Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: ÐẾN VỚI GIẤC MƠ CỦA ÐỜI MÌNH BẰNG ÐIỆN ẢNH

Thứ ba - 13/03/2012 10:32

(NCTG) “Với điện ảnh, tôi nghĩ mình đang trên đường đi đến các giấc mơ” - nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ nhân bộ phim “Ngọc Viễn Ðông” được chuyển thể trên cơ sở các truyện ngắn của chị và do chính chị biên kịch được ra mắt tại Việt Nam.


Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Cường Ngô - Ảnh do đoàn làm phim cung cấp


Không chỉ thành công với nhiều tác phẩm văn học, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc (NTMN) còn là một nhà biên kịch nổi tiếng với nhiều bộ phim xuất sắc như “Hải Nguyệt” (đạo diễn Trần Mỹ Hà), “Sống trong sợ hãi” (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên).

Ðịnh cư tại Mỹ cùng gia đình, nhưng hiện tại, NTMN đang ở Việt Nam với sự kiện ra mắt chuỗi phim ngắn “Ngọc Viễn Ðông” của đạo diễn Cường Ngô (Ngô Quốc Cường). Phim được quay tại nhiều địa danh trải dài khắp đất nước cùng sự thủ diễn của nhiều các ngôi sao điện ảnh nữ Việt Nam như NSND Như Quỳnh, Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân.

Mới đây, “Ngọc Viễn Ðông” đã được giải tại Liên hoan phim Ðộc lập California lần thứ 14 (San Francisco, Mỹ) tại hai hạng mục: Phim có cảnh quay đẹp nhất và Nhạc phim hay nhất. Nhân dịp phim được ra mắt độc giả Việt Nam và hạ tuần tháng 3-2012, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị về nhân duyên của NTMN với điện ảnh.


Cùng các thành viên trong đoàn làm phim
- Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

- Có thể gọi sự ra đời của “Ngọc Viễn Ðông” là một hành trình: từ khi ekip sản xuất từ Canada về Việt Nam cho đến lúc phim được công chiếu trong nước. Chị cảm giác như thế nào, khi tác phẩm của mình một lần nữa được tái sinh bằng ngôn ngữ điện ảnh?

Nhà văn NTMN: Khi còn là một thiếu nữ, đang học tại trường Phan Bội Châu (Phan Thiết) cùng với thầy cô bạn học đi bộ từ thị xã Phan Thiết ra Mũi Né (khoảng 20 km), nghe tiếng súng xa xa từ mật khu Lê Hồng Phong vẳng tới, chúng tôi vẫn ngất ngây với những cảnh đẹp hoang sơ tuyệt vời của vùng biển ấy và mơ khi hòa bình, chúng tôi sẽ được đi.... bộ dọc theo chiều dài đất nước và chọn ra vài chỗ để làm phim. Bốn mươi năm sau, giấc mơ ấy được thành sự thật.

Mọi giấc mơ đều phải trả giá, như nàng tiên cá muốn có đôi chân để lên bờ phải mất đi cái lưỡi khiến hoàng tử không nhận ra ân nhân cứu mạng, người sở hữu giọng hát tuyệt vời mà chàng suốt đời tìm kiếm.

Nhiều độc giả yêu mến truyện của tôi không hài lòng khi xem phim. Biết sao bây giờ?! Họ bảo cuốn phim như nhát búa đập tan nát... Ngọc. Nhưng dù là có... ngọc nát, vàng phai vẫn còn đó chất vàng, chất ngọc, không chỉ vì những nhát búa mà ngọc dễ dàng thành đất, thành bùn.

- Lý do nào khiến chị gửi gắm những tác phẩm của mình cho một đạo diễn trẻ như Cường Ngô để chuyển thể thành phim? Tại sao bộ phim ra đời có vẻ chậm trễ so với dự kiến?

Tôi không gửi mà Cường Ngô xin được xem trên 70 truyện ngắn cùng một tiểu thuyết của tôi để chọn lại chuyển thể thành phim.

Trước đó, khi còn đang theo học trường Cao đẳng Sân khấu - Ðiện ảnh TP HCM với giáo viên chủ nhiệm là NSND Ðoàn Dũng (cùng thế hệ với diễn viên Lê Khánh), Cường có tham gia vài chương trình sân khấu hóa lớn mà tôi là tổng đạo diễn.

Khi cùng với nhà thiết kế Ngô Thái Uyên tham gia chân phụ việc cho khâu phục trang trong phim “Người Mỹ trầm lặng”, Cường may mắn được nhà sản xuất Doug Dales (đã mất) hỗ trợ cho việc sang Canada học đạo diễn phim. Sự ra đi của ông là một trong những lý do khiến chúng tôi phải kéo dài việc hoàn tất phim nầy.

- Chị có hài lòng về cách xử lý câu chuyện, nhân vật khi đạo diễn thực hiện tác phẩm? Quá trình hợp tác của chị - với tư cách là biên kịch - và đạo diễn phim như thế nào?

Càng tham gia vào sản phẩm này, tôi càng thấm thía nhận định của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về “bốn tên mafia trong văn hóa, văn nghệ”: quyền lực, tiền bạc, tôn giáo và tình yêu.

Quyền lực kiểm duyệt trói tay chúng tôi!

Ðồng tiền làm khó chúng tôi từ khâu sáng tác đến lúc làm hậu kỳ. Khi phim hoàn tất càng gay go hơn lúc trước và sau khi phát hành.

Nhưng hiểm nguy nhất vẫn là khi thuyết phục nhau với Tình Yêu, tranh cãi với những tình thân mà mình đã chấp nhận từ đầu rằng đây là một sáng tác của... tập thể.


Diễn viên Ngô Thanh Vân trong phim

- Lần này, “Ngọc Viễn Ðông” đi kèm sản phẩm bổ sung là một cuốn sách tiếng Anh. Chị nghĩ thế nào về dự án dài hơi và nhiều rủi ro này?

Nhà xuất bản Phương Nam trong buổi giao lưu ra mắt sách có cho biết cuốn sách này là anh lính tiên phong mở đường của nhà sách Phương Nam trong nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới.

Lâu nay khi tham gia hội sách, việc chính của chúng ta là đi lùng mua sách nước ngoài mang về dịch thuật, ít ai nghĩ đến chuyện dịch sách từ tiếng Việt mình để thế giới hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam. Tháng 10 này, cuốn sách sẽ được giới thiệu tại Hội chợ sách Quốc tế ở Frankfurt (Ðức).

Tôi rất hài lòng về dự án này và không thấy chút gì rủi ro trong đó. Khi xuất bản cuốn “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ” cách đây bốn năm, tôi đã tặng trong tiền thù lao cho nạn nhân bị sập cầu Cần Thơ, ngoài ra tôi còn lấy nhuận bút của kịch bản sân khấu mua thêm cuốn này để vừa diễn kịch, vừa bán sách lấy tiền tặng cho các nghệ sĩ, anh em công nhân sân khấu gặp khó khăn lúc về chiều.

Tôi cũng đang làm như thế với cuốn này. Tiền thu được từ việc bán sách sẽ được dùng để giúp các em, đặc biệt các bé gái bị thân nhân bán đi vào các động điếm ở Campuchia, bị xâm phạm tính dục.

- Tôi ấn tượng với phim “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên do chị là biên kịch, đó là một tác phẩm điện ảnh có nghề ở câu chuyện hay, nhân vật độc đáo, tình huống đặc biệt. Theo chị, ở một nhà văn và một biên kịch điện ảnh, điểm chung, điểm khác nhau là gì?

Nhà văn toàn quyền sanh sát với đứa con của mình. Trong sân khấu và điện ảnh, người biên kịch đóng vai trò của người giúp việc cho đạo diễn. Ðó là các tác phẩm mà đạo diễn đứng tên.

- Kế hoạch sắp tới của chị? Sẽ có phim mới dựa trên tác phẩm văn học đã có hay là những kịch bản hoàn toàn mới?

Tôi đang chuyển hai tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam, một viết tại Nam Việt Nam trước 1975 và một sau 1975. Trong hợp đồng ký kết có giao ước quyền công bố thuộc về nhà sản xuất.

Cạnh đó, tôi cũng có những kịch bản hoàn toàn mới:
    
Một kịch bản có hát và múa cùng làm với Cường Ngô và ca sĩ Ưng Hoàng Phúc mà đối tượng là các bạn trẻ.
    
Một kịch bản về Phật Giáo cho Sala film của những người bạn cùng chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo này như một triết lý làm nền cho thái độ sống.

Năm 2011, tôi được tin kịch bản “Con ngựa vằn” do tôi cùng đạo diễn Ðinh Anh Dũng (viết xong từ 2005) nhận được tài trợ của Cục Ðiện ảnh. Lẽ ra tháng 3 này phim đó được bấm máy nhưng rồi... thế sự thăng trầm, Dũng vừa rồi gặp tôi có đề nghị hay là mình... quên nó đi để cùng viết chung một kịch bản mới.

Ngoài ra tôi còn phụ một tay vào việc sản xuất phim “Hảo hớn Quảng Nôm” của đạo diễn việt kiều Roland Nguyễn Văn Nhân (con trai của chồng tôi). Cậu vừa xong việc dựng cho “Cưới ngay kẻo lỡ” của Chánh Phương film.

- Với nghề viết, chị tâm đắc điều gì? Với điện ảnh, chị say mê cái gì?

Cả hai đều cho tôi được gặp những tri âm, có thể sống khác không gian với mình, và nhiều khi khác cả thời gian.

Nghề viết, được tôi coi là nghiệp hơn là nghề. Không có sự thúc bách của tập thể, tôi cứ hẹn lần ngày hoàn tất tác phẩm, nhưng ở đây tôi dễ được... là Mình hơn.

Với điện ảnh, tôi nghĩ mình đang trên đường đi đến các giấc mơ. Những giấc mơ thì không bao giờ kết thúc nhưng nó có lúc khởi đầu.

Trước 1975, được học với đạo diễn Ðặng Trần Thức, tác phẩm “Hè muộn” của thầy ám ảnh tôi – chúng tôi có sử dụng vài khoảnh khắc của “Hè muộn” trong phần 7 “Thời gian” của phim “Ngọc Viễn Ðông”.

Tôi không mong cầu chuyện hơn thua phim ấy dù dân gian nói “con hơn cha là nhà có phúc”. Tôi chỉ mong thầy trò được “gặp” lại nhau qua tác phẩm. Biết đâu, lại có những học trò của tôi tiếp tục loạt giấc mơ không thể kết thúc này.

Năm 2007, khi tôi được VIFF (Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế, liên hoan phim duy nhất dành riêng cho các nhà làm phim gốc Việt trên toàn thế giới) vinh danh vì là đồng biên kịch của phim “Sống trong sợ hãi”, thầy Thức có đến dự.

Tôi đã mời thầy lên, được đứng cạnh thầy và cho tới bây giờ, tôi vẫn bất ngờ trước việc khi trút nhiều đam mê vào bộ môn nghệ thuật này, tôi đã phần nào chạm được giấc mơ sau ngày lạc thầy ngay đúng ngày 30-4-1975.

- Xin cám ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi thú vị này!

Như Hải Quỳnh thực hiện


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn