KHÓC CÒ

Chủ nhật - 08/01/2012 19:08

(NCTG) “Những chiều hanh hao, anh em mình phóng xe lang thang khắp Hà Nội, rồi lại tấp vào đâu đó cà phê đến đêm. Cái sự thông tuệ uyên bác mà lại rất duyên dáng của Cò cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng đã mang lại cho bọn em, lứa trẻ ngày ấy biết bao nhiêu thú vị trong những lần đàn đúm và một khối lượng kiến thức có thể nói là khổng lồ.”


Nhà nghiên cứu, dịch giả Chu Trung Can


Để tưởng nhớ Chu Trung Can* (1949-2012)

Thế là vĩnh viễn trên đời này mình không còn nhìn thấy nhau nữa rồi. Thế là vĩnh viễn trên đời này mình mất nhau, thế là chẳng bao giờ mình còn gặp lại nhau nữa, Cò ơi...

Trời mùa đông Berlin xám xịt, mưa rơi rả rích từ chiều qua. Cả bầu trời nặng trĩu. Để mặc những giọt mưa trên mặt cùng những giọt nước mắt mặn chát ngoằn ngoèo chảy dài... vừa đi mình vừa đau đớn nghĩ đến người bạn lớn của mình, người mà vừa mới mấy hôm còn gặp gỡ trên FB, nay đã là người thiên cổ.

Ký ức đưa mình về những ngày xưa, những ngày mới chập chững vào đời...

Em về Viện khi rất trẻ. Mới tốt nghiệp ở nước ngoài về, tràn đầy nhựa sống và hy vọng. Cò thì về đã khá lâu. Cò hơn em nhiều tuổi.

Khi ấy em hai hai và Cò ba mươi.

Từ khi nào mà bọn mình, lứa thanh niên ở Viện ngày ấy lại gọi nhau bằng Cò, Cò nhỉ? Những hoạt động thanh niên, những cuộc họp Viện, những cuộc tụ họp đàn hát... Những tháng ngày sôi nổi yêu đời, yêu người biết bao.

Bao nhiêu là kỷ niệm Cò còn nhớ không?

Những chiều hanh hao, anh em mình phóng xe lang thang khắp Hà Nội, rồi lại tấp vào đâu đó cà phê đến đêm. Cái sự thông tuệ uyên bác mà lại rất duyên dáng của Cò cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng đã mang lại cho bọn em, lứa trẻ ngày ấy biết bao nhiêu thú vị trong những lần đàn đúm và một khối lượng kiến thức có thể nói là khổng lồ.

Anh em mình đã cùng nhau qua bao những tháng ngày trẻ trung, trong sáng. Cho dù có vất vả, có khổ sở nhưng vẫn không tắt đi được niềm yêu đời, tình yêu cuộc sống.

Khi ấy em hai hai và Cò ba mươi.

Ngày ấy mình vào Sài Gòn để tu nghiệp. Một khóa gồm thanh niên ở nước ngoài mới về của Viện, Cò nhớ không? Hăng hái nhiệt tình, đam mê. Em vẫn nhớ đó chính là những tháng ngày Cò dẫn dắt em vào thế giới của tri thức. Ngày ấy Việt Nam chưa nhiều sách như bây giờ, và mình đã cùng nhau đi tìm mua sách cũ trên những vỉa hè của trung tâm Sài Gòn. Chính Cò là người giới thiệu em cái hay cái đẹp và chỉ bảo cho em chiều sâu của những tầng văn hóa đọc. Chính Cò là người giới thiệu cho em, một con bé hai hai tuổi, còn đang chập chững vào đời, những tác phẩm văn học thế giới như “Alexis Zorba”, “Câu chuyện dòng sông”, “Đôi bạn chân tình” (**), những tác phẩm của Kafka, Camus... mà vào thời điểm đó vẫn còn là sách “hạn chế”.

Nhớ đêm nào ở Sài Gòn mình đã đến ngồi một đêm uống rượu với Trịnh Công Sơn. Cò đã tự tay chép tặng em bài “Một cõi đi về” mà ngày ấy chưa được biết đến nhiều. Cái đêm ấy mãi mãi là một dấu ấn trong cuộc đời em bởi em được cùng với Cò tiếp cận với nhạc sĩ nổi tiếng, thần tượng của biết bao thế hệ Việt Nam, được hít thở cái không khí tĩnh lặng, u trầm, cao đàm luận khoát... rất Thiền ấy, Cò ạ.

Ngày sinh nhật Cò ba mươi em vẫn nhớ như nguyên. Em đến với ngườì yêu mới của em, ngồi đối diện với người yêu cũ, và trong sinh nhật Cò... Cò không nói gì, chỉ nhìn với cái nhìn rất rộng lượng của một người bạn lớn và một người trải đời. Em hiểu và cám ơn Cò về cái nhìn đấy, để không bao giờ phạm phải một lần nữa trong đời những điều tương tự. Chắc Cò chẳng biết đâu? Cũng như biết bao điều khác vậy, đúng không?

Ngày ấy Cò ba mươi và em hai hai.

Em nhớ hôm nào mình xuống nhà ông bà ngoại em chơi thì mới biết ra ông ngoại em với bác trai bên nhà là hai đồng sự thời kháng chiến chống Pháp. Hai cụ hình như thậm chí còn thân thiết với nhau nữa thì phải. Trong lòng em cũng đã từng có lần nghĩ... nhưng có lẽ mình không có duyên với nhau?

Vì cái hình thức của Cò mà em đã bị công an hộ khẩu ngày ấy theo dõi, “hỏi thăm” nhiều lần vì cho là có “quan hệ với Tây”. Nghĩ lại cái ngày mà còn bao điều ngớ ngẩn như thế ngự trị Cò nhỉ...

Biết bao nhiêu câu nói của Cò em vẫn nhớ đến bây giờ? Cò có thể không biết đâu, nhưng Cò là một trong những người bạn lớn đã ảnh hưởng đến em rất nhiều, em luôn nói với mọi người điều đó. Cò đã từng bảo em: “Em hãy sống và hành xử sao cho khi người ta tiếp xúc với em, người ta sẽ quên đi những khiếm khuyết về hình thể đi em ạ!”. Trong mỗi thành công của em trong cuộc đời em đều nghĩ đến Cò và biết ơn Cò về câu nói này.

Em nghĩ, em đã làm được điều đó và em hạnh phúc có những người bạn như Cò.

Em nghĩ, em sẽ nói với Cò điều đó khi mình gặp lại, những điều mà khi ta còn trẻ quá đã không đủ can đảm để nói, hay vì những lý do khách quan nào đó, mình đã không nói được với nhau những điều phảỉ nói... Vậy mà, muộn mất rồi Cò ơi!

Gần hai chục năm không gặp được nhau do lưu lạc, bỗng cách đây không lâu trên FB em nhìn thấy tên Cò. Không phải là một tên phổ biến nên em hỏi lại với sự chờ đợi ghê gớm. Biết đúng là Cò, em đã mừng biết bao và lòng thầm nhủ, thế là mình còn duyên với nhau. Mình sẽ gặp lại nhau, Cò bảo vậy và đưa em số điện thoại di động của mình sau khi hàn huyên chuyện trò. Cò kể qua cho em nghe cuộc đời Cò hai mươi năm qua, Cò mừng vì em rất hay gửi bài mình cho Cò, Cò bảo thế là từ giờ có cái đọc. Cò biết không, chỉ một câu nói mà Cò đã động viên em ghê gớm, cho em lòng tin... như ngày xưa. Em tự bảo mình là sẽ bất ngờ về và sẽ bất ngờ hẹn nhau ở một tiệm cà phê, như ngày xưa... Vậy mà…

Mình hết duyên với nhau rồi. Cò ơi!

Vĩnh biệt Cò, người bạn lớn của cuộc đời em!

Ghi chú (của NCTG):

(*) Nhà nghiện cứu, dịch giả Chu Trung Can tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Romania ngành Vật lý Lý thuyết. Từng công tác tại Phòng Thông tin Triết học thuộc Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Nghiên cứu các vấn đề về sự liên quan giữa triết học với khoa học tự nhiên. Dịch giả các tác phẩm “Nhập môn tư duy phức hợp” (Edgar Morin, 2009); “Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” (Thomas Kuhn, 2009); “Tri thức khách quan” (Karl Kopper, chưa xuất bản)... Ông vừa qua đời đột ngột vào chiều 8-1-2012 tại Hà Nội.

(**) Các tác phẩm của Nikos Kazantzakis và Hermann Hesse.

Hoài Thu, từ Berlin - Chiều 8-1-2012


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn