Ðạo diễn Hungary Fliegauf Benedek nhận Giải thưởng lớn của Ban Giám khảo LHP Quốc tế Berlin lần thứ 62 từ đạo diễn Iran Asghar FarhádiI - Ảnh: Britta Pedersen
Ðó là bộ phim mang tựa đề “Chỉ ngọn gió” (Csak a szél) của đạo diễn Fliegauf Bence, một tác phẩm điện ảnh hợp tác Hung - Ðức - Pháp được quay với các diễn viên nghiệp dư về đề tài kỳ thị sắc tộc, phân biệt đối xử với người Tzigane tại Hungary.
Ngoài giải lớn kể trên, “Chỉ ngọn gió” còn đoạt giải của các giám khảo độc lập thuộc Phân ban Ân xá Quốc tế tại Ðức, và Giải thưởng của tổ chức Phim vì Hòa bình, vinh danh những tác phẩm điện ảnh về đề tài vi phạm nhân quyền, chiến tranh và diệt chủng.
Khi nhận giải, đạo diễn Fliegauf Bence đã gửi lời tri ân đến những người làm công tác xã hội đã hỗ trợ đoàn làm phim, và hy vọng rằng thông qua giải thưởng này, công việc của họ sẽ được sự ủng hộ nhiều hơn nữa.
Bộ phim sâu sắc về thảm kịch người Tzigane
Các nhà làm phim “Chỉ ngọn gió” đã lấy cảm hứng từ những vụ sát hại người Tzigane tại Hungary trong hai năm 2008-2009, khiến bộ phim mang một thông điệp rõ rệt về những vấn đề xã hội đáng chú ý, một điểm bị coi là yếu của nền điện ảnh Hungary, thường chủ trương “vị nghệ thuật” ở mức độ cao.
Dài 87 phút, phim mở đầu bằng cảnh đám tang của một người bị sát hại và tiếp đến với cảnh sống nghèo khổ của những gia đình Tzigane. Ðạo diễn Fliegauf và nhà quay phim Lovasi Zoltán đã mô tả một gia đình Tzigane bằng những thước phim cận cảnh như ở thể phim tư liệu, hết sức khách quan, cô đọng và nhiều hàm ý.
Những cảnh điển hình của người Tzigane ở Hungary được đặc tả từ phút đầu tiên cho đến giữa bộ phim, như trẻ em bỏ học, người lớn nếu có công ăn việc làm - thường là việc công ích - thì cũng phải bươn chải từ sáng sớm đến tối mịt. Nhiều người rơi vào cảnh phải vay nặng lãi,
phải rời Hungary sang tị nạn ở Canada, người già đi trước, gia đình theo sau, v.v...
Khán giả chỉ được trực diện với những sự kiện thực sự vào đoạn giữa của bộ phim. Nhân vật chính, cậu bé Rio 10 tuổi trốn vào nhà của gia đình Lakatos vừa bị sát hại, và lấy đi vài đồ lặt vặt cùng một pho tượng Ðức Mẹ Mary. Và mặc dù tỏ ra đứng ngoài tất cả những hiểm họa đang rình rập, cũng như thảm họa vừa xảy ra, cậu bé bí mật xây một lô cốt để cho gia đinh lẩn trốn phòng khi hữu sự.
Tránh những mô-típ quen thuộc trong điện ảnh về sắc dân Tzigane, bộ phim chỉ cho thấy thoáng qua hình ảnh những nhân vật nam, nữ truyền thống của cộng đồng Tzigane: các chàng trai vật lộn nhau và nằm mơ sẽ có những khẩu súng, vũ khí, còn các cô gái từ thuở nhỏ đã mơ ước làm mẹ, chăm con, thích hái hoa, kết thành vòng, v.v...
Phim cũng có những cảnh tượng mang tính phê phán xã hội. Một xe buýt liên tỉnh cho xe đỗ cách bến mấy trăm mét, nơi có cô bé Tzigane đang chờ đợi để tới trường. Những cảnh sát thì tỏ ra tiếc rẻ vì các sát thủ đã nhằm vào một gia đình Tzigane chăm chỉ, chứ theo họ lẽ ra nếu hỏi họ, họ có thể chỉ những đối tượng khác - những người Tzigane bị coi là tội phạm và do đó, là tâm điểm của nhiều kẻ cực đoan và việc “trừng trị” họ thậm chí còn được một bộ phận cư dân hoan nghênh.
Những định kiến xã hội được khắc họa trong phim một cách tự nhiên như vậy. Phim có một chi tiết rất ấn tượng và bạo liệt được giới phê bình ngoại quốc để ý, đó là khi hai cảnh sát điều tra vụ sát hại một gia đình Tzigane, và một trong hai người nói: “
Vấn đề đối với bọn trẻ Tzigane này, là chúng sẽ lớn lên!”.
Báo chí Hungary cho rằng từ đầu đến cuối phim, đạo diễn Fliegauf đã khiến khán giả luôn trong bầu không khí căng thẳng, có cảm giác như sau mỗi bụi cây đều có thể là một kẻ thù tiềm ẩn, bất cứ khoảnh khắc nào súng cũng có thể nổ, những sát thủ có thể tràn đến bất cứ lúc nào, chứ không chỉ những ngọn gió, như tựa đề bộ phim...
Với nội dung sâu sắc và cách thể hiện nghệ thuật được đánh giá là “cao cường”, nhiều tờ báo Ðức cho rằng bộ phim hoàn toàn xứng đáng với giải Gấu vàng, hoặc tối thiểu là một giải thưởng cao nào đó. Các nhà phê bình điện ảnh hết sức ca ngợi bộ phim, coi nó là một tác phẩm “
thẳng thắn và không khoan nhượng, thỏa hiệp”, “
đưa ra diện mạo cho các nạn nhân của những vụ sát hại bởi lý do phân biệt chủng tộc”, “
không lý tưởng hóa và không ma quỷ hóa”.
Một nhận định khác thì cho rằng, trong phim, “
có thể nhận thấy và nắm bắt được sự căng thẳng, đây không còn là cuộc sống, mà chỉ là sự sống còn”.
Chính quyền Hungary phải “giải trình”
Như đã nói ở trên, cảm hứng của những nhà làm phim là chuỗi những cuộc tấn công bằng súng và bom xăng nhằm vào người Tzigane trong hai năm 2008-2009, khiến 6 người thiệt mạng, nhà cửa của họ bị phá hủy. Ðây là vụ trọng án đã làm xôn xao công luận Hungary, và là cơ sở để Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế
kết luận rằng chính quyền Hungary đã không xử lý một cách hiệu quả để chống lại bạo lực nhằm vào sắc dân Tzigane tại nước này.
Có lẽ đề tài phim là điều khiến chính phủ Hungary coi là “
mất thể diện”, nên họ đã có một hành động khiến báo chí Ðức sững sờ. Trong cuộc họp báo sau khi công chiếu bộ phim vào thứ Năm vừa qua, Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary đã cho rải tờ rơi bằng hai thứ tiếng Ðức và Anh, nhằm phân bua rằng câu chuyện trong phim chỉ là cách nhìn giả tưởng về những sự kiện đã xảy ra, và Chính phủ Hung đã làm rất nhiều để giúp sắc dân Tzigane hội nhập.
Các vị khách tới dự lễ trao giải tại Cung Ðiện ảnh Berlin - Ảnh: Angelika Warmuth
Ðược đặt trên tất cả các ghế trong khán phòng, tờ rơi dài 3 trang này tường thuật kỹ càng những vụ sát hại người Tzigane như đã xảy ra trong thực tế và nhận xét thêm rằng, tại các quốc gia Châu Âu khác, kể cả Ðức, cũng có những vụ án do thù ghét người nước ngoài, chẳng hạn nhằm vào người Thổ Nhĩ Kỳ.
Ðiều đáng nói là đoàn làm phim - và cả đạo diễn - hoàn toàn không hay biết gì về động thái này của chính quyền Hungary. Trả lời phỏng vấn mạng tin index.hu, Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary cho hay, sở dĩ cần làm thế vì “
bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật độc lập, không dựa trên sự thật”, khiến nhiều nhà báo nước ngoài không hiểu rõ sự tình có thể diễn giải bộ phim và những sự kiện trong đó theo hướng thất thiệt và bất lợi cho Hungary.
Bộ cũng nhấn mạnh rằng “
thời gian gần đây, trong rất nhiều trường hợp, báo chí Phương Tây đăng tải rất nhiều tin thất thiệt, nên Bộ cho rằng việc truyền tải những thông tin thực tế là quan trọng”. Ngoài ra, thông qua các Bộ, phim cũng được chính quyền Hungary tài trợ 18 triệu Ft để tỏ ý rằng, ngày nay, tại nước này, mọi nghệ sĩ đều được sáng tác bất cứ đề tài nào mà họ muốn.
Quan điểm bài Tzigane vẫn mạnh trong xã hội Hungary
Ðộng thái của chính quyền Hungary cho thấy vấn đề bài xích người Tzigane vẫn là điểm nhạy cảm đối với đất nước này. Tzigane (hay Roma) là cộng đồng sắc tộc thiểu số lớn nhất tại Hungary (chiếm tới 5-10% dân số, theo ước tính). Ngoại trừ một bộ phận nhỏ được coi là thành đạt và hội nhập với xã hội, đa phần sắc dân Tzigane sống nghèo khổ, tỉ lệ thất nghiệp, thất học và tội phạm cao, và thường là nạn nhân của các vụ bạo hành mang tính phân biệt chủng tộc.
Điều đáng nói là một số chính đảng, tổ chức cực hữu của Hungary - và ngay cả một bộ phận của cơ quan tư pháp, hành pháp Hungary - đã nhìn nhận và sử dụng khái niệm
“tội phạm Tzigane” để ám chỉ tỉ lệ tội phạm trong sắc dân Tzigane là khá cao. Quan niệm này phần nào đặt dấu ấn lên cái nhìn thiếu thiện cảm và thiếu đồng cảm của xã hội Hungary với những vấn nạn và khó khăn của người Tzigane.
Những năm trước, đã có nhiều nhóm Tzigane ở Hungary tràn sang một số nước như Pháp, Canada để tìm đất sống bằng cách xin tị nạn. Cho dù không khẳng định rằng chính quyền Hungary có chính sách phân biệt đối xử với sắc dân Tzigane, nhưng nhiều nước Phương Tây cũng đã cảnh cáo Hungary cần có biện pháp thích hợp và hữu hiệu hơn trong việc giúp dân Tzigane hội nhập vào xã hội bản địa, tránh được những bạo hành.
Trở lại bộ phim được Giải thưởng lớn của Ban giám khảo LHP Quốc tế Berlin lần thứ 62, truyền thông Hungary đã đặt câu hỏi: có thể gọi đó là một tác phẩm hủy hoại diện mạo và hình ảnh đất nước hay không? Và họ đã tự trả lời: hình ảnh Hungary sẽ bị phá hoại nếu người Hung lặng thinh, không lên tiếng về vấn đề này!
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.