ đã cùng tôi làm lên bài báo đó với những thông tin chính xác nhất (đối với họ).

Thường sau mỗi bài phỏng vấn, tôi có thêm một người bạn hay. Tôi thậm chí còn bị say nhân vật của mình đến mờ cả mắt, bồng bềnh cả não (đúng nghĩa đen) bởi tính cách ngoài đời của họ. Ai làm tôi say, sẽ có một bài viết chân dung hoặc phỏng vấn khá phiêu. Ban biên tập tờ báo thường trêu tôi về điều này.

Cùng với nghề văn, tôi thực sự cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm báo, gặp gỡ những văn nghệ sĩ trí thức có nhiều đóng góp với nền văn hóa nước nhà, những nghệ sĩ giỏi đến làm việc ở Việt Nam từ nhiều nước và may mắn hơn là trở thành nhà báo tử tế mang những thông tin chính xác nhất có thể đến với bạn đọc.

Thực hiện: Nguyễn Hoàng Linh - Ảnh: Dino Trung


 
 Từ khóa: Nguyễn Quỳnh Trang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn